Saturday, April 27, 2024

Âm nhạc trong đời sống

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Đêm văn nghệ tư gia. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Tôi mê nhạc từ lúc còn nằm nôi, khi nghe những câu hát ru của mẹ hoặc nghe bà ngoại ngâm thơ, đọc ca dao cho cháu yêu vào những đêm trăng thanh gió mát.

Lớn chút nữa tôi còn nhớ mỗi buổi trưa đi học về, ngồi làm bài tập nghe tiếng đàn chách chách, tiếng trống đánh bùm bùm vọng lại từ lớp dạy nhạc của nghệ sĩ Tùng Lâm cách nhà tôi sáu căn, như có ma lực thu hút kinh khủng để tôi vội quẳng hết sách vở vào hộc bàn, rồi nhẹ nhàng len lén mở cửa ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh lại trước cổng nhà hàng rào màu xanh của bác nghệ sĩ Tùng Lâm.

Tôi nép vào một góc trước hàng hiên nhìn các cô ca sĩ đến học hát mặc áo dài màu thiên thanh, tà áo bay bay điệu đàng mát cả vạt nắng loang bên hiên nhà. Các cô với các tên gọi như Trang Kim Yến, Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung,… trẻ trung, xinh tươi cười nói xôn xao. Tiếng đàn bắt nhịp, cái miệng o tròn, đôi môi chúm chím, các cô tằng hắng giọng bắt đầu Đồ-Rê-Mi-Fa-Sol, Sol-Fa-Mi-Rê-Đồ.

Lúc ấy tôi chẳng còn là tôi nữa, quên không gian, thời gian tôi cứ nhích từng chút đến cửa chính, rướn chân nhìn cho rõ bóng các chú đàn, các cô hát.

Lần nào cũng vậy, tôi bị bà quản gia của bác Tùng Lâm ngồi trước cổng quẩy cái đuôi quạt mà bà đang cầm hướng về phía tôi và bảo: “Con quỷ nhỏ! Đứng qua một bên tránh đường cho người ta đến học.”

Tôi nhoẻn nụ cười răng sún cười trừ, lùi lại góc hiên nhà rồi chổng mông dòm tiếp qua khung cửa. Chân tôi đang gõ nhịp nhẹ theo. Bỗng mông của tôi nhói đau điếng. Chị em nhà thằng Bảo kế bên nhà nghệ sĩ Tùng Lâm đang ôm bụng chỉ trỏ về phía tôi, rồi cười ngặt nghẽo. Tôi chưa kịp định thần thì lãnh thêm một phát vào mông trái. Ngoảnh đầu nhìn ra phía sau thấy bà tôi tóc bạc đang phân bua với bà quản gia. Giọng bà Bắc nghe ngọt ngào: “Cơ khổ bác ạ. Cháu nó cứ lén trốn nhà chạy đến đây làm phiền lớp nhạc mãi.”

Không đợi bà ngoại dứt câu chuyện, tôi tỉnh mộng quay người, vội phi thân thật nhanh về nhà để tránh bị cây chổi lông gà của bà quất cho thêm vài cái. Nghĩ lại mắc tội cứ làm bà buồn vì chẳng lo học hành siêng năng như con em út Vân, học bạ hạng nhất lãnh thưởng mãi. Còn tôi ham chơi nhiều hơn ham học, rảnh rỗi là cứ lẩn quẩn trước cổng nhà nghệ sĩ Tùng Lâm nghe lén tiếng nhạc xập xình.

Mấy chục năm sau tôi vẫn còn nhớ mãi lớp nhạc của nghệ sĩ Tùng Lâm với cổng nhà màu xanh. Một kỷ niệm tuổi thơ thật êm đềm đong đầy những nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol thuở ấy.

***

Đêm văn nghệ tư gia nhà Hoàng My tụ tập vài người bạn thân tình.

My yêu cầu mỗi người hãy nói sơ về lý do gì dẫn dắt mình đến với âm nhạc.

Dĩ nhiên đa phần mọi người đều có một điểm chung là đam mê nhạc từ lúc còn rất trẻ. Như anh Khôi tâm sự: “Tôi yêu nhạc từ lúc còn trong lòng mẹ.”

Tuy anh nói có hơi cường điệu nhưng nghĩ cũng đúng vì khoa học chứng minh đứa bé lúc còn là hài nhi từ tuần lễ thứ 24 của thai kỳ (sáu tháng) đã có thể cảm thụ về nhạc, thậm chí thuộc cả nhịp điệu, giai điệu khi chào đời.

Tác giả trong một buổi văn nghệ thiện nguyện ở Frankfurt, Đức. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Khoa học chứng minh đứa bé sớm nghe nhạc cổ điển sẽ thông minh hơn. Đứa trẻ nào học nhạc sẽ có tư duy logic và giỏi về môn khoa học như toán, lý, hóa,… nên trong các trường học đã sớm đưa môn học âm nhạc vào chương trình cho các em.

Anh Dũng tâm sự anh học piano từ lúc trẻ. My cũng vậy học piano classic rồi chơi được cả guitar, trống.

Âm nhạc là bộ môn giải trí lành mạnh, giảm stress và tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu đăng trên một tạp chí Đức cho thấy chơi nhạc cụ hoặc nghe nhạc có tác động tốt lên hệ thần kinh tương tự như chơi thể thao, làm việc thiện nguyện giúp đỡ người khác… kích thích chất Endorphins làm giảm lo âu, giảm đau, giảm căng thẳng.

Chơi nhạc, nghe nhạc, tùy theo sở thích cá nhân, sẽ tạo ra hormone hạnh phúc cho cơ thể. Cải thiện bệnh mất trí nhớ một cách hữu hiệu. Âm nhạc giúp tâm trạng con người vui vẻ, hưng phấn. Nên khoa học nghiên cứu viết rằng: “Liệu pháp âm nhạc là một phần quan trọng trong việc chăm sóc những người mắc chứng sa sút trí nhớ (dementia). Những người thân đang chăm sóc bệnh nhân có thể sử dụng âm nhạc như một phương tiện hữu ích trong việc chăm sóc hằng ngày và giúp bệnh nhân hồi phục trí nhớ qua âm nhạc bằng cách hát, vỗ tay và nghe hoặc chơi nhạc…”

Riêng tôi, khỏi nói lần nào văn nghệ tư gia ở nhà của Anh Tuấn và Hoàng My là tôi như kẻ lên cơn nghiện vừa nghe tiếng đàn piano, tiếng guitar, tiếng bass bùm bùm, chách chách là tôi ôm micro hát từ lúc nắng còn chiếu sáng cả khu vườn cho đến tối mờ mịt, đàn chim đã về tổ, đèn đường chiếu vàng vọt trước nhà.

Bây giờ tôi chẳng còn bà ngoại yêu dấu cho roi nẹt. Nhưng, có tiếng ai nheo nhéo sau lưng nhắc tuồng mãi: “Ngọc, hát nhiều quá rồi. Hát ít lại để người khác hát nhe.”

Ồ cô em Vân. Để tránh bị làm phiền tôi nhất quyết ôm micro len lỏi vào giữa hai anh đàn guitar Khánh và Hiếu, Tú accordion, sau lưng là Đạt chơi piano, kế bên là My trống. Thế là con em hết cách lải nhải sau lưng tôi. Và tôi hát tiếp tục. Tâm trạng thật là vui vẻ.

Âm nhạc đóng vai trò quan trọng cho đời sống tinh thần, sức khỏe. Nó tạo ra hormone hạnh phúc. Vậy thì các bạn hãy ôm đàn và hát vang “Ô Mê Ly” của nhạc sĩ Văn Phụng cùng tôi nhé.

“Ô mê ly đời sống với cây đàn
Tình tính tang dạo phím rồi ca vang
Chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng
Giục lòng ta dạo khúc ca với đàn

Một chiều mưa ta hát vang ‘Mưa rơi!’
Rồi cùng ta mưa đáp ‘Cho tươi đời!’
Một ngày nắng ta hát vang ‘Nắng tươi!’
Đàn cầm tay say sưa hát là nguồn vui.”
(Bích Ngọc) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT