Wednesday, April 24, 2024

Đồng Tâm, những điều chưa nói hết!

Huy Phương

Qua tin tức báo chí ngay trong nước, chúng ta cũng  biết thời đại này là thời đại những kẻ có quyền lực sống mạnh, sống giàu nhờ đất và đám dân đen khốn khổ vì mất đất, suốt đời mang khăn gói đi khiếu oan vì đất hay chết vì giữ đất. Câu chuyện quanh quẩn theo từng bước: chính quyền cướp đất, đền bù rẻ mạt, đền một thì bán ra năm. Dân không chịu di dời thì dùng biện pháp “cưỡng chế,” cưỡng chế không được thì bố ráp, tấn công. Trong những cuộc tấn công bằng xe ủi đất, súng đạn này, phía nhân dân đứng về phần chịu thiệt, vì gậy gộc không chống lại được vũ khí và nhân lực hùng hổ, nên đã nhiều người vào nhà tù, thậm chí là bị kêu án tử hình, như nhà ngụ ngôn La Fontaine, Pháp đã nói: “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng đúng! (La raison du plus fort est toujour la meilleur).

Dân Đồng Tâm đã khẳng định ý đồ của quyền lực là muốn chiếm đất Đồng Tâm vì nó đã được chính quyền huyện Mỹ Đức bán cho tập đoàn Viettel, nên bằng mọi giá chính quyền phải thâu tóm mảnh đất này, thời gian lấy đất chỉ là chóng hay chầy mà thôi.

Ngày 31 Tháng Mười Hai, 2019, lực lượng của Bộ Quốc Phòng triển khai xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, không có sự ngăn cản, chống đối mà chỉ nghe “tuyên bố sẵn sàng đổ máu để giữ đất, chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế, đe dọa cho nổ cây xăng Miếu Môn, đốt nhà chủ tịch xã chống đối việc xây tường bảo vệ khu vực sân bay Miếu Môn.” Đây chỉ là tin tình báo, nghĩa là ngày bộ đội bắt đầu vào xây tường rào, chưa thấy dân Đồng Tâm manh động ra mặt tấn công.

Nhưng vì sao vào đêm ngày 9 Tháng Giêng, vào lúc 3 giờ sáng, lực lượng công an lại bao vây, tấn công vào nhà ông Lê Đình Kình, mà công an coi như là bộ chỉ huy đầu não của một cuộc bạo loạn sắp nổ ra. Không một công an nào trong lực lượng đột kích bị thương hay chết vì lựu đạn hay gươm giáo của dân làng, mà theo thông cáo chính thức, chỉ có ba sĩ quan, trong đó có một cấp tá, bị rơi xuống hầm ga, sâu 4 mét gần nhà ông Lê Đình Kình, trong khi gia đình ông Kình có hai người chết vì súng đạn của lực lượng chính phủ.

Theo nguyên tắc ba sĩ quan công an này chỉ được xem là chết vì tai nạn “trong khi thi hành” công vụ, thường là được cấp tiền tử tuất 12 tháng lương. Nhưng trong trường hợp này, những người chết về phía công an được “thần thánh hóa” thành những anh hùng, “chết vì dân, xã thân vì nước,” được phong liệt sĩ, truy thăng một cấp bậc, được ân thưởng Huân Chương Chiến Công Hạng I, và long trọng hơn nữa “quốc táng!” Lễ tang và truy điệu ba công an đã được tổ chức theo nghi thức trọng thể vào sáng 16 Tháng Giêng tại Nhà Tang Lễ Quốc Gia-Hà Nội, nơi đã quàng xác Võ Nguyên Giáp và Trần Đại Quang, với sự có mặt viếng tang của các giới cao cấp của đảng và chính phủ!

Trong quá khứ, quân đội bỏ mình trong trận chiến biên giới Việt-Trung, lính hải quân chết tức tưởi ở Gạc-Ma chưa hề được vinh dự truy tặng, tôn vinh lên bậc Thánh như ba vị công an “sa chân” ở Đồng Tâm. Năm nào lễ tưởng niệm 64 công binh hải quân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma đều bị chính quyền quấy phá một cách hạ tiện, bằng cách cho người đến ca hát, múa nhảy xen lẫn trong buổi lễ.

Phải chăng trong giai đoạn này, kẻ thù phải nhắm bắn là quần chúng nên phải đề cao ngành công an, còn quân đội chống ngoại xâm cần được ngủ yên trên tấm giường nệm “hữu hảo!”

Nên nhớ theo định nghĩa công an nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng Sản Việt Nam (sau đó mới đến nhà nước CXHCNVN), và công an nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch Nước. Nói chung công an là công cụ bạo lực giúp giai cấp thống trị bảo vệ quyền lợi của mình từ bên trong, khác với quân đội là bảo vệ từ bên ngoài, nên danh nghĩa “chết vì dân, xã thân vì nước,” chỉ là lời tâng bốc dối trá. Tướng Công An Tô Lâm đã không ngần ngại tô son, trát phấn cho thuộc hạ, cho rằng, đây là “sự dũng cảm, không quản ngại hy sinh, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của các liệt sỹ là tấm gương sáng về tinh thần ‘vì nước quên thân, vì dân phục vụ’ để tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam!”

Đó là phía những anh hùng “giữ nước,” còn về phía những anh hùng “giữ đất” thì sao?

Nếu những công an chết được xem như “vị quốc vong thân,” thì cụ Lê Đình Kình được xem như là một người phản quốc, sau khi bị bắn chết, ngày đám tang cử hành, người Đồng Tâm bị cô lập, không ai có thể đến để chia buồn với gia đình Cụ.

Điều này nhắc cho chúng ta nhớ lại trong ngày tang lễ của ông Lê Hiếu Đằng, công an đã gỡ những lời chúc tụng trên vòng hoa và khi ban tổ chức đặt những băng-rôn khác thay thế thì đã bị cướp giật thô bạo ngay tại chỗ, không khác gì những điều đã xẩy ra trong tang lễ của Tướng Trần Độ trước đây.

Hèn hạ hơn nữa là sau khi cụ Lê Đình Kình mất, một số nhà hoạt động xã hội dân sự đã loan báo rộng rãi sẽ tiếp nhận tiền phúng điếu, giúp đỡ gia đình ông Kình, cũng như các nhạn nhân Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng, 2020, qua trương mục “5K.” của bà Nguyễn Thúy Hạnh ở Ngân Hàng Vietcombank. Số tiền này do những blogger, Facebooker đóng góp tính đến hôm 17 Tháng Giêng, 2020 là 528,453,669 đồng ($22,757). Trong ngày này, bà Nguyễn Thúy Hạnh đến ngân hàng rút số tiền này để chuyển cho gia đình nạn nhân, thì được thông báo tài khoản của bà đã bị chính phủ phong tỏa.

Chúng ta không biết phải dùng chữ nghĩa nào để mô tả chuyện phi pháp và bần tiện của cái tập thể côn đồ này.

Không phải từ kẻ thù mà từ ngay Dương Đức Hoàng Quân, một người công an đã thiệt mạng đêm 9 Tháng Giêng tại Đồng Tâm cũng đã viết trên Facebook của mình, những dòng cuối cùng như một điềm báo, và lòng hối hận: “Chiến tranh bảo vệ tổ quốc không đáng sợ. Nhưng đáng sợ là máu đổ chính vì người dân mình.” Sinh thời, Lê Đức Anh khi làm bộ trưởng Quốc Phòng đã trả lời phỏng vấn của báo chí: “Cưỡng chế đã sai mà dùng quân đội cưỡng chế lại càng sai hơn!”

Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng lưu ý cán bộ chức quyền: “Không được coi thường những đốm lửa nhỏ, nhiều đốm lửa nhỏ sẽ bùng lên thành đống lửa lớn…” Theo báo cáo của Ban Dân vận trung ương, năm 2019 có hơn 478,000 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 4.3% so với năm 2018.) Trong này có bao nhiêu phần trăm liên quan đến những vụ cướp đất!

Những đốm lửa nhỏ sẽ thành đống lửa lớn (như những vụ cháy rừng)!

Góp gió sẽ thành bão!

Cũng có ngày chính quyền CSVN sẽ biết sợ, đó là ngày “Bão nổi…!” (Huy Phương)

MỚI CẬP NHẬT