Thursday, April 25, 2024

Cha mẹ đừng lơ là ‘7 năm vàng’ đầu đời của con trẻ

LOS ANGELES, California (NV) – Để nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ thành người, các giáo sư của đại học Harvard University khuyên cha mẹ đừng lơ là “Golden 7 Years” (7 năm vàng) đầu đời của con.

Theo Healthline, các nghiên cứu về “7 năm vàng” này rất quan trọng, vì bước qua năm thứ tám, trẻ có sẵn một số kỹ năng cần thiết để tiếp tục con đường học tập và làm việc trong cả cuộc đời của bé sau này. Nhà triết học Hy Lạp vĩ đại Aristotle từng nói: “Hãy đưa tôi một đứa trẻ, đến khi nó 7 tuổi, tôi sẽ cho bạn thấy cháu bé là con người thế nào.”

Trí tưởng tượng bắt đầu hình thành và phát triển từ khi trẻ lên ba. (Hình minh họa: Free-Photos/Pixabay)

Nhưng cũng có nhiều người thắc mắc và tự hỏi, liệu có nghiên cứu nào ủng hộ giả thuyết của Aristotle không. Nói cách khác, có sách vở nào dành cho cha mẹ, để chắc chắn những đứa con mình sẽ thành công và hạnh phúc trong tương lai không?

Trước tiên, hãy thử xem các nhà nghiên cứu phân tích từng tuổi trong bảy năm đầu đời của trẻ như thế nào. 

Một tuổi: Nuôi dưỡng cảm giác an toàn

Ông bà ta “đúc kết” về sự phát triển của trẻ trong năm đầu đời: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi.” Một tuổi, nhiều bé đã đi vững, có thể nói một số từ đơn giản, thay vì chỉ biết khóc, cười, hay “làm xấu.” Và vì đi được rồi, nên các bé sẽ khám phá thế giới chung quanh mà chưa nhận thức được sự an toàn hay nguy hiểm (như nước nóng, ổ cắm điện…). Ngay lúc này, cha mẹ cần “giới thiệu” cho con đâu là nguy hiểm để con tránh xa và có cảm thấy an toàn, thoải mái. Trẻ lớn lên trong sự bất an ít khi tự mình làm việc lớn hoặc tự mình quyết định được chuyện gì. 

Hai tuổi: Phát triển kỹ năng giao tiếp

Trung tâm ngôn ngữ của não bộ của trẻ phát triển nhanh nhất ở tuổi lên hai. Ở lứa tuổi này, trẻ học nói thông qua đôi tai, tức là nghe âm thanh từ bên ngoài và bắt chước theo. Lúc này cha mẹ nên giao tiếp với con nhiều hơn để trẻ dần khám phá ra sức hấp dẫn của ngôn ngữ. Nếu trẻ có thể “cãi lý” với cha mẹ thì việc dạy dỗ coi như rất thành công.

Ba tuổi: Trau giồi trí tưởng tượng

Trí tưởng tượng bắt đầu hình thành và phát triển từ khi trẻ lên ba. Cha mẹ đôi lúc có thể thấy trẻ đóng vai một siêu anh hùng trong phim hoạt hình, không chỉ biết bay mà còn có siêu năng lực. Nếu cha mẹ thấy trẻ có ngôn ngữ hay hành động tương tự ở lứa tuổi này, đừng kìm nén mà hãy khuyến khích trẻ tham gia mọi “kịch bản” mà chúng tự dựng lên. Trí tưởng tượng là con đường giúp trẻ nhận thức và tìm hiểu thế giới xung quanh vượt ra khỏi kinh nghiệm cá nhân chật hẹp.

Bốn tuổi: Trau giồi khả năng sáng tạo 

Lên bốn, trẻ có thể làm ra những thứ mà người lớn chưa từng thấy trước đây. Lúc này, cha mẹ lúc này có thể tham gia cùng con, gợi mở, giúp con sáng tạo, và hãy cứ khen, đừng chê bai con khiến chúng mất hứng, mất tự tin.

Năm tuổi: Nhận thức độc lập 

Trẻ đã có nhận thức độc lập, có quy tắc của riêng mình khi lên năm, nhưng đôi khi quy tắc ấy chẳng theo quy tắc nào. Nhưng cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ, mọi việc đều có quy tắc. Ví dụ quy định cho các bé tự dọn đồ chơi, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc… Một khi đặt ra, cha mẹ phải nghiêm chỉnh thực hiện, thưởng phạt rõ ràng với con.

Sáu tuổi: Trau giồi sự tập trung 

Tuổi này bé bắt đầu đến trường, là thời điểm tốt nhất để trau giồi khả năng tập trung của trẻ. Ở tuổi này, cha mẹ cũng nên hướng dẫn con tập trung làm một việc trong khoảng thời gian nhất định để rèn luyện sự tập trung, thay vì cố gắng nghĩ nhiều thứ khác cùng một lúc.

Bảy tuổi: Rèn luyện trí não 

Đây là lúc trẻ chính thức bước vào con đường học tập. Trẻ cần kích thích não bộ hoạt động. Đọc sách cũng là một hoạt động tốt giúp con rèn luyện trí não, suy nghĩ cá nhân lúc này. Một số chất dinh dưỡng quan trọng giúp trẻ phát triển trí thông minh.

Trí tưởng tượng là con đường giúp trẻ nhận thức và tìm hiểu thế giới xung quanh. (Hình minh họa: Sujin Paluga/Pixabay)

Cha mẹ đừng quên tương tác với con 

Lý thuyết là thế, nhưng cũng giống như nhiều khía cạnh của việc nuôi dạy con cái, để trả lời câu hỏi “Nếu làm đúng những điều nêu trên, con trẻ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và thành công trong tương lai?” Câu trả lời không phải là đen hay trắng, là có hay không.

Mặc dù ai cũng biết cha mẹ cần tạo ra một môi trường an toàn cho con cái, nhưng không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu con bị chấn thương, hay bệnh tật, hay gặp một bất hạnh nào khác. Vì vậy, bảy năm đầu đời có thể không có nghĩa là tất cả, ít nhất là không phải theo một cách hữu hạn – nhưng các nghiên cứu cho thấy bảy năm này có một số tầm quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng xã hội của con trẻ.

Hilary Jacobs Hendel, một nhà trị liệu tâm lý chuyên về sự gắn bó và chấn thương, cho biết: “Chúng tôi biết từ khoa học thần kinh rằng các tế bào thần kinh kết nối với nhau. Các kết nối thần kinh giống như rễ của một cái cây, là nền tảng mà từ đó mọi sự phát triển đều diễn ra.

Điều này có vẻ như những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống – chẳng hạn như lo lắng về tài chính, khó khăn trong mối quan hệ và bệnh tật – sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con bạn. Nhưng dù liên tục gặp phải những căng thẳng trong cuộc sống, điều quan trọng là các bậc cha mẹ đừng bỏ bê việc tương tác với con bạn trong những năm đầu đời này.

Trẻ đã có nhận thức độc lập, có quy tắc của riêng mình khi lên năm. (Hình minh họa: Nanthapongs Songsil/Pixabay)

Thế nào là tốt đủ? 

Nuôi dạy con cái tốt, nghĩa là đáp ứng các nhu cầu về thể chất và tình cảm của con cái, bằng cách chăm sóc con cái từ miếng ăn, giấc ngủ, gần gũi, yêu thương… và như thế có thể giúp trẻ phát triển kết nối thần kinh khỏe mạnh.

Nhưng cuộc đời này chẳng có gì là “đủ,” ngay cả trong việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái. Vậy, thế nào là “tốt đủ?” Dù là cha mẹ, không phải ai cũng có thể kiểm soát mọi khía cạnh của sức khỏe con mình. Nhưng những gì các bậc cha mẹ có thể làm là giúp con thành công bằng cách tương tác với chúng như một người lớn đáng tin cậy. Điều này rất quan trọng, vì sau này, khi chúng trải qua những mối quan hệ thất bại, ly hôn hoặc căng thẳng trong công việc, chúng sẽ nghĩ lại cách mà cha hoặc mẹ đã phản ứng khi chúng còn nhỏ. (Đoan Trang) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT