Friday, April 19, 2024

Nam nữ ở chung, hạnh phúc hơn vợ chồng



Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt


 


Khoa học gia thường bị ghét vì một lý do rất đơn giản: Khoa học gia có cái tật là thấy sao nói vậy, mặc dù kết quả nghiên cứu đi ngược lại những điều cha mẹ dạy xưa nay.


Chắc hẳn một số bậc phụ huynh sẽ ghét lắm khi nghe tin các nhà khoa học khám phá ra là nam nữ ở chung với nhau nhưng không cưới, lại hạnh phúc hơn là các cặp vợ chồng.


Nói trắng trợn ra: Cưới nhau là khổ, cứ sống chung vậy lại hay.


Ðó là kết quả khảo cứu dựa trên dữ kiện trong cuộc thăm dò mang tên National Survey of Families and Households (NSFH). Bài nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Journal of Marriage and Family số tháng 2, 2012.


Kết luận này có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Bất cứ ai từng học qua hoặc tham khảo về tâm lý học, xã hội học, đều biết đến những kết quả nghiên cứu cho thấy hôn nhân tốt cho người ta.


Thí dụ, cuốn sách của L.J. Waite và M. Gallagher, thường được trích dẫn, tổng hợp các công trình nghiên cứu và có hẳn tựa đề hôn nhân là có lợi: “The case of marriage: Why married people are happier, healthier and better off financially” – “Ủng hộ hôn nhân: Lý do người có vợ có chồng hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn, và tiền bạc sung túc hơn.”


Thế nhưng – một cái nhưng rất lớn – trong các cuộc nghiên cứu đó, người ta chỉ so sánh giữa người có vợ có chồng, với người độc thân.


Chưa ai, cho tới cuộc nghiên cứu này, so sánh giữa người có vợ có chồng, với những người cũng có cặp có đôi nhưng không tiến tới hôn nhân – những người trong mối quan hệ “cohabitation.”


Hai khoa học gia Kelly Musick, đại học Cornell University, và Larry Bumpass, đại học University of Wisconsin – Madison, phân tích dữ kiện kéo dài 6 năm của 2737 người, trong đó 896 người cưới vợ/chồng, hoặc dọn vào ở với bạn trai/gái. Ðây là dữ kiện lấy trong thống kê NSFH, do đại học University of Wisconsin thực hiện, có những con số rất chi tiết như tình trạng sức khỏe, số lần liên lạc với cha mẹ, gia đình, số bạn bè, số lần bị căng thẳng hay cảm thấy trầm cảm, v.v.


Tiến Sĩ Musick nói, trong xã hội hiện nay khi nhiều người không cưới mà vẫn xây dựng một gia đình và có con với người bạn đời, “những thay đổi này xóa nhòa lằn ranh của hôn nhân, và đặt câu hỏi là nếu vậy hôn nhân tự nó có ảnh hưởng gì so với các dạng chung sống khác.”


Cuộc nghiên cứu của Musick và Bumpass rất chi tiết. Họ tiên liệu rằng trong một thời gian ngắn sau khi cưới nhau hoặc dọn vào ở chung, tất cả mọi người đều rất hạnh phúc. Và ngược lại, sau khi sống chung một thời gian, dù có hay không có hôn nhân, mức độ hạnh phúc có giảm.


Vì vậy, họ phân tích rất kỹ. Họ so sánh giữa người có cưới, với người độc thân. Giữa người sống chung không cưới, với người độc thân. Giữa người vợ chồng, với người sống chung. Giữa người đang sống chung, rồi sau đó cưới, với người chỉ sống chung không cưới. Rất nhiều cặp so sánh như vậy.


Dữ kiện thăm dò của NSFH bao gồm cả những yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan, là hỏi người ta: có “happy” (vui thích hay hạnh phúc) không?, và người ta trả lời từ 1 điểm = rất không hạnh phúc, tới 7 điểm = rất hạnh phúc. Khách quan, là đo độ trầm cảm, theo phương pháp của tổ chức tâm lý học CES-D.


Dùng NSFH, Musick và Bumpass khám phá ra:


Giữa người có hôn nhân và người sống chung không hôn nhân, người có hôn nhân có điểm hạnh phúc thấp hơn người sống chung không hôn nhân.


Người có hôn nhân có mức tự tin (self-esteem) thấp hơn người sống chung không hôn nhân.


Ưu thế của hôn nhân, là sức khỏe. Ðiểm sức khỏe của các cặp vợ chồng cao hơn những cặp sống chung. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là vì họ dễ có bảo hiểm sức khỏe – vợ theo bảo hiểm ở chỗ làm của chồng, hay ngược lại chồng theo bảo hiểm ở chỗ làm của vợ.


Trên Huffington Post, Tiến Sĩ Musick giải thích thêm lý do tại sao người sống chung lại có mức tự tin cao hơn vợ chồng:


“Có thể họ vững tin hơn trong mối quan hệ, vì họ được độc lập hơn so với hôn nhân (…). Hôn nhân và những bó buộc, mà người ta không muốn, có thể trở thành ngột ngạt đối với một số người. Còn nếu chỉ sống chung, hai người có thể tự tạo một mối quan hệ thích hợp cho họ hơn.”


Không những hôn nhân bị thua thiệt so với sống chung không hôn nhân, kết quả nghiên cứu còn cho thấy hôn nhân bị mất điểm so với người độc thân: Người có vợ chồng dành ít thời gian cho bạn bè, họ hàng, hơn là người độc thân.


Kết quả này đi ngược lại giả thuyết trước đó. Trước đây, người ta cứ nghĩ khi mình cưới vợ, cưới chồng, thì không những mình có bạn bè, họ hàng của mình, mà mình có có thêm bạn bè, họ hàng của vợ chồng mình nữa, gia tăng mức giao tiếp của mình.


Tuy nhiên, kết quả cho thấy, hôn nhân là một mối quan hệ ích kỷ. Vợ chồng, chỉ muốn ôm lấy nhau thôi. Cả hai đều bớt liên lạc với cha mẹ, bớt dành thời giờ cho bạn bè.


Trả lời báo Cornell Daily Sun, Tiến Sĩ Musick nói bà nhận thấy xã hội đang có hai khuynh hướng gần như trái ngược nhau: Lằn ranh giữa hôn nhân và sống chung đang bị xóa mờ dần, nhưng ngược lại xã hội vẫn coi trọng hôn nhân hơn là sống chung.


Vì vậy, bà giải thích tầm quan trọng của cuộc nghiên cứu này, là “cần thiết để hiểu bản chất và ý nghĩa của sự thay đổi trong cấu trúc gia đình.”


Bên ngoài giới nghiên cứu, bà nói, kết quả này cũng giúp cung cấp dữ kiện khi cần “thảo luận vai trò của chính sách công khi lên tiếng khuyến khích hôn nhân.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT