Friday, April 19, 2024

Nghĩ về những chuyến đi

Bùi Bích Hà

Giữa Tháng Mười, 2018, tin Mẹ Nấm qua Mỹ được chạy những dòng chữ lớn trên trang nhất các nhật báo, chiếm phần tin tức hằng ngày quan trọng trên các đài truyền hình của cộng đồng người Việt hai vùng Nam Bắc Cali.

Phản ứng của người Việt di tản có nhiều và rất khác nhau. Các cụ cao niên mong chờ ở người trong nước mới ra, những tin tức về tình hình chính trị cho phép ước đoán xem chế độ trong nước liệu còn tồn tại bao lâu nữa? Có kịp cho các cụ được về nhìn lại quê hương lần cuối và gửi nắm xương tàn trong cùng mảnh đất thân yêu với bao đời tổ tiên đã an nghỉ, như lá về cội, nước về nguồn, như chim có tổ, người có tông.

Các đồng hương trung niên sôi sục ý chí sát Cộng thì muốn biết hải ngoại có thể làm gì để giúp quốc nội giật sập luôn bọn bạo quyền tham ô trong nước đã muối mặt lừa dối cả một dân tộc để vinh thân phì gia, nay đang như ngôi nhà mọt rỗng phải dẹp bỏ để tổ quốc có cơ hội mới chen chân vào cộng đồng thế giới. Sau cùng, thế hệ trẻ thì không mấy quan tâm chuyện người lớn vì quá nhiều mâu thuẫn và phức tạp trong tư duy, hành xử và viễn kiến về tương lai.

Cho nên, trong hội trường phòng sinh hoạt cộng đồng phía ngoài tòa hành chánh thành phố Westminster chiều Thứ Bảy, 12 Tháng Giêng 2019, dự thính viên đến rất đúng giờ, ngồi đầy chật phòng hội, đứng dựa lưng cả ba phía tường để gặp gỡ blogger Mẹ Nấm từ Houston, Texas, tới sau ba tháng định cư ở Hoa Kỳ cùng mẹ già và hai con nhỏ.

Người ta thấy được nét bâng khuâng, khắc khoải trên những khuôn mặt già nua thật đáng thương và đáng quý của các cụ ông, cụ bà; thấy được sự mong đợi vừa hừng hực nhiệt tình, vừa băn khoăn, nghiêm nghị của tầng lớp trung niên nam nữ bộc lộ rõ lòng yêu nước thương nòi chứa chan.

Thấy được lác đác vài khuôn mặt trẻ thuộc các đoàn thể tham gia việc tổ chức buổi gặp gỡ, càng hiếm hơn, đôi ba bạn thật trẻ đến đế nghe tình hình về cái nơi, với họ, không có mối liên hệ sâu đậm nào vì sinh ra và lớn lên bên ngoài đất nước.

Một trong nhiều biểu ngữ viết bằng cả hai thứ tiếng Việt-Anh treo trên tường đối diện với thính chúng, có câu: “Không có ai ngoài chính bạn tranh đấu cho những điều bạn muốn” (There is no one other than you who fight for what you want). Có lẽ nội dung câu tuyên ngôn này đúng cho nhiều trường hợp, ngoại trừ khi áp dụng cho các sự nghiệp tranh đấu của một cộng đồng hay một dân tộc nên ống kính nhạy bén của các phóng viên truyền hình chỉ ghi nhận trong ít phút đầu rồi thôi. Trên màn hình, chỉ còn dòng chữ khi mờ khi tỏ “Get over the fear,” được xem là câu thần chú tạo ra những cuộc cách mạng chống độc tài lừng lẫy trên hành tinh này.

Sau phần nghi thức khai mạc, chào cờ và hát quốc ca Việt – Mỹ, sau phần chiếu các video clip quãng đời tranh đấu chống chính quyền Cộng Sản trong nước của blogger Mẹ Nấm, hình ảnh hai con và thân mẫu của bà xuống đường kêu đòi công lý cho bà, kêu đòi tình mẫu tử cho con thơ cần mẹ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xuất hiện ở bàn diễn giả trong tiếng vỗ tay chào đón thân tình của đồng hương vùng Tiểu Sài Gòn.

Lời ngỏ của Mẹ Nấm là để cảm ơn sự hỗ trợ bền bỉ và tích cực của đồng bào mọi giới đối với công cuộc tranh đấu chống lại bạo quyền Cộng Sản của bà khi ở trong nước, về đường lối đối ngoại nhu nhược và sai lầm với Trung Quốc, cụ thể gây ra ô nhiễm môi trường qua vụ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, vụ dung túng Formosa xả nước thải ra biển làm chết cá ở Hà Tĩnh, về chủ trương tước đoạt quyền tự do ngôn luận của người dân trước mọi bất công xã hội…

Cái đinh được chờ đợi nhất trong buổi họp là phần hỏi đáp giữa thính chúng và diễn giả, xoay quanh vài điểm được xem là mấu chốt:

1-Cộng Sản sợ điều gì nhất?

-Trả lời: Người dân không còn sợ họ nữa! Vài người, vài chục, vài trăm, vài ngàn không sợ, có thể chưa lay động nhưng vài trăm ngàn (thậm chí con số triệu) thì chúng sẽ sợ.

Không thấy câu hỏi tiếp theo: “Làm cách nào đạt tới một tỷ lệ đáng kể trên tổng số 90 triệu dân?” Hãy lấy Thiên An Môn làm chuẩn.

2-Hải ngoại có thể làm gì để tiếp tay trong nước?

-Trả lời: Cắt đứt khúc ruột ngàn dặm. Hằng năm đừng gởi bạc tỷ về Việt Nam nuôi béo chế độ nữa. Đoàn kết trong ngoài một khối.

Không thấy câu hỏi tiếp theo: “Làm cách nào chấm dứt sự thật đáng buồn ấy và thực hiện đoàn kết?”

3-Tuổi trẻ trong nước nghĩ gì? Làm gì?

-Trả lời: Tuổi trẻ trong nước bây giờ đã tiến bộ, đã thay đổi, đã khôn ngoan lên nhiều nhờ Internet phát triển, giúp phổ biến thông tin đa chiều nên biết Cộng Sản tuyên truyền láo khoét. Họ vẫn đang nỗ lực chứ không thờ ơ.

Thay đổi ra sao ngoài sự hiểu biết Cộng Sản tuyên truyền láo khoét, đã nhận diện được thực chất của chủ nghĩa Cộng Sản là gì chưa để biết chắc không thể nào thỏa hiệp với nó được mà phải biết cả cách triệt tiêu nó nữa thì có lẽ mới gọi được là khôn ngoan.

Các em có nhận định được (và có kế hoạch đối phó, hóa giải) những nguyên nhân nào đã ngăn cản các em nồi kết với nhau để tạo nên sức mạnh cuồng phong, bão tố không? Họ đang có lợi thế trong tay với nền công nghiệp tin học phát triển thần kỳ, cung cấp cho họ nhiều phương tiện thông tin nhanh chóng và hiệu quả, ít nhất mỗi người một điện thoại thông minh.

Họ có biết cách nào sử dụng chúng để hợp quần, để tự vệ, để không bị bắn tỉa, bị hạ gục từng người, thậm chí để thay đổi cái chế độ coi rẻ dân hiện đang đè đầu đè cổ họ không? Ngoài mạng lưới công an/ cảnh sát tinh vi và dày đặc, mấy chữ “cái Tôi” và “Chúng ta” mà blogger Mẹ Nấm đề cập tới trong phần phát biểu của bà có áp dụng vào đây không?

Nói tóm lại, người trong và ngoài nước vẫn chưa có những câu hỏi được đặt ra một cách rốt ráo vì nể nang nhau. Chúng ta tránh né những câu hỏi đi vào ngõ cụt để không làm tổn thương người được hỏi và làm thất vọng chính mình, biết rằng thiếu can đảm đào xới tận gốc mọi vấn đề, chúng ta đành cứ chôn chân trong cái vòng lẩn quẩn, và, như một ca từ trong nhạc Vũ Thành An, “lâu rồi đời người cũng qua…” dù là một cuộc đời không ngừng những nỗ lực vô vọng.

Nhắc đến những người bạn từng tranh đấu ở trong nước như bà, cùng đến Mỹ trong hoàn cảnh bị chính quyền Cộng Sản “tống xuất” tương tự bà và trước bà, Mẹ Nấm nói, đại ý: “Từ khi đặt chân đến đây, ba tháng thiếu 5 ngày, tôi chưa một ngày nào ngừng tranh đấu. Tôi không giống những người đi trước có thể vì do nhu cầu mưu sinh nên bận bịu, tôi không tìm kiếm sự bình an và hạnh phúc riêng để phải quá lo về sinh kế. Tự do của tôi chỉ có ý nghĩa khi nó là tiếng nói của 90 triệu dân đang bị áp bức.” Thật ra, sinh kế và hội nhập tuy là những vấn đề bắt buộc nhưng không phải là tất cả khó khăn trong cuộc sống mới.

Ở trong nước, bà có dân chúng (ít nhiều) thực sự đồng hành, ngước nhìn bà với lòng mong đợi. Nỗi đau của mọi người cũng là nỗi đau bà cảm nhận hằng ngày. Bà càng không cô đơn mà có sự hỗ trợ tinh thần và vật chất từ đồng hương hải ngoại, nghĩ là bà đã làm thay họ một số bổn phận với đất nước; từ các thế lực văn minh, nhân bản quốc tế luôn ủng hộ những người bị áp bức. Nghĩa là bà được toàn tâm toàn ý dốc hết nghị lực vào công cuộc đấu tranh sáng ngời chính nghĩa, là biểu tượng của vượt thoát sợ hãi có thể làm gương cho người xung quanh và được cả thế giới kính nể.

Một bài toán khi có điều kiện thay đổi, kết quả không thể y nguyên. Nay ở một vị trí khác, trong một môi trường khác, bà có những thuận lợi mới nhưng mọi hình thức tranh đấu đều không còn tính cách gắn bó xương thịt với đất nước và dân tộc của bà.

Tập thể người Việt tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại có vài triệu người nung nấu ý chí quay về, từng có lúc hy sinh cả tính mạng với ao ước phục hồi một Việt Nam tự do, dân chủ, phú cường, không Cộng Sản, kết quả là gì? Phải đợi tới năm 2018, sau hơn bốn thập niên lưu vong, mới được nghe một tổng thống Hoa Kỳ bản thân ghê tởm Cộng Sản, tuyên bố: “Các bạn hãy noi gương Hai Bà Trưng.” Có nghĩa là hãy đổ mồ hôi và máu mình trên mảnh đất của tổ tiên các bạn nếu muốn gặt hái mùa màng.

Kinh nghiệm lịch sử của loài người cho thấy không có cuộc cách mạng nào được tiến hành thành công từ một nơi ngoài lãnh thổ. Chưa kể người ra đi, như bà, dù cách nào thì cũng chưa là thoát khỏi nanh vuốt của nhà cầm quyền đương thời mà vũ khí hãm hại họ dành cho kẻ “phản bội” chính là tạo sự ngờ vực ở nơi bà đến, để bà rất khó được chấp nhận, nói chi tiếp tục sự nghiệp đấu tranh với cùng tư thế và hoài bão, những thứ bà chỉ có được khi chấp nhận ở lại quê hương.

Nước Mỹ tiến bộ, giàu có, nhân đạo, sẵn sàng hiến tặng cho người nhập cư những điều kiện tốt nhất để sống, học hỏi, làm việc và đóng góp phần mình vào sự cường thịnh của quê hương mới nhưng sẽ không bao giờ là hậu phương nuôi dưỡng các “lãnh tụ cách mạng” hay “kháng chiến” muốn theo đuổi những giấc mơ của họ không liên quan gì tới nước Mỹ.

Tổ chức xã hội Mỹ như cái máy xay khổng lồ, cuốn hút mọi người không trừ một ai nếu còn chút sức lực và ý chí gìn giữ phẩm giá. Ba tháng có thể đủ cho một người nhập cư nhạy bén như bà đưa ra lời trần tình với cộng đồng đang đón nhận bà về sự khác biệt trong cung cách ứng xử hay ngôn ngữ của thế hệ 40, chịu ảnh hưởng giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa và xin được tha thứ, được đối xử với lòng bao dung và độ lượng, cho bà thời gian để điều chỉnh… nhưng chưa đủ để bà định hình được cuộc sống những tháng năm sẽ tới ở đất nước Hoa Kỳ.

Bản thân kẻ viết những dòng chữ này là một phụ nữ khi tới đây, 8 tuổi nhiều hơn bà, rời bỏ quê hương sau 11 năm cố sống với mảnh đất là nguồn cội mình chỉ để biết là không thể nữa. Từ đó tới nay, tâm hồn tôi, thể xác tôi chưa một giờ khắc nào không thuộc về tổ quốc nhưng đường về ngày một thăm thẳm, tôi nhận ra từ lâu những gì tôi có thể làm cho đất nước tôi, dân tộc tôi, chỉ là sống như một người tử tế, nuôi dạy các con trở thành người tử tế, góp một phần nhỏ nhoi để lịch sử lưu vong của khối người Việt tị nạn Cộng Sản cuối thế kỷ 20 được là những chương sách đẹp ngay trong thời điểm quốc nạn đen tối nhất.

Cảm ơn bà đã cống hiến một quãng đời tuổi trẻ cho quê hương chung của chúng ta. Tôi thành tâm chúc bà kiên cường giữ được tâm nguyện khi tới đây và cho dẫu mai sau thế nào, bà vẫn còn niềm vui của người mẹ đi tìm sinh lộ và cơ hội cho hai con cần một môi trường lành mạnh để khôn lớn và phát triển. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT