Thursday, April 18, 2024

Nobel Kinh Tế 2001 khuyên Canada tránh xa TPP

TORONTO – Giáo sư Mỹ, Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 cho biết Canada nên chối từ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương vì đây là một thỏa thuận thương mại nhiều sai sót, chỉ mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp nhưng thiệt thòi cho người lao động.

Giáo Sư Joseph Stiglitz tại diễn đàn Clinton Global Initiative’s Annual Meeting, 2015, New York. (Hình: JP Yim/Getty Images)

Tại cuộc hội thảo tại trường đại học Ottawa, Joseph Stiglitz, giáo sư đại học Columbia, truyền đạt thông điệp như trên về hiệp định thương mại trong vùng Thái Bình Dương bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và 40% nền kinh tế thế giới.

Stiglitz cho biết thỏa thuận này sẽ khiến Canada mất đi nhiều công ăn việc làm và làm suy yếu khả năng thực hiện các quy định, bao gồm cả những yêu cầu về bảo vệ môi trường của chính phủ.

Ông nhấn mạnh, đây có thể là một hiệp định thương mại tồi tệ nhất từng thương lượng và đề nghị Canada nên xem xét lại.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBC hôm Thứ Năm, ông nói: “Tôi nghĩ rằng những gì Canada nên làm là sử dụng ảnh hưởng của mình, làm sao cho thỏa thuận này trở nên có lợi hơn cho các công dân Canada chứ không chỉ cho các tập đoàn kinh tế lớn.”

Giải thích những bất cập của TPP đối với Canada, Giáo Sư Stiglitz cho biết, một trong những cạm bẫy của TPP là tiềm năng làm suy giảm các quyền của người lao động, ngoài ra, các quy định bảo vệ đầu tư của TPP có thể can thiệp vào khả năng của chính phủ trong điều hướng kinh doanh hoặc trong di chuyển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp.

Đối với quyền lợi của các công ty đa quốc gia, ông nhận xét đó là “phần tồi tệ nhất của thỏa thuận,” bởi vì các công ty đa quốc gia lớn được quyền khởi kiện chính phủ Canada.

Dựa trên nguyên tắc cơ bản là người gây ô nhiễm phải trả tiền phạt, Giáo Sư Stiglitz nói: “Nếu bạn làm hư hỏng môi trường thì bạn phải trả tiền. Do đó nếu bạn thông qua một quy định nhằm hạn chế khả năng gây ô nhiễm hoặc thực hiện điều gì đó ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, bạn có thể bị kiện và có thể phải trả hàng tỷ đô la.”

Hiệp Định NAFTA – Thương mại tự do Bắc Mỹ – có những quy định tương tự khiến phủ Canada có thể bị kiện, nhưng TPP còn đi xa hơn.

Về quyền lợi của người lao động, ông cho biết các điều khoản TPP còn có thể được sử dụng để ngăn chặn việc nâng mức lương tối thiểu hoặc để thay đổi các quy tắc ngăn chặn cho vay nặng lãi.

Bên cạnh đó, các quy định về xuất xứ (rules of origin) có khả năng làm tổn thương công ăn việc làm ở Bắc Mỹ, bởi vì chúng cho phép giấu giếm một cách thông minh nguồn hàng sản xuất.

Ông dẫn chứng, “Bạn có thể có một chiếc ô tô, phần lớn cơ phận thực sự được thực hiện tại Trung Quốc và Thái Lan (những nước không ký vào TPP) nhưng chiếc xe này lại đi vào Canada như một mặt hàng của Nhật.”

Bộ trưởng Thương Mại Quốc Tế Canada, bà Chrystia Freeland đã ký bản hiệp ước gồm 12 quốc gia này hồi Tháng Hai, một thủ tục mà bà gọi là một “bước kỹ thuật” chứ không có nghĩa là phê chuẩn.

Hiện Ủy Ban Thương Mại Quốc Hội Canada đang đang nghiên cứu TPP, một tiến trình mà Bộ Trưởng Thương Mại Quốc Tế Chrystia Freeland nói có thể mất đến chín tháng.

Sau đó, bà đã hứa rằng chỉ một cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội mới có thể phê chuẩn thỏa thuận từng được đàm phán dưới thời cựu chính phủ Bảo Thủ. (L.Q.T.)

MỚI CẬP NHẬT