Friday, May 10, 2024

Phòng ngủ… Ba Đình

Huy Phương

Lần đầu tiên, vào ngày 16 Tháng Bảy, Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân than phiền, trong kỳ họp thứ 7 Quốc Hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu Quốc Hội bỏ họp quá nhiều: “Chưa kỳ nào đại biểu Quốc Hội vắng nhiều như kỳ họp này. Không hôm nào vắng dưới 30 đại biểu, trung bình mỗi ngày có 30-50 đại biểu vắng họp. Có những đoàn vắng một nửa số đại biểu. Cá biệt có hôm vắng trên dưới 100 đại biểu.”

Bà chủ tịch dùng chữ “vắng” là còn nhẹ. Tiếng Việt nói về chuyện tránh, không có mặt trong khi phải làm bổn phận của mình là “trốn,” như trốn lính, trốn học, thì phải nói quý ông này “trốn họp” mới đúng. Các ông đã ăn lương nhà nước, tức là tiền thuế của dân, đến đây để đề đạt ý dân, làm luật cho dân mà không có mặt, là trốn. Trốn lính thì ra tòa, trốn học thì phải quỳ gối, đánh đòn, không hiểu cử tri chọn hình phạt nào cho mấy ông vô trách nhiệm này đây.

Lần này, bà chủ tịch chỉ than phiền các ông đại biểu trốn họp chứ không nghe than phiền đến chuyện các ông đi dự phiên họp Quốc Hội để gật hay ngủ trong phòng họp. Tại Cần Thơ, một cử tri đã đề nghị bà chủ tịch nhắc các đại biểu đừng nói chuyện riêng và đừng ngủ gật trong buổi họp, vì hình ảnh này không đẹp mắt tí nào trước cử tri đang theo dõi Quốc Hội làm việc qua buổi trực tiếp truyền hình.

Thoạt nhìn bức hình quý đại biểu ngủ ngồi thoải mái trong những hàng ghế trên đây, chúng tôi cứ tưởng là một bức ảnh do các lực lượng thù địch “photoshop” được tung ra để làm xấu mặt các đại biểu, nhưng nhìn lại logo của đài truyền hình nhà nước VTV3, thì mới thấy yên tâm!

Quốc Hội Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) có 496 đại biểu, được bầu vào ngày 22 Tháng Năm, 2016, chỉ có 21 người không phải là đảng viên CSVN, còn lại 475 người là đảng viên, trong đó có đến hơn 100 là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và ở trong Bộ Chính Trị.

Trường hợp ông Đinh Thế Huynh suốt hai năm liền có lãnh lương đại biểu nhưng không có mặt ngày nào tại Quốc Hội. Điều này nhân dân có thể thông cảm vì vị nào là đại biểu nhưng cũng ôm năm ba chức vụ, ngoài công việc ở cơ quan, còn phải làm đến thối móng tay, chạy xe ôm, bán chổi đót, đêm còn phục vụ “hiền nội” hay “hiền ngoại,” vào ngồi máy lạnh, mí mắt cứ trĩu xuống, nhướng không lên, có tài gì mà không ngủ!

Đừng thấy vài ba ông trong Quốc Hội không đảng mà mừng. Đại biểu Quốc Hội Việt Nam, ra ứng cử, điều kiện tiên quyết là phải được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu, mà Mặt Trận này cũng là con cái của đảng, kiểu “Kỳ Đà là cha Cắc Ké, Cắc Ké là mẹ Kỳ Nhông, Kỳ Nhông là ông Kỳ Đà,” còn có ai đi lạc vào đó được.

Cái kiểu nhất trí thường vẫn là: “Lãnh đạo đã nhất trí đề cử anh N… ứng cử đại biểu Quốc Hội để đại diện cho giới tinh hoa.” Sau đó mới xin ý kiến cán bộ cơ quan. Nhưng nếu lãnh đạo đã nhất trí rồi thì xin ý kiến cơ quan làm gì?

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói trong cuộc phỏng vấn với BBC rằng người Việt cần tự giác trong việc lựa chọn đại biểu Quốc Hội, nhưng “ở đây người dân không có quyền lựa chọn, người dân chỉ có thể bất tuân thụ động,” thì chỉ còn cách không đi bỏ phiếu nữa. Ông cho rằng người dân phải lên tiếng, phải đấu tranh để xóa bỏ những cơ chế ấy đi, chứ còn ngồi đợi để cơ chế thay đổi, chẳng bao giờ nó thay đổi cả!” Tuy rằng vai trò của Quốc Hội ngày càng được nâng cao hơn, nhưng về cơ bản Quốc Hội này vẫn là “Quốc Hội nghị gật.”

Trong quốc gia này, ba ngành Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp là một. Hành Pháp: từ thủ tướng cho đến nhân viên bảo vệ đều do đảng bổ nhiệm. Lập Pháp: đảng cử đại biểu giùm cho dân, luật do đảng quyết định. Tư Pháp: bản án tại tòa do đảng ấn định trước, đảng dùng luật rừng, muốn cho ai vào tù, muốn bắt ai thì bắt. Cao hơn hết, là Tối Cao Chức Sắc, tức là Bộ Chính Trị đảng, có toàn quyền tuyệt đối, cầm vận mệnh đất nước trong tay.

Quốc Hội là cơ quan làm luật, nhưng kiểu ra luật cấm rượu thì có đứa lại dẫn thơ ông Hồ “Trong tù không rượu cũng không hoa” ra để bênh cho rượu. Trình độ hiểu biết thì cỡ như phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế đặt câu hỏi vì sao Việt Nam phải sợ chuyện ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu của Tàu, “trong khi ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?”

Bàng dân thiên hạ cười không nỗi với các danh ngôn:

-“Biểu tình là ô danh! Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh” (Hoàng Hữu Phước).

-“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?” (Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, 2014).

-“Đề nghị loại bỏ Luật Lập Hội và Luật Biểu Tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ khóa 13, vì biểu tình là dùng để chống chính phủ” (Hoàng Hữu Phước).

Làm đại biểu, lâu lâu bừng con mắt dậy, thì cũng phải phát biểu dăm câu, để địa phương biết mình còn thức, và mình cũng có tên trong biên bản của các buổi họp của Quốc Hội.

Quốc Hội là tiếng nói của dân, đạo đạt ý dân, nhưng trong khi biển đảo bị xâm chiếm, ngư dân bị đốt tàu đánh đập, chủ quyền quốc gia đang bị xâm phạm, thì quý vị đại diện dân được bầu vào quốc hội để… ngủ!

Có lẽ quan niệm bây giờ của các đại biểu là, nói theo cách cụ Tú Xương: “Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả/ Việc gì mà thức một mình ta?” (Tạp ghi Huy Phương)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT