Sunday, April 28, 2024

5 nguyên nhân và 5 mẹo chữa ngáy khi ngủ

SAN DIEGO, California (NV) – Hiện nay, có ít nhất 90 triệu người dân Mỹ ngáy khi ngủ, theo một cuộc nghiên cứu của Yale Medicine.

Bác Sĩ Tonia Farmer, chuyên khoa tai mũi họng ở Warren, Ohio, cho biết, ngáy là điều cực kỳ phổ biến. Vì sao bạn lại ngáy và có cách nào để chữa trị nó? Tất cả sẽ được giải đáp qua năm điều tạo ra nguyên nhân và năm mẹo để chữa ngáy ở dưới đây, theo bài viết của trang mạng Livestrong vừa qua.

Ngủ ngáy xảy ra ở bất cứ mọi người. (Hình minh họa: Virgine Lefour/Getty Images)

NGUYÊN NHÂN KHIẾN BẠN NGÁY KHI NGỦ

Thông thường, không khí đi qua mũi, tiếp đến đi qua nhiều mô và đi vào phổi một cách không bị cản trở. Nhưng khi bạn ngáy, vòm miệng, lưỡi và amidan xẹp xuống và chặn đường thở đều đặn.

1. Lên cân, bị béo phì

“Trọng lượng cơ thể có thể đè lên đường thở nhiều hơn và gây ra tình trạng xẹp đường thở,” Bác Sĩ Tonia Farmer cho biết.

Chỉ số khối cơ thể cao hơn có liên quan đến nguy cơ ngáy cao hơn, với khoảng 71% người béo phì ngáy so với 36% người không béo phì hoặc thừa cân, theo một cuộc nghiên cứu được thực hiện với hơn 8 triệu người tham gia mang tên The Laryngoscope.

2. Do rượu bia và một số tác dụng phụ của thuốc kháng sinh

Những chất khiến bạn buồn ngủ, chẳng hạn như rượu và một số loại thuốc kháng sinh histamine, thuốc chống trầm cảm hay là thuốc giãn cơ sẽ góp phần khiến bạn ngáy khi ngủ. Vì những loại thuốc này có thể làm cho cơ bắp của bạn thư giãn hơn, bao gồm cả các cơ trong đường thở.

3. Bị cảm lạnh hoặc bị dị ứng

Nếu có nhiều chất nhầy trong xoang do bị cảm lạnh hoặc dị ứng, bạn có thể nhận thấy mình ngáy nhiều hơn bình thường.

Ngoài ra, khi bị bệnh, bạn cũng có xu hướng thở nhiều hơn bằng miệng, và điều này khiến vòm miệng của bạn rung động nhiều hơn.

4. Bị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Theo Mayo Clinic, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một chứng rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ, trong đó cơ cổ họng của bạn sẽ chặn đường thở trong khi bạn ngủ. Điều này sẽ khiến bạn ngừng thở trong giây lát vào ban đêm.

Trong khi đó, ngáy to là triệu chứng phổ biến của chứng ngưng thở, cùng với tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức, đau đầu vào buổi sáng và khó tập trung trong ngày.

5. Cấu trúc vòm họng ảnh hưởng đến ngáy

Nếu bạn có amidan và vòm họng lớn, hoặc có hàm lại nhỏ, lệch vách ngăn, chúng có thể sẽ chặn đường thở của bạn khi ngủ. Điều này sẽ cản trở đường hô hấp, khiến bạn còn có thể ngáy to.

Ngủ kê cao đầu hơn giúp giảm ngáy. (Hình minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels)

NHỮNG CÁCH CHỮA TRỊ NGÁY TRUYỀN THỐNG

Ngoài một số bài tập nhất định, còn một số phương pháp y học cổ truyền mà bạn có thể thực hiện để khắc phục chứng ngáy, bao gồm một số cách ở dưới đây.

1. Giảm cân

Bạn nên giảm cân, duy trì vóc dáng và cân nặng cân đối để sức khỏe được giữ lành mạnh.

2. Tránh uống rượu vào ban đêm

Trái với suy nghĩ của nhiều người, rượu thực sự có thể làm rối loạn giấc ngủ.

3. Ngủ kê cao đầu hơn

Tư thế ngủ này sẽ giữ cho các mô ở phía sau cổ họng của bạn không bị xẹp xuống.

4. Thay đổi thời gian dùng một số loại thuốc trong ngày

Bạn nên nói chuyện với bác sĩ để điều chỉnh thuốc sao cho phù hợp với thời gian biểu về giấc ngủ, giúp thuốc không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm bạn ngáy.

5. Đeo các dụng cụ hỗ trợ giảm ngáy

Hiện nay trên thị trường có bán các sản phẩm liên quan tới việc hỗ trợ giảm ngáy. Bạn hãy dùng một miếng dán giảm ngáy trên mũi để giúp giảm ngáy về đêm.

Bạn còn có thể sử dụng máy CPAP, là loại máy giúp đường thở luôn mở trong khi ngủ để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT