Saturday, April 20, 2024

Chinh phục tuổi già để kéo dài tuổi thọ

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Nhiều lý thuyết đưa ra để giải thích lý do đưa tới lão hóa, nhưng dường như chưa lý thuyết nào được đa số các nhà nghiên cứu đồng ý. Cho nên, sự chinh phục tuổi già cũng chỉ là dò dẫm, ước mong có kết quả.

Vận động đều đặn sẽ giúp làm trì hoãn sự suy yếu của tiến trình lão hóa. (Hình minh họa: Armend Nimani/AFP via Getty Images)

Có người đi tìm đáp số trong các phương thuốc thiên nhiên hoặc tổng hợp hóa chất. Có người sử dụng chất dinh dưỡng như phương thức “cải lão hoàn đồng.” Nhiều người ôm mộng hão huyền đi tìm thuốc “trường sinh bất tử ” trên núi non hiểm trở hoặc ngoài hải đảo xa xôi. Cũng có nhiều tay lang băm sáng chế ra “thuốc chống già,” làm tiền thiên hạ. Những người cả tin, bị lường gạt rồi thất vọng không phải là ít.

Theo Giáo Sư Leonard Hayflick, một nhà nghiên cứu về lão khoa tại đại học Stanford University School of Medicine, thì “Chưa có một phương thức nào được chứng minh là có thể trì hoãn, ngưng hoặc đảo ngược sự lão hóa.”

Tác giả Deepak Chopra, người đã viết nhiều quyển sách về sự đảo ngược diễn tiến hóa già, cũng xác nhận: “Các phương thức chống già hợp lý nhất cũng chỉ làm ta khỏe mạnh hơn, làm giảm thiểu nguy cơ chết yểu chứ không làm ta trẻ lại cũng như không kéo dài tuổi thọ trung bình.”

Nhưng cũng có nhiều nghiên cứu gia lạc quan hơn.

Khi giới thiệu một hóa chất để kéo dài tuổi thọ, Richard J Marsh, một bác sĩ y khoa có gần 30 kinh nghiệm nghiên cứu về lão khoa, hân hoan báo tin: “Y khoa học đã chứng minh rằng bây giờ ta có thể làm trẻ lại từ 10 tới 20 tuổi trong vòng sáu tháng.”

Đó là ông ta muốn nói đến một loại hormone làm tăng trưởng gọi là Human Growth Hormone (HGH) . Kích thích tố tăng trưởng này được Bác Sĩ Daniel Rudman khám phá ra công dụng hồi xuân và công bố trên tạp chí y học uy tín The New England Journal of Medicine vào ngày 5 Tháng Bảy, 1990.

Bác Sĩ Ronald Klatz, người đứng đầu Academy of Anti-Aging Medicine cũng tuyên bố rất lạc quan rằng “một xã hội không tuổi tác đã thực sự bắt đầu với HGH.”

Một số khoa học gia tin rằng trong một tương lai không xa, tuổi thọ trung bình của con người sẽ tăng tới 100 tuổi hoặc nhiều hơn nữa

Nhưng trong thực tế đời sống hiện nay, đa số trong chúng ta có thể chống lại tiến trình lão hóa đến mức nào và bằng cách nào?

1-Hạ nhiệt độ cơ thể

Quan sát cho thấy con thằn lằn ở vùng New England lạnh lẽo sống lâu hơn đồng loại ở Florida với khí hậu ôn hòa và một vài loại cá sống trong hồ nước lạnh có tuổi thọ cao là sống trong vùng nước ấm.

Từ các nhận xét này, nhiều khoa học gia đã thử nghiệm kéo dài tuổi thọ của súc vật bằng cách hạ nhiệt độ cơ thể xuống từ 3 đến 5 độ. Kết quả ban đầu khá hứa hẹn và họ đang tiếp tục nghiên cứu ở động vật có xương sống.

Nhiều súc vật hoang dã đi vào giấc ngủ suốt mùa Đông (Hibernation) và khi thức dậy chúng rất khỏe mạnh.

2-Ngăn chặn phản ứng gốc tự do

Mọi tế bào đều cần đến oxygen để chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng. Đó là phản ứng oxy hóa.

Phản ứng này tạo ra các phân tử có số lẻ điện tử gọi là gốc tự do. Gốc tự do có công dụng cho cơ thể, đồng thời cũng gây ra tổn thương cho màng tế bào, chất đạm và nhân DNA. Các gốc này được nhà hóa học Denham Harman coi như là nguyên nhân của sự lão hóa và một số bệnh thoái hóa như ung thư, vữa xơ động mạch, đục thủy tinh thể. Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng tán thành  ý kiến này.

Để hủy hoại gốc tự do nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ, đã có nhiều khoa học gia đề nghị dùng các chất chống oxy hóa như sinh tố E, sinh tố C, Beta-carotene hoặc vài diếu tố như superoxide dismutase (SOD), catalase, glutathione peroxidase.

3-Dùng dược phẩm

Các thuốc sulfhydryl (SH), thiazolidine, mercaptoethylamine (MEA), calcium pantothenate, procain, pyridoxine, deprenyl, melatonin, chromium picolinate, coenzyme Q10 đã được thử nghiệm ở loài chuột và cho thấy có khả năng kéo dài tuổi thọ của chuột.

Thiazolidine đã được dùng ở Tây Ban Nha và Romania để điều trị chứng sự lão suy.

Procain là hoạt chất chính của các thuốc gerovital, H3 hoặc GH3, KH3, được bán ở Âu Châu nhất là tại Đức từ năm 1957.

Elderpryl là thuốc trị bệnh Parkinson và giảm trí nhớ ở người già. Kết quả nghiên cứu bên Nhật và Canada cho thấy thuốc này có khả năng kéo dài đời sống.

Hiện nay đã có nhiều người dùng coenzyme Q10 vì thuốc tăng tính miễn dịch, giúp cơ thể chống trả được nhiều căng thẳng do vi khuẩn, virus cũng như phục hồi bệnh tim mạch và kéo dài tuổi thọ.

Nhưng nhiều thầy thuốc chân chính vẫn còn nghi ngờ khả năng kéo dài tuổi thọ của các thuốc này và ngần ngại chưa muốn sử dụng kê đơn cho người già muốn sống lâu. Họ chờ kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể hơn là “tin đồn.”

4-Sử dụng hormone

Với tuổi già, một số kích thích tố trong cơ thể giảm xuống, con người cũng yếu đi.

Chẳng hạn testosterone, kích thích tố tăng trường HCG, kích thích tố từ nang thượng thận DHEA.

Dựa vào điều đó, nhiều người tin rằng việc bổ sung các kích thích tố nói trên có thể giúp con người trẻ lại, sống lâu hơn.

Nhưng việc bổ sung các kích tố cũng gây ra tác dụng không tốt cho cơ thể, nên khi dùng cũng cần dè đặt, tham khảo bác sĩ điều trị.

Ngoài ra mỗi lần chích HCG cũng tốt cả ngàn đô la và không phải chỉ tiêm một lần.

5-Giảm năng lượng tiêu thụ

Nghiên cứu tiết giảm năng lượng ở loài khỉ do Viện Lão Khoa Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, nhóm khỉ giảm tiêu thụ 30% tổng số năng đều nhẹ hơn, nhỏ con hơn nhóm khỉ ăn uống bình thường, nhưng chúng dường như ít bị các bệnh về tim cũng như ung thư.

Nghiên cứu đang được tiếp tục để coi sự tiết giảm năng lượng có làm con người khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn hay không.

Nhưng theo một số người thì dù tiết giảm có mang lại kết quả tốt ở con người thì chưa chắc đã có nhiều người chịu đựng được sự giảm dinh dưỡng tới 30% mà không thay đổi thói quen ăn uống bình thường của họ. Như vậy thì phương pháp này chắc cũng không được nhiều sự ủng hộ lắm, vì bản tính con người là hay ăn và đã ăn thì thật nhiều mới bõ công.

Tiết giảm năng lượng tiêu thụ để giúp con người khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. (Hình minh họa: Neilson Barnard/Getty Images for the New York Culinary Experience)

6-Thay đổi cấu trúc gene di truyền

Quan sát cho thấy thành viên trong một số gia đình được ân huệ sống rất lâu.

Thực vậy, theo kết quả các nghiên cứu của New England Centenarian Study ở Boston thì nếu một người trong cặp song sinh sống tới tuổi 100 thì người kia có nhiều triển vọng sống gần tới tuổi đó.

Hiện nay có nhiều nghiên cứu theo hướng này để xác định xem DNA có ảnh hưởng gì tới việc kéo dài tuổi thọ hay không.

7-Giải phẫu thẩm mỹ

Các phương thức thẩm mỹ hiện thời đã có khả năng làm trẻ lại thể dáng con người. Với tia laser, các khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi đời đã được xóa bỏ, với giải phẫu thẩm mỹ, chỉnh hình, vẻ bề ngoài của con người suôn sẻ hơn và nom trẻ trung hơn.

Thôi thì cũng tạm chấp nhận được. Trong khi chưa có những phương thuốc “cải lão hoàn đồng,” những  ai muốn có vẻ bề ngoài mười tám, đôi mươi thì có thể tìm đến với khoa thẩm mỹ.

8-Đời sống tinh thần

Ông Ben Franklin, một trong những vị “khai quốc công thần” nước Mỹ, đã có ý kiến: “Keep up your spirits, that will keep up your body,” có ý nói là “Hãy giữ vững tinh thần, điều đó sẽ giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh.”

Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu: “Giết nhau chẳng cái lưu cầu/ Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa.”

Khoa học cho thấy, khi ta tức giận thì lượng adrenaline trong máu lên cao, huyết áp tăng. Liên tục như vậy thì trái tim sẽ mau đi vào suy yếu, sức khỏe sút giảm, tuổi thọ do đó ngắn lại.

Cho nên “giữ vững tinh thần” là điều cần làm. Một thái độ tích cực, một sự quan tâm, lạc quan cộng với không bệnh tật có tác dụng tốt trên các chức năng tâm thần và thể xác. Và “Lạc quan, trường thọ; Bi quan mệnh yểu” là vậy.

Hoàng đế hỏi lão sư Chi Po về bí quyết sống lâu. Chi Po đáp “Con đường đi đến bách niên trường thọ là phối hợp nếp sống tinh thần và thể xác.”

9-Đức tin

Niềm tin tôn giáo cũng có ảnh hưởng tới sự sống lâu.

Kết quả các nghiên cứu của hai ông Jeffrey S. Levin và Harold Y. Vanderpool cho thấy có những ảnh hưởng tốt của niềm tin tôn giáo và tham gia lễ lạc đối với nhiều bệnh tật như bệnh tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, ung thư… và tình trạng sức khỏe toàn diện.

Nghiên cứu của các tác giả D.A. Mathews, D.B. Larson và C.P. Barry cho hay yếu tố tinh thần và tôn giáo làm tăng sự lành mạnh của tâm hồn và thể chất; và “ít tham gia nghi thức tôn giáo có thể coi như là rủi ro đưa tới bệnh hoạn, tử vong.”

Kinh Thánh Do Thái Giáo có ghi: “Những ai giữ các nghi thức tôn giáo sẽ sống lâu và đời sống sẽ thoải mái hơn là những người sống mà không có tôn giáo.”

Bác Sĩ Dharma Singh Khalsa, người nghiên cứu nhiều về bệnh Alzheimer, hỏi vị sư phụ tinh thần: “Mục đích sống lâu với tinh thần trong sáng là để làm gì?” Sư phụ trả lời: “Để biết tới Thượng Đế.” “Mà Thượng Đế là ai?,” “Là Đấng Sáng Tạo.” “Đấng Sáng Tạo ở đâu?” “Ở trong lòng ngươi, trong trái tim và linh hồn ngươi.”

10-Vận động cơ thể

Nhiều nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia lão khoa đều đồng ý với nhau về  ích lợi của vận động cơ thể trong việc làm chậm tiến trình lão hóa.

Theo các nhân vật này, sự vận động cơ thể công hiệu hơn các viên thuốc chống lão hóa hiện có. Một người khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, vận động cơ thể đều đặn có thể trẻ hơn tuổi thực cả mươi, mười lăm tuổi.

Vận động đều đặn sẽ giúp làm trì hoãn sự suy yếu của tiến trình lão hóa, bởi vì:

-Sức mạnh của xương và khối cơ thịt tăng lên.

-Sinh lực dồi dào.

-Nhiều khả năng chịu đựng căng thẳng thể xác tinh thần.

-Tăng hô hấp dưỡng khí và khối máu lưu thông.

-Giảm cao huyết áp, tiểu đường.

-Tinh thần sảng khoái.

-Đời sống tình dục thoải mái.

Chỉ cần vận động vừa sức nhưng đều đặn. Nên hỏi bác sĩ xem khả năng mình nên tập như thế nào. Môn vận động nào cũng tốt cả.

Nên nhớ cơ thể con người là một cấu tạo năng động tuyệt hảo. Muốn duy trì tốt khả năng vận động thì phải thường xuyên vận động, đừng để cơ thể nằm im một chỗ quá lâu.

Với vận động cơ thể ta có thể lấy lại một phần sinh lực đã mất cũng như loại bỏ khả năng thể xác tiêu hao do sự ít vận động chứ không phải do sự lão hóa.

Nhiều sự kiện thường bị gán cho sự lão hóa, nhưng thực ra lại là do thiếu vận động, không dùng tới. Thí dụ một cánh tay gãy bó bột một thời gian, bàn tay teo nhỏ, yếu, nom như già đi nhưng thực ra không phải hóa già mà do không vận động, dùng tới.

Sự không vận động làm cơ thịt và da mềm xệ, xương yếu, hệ thống miễn dịch giảm hiệu năng… tất cả đều góp phần đẩy nhanh tiến trình lão hóa. (Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT