Con cọp giấy

Bùi Bích Hà

Tối Thứ Năm, 27 Tháng Bảy, tôi và vài người bạn đến hội trường nhật báo Người Việt tham dự buổi giảng pháp của một nhà sư Tây Tạng với phương danh khó đọc, khó nhớ nếu tôi không có may mắn ngồi ngay sau lưng một bạn trẻ thuộc nhóm tổ chức. Cô ngồi kiết già gọn ghẽ trên cái ghế xếp dành cho thính chúng, chăm chú lắng nghe. Cô mặc trùm ra ngoài áo trong cái T-shirt màu rêu đậm, có in hàng chữ viết nghiêng, nét bay bướm: Khổ đau chỉ là con cọp giấy – Suffering is only a paper tiger. Bên dưới là danh hiệu và tên tác giả Khenpo Tsultrim Lodro.

Trên sân khấu, ngồi giữa hai nữ thông dịch viên một tiếng Anh và một tiếng Việt, Ðại Sư Tsultrim Lodro có ngoại hình trẻ hơn tuổi 55 của ngài, khuôn mặt trí tuệ, thần thái ung dung, cánh mũi kín, đôi mắt nhỏ, ánh nhìn thuần hậu. Ngài có học vị Tiến sĩ Phật học, thông thạo Tạng ngữ và Hoa ngữ, được xem là một trong những vị đạo sư thông tuệ và sáng chói nhất thuộc thế hệ của ngài. Dưới danh hiệu “Khenpo Phóng sinh,” ngài hiện là phó viện trưởng nổi tiếng uyên bác thuộc Ðại Học Viện Ngũ Minh Khoa Học Phật Giáo Larung Gar, một học viện lừng lẫy, tiêu biểu tại Tây Tạng, khai lập năm 1980. Vào lúc cao điểm, viện đã từng thu hút hơn 10,000 tu sinh. Ðại Sư Tsultrim Lodro có ảnh hưởng rất lớn trong các cộng đồng Phật tử Tây Tạng, Trung Hoa, Mã Lai, Singapore về các hoạt động cổ võ ăn chay, phóng sinh, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa. Ngài cũng thường được các trung tâm Phật Giáo và các đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ, Canada và Úc mời thỉnh giảng.

Buổi pháp thoại vào cửa tự do, có thức ăn nhẹ, được tổ chức Việt Nalanda Foundation bảo trợ, kéo dài 3 tiếng đồng hồ gồm cả phần hỏi/đáp, từ 6 đến 9 giờ tối. Bước vào hội trường, quang cảnh chung trước mắt khiến tôi có chút ngỡ ngàng vì xem ra các ông/các anh nhiều hơn các bà/các cô. Do thiên kiến, do gặp gỡ nhiều bạn gái ở nhiều lứa tuổi mang tâm trạng sầu đau bởi nhiều nguyên nhân, tôi chủ quan nghĩ rằng Thượng Ðế không công bằng nên bắt người phụ nữ chịu khổ nhiều hơn nam giới, ngờ đâu con số giữa đôi bên nghe chừng tương đương, có khác chăng là đàn ông ít thở than tâm sự mà khi có điều kiện, họ tự đi tìm thầy chạy thuốc đúng nơi, đúng người.

Ngồi ở hàng ghế trước tôi là một đôi vợ chồng có lẽ ở độ tuổi trên dưới 50. Người chồng để tay lên lưng ghế cho người vợ tựa đầu. Như vậy, vấn đề của họ chắc nằm ngoài lãnh vực tình cảm. Người chồng chăm chú nghe pháp kỹ hơn, có vẻ như ông là thuyền trưởng của con tàu đang mất phương hướng trên đại dương. Kinh doanh thua lỗ? Con cái bệnh nạn hay bất ngờ qua đời? Nét mặt bối rối, bất an của họ không có bóng tối của tang tóc, nếu họ đang nếm trải khổ đau thì hẳn là chỉ liên quan đến tài chánh hay một điều gì khác trong muôn vàn hệ lụy của đời người. Quả nhiên gần cuối buổi giảng pháp, vài người lăng xăng giúp ông chuẩn bị cái khung hình lộng kiếng một chiếc lá bồ đề bằng vàng, kích cỡ như một chiếc lá thật, rất đẹp, có lẽ chờ để xin được đại sư chú nguyện. Tôi có công việc phải rời hội trường giữa phần hỏi/đáp nên không biết dự đoán này có xảy ra lúc cuối buổi mạn đàm với chủ đề “chuyển hóa khổ đau” hay không?

Tôi vốn có một thắc mắc lớn mà mãi tới đêm nay mới hốt nhiên có câu trả lời. Xung quanh tôi, khuynh hướng tu tập trong đại chúng ngày càng phát triển rộng rãi. Chùa lớn, chùa nhỏ hầu như có mặt trên nhiều con đường đông người qua lại trong hoặc lân cận khu Tiểu Saigon của cộng đồng người Việt. Bên cạnh những công trình xây cất xa hoa, tốn kém, rất nhiều ngôi nhà khiêm nhường trở thành chùa chỉ đơn giản nhờ mấy lá cờ Phật Giáo treo ở mặt tiền, thảng hoặc một pho tượng Phật chiếm một vị trí dễ thấy trong sân trước. Các gia đình Phật tử gồm ít nhất ba thế hệ, siêng năng đi chùa những ngày cuối tuần hoặc trong các dịp lễ lớn đã thành truyền thống. Thính chúng nhiệt tình rủ nhau đi nghe thuyết pháp theo tin tức loan báo trên các phương tiện truyền thông. Ấy là chưa đề cập đến các khóa thiền tập tổ chức thường xuyên tại các thiền đường hoặc thỉnh thoảng những buổi sinh hoạt Phật sự khi có các bậc cao tăng từ ngoại quốc tới đây trên đường hoằng dương chánh pháp như tối hôm nay. Xem ra số người có khuynh hướng tu thân ngày càng nhiều tuy không ai biết nhiều đến đâu mới là đủ khi vẫn còn thấy khổ đau đầy rẫy khắp nơi, những khuôn mặt đăm chiêu không có nụ cười và dễ dàng nổ ra tức giận, những tranh cạnh, hơn thua thay vì nhường nhịn từ một chỗ đặt chân hay đậu xe, những ngộ nhận vì sân hận giữa bạn bè hay thân thuộc đưa tới phiền muộn, những lời thậm từ không cần thiết thốt lên đó đây hay viết xuống với lòng rẻ rúng trên các trang mạng xã hội. Tôi tự hỏi đâu rồi hương thanh tịnh từ những đóa từ bi được ươm trồng và ban phát rộng rãi chốn thiền môn?

Tối hôm nay, ngồi trong phòng họp nghe giảng pháp, nhìn dung quang an nhiên, từ ái của Ðại Sư Lodro, giọng nói Tạng ngữ với âm ba ôn hòa, mạch lạc, trôi chảy không chút ngập ngừng của bậc hành giả, thể hiện trọn vẹn các tín lý ngài muốn truyền đạt tới người nghe, tôi nghiệm ra sự khác biệt lớn giữa kẻ cho và người nhận. Tất nhiên khác biệt ấy không ở tuổi đời hay ở khoảng không gian giữa các chỗ ngồi từ năm ba đến vài chục bước chân trong hội trường, giữa đại sư và thính chúng mà ở khoảng không gian ngược về quá khứ, vài năm, vài chục hay vài trăm năm, ngàn năm của nhiều kiếp người; ở khả năng thẩm lậu kinh nghiệm tu học, kinh nghiệm sống áp dụng từ các thu hoạch cá nhân của những mảnh vườn riêng, nhỏ xíu nhưng quyền lực, trong trái tim, trong bộ óc, với những mạch nước ngầm là hệ thần kinh nối kết chúng trong thân thể một người. Ðể mô tả mối tình không thành tựu, một nhà thơ tiền chiến đã viết: “Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu, người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.” Nhiều chục năm sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới thấp thoáng nhìn thấy nguyên do vượt lên trên điều người ta vẫn đổ thừa cho số phận: “Làm sao em biết bia đá không đau?” Có thật là bia đá biết đau không hay tấm lòng chai đá của con người chìm trong khổ đau thế gian mênh mông như biển khơi vô tri, có lúc cũng mềm ra? Chẳng thế mà ông bà mình xưa kém nhạy cảm, không tư duy lãng mạn bằng người nghệ sĩ thời nay, cũng để lại cho đời sau một câu tục ngữ đáng chiêm nghiệm: “Ðá chảy mồ hôi.” Có một thực tế chứng minh được: ngoại trừ các thiên tài hiếm hoi trong kiếp đời hiện tiền, sinh ra đã vĩ đại (dù có thể cũng là trái quả của nhiều tiền kiếp luân hồi, tin là vậy nhưng không chứng minh được,) kỳ dư những vĩ nhân/danh nhân/anh hùng trong lịch sử đều thường trải qua nỗi những nỗi khổ đau, những cảm xúc bầm gan, tím mật làm đá chảy mồ hôi, đi từ bản thân mở rộng đến tha nhân, từ số một tới số hàng triệu triệu thì hiện tượng chuyển hóa sẽ xảy ra bằng sự thôi thúc của sức mạnh chung gộp lại. “Cùng tắc biến, biến tắc thông.” Câu hỏi là đã “Thật Cùng” chưa hay chỉ mới là cơn đau đầu cần vài viên Tylenol là hết? Thậm chí có khi chỉ là cảm giác buông xuôi sau một ngày làm việc mỏi mệt?

Trở lại với buổi giảng pháp của Ðại Sư Lodro. Ngài dạy hãy nhìn khổ đau là một con cọp giấy để không sợ nó, để làm quen với nó và thuần hóa nó, để thấy nó không hãm hại được chúng ta. Thấy được như vậy là chứng ngộ, là đã hiểu thế nào là “tánh không.”

Trong lúc thành tâm ghi nhận chân lý của lời giảng, tôi cũng đồng thời biết rằng thực hiện lời giảng ấy không dễ cho đại chúng vì căn cơ, nghiệp quả mỗi người mỗi khác, nặng/nhẹ, dày/mỏng, thâm sâu hay cạn cợt không giống nhau. Vả chăng, kinh nghiệm ứng xử từ cái tâm của bậc chân tu đạt đạo rất khó noi theo cho thế gian còn mò mẫm trong vô minh. Chân lý, theo Ðại Sư Lodro, là sự khổ đau không tự nó đốn ngã con người mà tùy thuộc cách con người nhìn nó là cọp thật hay cọp giấy để phản ứng bình tĩnh hay hoảng loạn. Ðến đây, tôi tự hỏi vì sao phần đông ai cũng sẵn sàng nghĩ là hạnh phúc không có thật nhưng lại không mấy ai nghĩ cùng một cách về khổ đau? Ðến nỗi nhân gian không ngớt nhắc đi nhắc lại câu nói như sấm truyền “Ðời là bể khổ.” Cụ Nguyễn Công Trứ là nhà hiền sĩ thành danh, cũng hạ bút phán như sau: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui đã chẳng cười khì” tuy rằng y khoa ngày nay tiến bộ, cắt nghĩa tiếng khóc của trẻ sơ sinh là hoạt động tự nhiên của bộ hô hấp, chẳng liên quan gì tới chuyện buồn vui của cuộc đời. Nghĩ cho cùng, nếu không có hạnh phúc, làm sao nhận diện được khổ đau hay ngược lại? Chúng là hai mặt trước sau của một tấm mề đai, là ngày (ánh sáng) và đêm (bóng tối) theo mặt trời/mặt trăng. Có cái này tất có cái kia và cũng ngược lại, không có cái kia tất không có cái này. Thích mặt này hay mặt kia chỉ là cảm xúc thoáng qua như ngày/đêm đến rồi đi theo luật tuần hoàn trong vũ trụ trừ phi chúng ta khăng khăng muốn giữ chỉ một mặt thôi (là điều không tưởng) nên sẽ bất bình và đưa tới khổ đau. Ôm giữ giữa vô thường vạn vật là tự chuốc lấy phiền não. Có người coi đời sống như một cuộc họp mặt bạn bè vui chơi rồi chia tay, tiếng cười chen tiếng khóc, dài lâu hay ngắn ngủi nào ai biết nên sao không thoải mái buông mình vào những phút giây hiện tại, cách nào thì cũng như ngụm rượu thơm trôi qua cổ họng , ngọt ngào hay đắng cay đều sẽ qua đi. Có người như kẻ viết bài này, cảm nhận cuộc đời hết nắng rồi mưa, hết mưa rồi nắng, buồn vui theo nhau như bóng với hình nên giữ lòng nhẹ nhàng, thanh tịnh rồi vô tình chứng ngộ được “tánh không” như dẫn giải của Ðại Sư Lodro, tự giải thoát mình ra khỏi gông xiềng của vọng niệm mê lầm và nghiệp lực đeo đuổi.

Ðạt được tánh không thì có hay không có, còn hay mất, hạnh phúc hay khổ đau đều là KHÔNG cả. Nơi an trú đẹp nhất của con người là cái tâm buông xả, gỡ bỏ mọi tham sân nên có khả năng vươn tới cảnh giới tự do vô hạn của trí huệ, vượt lên trên cái hữu hạn của thân tứ đại sẽ một ngày lại quay về làm cát bụi.

Và, chính là trong cảm nhận về tự do tuyệt đối ấy, con người đồng thời cảm nhận hạnh phúc.

Vào trại giam thăm chồng, bị chồng đâm chết ở Bình Thuận