Những tấm bản đồ treo tường

Bùi Bích Hà

Có một thời gian, người viết bài này thường đi dự những buổi hội thảo bàn về hiện tình đất nước, phương thức đấu tranh (chuyển lửa, lên đường, điều chỉnh hướng đi, vận động quốc tế rút ngắn tiến trình dân chủ, tự do cho Việt Nam, nghị quyết chống nghị quyết…) để giải thể chế độ đương quyền ở quê nhà.

Buổi hội thảo bao gồm các chính khách cũ mới, các bậc thức giả quan tâm đến việc nước non, các nhà trí thức uyên bác, các nhân sĩ hoạt động cộng đồng nổi tiếng. Không khí buổi hội thảo nào cũng trang nghiêm, đầy đủ nghi lễ chào quốc kỳ và phút mặc niệm. Khuôn mặt những người tham dự, dù ở vị trí diễn giả hay dự thính viên, đều hết sức thành kính và trân trọng. Ban đầu, các buổi hội thảo như vậy quy tụ rất đông đồng hương, đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Dần dần, với thời gian, người tham dự ngày càng ít đi, chỉ còn tùy thuộc vào mức độ giao thiệp của ban tổ chức hay bản thân quý vị diễn giả.

Sau phần thuyết trình với nhiều tâm huyết của quý vị diễn giả, phần nhiều là bản cáo trạng tội ác của Cộng Sản nghe đã thuộc nằm lòng, sau tiếng vỗ tay đồng thuận và hoan hô, ban tổ chức sẽ đọc tuyên ngôn, sẽ ra thông cáo báo chí hay hình thành nghị quyết phản ảnh nội dung buổi sinh hoạt.

Trong hơn 3 thập niên tôi sống cuộc đời lưu vong xứ người, những buổi nói chuyện với nhau như mô tả ở trên, đã không ngớt diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, do nhiều tổ chức hay nhân vật khác nhau của cộng đồng, đảng phái, đứng ra tổ chức và mời gọi tham gia. Chúng như những cơn mưa rào làm dịu ngày nắng hạn. Chúng như những viên đá ném thật xa trên mặt hồ, gây những vòng loang bặt tăm. Chúng như những lời nguyện cầu gởi vào hư vô. Sau cùng, chúng là liều thuốc an thần, vỗ về những trăn trở trong tâm can người yêu nước.

Những bản tuyên ngôn, tuyên cáo, nghị quyết,… trang trọng, đẹp đẽ, là những tấm bản đồ treo trên tường những ngôi nhà che nắng mưa cho một cộng đồng thất lạc, phân tán, chia rẽ, không tìm ra sức mạnh để đi con đường vẽ ra trong tấm bản đồ.

Bất cứ một dự án dù lớn nhỏ cỡ nào hay loại nào, luôn cần có thực lực để khởi đầu và hoàn thành. Thực lực của chúng ta là gì, ở đâu, đã có chưa? Một người làm, năm hay mười người nếu không phá, cũng không ủng hộ. Một chủ trương/chính sách nhắm phục vụ công ích của cả tập thể, vẫn có người tách rời vì lý do hay lợi ích riêng tư. Thay vì tập trung năng lực vào sáng tạo và trách nhiệm, lại tập trung vào việc đối phó nhau. Làm sao thực hiện đoàn kết, gây sức mạnh hợp quần?

Người viết tin chắc rằng đây chỉ là mặt nổi của vấn đề. May mắn thay, mặt chìm vẫn là quảng đại quần chúng thầm lặng. Cho dù phần lớn niềm tin đã bị xoi mòn, quần chúng ấy không ảo tưởng nơi có ngôi nhà trả góp của họ là lãnh thổ, không mơ hồ lá cờ quốc gia màu vàng ba sọc đỏ phất phới bay dưới bầu trời Mỹ quốc sẽ có ngày bỗng dưng trả lại họ quê hương. Họ mong đợi những yếu tố mới, làn gió mới, tiếng nói mới, cách suy nghĩ mới, của thế hệ trẻ làm nên những trận bão thời đại, của những ai không còn trẻ nữa nhưng chấp nhận nỗi đau lột xác, chấp nhận bóc mình ra khỏi chính mình gói kỹ trong giấc mơ dài hơn bốn thập niên qua. Nếu chấp nhận ý niệm không có hay chưa có hòa bình trên mặt trận Quốc-Cộng, nghĩa là cuộc chiến ấy vẫn đang phải tiếp diễn thì giờ đây, từ hình thái diện địa/du kích/súng đạn, nó trở thành cuộc chiến nội tâm của mỗi người  quốc gia, hiệp thông với nhau, thể hiện được những giá trị mà chúng ta xé phổi ra để rao giảng nhằm chống lại những người cộng sản độc tài, dối trá, công khai chủ trương yêu nước là yêu cái xác ma chủ nghĩa xã hội, là yêu những gì họ làm khơng một chút liêm sỉ. Tự nhìn lại mình, thay đổi để thích ứng với thời thế, bước ra khỏi bế tắc, tưởng dễ nhưng khó lắm. Không thành công trong việc mỗi cá nhân nghiêm khắc tự kiểm điểm mình, hành vi được coi là vốn đầu tư tinh thần không thể thiếu để bắt dầu một khí thế mới, một vận hội mới, thất bại này là chung cho cả tập thể.

Cộng đồng cần một cơ chế lãnh đạo trong sạch, lương thiện, tài năng, hiệu quả, thực hiện được đoàn kết, hình thành được những giá trị mà cộng đồng lựa chọn, tin cậy và quyết tâm tranh đấu để đạt tới.

Khí cụ có tầm ảnh hưởng sâu xa và rộng khắp, giúp hình thành lãnh đạo ấy, hẳn là lực lượng truyền thông mang cùng tầm vóc và phẩm chất.

Có một thực tế hiển nhiên là trong mỗi quốc gia, tự do, độc tài hay quân phiệt, truyền thông luôn là phương tiện giúp củng cố cái thể chế tạo ra nó, nuôi dưỡng nó hoặc do chính nó liên kết vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác. Báo ngày, báo tuần, báo tháng, báo mạng, tạp chí, truyền thanh, truyền hình của nước Mỹ biểu thị những khuynh hướng chính trị/văn hóa/đời sống qua sự liên kết nói trên và hoạt động như một công cụ sắc bén của những khuynh hướng ấy. Truyền thông của cái cộng đồng Việt Nam nhỏ bé ở từng địa phương cho thấy tùy từng lúc, có vẻ như nó có chọn một hướng đi thường là theo thị hiếu của đám đông, lúc khác bị khuynh loát bởi một thế lực có tính thời sự trong ngắn hạn song, nhìn chung, nó chơi vơi, buồn nản, cố giữ sự ổn định để tồn tại về mặt kinh doanh nhiều hơn là mang tính khai phá, tạo ra phong trào hoặc thậm chí, hướng dẫn dư luận. Nó cũng vật vờ, nổi trôi theo cộng đồng, thiếu điểm tựa, thiếu lực đẩy, không phương hướng, xa rời thiên chức, là gươm cùn, súng rỉ, không có hoàn cảnh để hiên ngang nhận lãnh trách nhiệm.

Trong những điều khả thể để bắt đầu một khí thế mới, nhân sự cần cải thiện, truyền thông Việt Nam hải ngoại cần chấn chỉnh. Những cái cần khẩn thiết ấy chỉ thực hiện được nhờ sức mạnh của cộng đồng. Cái sức mạnh ấy không chỉ thấy ở tuyên ngôn, tuyên cáo, biểu ngữ, những bài diễn văn nẩy lửa mà ở bên trong sự làm việc cần mẫn, từng tạo ra của cải hàng chuc tỷ bạc hàng năm chuyển về quốc nội, cũng sẽ thừa khả năng tạo ra kỳ tích ở nơi nào nó muốn.

Cái sức mạnh ấy ở nhận thức thực tế của đám đông lặn hụp trong giòng đời bình thường, ở khả năng thích nghi và sự bén nhậy biết liên kết để xoay chuyển thời cơ, đạt được mục tiêu. Chỉ cần đầu tư một phần rất nhỏ cái sức mạnh ấy, vừa để phát triển tiềm năng kinh tế tại chỗ, vừa xây dựng truyền thông hải ngoại của người tỵ nạn, trung trực, liêm chính, lương thiện, có lý tưởng, chừng ấy mới có thể nói đến một vận hội mới mà mọi người mong chờ.

Ngạn ngữ phương tây có câu: “Ai nắm kinh tế, người ấy chỉ huy.” Kinh tế trong tay người dân, một cộng đồng có thực lực là nền tảng của các cơ chế xã hội có phẩm chất, ảnh hưởng trực tiếp đến nguyện vọng của cộng đồng ấy, trong đó, truyền thông chiếm vị thế xung kích dựa trên sức mạnh của các thành viên. Có thể nhìn cộng đồng Do Thái ở nước Mỹ là mơ hình tiêu biểu của lòng yêu nước, của tinh thần dân tộc hướng về cội nguồn, có tổ chức, có đường lối, thực hiện được những thành tựu theo chiều hướng hoạch định.

Nghĩ thế nào, làm được như nghĩ, chúng ta sẽ có viên gạch đầu tiên đóng góp vào tòa nhà Tự Do có thật ở bên này Biển Đông, mà ánh sáng rạng rỡ của nó chính là sự đền ơn đất nước và dân tộc trong mỗi chúng ta, không hổ thẹn sau một thời tạm xa lánh vì tương lai của đất nước và dân tộc ấy, không vì lợi lộc cá nhân.

Mời độc giả xem bình luận “Nội chiến 152 năm trước vẫn còn tác động nước Mỹ”(Phần 2)