Saturday, April 27, 2024

Bánh chưng ngày Tết

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Gói bánh chưng. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)

Theo truyền thuyết sự tích bánh chưng bánh giầy có từ đời Vua Hùng Vương thứ 6. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất. Bánh giầy hình tròn tượng trưng cho Trời.

Bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, gói bằng lá dong màu xanh thẫm, buộc chặt bằng lạt mềm. Bánh chưng không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt để cúng trời đất, tổ tiên, ông bà.

Vì vậy, khi Thành và Mên rủ bạn bè đến gói bánh chưng, chúng tôi vui vẻ đồng ý ngay. Còn gì quý bằng được sống lại không khí ngày Xuân của quê hương mình.

Những kỷ niệm yêu dấu mà mỗi con người đều khắc ghi trong tâm khảm ngày ta còn trẻ quây quần bên cha mẹ, anh, chị, em cùng nhau đón Xuân sang.

Tết của người Việt thiêng liêng lắm!

Diễn tả bao nhiêu cho đủ nỗi nhớ da diết về cội nguồn, về những dịp lễ Tết đoàn viên ấm áp tình gia đình, bà con thân thuộc, hàng xóm. Đêm 30, nhà nhà bày nhang đèn, mâm trái cây trước sân cúng Giao Thừa. Lũ con nít trong xóm xôn xao đếm từng phút chờ lúc châm ngòi dây pháo đỏ. Mắt căng tròn rực sáng theo từng viên pháo nổ đùng đoàng trên nền gạch. Tiếng pháo nổ giòn tan.

Rồi vỗ tay reo vui khi vừa đốt xong dây pháo đại, pháo viên chào năm mới.

Hai mươi tám lần tôi đón Tết trên quê hương thứ hai, nước Đức, giữa cái giá lạnh của mùa Đông khắc nghiệt, tuyết phủ trắng cả một vùng mịt mờ, một nỗi nhớ cồn cào về quê cha, đất tổ. Nhớ hương vị ngày Tết tôi đã cố vỗ về mình bằng cách ngồi ôn kỷ niệm của những ngày xưa đón Tết ở Sài Gòn rộn ràng ra sao, vui như thế nào. Tôi thấy như mình đang bước chân sáo theo sau mẹ đi bộ ra đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo trên đường Hai Bà Trưng xin lộc đầu năm. Hương trầm nghi ngút vút cao. Các cụ già, các thanh, thiếu niên xì xụp lạy, khấn xin non nước thanh bình.

Tôi nghĩ đến cái Tết gia đình sum vầy mà long lanh nước mắt. Thế mới hiểu nỗi lòng day dứt của những người con xa xứ mỗi độ Xuân về. Vọng cố hương như câu hát trong bài “Thuyền Viễn Xứ” thơ Hà Huyền Chi do Phạm Duy phổ nhạc:

“Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc sương mong con bạc lòng
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa”

Trở lại lớp học gói bánh chưng do Thành và Mên tổ chức. Đây là lần thứ hai học gói bánh. Tôi và cô em Vân gói còn vụng nhưng niềm vui thì nhiều vô số kể vì quang cảnh rộn ràng, chộn rộn. Mọi người lui cui xếp lá, nếp, thịt, đậu vào khuôn. Cười nói xôn xao, pha trò, giễu cợt.

Thầy Thành đến từng người chỉ dẫn cách nén bánh chưng cho chặt. Cột bánh sao cho vuông vức, đẹp mắt. Các cô dân dã trong chiếc áo bà ba. Em Hằng, Mộng Oanh, P Nguyên, P Linh, Lang Lương, Gigi, chị Mai Khanh thoăn thoắt gói bánh nhìn thật đều, đẹp.

Cả một trời thôn quê Việt Nam tái tạo thật sống động. Nét đẹp người miền Nam giản dị, chân chất, mộc mạc là đây.

Chương trình gói bánh chưng xong xuôi, bánh được xếp gọn vào nồi để hấp.

Trong khi chờ bánh chín, các cô thay áo dài tha thướt, điệu đàng chụp hình với nhau kế cành mai vàng mà Mên khéo léo trưng bày trong phòng khách.

Các cô mặc áo dài tha thướt, điệu đàng chụp hình với nhau. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Dĩ nhiên âm nhạc không thể thiếu cho lớp học gói bánh chưng này.

Anh Dzũng (Joseph) chơi dương cầm rất điêu luyện, lả lướt trên phím đàn. Tôi chơi guitar, Richard guitar bass, Mên trống, Thành harmonica. Các bài nhạc Xuân được cất lên, giọng các cô vút cao hòa quyện nhịp nhàng.

Xuân tràn ngập trong căn nhà ấm cúng. Xuân đem niềm vui trên từng khuôn mặt. Hồn Xuân. Tình Xuân ngất ngây trong ánh mắt, vương trên nụ cười khi chúng tôi chào nhau tạm biệt.

Em Hằng chở tôi về trên xa lộ mưa trút xối xả. California có bão lụt nhưng hai chị em trò chuyện vui như pháo Tết quên cơn mưa nặng hạt.

Mỗi đứa có bốn cái bánh chưng do Thành và Mên tặng để cúng đón Giao Thừa.

Tết Nguyên Đán năm Giáp Thìn của chúng tôi vậy là đầy đủ ý nghĩa và vui quá!

Tôi nghe giọng oanh vàng của Hằng đang ngân vang “Đón Xuân” của Phạm Đình Chương trong xe:

“Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối
Nắng xuân đem vui với đời.” (Bích Ngọc) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT