Friday, April 19, 2024

Mộ Gió và Mộ Tập Thể

Huy Phương

Mộ gió là những ngôi mộ không có quan tài hay thi thể người qua đời dưới lòng huyệt, mà chỉ là những nấm đất được đắp hình ngôi mộ, để tưởng nhớ đến những người đã chết, do người thân trong gia đình đắp lên, trong trường hợp không tìm được thi thể để an táng.

Thi thể người chết dược chôn tượng trưng bằng những hình nhân nhỏ được nặn bằng đất sét hay đẽo gọt bằng gỗ dâu. Trong trường hợp này, gia đình cũng tìm cách cúng bái, gọi hồn người mất để nhập vào những hình nhân này và sau đó làm lễ an táng như đã cử hành cho một đám tang có thật. Thành hình mộ gió, cũng là cách gia đình coi như là có nơi nhang khói và tưởng nhớ đến những người đã chết!

Mộ gió thường dành cho trường hợp của những người mất tích, chết sông, chết biển, chết trong rừng sâu, đầm lầy; chết giữa trận chiến đang giao tranh mà bom đạn khốc liệt xóa hết, không tìm được thi thể.

Ở những vùng biển có ngư dân, qua sóng gió và bão lớn, dường như năm nào cũng có những vụ tai nạn trên biển, mà những ngư dân xấu số này mất tích ngoài khơi, không tìm được xác. Nơi đây chỉ là nấm mộ được lập nên để tưởng nhớ của gia đình ngư dân xấu số không bao giờ có cơ hội trở lại bờ, trở lại nhà.

Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều triệu người hy sinh bên này hay bên kia. Nhưng những người sinh trưởng ở miền Bắc, đi viễn chinh xa nhà, thường chết không mang được xác từ trận địa về. Vì mặt trận xa hậu tuyến, một mặt chính phủ không có chính sách mang thương binh hay tử sĩ về phía sau, không có phương tiện cũng như vì đường xa, núi sông cách trở, mà đạn bom thì khốc liệt.

Tuy vậy, sau khi chiến tranh chấm dứt, để an lòng những gia đình tử sĩ, nhiều nghĩa trang rộng lớn được xây dựng, tên tuổi, đơn vị người hy sinh được ghi khắc trên bia mộ, nhưng trong huyệt mộ không có thi hài. Sau năm bảy mươi năm, chiến trường xa, gió mưa, thời gian vùi dập, lấy đâu ra xương cốt mà tống táng, nên hoặc là làm mộ gió, hoặc là tắc trách bôi bác, bằng cách kiếm một mớ xương trâu bò thay thế vào đó. Người ta phác giác ra, vì có gia đình nóng lòng muốn cải táng mộ phần người thân, đem xương cốt về quê nhà mai táng cho ấm cúng vong linh người đã khuất, mới nhận ra những sự thật đau lòng.

Theo tương truyền khi không giữ được thành Bình Định, tướng Võ Tánh cũng đã tự thiêu, nhưng ở xa, Nguyễn Ánh đã cho lập mộ gió của Võ Tánh để thờ phụng, ngôi mộ ấy ngày nay vẫn còn ở quận Phú Nhuận (Gia Định cũ).

Xây mộ gió hay chôn mộ tập thể là điều thân nhân người khuất không ai muốn, tất cả đều là những hoàn cảnh xót xa. Trong trận Mậu Thân ở Huế hay vào mùa Hè chiến trận năm 1972, nhiều đơn vị Bắc Việt bị bom đạn dập vùi, sau này nếu có kiếm ra, thì xương cốt đã lẫn lộn, không thể phân biệt được ai với ai, nên đành phải thiêu đốt hay chôn chung vào một nơi, tạm gọi là những ngôi một tập thể.

Tháng Chín năm 2019, các cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 7 Bắc Việt đã có dịp trở lại chiến trường Cái Sắn, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương nơi đơn vị này đã giao tranh trong quá khứ, và tìm ra 2,800 ngôi mộ vô danh. Những ngôi mộ này đã được xí nghiệp phát triển công nghiệp và đô thị Bàu Bàng (thuộc Tập đoàn Becamex) tìm thấy trong quá trình khai phá, để thực hiện các dự án xây dựng khu công nghiệp. Đây chỉ là một câu chuyên tiêu biểu trong hằng trăm trường hợp phải chôn chung những nắm xương trong một ngôi môn tập thể, báo chí trong nước cũng đã ghi nhận bằng những danh từ như là “những ngôi mộ vắng chủ!”

Chúng tôi xin ghi lại một vài trường hợp mất mát trong chiến tranh về phía VNCH, mà sau này khi người ta phát hiện ra những thi hài, không còn dấu viết, lý lịch đành phải chôn chung trong một nấm mồ.

Tháng Tư, 1975, khi Việt Cộng vào Bình Dương, chúng đã xả súng bắn bừa bãi vào một đám đông dân chúng tại đầu cầu Lái Thiêu (gần chợ). Theo dân chúng trong vùng, các nạn nhân sau khi bị bắn, đã bị lục lọi và lấy mất hết giấy tờ và tiền bạc, trong đó có Thiếu Tá Quân Cụ Nguyễn Viết Thông.

Bà Chu Thị Quyền, quả phụ Thiếu Tá Thông, được người tài xế cho biết ông bị bắn tử thương và sau đó đã được bà con quanh vùng lùa xuống hố chôn chung một chỗ. Sau nhiều năm vận động với chính quyền địa phương, bà Thông đã được phép cải táng nấm mộ tập thể, nơi đã chôn 37 người, trong đó có 16 nạn nhân còn được giấy tờ tùy thân. Nhưng sau 32 năm (2007) xương cốt 37 người – quân và dân- miền Nam, đã lẫn lộn vào nhau, ngay cả Thiếu Tá Thông cũng không nhận dạng được, nên bà Thông đã thiêu cốt tất cả và chôn chung vào một ngôi mộ trong nhà thờ xứ Hà Nội tại Gò Vấp, Sài Gòn.

Vào cuối Tháng Ba năm 1975, trong khi quân đội VNCH rút khỏi Vùng I Chiến Thuật, chúng ta đã để lại trên chiến trường, nhất là ở các bãi biển Thuận An, thuộc tỉnh Thừa Thiên hàng nghìn chiến sĩ, tuy thiện chiến, nhưng cuối cùng đành phải buông súng và chết trong tức tưởi vì đạn pháo của Bắc Việt và vì không có tàu đến cứu viện và di tản.

Dân làng An Dương, thuộc quận Phú Vang Huế, sau đó đã chôn tạm các chiến sĩ này trên bãi biển, nhưng sau gần 25 năm, nước biển đã lấn chiếm đất liền và nhất là trận bão lụt năm 1999 đã cuốn một số hài cốt ra khơi.

Cho mãi đến Tháng Bảy, 2010, với sự trợ giúp tài chánh của đồng bào tị nạn hải ngoại, Hoa Kỳ và Canada, và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đồng bào thôn An Dương đã có phương tiện di dời hài cốt của các tử sĩ từ ngoài bờ biển vào đất liền với phần lăng mộ khang trang hơn. Nghĩa trang mới, nơi cải táng 132 hài cốt tử sĩ VNCH thiệt mạng trong những ngày cuối cùng cuộc chiến, Tháng Ba 1975, trên bãi biển Thuận An- Huế, nhưng trong số này chỉ tìm thấy được 8 thẻ bài và một căn cước của những người đã hy sinh. Một số lớn thẻ bài đã bị công an tịch thu tại phi trường Phú Bài khi có người dân đã cố gắng mang sang Hoa Kỳ.

132 bộ hài cốt này được cải táng, mỗi hài cốt được đặt vào một quan tài riêng, loại quan tài nhỏ gọi là cách tiểu hay cái quách. Mỗi mộ phần có đánh dấu nhưng chỉ có hài cốt có thẻ bài là có tên.

Một câu chuyện khác mới được biết gần đây. Ngày 11 Tháng Mười Hai, 1965, Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù/VNCH vừa xong nhiệm vụ tại chiến trường cao nguyên, chuẩn bị chuyển về Sài Gòn, thì được lệnh của Quân Đoàn II ở lại để đánh giải vây cho Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Hàn đang bị kẹt ở Tuy Hòa. Chiếc máy bay C-123 chở Đại Đội 72 thuộc Tiểu Đoàn 7 vì sương mù đã lâm nạn trên một vùng núi Trường Sơn ở Việt Nam, làm phi hành đoàn gồm bốn quân nhân Hoa Kỳ và 81 binh sĩ Nhảy Dù VNCH thiệt mạng.

Mãi đến năm 1974 người ta mới tiếp cận được nơi máy bay rớt, nhưng tất cả hài cốt nạn nhân đã bị trộn lẫn vào nhau, nên phải liệm chung vào một quan tài, và chuyển về Bangkok, Thái Lan.

Qua thử nghiệm DNA, Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận được danh tính của bốn binh sĩ Mỹ, đem về chôn ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia, trong khi đó, không có thông tin gì để xác nhận 81 người Việt Nam còn lại.

Năm 1986, 81 bộ hài cốt này được chuyển về phòng giảo nghiệm của quân đội Mỹ ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Những hài cốt này của các binh sĩ VNCH được để ở Hawaii trong 33 năm qua, không được chính quyền cộng sản chấp nhận cho chôn trong các nghĩa trang Việt Nam, cũng như không đủ tính cách pháp lý để chôn cất trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Được sự lưu tâm và can thiệp của Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Jim Webb là người từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam, từng là bộ trưởng Bộ Hải Quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, có vợ người Việt là Luật Sư Hồng Lê, di cốt của 81 chiến sĩ Nhảy Dù sẽ được đưa về Little Saigon ngày 26 Tháng Mười, 2019, trong một buổi lễ vinh danh long trọng và được an táng tại đây.

Đây là một trong những trường hợp phải chôn nhiều người trong một ngôi mộ chung. Khi sống, những người lính này đã cùng lý tưởng, sát cánh chiến đấu trên một chiến trường, gian khổ, hạnh phúc có nhau, chia xẻ với nhau từng đơn vị đạn, điếu thuốc, hớp nước, miếng gạo sấy, sát lưng chia nhau hơi ấm mùa Đông. Giờ đây lúc ra đi, họ lại được ở bên nhau, cùng trong một huyệt mộ. Xin cầu cho linh hồn những chiến sĩ này sớm yên nghỉ, thong dong trong cõi An Bình, Cực Lạc.

* Như vậy “Mộ Gió” được xem như là ngôi mộ không có hài cốt của người chết, và “Mộ Tập Thể” là ngôi mộ chôn chung nhiều người với nhau. Hiện nay báo chí Việt Nam dùng chữ “Mộ Vắng Chủ” để chỉ những ngôi mộ chôn cất tập thể các cán binh Việt Cộng, tôi nghĩ là không đúng, vì “Mộ Vắng Chủ” cũng như “Vô Chủ” chỉ là những ngôi mộ không có người thăm viếng, nhưng không có nghĩa là không biết ngôi mộ chôn ai! Trong câu thơ “Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm…” của cụ Nguyễn Du, chúng ta biết đó là mộ Đạm Tiên, chỉ có điều là hoang phế, vì không có ai săn sóc, nhang khói mà thôi! (Huy Phương)

Phụ lục:

* Ngôi Mộ tập thể ở Bình Dương: Cho đến năm 2007, có 9 tên tuổi chưa có thân nhân đến nhận:

1-Nguyễn Văn Rực, sinh ngày 29/10/50 tại Gia Định, con của ông Nguyễn Văn Khương và bà Phạm Thị Hai, địa chỉ: Long Phú, Long An.

2-Vĩnh Nguyên, sinh năm 1939 tại Hà Tĩnh, con ông Bửu Ngô và bà Nguyễn Thị Quyên, ở số 33 Lê Thánh Tôn, Nha Trang.

3-Si Cun Tac, sinh năm 1944 Tại Hải Ninh, SQ: 64/190.3279, con ông Sy A Ly, và bà Lenh Sy.

4-Lưu Cầu, sinh năm 1948 tại Sài Gòn, cấp bậc binh 2 ĐPQ, SQ: 48/835.377, con ông Lưu Lai và bà Du Thang Nui.

5-Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1957 tại Gia Định, SQ: 77/114.335, con ông Nguyễn Văn Giao và bà Hồ Thị Loan.

6-Nguyễn Văn Quý, sinh năm 1953, SQ:73/120.860.

7-Phạm Văn Mỹ, sinh năm 1951, SQ: 71/150.515.

8-Nguyễn Tấn Cường, sinh năm 1955- SQ: 75/135.929

9-Huỳnh Tấn Cường, sinh năm 1954- SQ:74/122.142

* Ngôi mộ tập thể ở An Dương- Huế: Cho đến nay có 6 thẻ bài chưa có thân nhân nhận:

1-Tiết Dục, sinh năm 1955. SQ:75/145-256 Loại máu: A.

2-Lê Văn Phương, sinh năm 1953 -SQ: 73/156-263 Loại máu: O.

3-Trần Văn Được, sinh năm 1954 -SQ: 74/164- 292 Loại máu: A+B.

4-Ngô Đắc Hùng, sinh năm 1955- SQ: 75/ 206-046 Loại máu: O.

5-Nguyễn Văn Dục, sinh năm 1937 -SQ: 57/000-706 Loại máu: O.

6-Trần Ngọc Anh, sinh năm 1954 -SQ: 74/108-532 Loại máu: Không ghi.

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT