Sunday, May 19, 2024

Uzbekistan và động đất tại Trung Á

Cộng Hòa Uzbekistan không có lãnh đạo mà sẽ lãnh họa…


Hùng Tâm

Giữa những tin tức nóng bỏng về chính sự tại Hoa Kỳ, chiến sự tại Đông Á hay quân sự tại Trung Đông, một biến cố nhỏ có khi lại xé thành to ở trung tâm của cả đại lục Âu Á. Trung tâm đó là Trung Á, nối kết cả Trung Đông lẫn Nam Á qua tới Liên Bang Nga và Viễn Đông.

Nơi có chuyện là một quốc gia bị hai lần khóa trong lục địa vì không tiếp giáp với biển, lại nằm giữa năm nước cũng bị khóa trong lục địa. Đó là Cộng Hòa Uzbekistan, với Kazakhstan phía Bắc, Kyrgyzstan phía Đông-Bắc, Afghanistan phía Nam, Tajikistan ở hướng Đông-Nam và xứ Turkmenistan về hướng Tây-Nam. Biến cố nhỏ là Tổng Thống Islam Karimov có thể vừa qua đời ở tuổi 78. Sở dĩ phải viết là “có thể” vì hôm 28 có tin ông bị tai biến mạch máu não, hôm sau có tin ông đã tạ thế, qua ngày 30, trưởng nữ của ông là Gulnara Karimova phủ nhận tin này và cho biết ông đang hồi phục. Cho đến Thứ Tư 31, chính thức thì Uzbekistan vẫn có Tổng thống, thực tế thì ông Karimov đã vắng mặt và hết cầm quyền.

Chuyện kỳ bí không là tổng thống Uzbekistan còn sống hay chăng mà là cái gì sẽ xảy ra sau khi một lãnh tụ đã nắm quyền từ một phần tư thế kỷ hết còn khả năng lãnh đạo? Chuyện đáng chú ý hơn vậy là khi Uzbekistan đổi chủ, cả vùng Trung Á sẽ bị động đất, với dư chấn lan rộng khắp nơi, tới tận bên Tầu.

Vì vậy, Hồ Sơ Người-Việt sẽ nhìn vào trung tâm của Trung Á, vào chuyện Uzbekistan.

Uzbekistan là xứ độc tài độc đáo

Nằm giữa Con Đường Tơ Lụa nguyên thủy của Trung Quốc, xứ Uzbekistan từng nổi tiếng với lãnh tụ Timur hay Tamerlane của thế kỷ 14, là chiến tướng có tài, có tật hiếu sát mà lại có công về văn hóa nghệ thuật vì bảo tồn được sắc thái đa diện của một vùng đất tiếp cận với các nền văn hóa lớn của nhân loại, từ Hy Lạp, Ba Tư, tới Mông Cổ, Thổ, Hồi, Nga, Tầu, v.v… Đấy là loại chi tiết hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Chuyện độc đáo không chỉ là chế độ độc tài của một quốc gia nằm giữa các thế lực ly tâm nên lãnh tụ phải gom mọi sự về một mối. Nét độc đáo là Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Uzbek Islam Karimov đã tuyên bố độc lập đúng 25 năm trước, ngày 31 Tháng Tám năm 1991, khi Liên Bang Xô Viết tan rã, rồi trở thành tổng thống giữ toàn quyền đu dây trong 28 năm giữa các thế lực trong ngoài mà lại quên chuẩn bị người kế nhiệm.

Bây giờ Uzbekistan mới như rắn không đầu.

Nói về thế lực bên trong, ông Karimov có hai con gái xung khắc như nước với lửa, bà nào cũng muốn chi phối thân phụ. Con gái lớn là nhà ngoại giao và doanh gia Gulnara Karimova thì có tham vọng lớn, đến độ đối nghịch với cha về chuyện tham nhũng và bị điều tra rồi tống giam cũng vì tham nhũng. Người em là Lola Karimova-Tillyaeva thì ôn nhu hơn, làm Đại Sứ Uzbek tại tổ chức văn hóa quốc tế UNESCO và cũng có ảnh hưởng vì hoạt động mạnh về văn hóa giáo dục và tranh đấu cho quyền lợi của các thiếu nhi. Đấy là chuyện thâm cung bí sử, như thời Trung Cổ.

Vòng ngoài, lãnh tụ Karimov là tộc trưởng của thị tộc có ảnh hưởng và giữ thế trung tâm giữa các thị tộc có sắc thái bang hội trên một khu vực gồm ba vùng lớn là Samarkand, Tashkent, Fergana và bốn vùng nhỏ hơn là các tỉnh Jizzakh, Kashkadarya, Khorezm và Karakalpak. Các thị tộc ấy có tên của địa phương, như Samarkand, Tashkent, hay Fergana… và mạnh hay yếu là theo dân số. Nói cho dễ hiểu thì Uzbakistan với dân số 31 triệu là một tập hợp của nhiều lãnh chúa và lãnh đạo là lãnh chúa có quyền hơn cả vì phân phối quyền lợi cho các phe phái kia.

Hệ thống chính trị đó cũng đã “kinh qua xã hội chủ nghĩa” khi rơi vào quỹ đạo Xô Viết, và đảng Cộng Sản Uzbek tập trung quyền lực trên cơ sở của những dị biệt này.

Xem thêm video: Chuyến bay thương mại đầu tiên từ Mỹ đến Cuba sau hơn 50 năm

Thật ra, vào đầu thế kỷ 20, nhiều địa phương Uzbek đã có ước vọng thống nhất quốc gia và Tây phương hóa theo lý tưởng dân chủ mà không thành vì thứ nhất là khó thống nhất và thứ hai là nạn xâm lăng của Liên Xô. Từ đó, như tại nhiều vùng chiếm đóng khác bên Nga hay bên Tầu, đất Uzbekistan được cải danh, thành nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Tự Trị Turkestan.” Khi quốc hiệu lại dằng dặc như vậy, ta biết ngay là có vấn đề vì cái gì cũng muốn gom làm một. Sau đó, y như Mao Trạch Đông sau này, Joseph Stalin còn chia ba xẻ bảy thành những nước nhỏ và xê dịch biên giới, di dời sắc tộc để cai trị cho dễ.

Trong hoàn cảnh địa dư, lịch sử và chính trị ấy, ta dễ thông cảm với sự ứng biến của Tổng Bí Thư Islam Karimov khi Liên Xô tan rã.

Ông vẫn cầm quyền trên một lãnh thổ thống nhất, viết lại Hiến Pháp và tổ chức bầu cử để làm tổng thống và giữ quan hệ tương đối hòa hoãn với các lân bang và ba đại cường là Liên Bang Nga, Trung Cộng và Hoa Kỳ. Mối giao hảo tốt đẹp của xứ Uzbek với Hoa Kỳ chỉ bị khựng khi các cuộc cách mạng dân chủ đầy màu sắc tươi đẹp từ Georgia, Ukraine lan tới xứ Kyrgyzstan ở bên cạnh vào những năm 2003, 2004 và 2005, khiến lãnh đạo Uzbek chột dạ…

Bây giờ, Karimov không còn nữa, và cũng chưa chọn người kế vị, Uzbekistan sẽ trôi về đâu?

Các thế lực dòm ngó

Trong hiện tình còn mờ ảo, Thủ Tướng Shavkat Mirziyoyev có nhiều hy vọng kế nhiệm vì ông lãnh đạo thị tộc Samarkand của Karimov, là một trong hai sắc tộc mạnh nhất của xứ sở, quy tụ 40% dân số toàn quốc. Thị tộc kia là Tashkent thì có Rustam Inoyatov, 75 tuổi, người cầm đầu bộ máy an ninh và nhân vật có thế lực thứ hai của chế độ. Vì hai bên kình chống nhau trong thế bất phân thắng bại, họ có thể phải dung hòa và chấp nhận người thứ ba là Phó Thủ tướng Rustam Azimov, 60 tuổi. Hoặc tìm cách chia quyền trong thế tam phân mà không gây ra khủng hoảng chính trị. Chuyện này không dễ.

Đã vậy, chung quanh còn có nhiều quốc gia và thế lực khác cũng dòm ngó để chi phối nội tình Uzbekistan.

Liên Bang Nga xưa nay vẫn coi Uzbekistan là chư hầu và gây sức ép với lãnh tụ Islam Karimov về ngoại thương, kinh tế và cung cấp võ khí. Uzbekistan có một đặc điểm là có cộng đồng Uzbek rất đông ở hải ngoại, hàng năm vẫn gửi tiền về nhà. “Hải ngoại” đó là các lân bang và đất Nga nơi sinh sống của 8% dân số Uzbek dưới dạng lao động xuất cảng, mỗi năm gửi về nước ngân khoản lên tới 11% tổng sản lượng. Với Tổng Thống Vladimir Putin, Uzbekistan là vùng cần kiểm soát vì bảo vệ biên giới miền Nam và nhất là ngăn ngừa được ảnh hưởng Hồi Giáo. Chính quyền Karimov cố gắng du dây để phần nào tránh được việc Nga bị chi phối quá mạnh.

Không còn Karimov, Nga sẽ có cơ hội lấn tới… Lợi thế của Putin là thị tộc Fergana đông dân nhất và quan hệ với các tài phiệt và tướng lãnh của quân đội. Và trước tiên là khóa vòi nước “kiều hối” là tiền cua dân Uzbek bên Nga vẫn gửi về nhà.

Thứ hai, Trung Cộng là cường quốc trong vùng cũng nhìn vào Uzbekistan như nơi phát triển ảnh hưởng làm vùng trái độn bảo vệ biên giới miền Tây và khu vực Tân Cương đầy bất ổn của họ. Với Chủ Tịch Tập Cận Bình, xứ Uzbek còn có ý nghĩa quan trọng khác vì nằm trên trục lộ của giấc mơ hiện đại hóa Con Đường Tơ Lụa gọi là “Nhất Đới Nhất Lộ.” Lợi thế của Bắc Kinh là tiền đầu tư và nhược điểm của Uzbekistan nếu so với các lân bang như Kazahkstan, Kyrgyzstan hay Tajikistan là nhận được quá ít đầu tư mà đang có nhu cầu rất lớn. Khi Tổng Thống Karimov rút khỏi Hiệp Ước An Ninh Tập Thể (Collective Security Treaty Organization) vào năm 2012 để thoát khỏi ảnh hưởng quá mạnh của Nga thì Bắc Kinh đã có cơ hội mồi chài. Với việc đổi chủ tại Uzbekistan, Bắc Kinh sẽ có cơ hội mới…

Ngoài hai cường quốc Nga Tầu, các nước Cộng Hòa Trung Á kia cũng đều theo dõi nội tình Uzbek. Nếu xứ này có loạn vì tranh giành quyền lực, họ sẽ bị họa lây như đã từng bị trong quá khứ với làn sóng nạn dân tràn qua biên giới. Huống hồ, lãnh tụ của họ cũng đều là bậc cao niên luống tuổi, lên cầm quyền từ buổi giao thời “Hậu Xô Viết.” Và xứ nào cũng có một cộng đồng Uzbek đông đảo giàu có, thuộc nhiều thị tộc khác nhau, nhất là tại Kyrgyzstan và Tajikistan. Biến động chính trị về chuyện thay bậc đổi ngôi tại Uzbekistan có thể dội ngược vào trong các lân bang Trung Á. Và khủng hoảng tại Trung Á sẽ gây chấn động cho cả đại lục Âu Á, chưa nói đến cục diện quá bất ổn tại một nước láng giềng đang bị nạn khủng bố Hồi Giáo là Afghanistan!

Kết luận ở đây là gì?

Thế giới không chú ý đến xứ Uzbekistan nên ít ai thấy rằng đấy là tâm điểm của Trung Á. Khi Islam Karimov không còn, thời sự sẽ nói đến hiện tượng “cú dòm nhà ma” để xem lãnh đạo Uzbek xử trí với việc chuyển giao quyền lực như thế nào. Nhưng vấn đề không đơn giản là chỉ có vài ba vây cánh đang tranh đoạt bên trong mà thôi. Tình hình có thể nguy kịch hơn vậy, và bất ổn tại Trung Á sẽ là trận động đất lan rộng, kéo dài.

MỚI CẬP NHẬT