Saturday, April 20, 2024

COVID-19 ‘ngủ yên’ mùa Hè, ‘sống lại’ vào mùa Đông?

LOS ANGELES, California (NV) – Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Hoa Kỳ được phát hiện cách đây nửa năm, chỉ vài ngày trước khi Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) cảnh báo rằng loại virus này là “mối đe dọa rất nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.”

Theo Medium, đến thời điểm này, giới khoa học có thể khẳng định họ hiểu nhiều hơn về virus Corona…

Nhiệt độ cao không làm cho virus biến mất. Trong hình, người chơi thể thao đeo khẩu trang ở Venice, California, hôm 15 Tháng Tám, 2020. (Hình minh họa: Apu Gomes/AFP via Getty Images)

Nhiệt độ và độ ẩm làm giảm độc lực của cúm và một số loại virus khác, làm chậm sự lây lan của chúng vào mùa Hè, nên đã có suy đoán rằng COVID-19 có thể giảm dần, nhưng sẽ bùng phát vào Tháng Ba ở Nam bán cầu, khi nhiệt độ giảm.

Không có gì chứng minh điều ấy là đúng, vì trong suốt Tháng Sáu và Tháng Bảy, số ca nhiễm bệnh ở Hoa Kỳ không giảm, thậm chí tăng phi mã.

“Nhiệt độ cao không làm cho virus biến mất,” Tiến Sĩ William Hanage, phó giáo sư dịch tễ học tại Harvard T.H. Chan School of Public Health, nói. Có một giải thích, khi thời tiết nóng bức, mọi người ra ngoài nhiều, nhưng khi thời tiết trở lạnh, buộc mọi người phải ở trong nhà nhiều hơn. Sự gia tăng đó sẽ trùng hợp với dự kiến dịch bệnh tăng theo mùa.

Rủi ro lây nhiễm virus Corona ở ngoài trời thấp, nhưng…

Lời khuyên ban đầu từ CDC là nhấn mạnh rửa tay, khử trùng bề mặt và hắt hơi vào khuỷu tay của bạn, với giả định rằng virus Corona lây lan chủ yếu qua bắt tay, tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm bệnh và qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh (trong vòng 6 foot, tức 1.8 mét).

Sau nhiều tháng đối phó với dịch bệnh, các chuyên gia đồng ý: Virus có thể xâm nhập vào không khí và lây nhiễm cho những người đứng gần nhau trong phạm vi 6 foot, đặc biệt trong không gian bí, kém thông gió, nơi các sol khí bị giữ lại và tích tụ.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), sau sáu tháng thu thập bằng chứng, cuối cùng đã đồng ý với các nhà khoa học về điểm này. Các chuyên gia vẫn nói rằng rủi ro ở ngoài trời thấp hơn, nhưng không phải bằng không.

COVID-19 không chỉ phá nát lá phổi

Trong vài tuần đầu của dịch bệnh, CDC giữ quan điểm rằng ba triệu chứng dễ nhận biết của COVID-19 là sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện các triệu chứng mới của người bị nhiễm COVID-19. Cho đến nay, loạt nghiên cứu cho thấy virus Corona còn gây đau nhức cơ thể, buồn nôn, tiêu chảy, thiếu máu, mất khứu giác, vị giác, chóng mặt, lú lẫn; và phản ứng nghiêm trọng của hệ miễn dịch dẫn đến đông máu, đau tim và làm suy yếu các cơ quan nội tạng khác.

Gần đây, các nhà khoa học còn tìm thấy hiện tượng các mạch máu của bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm trùng. Giáo sư y khoa Robert Salata, chuyên gia dịch tễ học và sức khỏe quốc tế tại Ohio’s Case Western Reserve University, cho biết: “Rất ít bệnh nào gây ra nhiều triệu chứng như bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Thật không thể tin được!”

Khẩu trang là yếu tố quan trọng để kiểm soát đại dịch

Trong những tháng đầu của đại dịch, giới chức y tế không khuyến khích đeo khẩu trang vì ba lý do: Thiếu khẩu trang y tế cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe; các phương tiện lây lan chính chưa được xác định một cách chắc chắn; và các đợt bùng phát ở Hoa Kỳ chưa lan ra tất cả tiểu bang hoặc khu vực.

Đến nay, hầu như tất cả chuyên gia y tế đều khuyên dùng khẩu trang. Ngoài việc che mặt, người dân còn được khuyên: Tránh xa các cuộc tụ tập đông người, đặc biệt là ở những địa điểm không cần thiết như quán bar; tổ chức xét nghiệm đại trà với kết quả nhanh hơn, kết hợp truy tìm mối liên hệ của những bệnh nhân đã nhiễm bệnh, yêu cầu giãn cách nơi công cộng.

Hầu như tất cả chuyên gia y tế đều khuyên dùng khẩu trang. (Hình minh họa: Chris Delmas/AFP via Getty Images)

Mọi người vô tình lây nhiễm cho nhau

Vào Tháng Giêng, 2020, khi có 300 ca nhiễm được biết đến ở Trung Quốc và một ca ở Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Anthony Fauci nhận định, COVID-19 “rất, rất dễ lây nhiễm,” nhưng một thời gian, mọi người mới nhận ra lý do tại sao.

“Một điều quan trọng mà chúng tôi học được là vai trò của việc lây truyền không có triệu chứng và lây truyền từ những người chỉ bị bệnh nhẹ,” Tiến Sĩ Natalie Dean, nhà dịch tễ học và trợ lý giáo sư thống kê sinh học tại University of Florida, nói. “Sự lây nhiễm có thể bắt đầu bởi những người không có hoặc có rất nhẹ các triệu chứng.” Trong khi đó, mức độ trẻ em bị nhiễm và lây COVID-19 vẫn chưa rõ ràng.

Sau khi xem xét các nghiên cứu, Tiến Sĩ Hanage ước tính: “Trẻ nhỏ có khả năng bị lây nhiễm khi tiếp xúc bằng một nửa so với người lớn, nhưng điều đó vẫn chưa rõ ràng.” Các chuyên gia cho rằng khoảng 80% trường hợp bị nhiễm COVID-19 là do khoảng 20% người mắc bệnh gây ra.

COVID-19 không chừa một ai!

Nguy cơ tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên là thấp “nhưng nó không phải là con số không” – Tiến Sĩ William Hanage cho biết. Điều gây lo lắng là rủi ro tăng liên tục theo độ tuổi. “Không có nhóm tuổi nào thoát khỏi rủi ro bị lây nhiễm,” ông nói. “Virus có khả năng gây ra những hậu quả mà chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu.”

Hơn thế nữa, ông và các chuyên gia khác cho biết, khi dịch bệnh phát triển ở các nhóm dân số trẻ hơn, như nó đã xảy ra rất nghiêm trọng từ cuối Tháng Năm, nó chắc chắn sẽ lây nhiễm sang nhiều người lớn tuổi hơn, dẫn đến số ca tử vong hằng ngày mà chúng ta thấy ngày càng tăng.

Virus sẽ không tự biến mất. (Hình minh họa: Matt Winkelmeyer/Getty Images)

COVID-19 tàn sát nhiều hơn dịch cúm

Bỏ qua lời cảnh báo của Tiến Sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia, cố vấn y tế Tòa Bạch Ốc, rằng căn bệnh này “gây chết người gấp 10 lần so với bệnh cúm theo mùa”, hồi Tháng Ba, Tổng Thống Donald Trump luôn cho rằng COVID-19 giống như bệnh cúm, không có gì đáng lo ngại.

Theo nghiên cứu công bố ngày 21 Tháng Bảy trên tạp chí JAMA Internal Medicine, số bệnh nhân COVID-19 thực tế trên toàn nước Mỹ được cho là cao hơn khoảng 10 lần so với con số được công bố. Ước tính đó phù hợp với suy đoán khoa học trước đây.

Tiến Sĩ Hanage nói: “Chúng tôi dự đoán cứ 200 trường hợp nhiễm COVID-19 thì có một người tử vong. Còn đối với bệnh cúm, tỉ lệ này là 1/1.000.” Cũng theo Tiến Sĩ Hanage, tỉ lệ tử vong đối với COVID-19 thay đổi đáng kể theo nhóm tuổi. Nguy cơ tử vong bắt đầu tăng cao ở độ tuổi 50, và rất cao ở độ tuổi 70.

Virus sẽ không tự biến mất

Từ ngày 10 Tháng Hai đến ngày 1 Tháng Bảy, Tổng Thống Trump dự đoán ít nhất 19 lần, rằng virus Corona sẽ biến mất. Ông từng tuyên bố về COVID-19: “Giống như một phép màu, nó sẽ biến mất.”

Thực tế, số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ vượt quá tổng số người chết vì cúm hoặc bất kỳ đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm nào khác trong năm hoặc mùa, kể từ đại dịch cúm năm 1918-1919. Hoa Kỳ giữ vị trí “đầu bảng” các quốc gia nhiễm bệnh và tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu.

Sẽ có vaccine

Hàng chục ứng cử viên vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm khác nhau của các công ty và nhóm nghiên cứu khác nhau. Sự lạc quan gần đây đã được thúc đẩy khi ba nhóm riêng biệt – ở Trung Quốc, tại Đại Học Oxford và ở Hoa Kỳ – công bố các thử nghiệm ban đầu thành công, mỗi nhóm tạo ra phản ứng miễn dịch với virus Corona mới và dường như an toàn.

Các ứng cử viên vaccine phải trải qua loạt thử nghiệm lớn hơn trên người khỏe mạnh ở độ tuổi 18 đến 55. Sau đó vaccine được sản xuất với số lượng lớn – hàng trăm triệu liều cho riêng Hoa Kỳ và hàng tỉ liều trên toàn cầu. Việc mở rộng quy mô sản xuất, sau khi có sự chấp thuận của liên bang, dự kiến sẽ mất nhiều tháng. Tiến Sĩ Barry Bloom, nhà miễn dịch học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Harvard T.H Chan School of Public Health, cho biết một loại vaccine chỉ cần có hiệu quả 50% là có thể đưa ra thị trường.

Trong khi đó, Tiến Sĩ Andrea Amalfitano, trưởng khoa Y học xương khớp College of Osteopathic Medicine của Michigan State University, dè dặt cho biết phải đến Tháng Ba, 2021, mới có vaccine sử dụng đại trà cho công chúng, còn sớm hơn thì “chưa có gì bảo đảm.” (Đoan Trang) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT