Friday, March 29, 2024

Chuyện vợ chuyện con

 

Khương Diệp

Thương tặng ML, vợ tôi

Vợ tôi chỉ có hai lần sinh nở nhưng phải tới ba lần vượt cạn.

Lần đầu vợ tôi đi biển một mình là lần vợ tôi bị sẩy thai. Đi theo bên vợ, trong lúc vợ tôi nằm trên chiếc băng ca được y tá đẩy vào phòng, tiếng bánh xe lăn đều đều càng tăng thêm vẻ im lìm một cách khó chịu. Nhìn sắc mặt vợ xanh mướt vì ánh đèn sáng lạnh của bệnh viện hay vì nỗi lo âu đang đè nặng trong lòng, tôi thảng thốt nắm chặt tay vợ, cuối xuống hôn lên trán, thầm thì “Yên tâm đi, em! Không sao đâu! Anh lúc nào cũng ở bên em mà.” Vợ nhìn tôi ứa nước mắt, hoảng hốt như cố nhỏm dậy nhìn theo tôi, trong khi chiếc băng ca lạnh lùng khuất dần sau cánh cửa.

Ngồi bó gối trong phòng đợi, có một điều gì mơ hồ cứ len lỏi vào trong suy nghĩ, tôi cố đi gạt sự sợ hãi nhưng nó vẫn âm thầm kéo tới. Dán mắt vào chiếc ti vi treo trên tường đang léo nhéo cái gì tôi không rõ, tôi chỉ biết rõ một điều là hồn tôi đang bên cạnh vợ tôi, đang thủ thỉ thù thì “Có đau lắm không em?”

Khi bác sĩ cho tôi biết việc chữa trị đã thành công, tôi mừng đến run rẩy cả người, vội ôm chặt lấy ông ta mà tiếng cám ơn cứ lặp đi lặp lại như từ trong vô thức.

Lặng nhìn vợ nằm im lìm trong phòng hồi sức giữa bao nhiêu là dây nhợ, mặt mày bơ phờ hốc hác, một nỗi đau tự dưng tràn tới. Tôi vừa thương vợ, vừa tiếc đứa con không được chào đời. Trời ơi, thấm thía lắm!

(Hình minh họa: Uyên Việt/Người Việt)

Năm sau vợ tôi lại cấn thai. Biết bao nhiêu là lo âu, thấp thỏm, vợ tôi không dám bỏ sót một lần khám thai nào hết. Gần đến ngày sinh mà con tôi không chịu trở đầu. Lại phải nhờ bác sĩ xoay nó xuống. Vợ tôi cố nén cơn đau, vừa vỗ về đứa con trong bụng, vừa sợ con mình chịu đau không nổi “Ráng ngoan nghe theo lời bác sĩ, nha con!”

Cuối cùng bác sĩ quyết định mổ để lấy con ra. Thằng nhỏ bị nhau quấn cổ nên không trườn xuống được. Tôi điếng cả người. Trời ơi! Chỉ bị gai đâm vô bàn chân thôi mà mình đã la bể trời bể đất, đàng này phải bị rạch bụng, cắt da xẻ thịt, còn cái đau thể xác nào hơn nữa không vậy, hở trời!

Được phép vô phòng sanh để hỗ trợ tinh thần cho vợ, tôi mừng còn hơn bắt được vàng. Được tận mắt thấy cảnh vợ nằm bất động, trong lúc các bác sĩ mỗi người mỗi công việc chuyên môn, cảm giác vừa yên tâm, vừa hồi hộp cứ như đèn cù chạy rối rít trong đầu.

Cuối cùng thì con tôi cũng chào đời. Nhìn đứa bé đỏ hỏn, máu me, cuống nhau cuống rún lòng thòng, tôi thật sự sợ quá chừng. Đến khi được cầm chiếc kéo để cắt cuống rún cho con, một nỗi xúc động bỗng dưng đến mãnh liệt, làm cho cơn sợ tan biến, tôi run run nhấp chiếc kéo mà sợ con đau, vợ đau. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được làm cha, được “khai sinh” cho con bằng nhát kéo cắt rún.

Khi vợ tỉnh lại, nhìn thằng bé sạch sẽ được nằm sưởi trong lồng kính xa xa, vợ tôi ngoắc tay nhờ y tá bồng con tới gần để ngắm. Một nụ cười sung sướng, mãn nguyện khi nhìn thấy con mình khỏe mạnh, đã nở tươi trên khuôn mặt lúc nãy hãy còn xám ngoét.

Mới tịnh dưỡng được có một ngày, y tá bắt vợ phải tập đi tập đứng. Tôi biết đó là một cách để chóng bình phục, nhưng thật tình tôi thấy quá tàn nhẫn khi thấy vợ tôi lóm thóm nhấc từng bước nặng nề mà mồ hôi từng giọt đọng trên trán. Tối hôm đó tôi nhất quyết phải ngủ lại trong phòng cho có bạn, mặc kệ y tá cự nự om xòm vì hết giờ thăm sản phụ. Nằm chèo queo trên chiếc ghế, nhìn nét mặt con thơ ngủ say, không biết rằng má nó đang cố nén cơn đau qua từng hơi thở mệt nhọc, tôi bỗng đâm ra giận con tôi vô cùng. Đúng là chưa có ai vô duyên hơn tôi.

Sau một tuần thì vợ tôi xuất viện. Tôi chở hai mẹ con về nhà cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc của bệnh viên gửi tặng.

Lần đầu tiên làm cha lạ lẫm lắm. Việc gì mình cũng thấy bỡ ngỡ, vụng về. Vợ tôi thì khác, hình như bản năng làm mẹ đã có sẵn trong mỗi người phụ nữ hay sao ấy! Từ tã, sữa, tắm rửa, cho ăn uống cho đến thức đêm thức hôm, rồi thuốc men mỗi khi con trở mình đau bịnh, đều do một tay vợ tôi đảm trách một cách rành rọt. Thấy vợ tôi nhọc nhằn quá, chịu không được, thế là tôi xắn tay áo nhảy vô. Từ đó việc chăm sóc con, tôi hoàn thành không thua gì vợ.

Rồi vì kế sinh nhai, vợ tôi phải đi làm trở lại. Vợ đi làm ban ngày, còn tôi đến ba giờ sáng mới về đến nhà. Hai vợ chồng thay phiên nhau săn sóc con. Thằng nhỏ cũng ngoan, biết cha mẹ khổ cực nên không quấy phá gì nhiều. Đói thì tôi pha sữa cho con bú, tã ướt thì đi thay. Xong rồi thả con vào nôi, mặc con chơi đã đời rồi lăn ra ngủ, trong lúc cha mắt thức trắng dã, mắt ngủ chập chờn trông chừng con.

Có lần đang ngủ say, chợt nghe tiếng gì chát chúa vang lên rầm rầm, chồm lên nhìn vào nôi, tôi điếng cả người vì không thấy con đâu. Chạy vội xuống bếp, thấy cu cậu đang lôi nào là nồi niêu xoong chảo ra mặc sức mà đập. Cu cậu biết trèo hồi nào mà tôi không để ý, nhè lúc tôi say sưa giấc điệp mà trèo ra khỏi nôi, bò xuống bếp tập…nấu ăn. Một phen hú hồn hú vía! Kể lại cho vợ nghe, tôi bị vợ càm ràm một trận đến nhức cả xương cả cốt. Con nghịch phá cứ nhè cha mà cự. Đúng là lẽ phải lúc nào cũng nghiêng về phái yếu.

Con càng ngày càng lớn, và vì thấy con cứ lủi thủi một mình tội nghiệp, vợ chồng bàn với nhau hãy cho nó một đứa em, để mai sau tụi tôi có “đi bán muối” thì chúng nó còn có anh có em khỏi bơ vơ lạc lõng

Thằng út nhỏ hơn anh nó hai tuổi. Chuyện mang bầu chín tháng mười ngày nặng nề khổ cực của vợ, tôi xin miễn kể, vì phụ nữ nào có con cũng đều trải qua như vậy. Chỉ xin vắn tắt kể chuyện vợ tôi đau đẻ.

Lần đó vợ tôi sinh bình thường không phải mổ xẻ gì hết. Chuyển bụng từ lúc một giờ khuya cho đến ba giờ chiều ngày hôm sau vợ tôi mới sinh được. Tôi túc trực bên vợ tôi từ đầu tới cuối, không ăn không ngủ, cứ ngồi một bên hết xoa lưng, đến vỗ về an ủi , dỗ dành. Nhìn vợ tôi đau mà tôi cứ ngỡ chính tôi đang đau đến xé ruột xé gan. Sau này vợ tôi kể lại là trong lúc đau gần chết, cố nằm im mong cơn đau qua đi, vợ tôi thấy tôi miệng vừa mếu máo, vừa xuýt xoa, vừa hít hà, mắt thì rưng rưng muốn khóc, làm vợ tôi cũng phảit phì cười vì trông tôi tếu quá.

Cuối cùng thằng út cũng chui ra, mặt tròn như mặt mèo, chóp đầu dài thòn vì nó lì quá cứ muốn chui ra từng chút một, làm mẹ nó thiếu điều tắt thở. Tôi cũng được bác sĩ cho cắt rún con, lần này có kinh nghiệm, cầm kéo xoẹt một cái là xong.

(Hình minh họa: Uyên Việt/Người Việt)

Có chính mắt thấy vợ mình vượt cạn, mới thấy thương người đã sinh ra mình như thế nào, và mới thấy làm đàn bà sao mà chịu muôn vàn khổ cực. Nhìn người mẹ trong lúc chuyển bụng, vật vã sanh con là thấy mầm tử biệt sinh ly chỉ trong gang tấc. Rồi nào những bệnh tật tai ác chỉ riêng người phụ nữ phải gánh chịu. Tôi thấy ông trời quá bất công với họ.

Có một chuyện nhỏ cần phải nói thêm kẻo quên, những chiếc cuống rún của các con tôi khô rụng, vợ tôi lau chùi sạch sẽ rồi cất riêng trong từng chiếc hộp nho nhỏ xinh xinh, kèm theo tờ lịch in ngày giờ con chào đời. Vợ tôi định đợi ngày con cưới vợ, sẽ tặng nó cái cuống rún mà chúng tôi cất kỹ, xem như một món quà kỷ niệm tình mẫu tử. Chắc lúc đó con tôi cảm động lắm.

Không ngờ một lần trộm viếng nhà, chiếc hộp này bị bọn trộm quăng tung tóe trong lúc lục lọi. Vợ tôi lượm lại từng chiếc cuống rún mà nước mắt nước mũi đầm đìa, đau như chính con mình bị hành hạ.

Giờ ngồi tẩn mẩn viết lại những kỷ niệm đã qua, tôi vẫn như còn thấy được từng giọt nước mắt đau đớn của vợ tôi qua những lần sinh nở, thấy được những nụ cười sung sướng khi được ẵm đứa con mình từng cưu mang. Tôi vẫn ngửi được mùi sữa thơm nồng khi hôn con, và vẫn nghe được mùi khai khai khi bồng con thay tã.

Cám ơn vợ đã chịu biết bao là cực khổ cho việc sinh con, nuôi nấng con tôi nên người. Cám ơn những lần các con biết nói tiếng thương tiếng yêu với bá má…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT