Sunday, April 28, 2024

COVID-19: Niềm tin và hy vọng

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Mỗi ngày ở nhà vì cách ly, nghe và đọc tin tức từ các hãng truyền thông, thật khó mà giữ được thái độ lạc quan về cơn đại dịch COVID-19, khi mà con số tử vong được báo cáo tăng vọt từng giờ, từng ngày. Thêm vào đó, các hãng xưởng tiếp tục sa thải hàng chục triệu công nhân, và rồi, quỹ về hưu thì chìm “vào biển máu” với giá trị cổ phần thi nhau tuột giảm thê thảm. Cho dù gần đây, nước Mỹ đã từng trải qua nạn thoái hóa thương mại năm 2008, đến sự sụp đổ của “Tháp Đôi”, Twin Towers ở New York vào biến cố 9/11, hay cơn bão Katrina, hoàn cảnh hiện tại có vẻ siêu thực, chỉ có trong các phim viễn tưởng, hoặc một cơn ác mộng chung cho nhân loại. Có bao giờ đường vắng tanh giữa ban ngày, xăng thì nhiều mà giấy đi tiêu thì thiếu!

Vài ngày trước, Tổng Thống Trump và các giới lãnh đạo đã khuyến cáo, trong vòng hai tuần kế tiếp, con số tử vong sẽ tăng vọt khủng khiếp, để rồi tổng số nạn nhân có thể lên đến trên 200,000 người!

Trong mọi tình huống, dù khó khăn đến thế nào, ta nên chú trọng vào những chuyện có thể kiểm soát được, có thể thực hiện và giải quyết được, thay vì thụ động, bi quan, và tiêu cực. Ở thời điểm đen tối nhất, nên giữ thái độ lạc quan và niềm tin, rồi thì COVID-19 cũng sẽ bị khống chế, mọi sự sinh hoạt của xã hội sẽ trở lại bình thường, và tình hình kinh tế sẽ ổn định.

1. Suy xét về con số tử vong một cách khách quan

Đã đành, mỗi một mạng sống mất đi sẽ mang nhiều tiếc thương và đau xót, nhất là cho gia đình và người thân. Sau khi nhìn vào con số tử vong vì COVID-19 gây ra, hãy xem luôn trang chính của website https://www.worldometers.info, ở vào thời điểm 12 giờ trưa Chủ Nhật, 4 Tháng Năm, chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ có trên 80,000 người chết trên toàn thế giới, và từ đầu năm nay, trên toàn cầu có trên 15 triệu người đã ra đi.

Một con mòng biển lẻ loi trên bờ biển Santa Monica, California trong mùa dịch COVID-19. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

Trở lại với nước Mỹ, trung bình mỗi ngày có trên 7,000 người ra đi vì nhiều lý do khác nhau. Theo cơ quan CDC, trong mùa cúm năm nay, có khoảng 28,000 người chết, phần lớn cũng là người cao tuổi. Thêm vào đó, 68,000 người chết vì ngộ độc ma túy, chưa kể 38,000 vì tai nạn lưu thông với con số tàn tật lên gấp đôi, phần lớn là người còn trẻ tuổi. Chỉ khác ở đây, tử vong vì cúm mùa tuy nhiều, nhưng không dồn dập, còn tử vong vì tai nạn lưu thông hay ngộ độc ma túy thì không bị truyền nhiễm lây lan.

Cũng có thể, có sự bù trừ, do bị cấm túc trong nhà, con số tử vong vì tai nạn và ngộ độc sẽ giảm bớt.

Ngoài ra, sự bùng phát của cơn dịch hiện nay ở Mỹ, chỉ tập trung ở các thành phố lớn, tiểu bang đông dân như New York, New Jersey, New Orleans, New Michigan. Còn những chỗ khác, như California, con số tử vong cho toàn tiểu bang, ở thời điểm bài viết này, là 323 người. Phần lớn, do chính sách cách ly được ban hành sớm ở California, ví dụ như San Francisco.

Theo một bản tường trình khác, trên 70% những ca nhập viện đều có ít nhất là một chứng bệnh kinh niên như bệnh tim mạch, bệnh suy phổi, suy thận, suy gan, tiểu đường, và ung thư. Hầu hết đều là cao niên, đã từng hút thuốc lá, nghiện rượu, hay trên cân vì béo phì. Và, 99% nạn nhân tử vong đều có ít nhất một trong những yếu tố nguy cơ kể trên. Giả dụ, không có COVID-19 đi chăng nữa, tỉ số tử vong trong những người này tăng 8-10% so với người mạnh khoẻ, COVID-19 rút ngắn tuổi thọ của họ hơn dự tính vào khoảng từ 1 đến 5 năm.

2. Các phương pháp thử nghiệm đang được phát triển nhanh chóng

Trước đây, để thử nghiệm dương tính cho COVID-19, phải tốn năm ngày. Vào ngày 27 Tháng Ba, FDA đã cho phép hãng Abbott sản xuất máy có thể cho kết quả trong vòng 5 phút. Và, còn nhiều phương pháp thử cấp tốc khác đang được nhanh chóng tung ra, kể cả thử nghiệm cho người đã có kháng thể. Ví dụ, hãng Bodysphere được FDA cho phép thử kháng thể trong vòng 2 phút. Hy vọng, các phương pháp thử nghiệm này sẽ phân loại ra những người mạnh khỏe và ít nguy cơ, một phần an tâm hơn, phần khác có thể đi làm lại ngay. Tuy rằng con số người bị nhiễm bệnh sẽ tăng, nhưng tỉ số tử vong sẽ giảm, giúp trấn an mọi người.

Ngoài ra, cơ quan FDA cũng đã nhanh chóng, tối ưu hóa các tiến trình phát triển thuốc chữa trị, cũng như thuốc chủng ngừa cho COVID-19.

3. Các phương pháp và thuốc chữa trị đang được khám phá nhanh chóng

Một loại thuốc đang được tranh cãi nhiều nhất là thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine. Tuy rằng, chỉ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, in-vitro, cho thấy thuốc làm giảm sự sanh sản của virus, và những thử nghiệm trên con người thì dữ kiện yếu kém, thiếu quy mô lớn, có khi được khi không. Theo một thăm dò gần đây, 37% bác sĩ trong số 6,227 vị, trên 30 quốc gia khác nhau, từ kinh nghiệnm chữa trị, đồng ý khả năng hydroxychloroquine, có thể giảm nguy cơ của COVID-19. “Có còn hơn không”, tuy không phải là thuốc thánh, nhưng do tình trạng cấp bách, trong khi chờ đợi, cơ quan FDA đã chính thức cho phép được sử dụng thuốc cho bệnh nhân đã nhập viện. Tùy sự quyết định của bác sĩ chữa trị, muốn dùng hay không, phần lớn, họ sẽ kết hợp với các thuốc khác như remdesivir chẳng hạn.

Ở đây, hãy tin tưởng rằng, quyết định của cơ quan FDA là do sự cân nhắc kỹ lưỡng của một hội đồng khoa học gia và bác sĩ chứ không vì mệnh lệnh của một cá nhân hay cấp lãnh đạo nào. Và, cũng không nên lầm tưởng hydroxychloroquine với một loại hóa chất có nguồn gốc tương tự được sử dụng để tẩy trùng ký sinh trong thủy sản. Không nên tự chữa trị bằng cách uống các loại hóa chất nầy, dễ bị ngộ độc mất mạng vô ích.

Thêm vào đó, thuốc remdesivir của hãng Gilead Sciences được chứng minh có hiệu nghiệm với COVID-19 trong thí nghiệm chữa trị lâm sàng ở Anh Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra các hãng thuốc khác như Sanofi, Regeneron Pharmaceuticals, Johnson and Johnson cũng đang ở gia đoạn cuối của việc sản xuất ra thuốc chữa COVID-19.

Cuối cùng là thuốc chủng ngừa, tuy rằng còn tốn khoảng một năm, nhưng nhiều hãng thuốc, trong đó có Moderna đã bắt đầu cho thử nghiệm lâm sàng.

Do biện pháp phong tỏa và cách ly, với các thử nghiệm và chữa trị đang tiến hành, Bill Gates, trong một bài phỏng vấn gần đây, hy vọng là cơn ác mộng sẽ không đến nỗi hãi hùng, và con số người tử vong sẽ hạn chế, không lên đến con số 100,000 như dự phóng.

Nói chung, chúng ta dễ bi quan trong tình huống hiện nay với con số tử vong ngày càng tăng cao, đi kèm với sự đình trệ suy thoái của nền kinh tế, thêm vào đó là những tin tức tiêu cực từ các hệ thống báo đài. Hãy nên lạc quan vào tiềm năng của nước Mỹ, của nền khoa học Mỹ, cộng với sự cộng tác của hàng ngàn khoa học gia, bác sĩ khác nhau trên toàn thế giới.

Có thể nói, gần như 99% các nhà lãnh đạo và chính phủ trên thể giới, không ai muốn dân chúng của mình phải chịu đựng, chết chóc. Và, cũng không ai muốn nền kinh tế của nước mình phải chịu thiệt thòi suy sụp. Đây không phải là lúc để chỉ trích hay phê bình người này, kẻ nọ, phải làm thế này, xử sự hay phát biểu như thế kia.  Như Tổng Thống Kennedy đã nói, hãy tự hỏi lòng mình, có thể làm gì, đóng góp những gì cho đất nước. Mọi chuyện khác, hãy để hạ hồi phân giải.

Màn đêm thường tối nhất trước lúc rạng đông. Các nước như Ý và Tây Ban Nha tường trình con số ca nhiễm và số tử vong bắt đầu xuống khỏi “đỉnh núi”. Như thế, nước Mỹ cũng sẽ “qua đèo” trong vòng vài tuần tới. Mỗi người một tay để ra khỏi đường hầm. Có thể ánh sáng cuối đường hầm chỉ đang le lói, nhưng hãy giữ niềm tin và hy vọng, cho dù đường hầm ấy còn quanh co và dường như xa lắm. (Hồ Ngọc Minh) 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT