Saturday, April 27, 2024

‘Bà mẹ tại gia’ dễ bị trầm cảm hơn phụ nữ ra ngoài đi làm

SAN FRANCISCO, California (NV) – Do nhu cầu nuôi dạy và chi phí chăm sóc con cái cao, nhiều cặp vợ chồng quyết định lựa chọn để một người ở nhà chăm sóc con cái và lo việc nhà, trong khi người kia sẽ ra ngoài làm việc kiếm tiền. Mặc dù các ông cha cũng đảm nhận vai trò nội trợ nhưng vị trí này phần lớn là do các bà mẹ đảm nhiệm.

Tuy nhiên, có một hội chứng mang tên “bà mẹ tại gia,” tiếng Mỹ thường gọi “stay-at-home mom,” viết tắt là SAHM. Đây là hội chứng trầm cảm của phụ nữ nội trợ, chưa phải là một chẩn đoán chính thức, xảy ra khá phổ biến của những bà mẹ từ bỏ việc làm để gánh vác gánh nặng quản lý nhà cửa và chăm sóc con cái.

“Bà mẹ tại gia” khiến không ít phụ nữ nội trợ dễ bị trầm cảm. (Hình minh họa: Kazuhiro Nogi/AFP via Getty Images)

Theo một bài viết trên Healthline mới đây, một phúc trình về việc làm cha làm mẹ ở Mỹ mang tên “The State of Moms and Dads in America” thống kê có đến 28% các bà mẹ ở nhà làm nội trợ toàn thời gian so với chỉ có 7% nam giới có sự lựa chọn này.

CÁC TRIỆU CHỨNG VÀ BIỂU HIỆN CỦA SAHM

Mặc dù các rối loạn trầm cảm khác nhau có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm SAHM, nhưng chúng có chung các triệu chứng cối lõi như tâm trạng chán nản kéo dài và cảm thấy mất năng lượng.

Các triệu chứng sẽ biểu hiện như dưới đây:

-Cảm thấy buồn, trống rỗng và vô vọng hầu như mỗi ngày.

-Mất hứng thú trong các hoạt động hằng ngày.

-Thay đổi cân nặng, rối loạn giấc ngủ.

-Thường xuyên cảm thấy bồn chồn.

-Kém tập trung và thiếu quyết đoán.

-Tâm trạng bất ổn.

-Cảm thấy bản thân vô dụng và tội lỗi.

Bản năng tự nhiên khi bạn nuôi dạy con cái 24/7 và dần dần mất liên lạc với các hoạt động khác trong cuộc sống mà bạn từng yêu thích. (Hình minh họa: Ezra Shaw/Getty Images)

Các triệu chứng kể trên có thể giống như cách nuôi dạy con cái điển hình. Mặc dù sự thật là tất cả các bậc cha mẹ đều có thể trải qua những khoảng thời gian mệt mỏi, tâm trạng cáu gắt và chán nản vì stress, nhưng những giai đoạn này cũng nhanh chóng qua.

Tuy nhiên, khi cảm giác chán nản không biến mất và làm gián đoạn các lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của bạn, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc chứng rối loạn trầm cảm.

ĐIỀU GÌ DỄ KHIẾN CÁC BÀ MẸ NỘI TRỢ DỄ BỊ TRẦM CẢM?

Thật ra không có nguyên nhân cụ thể nào gây ra chứng trầm cảm, nhưng các tình huống cô lập, bất bình đẳng trong mối quan hệ và mất ý thức về mục đích và bản sắc có thể một vai trò nào đó đối với hội chứng SAHM.

Tiến Sĩ Sabrina Romanoff, giảng dạy tại trường đại học Yeshiva University, New York City, New York, cho biết việc thường có cảm giác mất cân bằng trong mối quan hệ với người bạn đời của mình sẽ góp phần rất lớn trong việc gây ra trầm cảm.

Nói cách khác, bạn đời của bạn ra ngoài làm việc sẽ có suy nghĩ rằng công việc nội trợ sẽ dễ hoàn thành và dễ làm, vì người nội trợ là người “ở nhà cả ngày” trong khi người đi làm thì phải “bận làm việc.”

Một điều khác nữa mà cũng rất thường xảy ra, đó là bản năng tự nhiên khi bạn nuôi dạy con cái 24/7 và dần dần mất liên lạc với các hoạt động khác trong cuộc sống mà bạn từng yêu thích. Nếu không có khoảng thời gian xa cách với con và dành thời gian cho bản thân mình, bạn dần sẽ cảm thấy dường như mình chỉ còn gắn liền với con cái và bạn không còn mục đích nào khác trong cuộc sống ngoài việc chăm nom con nên người.

Tiến Sĩ Elizabeth Campbell, một nhà trị liệu tâm lý về hôn nhân và gia đình ở Spokane, Washington, cho biết: “Căng thẳng về tài chính và sự phụ thuộc vào người bạn đời về mặt tài chính sẽ làm cho phụ nữ ở nhà cảm thấy bất an, cảm giác như mình bị thua thiệt và lòng tự trọng cũng thấp đi.”

Bạn nên dành thời gian ra ngoài, dành thời gian cho bạn bè để kết nối xã hội. (Hình minh họa: Marty Melville/AFP via Getty Images)

NHỮNG MẸO ĐỂ CHỊ EM NỘI TRỢ THOÁT KHỎI HỘI CHỨNG SAHM

1. Dỡ bỏ sự cô lập

Một trong những điều đầu tiên mà bạn nên làm chính là tìm kiếm những tương tác xã hội để chống lại cảm giác cô đơn. Và bạn cũng nên tìm cách để hòa nhập với con cái của mình.

“Bạn có thể lên lịch đi chơi hoặc hẹn hò thường xuyên với các bà mẹ khác và con của họ,” Tiến Sĩ Elizabeth Campbell gợi ý. “Việc tham gia vào những cuộc trò chuyện có ý nghĩa và kết nối với những người khác sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm và mang lại cảm giác thân thuộc.”

2. Dành thời gian chăm sóc bản thân

Việc tự chăm sóc bản thân không nhất thiết phải tốn quá nhiều thời gian mà bạn có thể dành ra một chút trong ngày, ngay cả khi đang vác lên mình nhiều trách nhiệm.

Tự chăm sóc bản thân đôi khi đơn giản chỉ là dành ra 5 phút mỗi sáng để tận hưởng việc chăm sóc da của mình, hay đọc một cuốn sách mà bạn yêu thích trong bếp khi bữa tối đang được nấu. Hoặc đôi khi chỉ cần bạn dành ra 10 phút trước khi ngủ để thư giãn cho mình cũng là điều nên làm.

3. Khám phá bản thân

Tiến Sĩ Sabrina Romanoff khuyên rằng phụ nữ nội trợ nên nỗ lực xác định mình không chỉ là một người mẹ mà hãy nỗ lực luyện tập các khía cạnh khác bằng những cách khác nhau. Chẳng hạn, bạn vẫn có thể là một phụ nữ trẻ trung, yêu đời và đi chơi với hội bạn của mình, cố gắng làm những điều mình thích và thậm chí là học một ngành nào đó mà bạn muốn. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT