Thursday, April 18, 2024

Khi chồng cứ hay bỡn cợt với phụ nữ khác xung quanh

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, hồi mới quen chồng cháu bây giờ, cháu đã mơ hồ thấy có một cái gì rất lợn cợn trong cách mà anh ấy biểu lộ tình cảm với cháu. Nhưng hồi đó vì quá yêu, nên thảng hoặc cháu có thấy lấn cấn, nhưng lại tự chính mình xóa đi, hay bào chữa những điều mà cháu cho rằng kỳ kỳ nơi anh ấy. Nay thì ván đã đóng thuyền, cháu đã là vợ và đã có con với nhau!

Cháu rất xấu hổ, mỗi lần đến đám đông có bạn bè hay người thân cháu sợ chồng cháu hay giỡn cợt không đúng chỗ. (Hình: Helena Lopes/Unsplash)

Chồng cháu là người có vẻ bên ngoài đẹp trai, cao ráo, miệng cười có duyên, vui tính, thích đùa với vợ con và thậm chí là đùa giỡn với cả những cô gái khác. Nói đùa là cách nói lịch sự, chứ thật ra chồng cháu hay cợt nhã, trai lơ với các cô gái. Cháu bực lắm nhưng lại không dám lên tiếng vì sợ bị cho là hay ghen tuông vớ vẩn.

Cháu có một cô em gái chưa lập gia đình, chồng cháu gần như thường xuyên nói với cháu: “Hôm nào anh phải nói với mẹ cho anh đổi em lấy dì Út,” hoặc “Sao hồi đó em giấu dì Út kỹ thế, nếu biết có dì Út thì giờ này anh đâu cần xin đổi.”

Nhiều khi cháu không biết anh nói thật hay chơi nhưng cháu cảm thấy rất giận. Ảnh cứ cà rỡn hết cô này đến cô khác, ngay cả với chị sếp của cháu.

Cháu rất xấu hổ, mỗi lần đến đám đông có bạn bè hay người thân cháu sợ chồng cháu hay giỡn cợt không đúng chỗ. Cháu nói hoài, nhẹ có mạnh có, nhưng anh ấy vẫn chứng nào tật nấy, tự biện minh rằng mình chỉ nói chơi cho vui mà không làm gì xấu. Mấy lần cháu nói với mẹ chồng nhưng mẹ chồng cháu cứ bênh con trai của mình.

Thưa cô, cháu không biết cách nào cho có hiệu quả. Mới đây ảnh còn nói “Thôi giờ anh hết muốn dì Út rồi, anh đang muốn thằng Ph. đây.” Ph. là người sinh viên nam hiện đang share phòng trong nhà cháu.

Cháu chán ngán chồng cháu quá cô ơi! Cháu không biết đó chỉ là những lời nói chơi để chọc cháu hay là tâm sinh lý của chồng cháu đang hướng một lối khác? (Tâm Liên) 

GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ:

-John

Nhiều người đàn ông như vậy, thật ra họ chẳng có ý gì, cũng chẳng gạ gẫm hay gieo tình cảm gì. Họ chỉ đùa vui, thấy người phía kia cười thì cứ cho rằng người đó thích và cứ thế mà cợt nhã tiếp. Khi họ quay bước thì tất cả những lời kia cũng như gió thoảng qua. Tuy nhiên, là người vợ như em thì tôi hiểu nỗi khó chịu mà em mang. Em mất mặt, xấu hổ vì tính của chồng mà em nói hoài không nghe. Đúng rồi, em nói không nghe là phải vì anh ấy sẽ cho rằng em ghen với người anh buông lời chọc ghẹo. Xung quanh em không còn ai ngoài mẹ chồng là người thân thiết sao em? Nhờ mẹ chồng thì hỏng rồi vì chắc chắn bà sẽ bênh con bà mà không tin lời em. Em thử nhờ bạn bè coi sao. Em chọn một người bạn nào của chồng, nhờ anh ấy khuyên chồng em. Tôi tin là nếu bạn khuyên mình thì lời khuyên dễ vào đầu hơn.

Ngay cả cô em Út, tôi tin là cô ấy biết và từng bị qua lời chọc ghẹo của anh rể mình. Cô em gái Út có thể nói thẳng vào mặt anh là đừng thế nữa, như thế là không đạo đức. Cứ thế nói vài lần thì anh chàng quê mà bỏ đi. Tính này cũng không chờ đợi ngày một ngày hai mà bỏ được. Nước chảy đá còn mòn, tôi tin cô khuyên nhủ nói phải trái hoài thì chồng sẽ nghe.

Chúc cô may mắn, bình an!

-Bích Lan

Tại sao anh ta có quyền cợt nhã? Có quyền trai lơ với phụ nữ khác mà người vợ chỉ biết than vãn, viết thư hỏi người này người kia giúp mình?! Thật là vô lý trong cái xã hội trọng nam khinh nữ này. Người vợ làm giống anh ta đi! Tại sao không? Không hề có một luật lệ nào, dù ở trong xã hội phong kiến cấm điều đó, chẳng qua chỉ do con người. Người nam thì cho mình cái quyền đó và con người nữ thì cúi đầu chịu đựng, không dám cho mình cái quyền ngang hàng với đàn ông.

Thế kỷ 21 rồi em đừng tự mình chịu đựng. Một buổi gặp gỡ nhiều bạn bè, em cứ diện thật đẹp rồi tự mình đến nói chuyện với những người bạn chồng. Em không cợt nhã, nói chuyện vui vẻ với hết với mọi người, coi anh ta tức không? Dĩ nhiên là vừa phải thôi, không cho anh ta cơ hội vịn vào bắt lỗi. Anh ta khen cô này xinh thì em cũng khen người chồng cô ấy lịch lãm. Hãy cho mình cái quyền phát biểu! Tôi thấy phần lớn người vợ cứ im lặng trước đám đông khi đi với chồng nhưng em nhường nhịn quá thành hèn.

Em có nên tiếp tục chu cấp mỗi tháng cho mẹ nữa không hay nên cắt? Nếu không gửi thì em thấy bất hiếu mà gửi thì rất tức do mẹ em không xài. (Hình: Yuri Cortez/AFP via Getty Images)

VẤN ĐỀ MỚI

Gia đình em có ba anh em. Anh lớn thì cờ bạc không lo làm ăn, nghiện hút, ra vào trại cai nghiện không biết bao nhiêu lần, cứ thế lập đi lập lại từ 20 năm nay. Ba em thì cũng không lo làm ăn, suốt ngày gái gú. Mẹ em thì cho vay kiếm sống, giờ già rồi cũng chẳng tiếp tục được nghề cho vay. Cả nhà dựa vào nguồn tiền em gửi về để sống.

Em lớn lên miền Tây, hoàn cảnh gia đình khiến em phải tự thân tìm cách vươn lên. Nhờ dành dụm tiền, em đã lo được một chỗ du học ở Mỹ.

Tại Mỹ em xin ở nhờ nhà người bà con, dù rằng tại đây em phải sống dưới basement lạnh lẽo nhưng em quyết chí chịu cực để hy vọng một ngày mai khá hơn. Trời không phụ lòng, em gặp được một người Mỹ tốt, anh ấy là con nhà giàu, gia đình có học, cha mẹ lại là người nhân ái. Em nhận được lòng thương yêu, chăm sóc của một gia đình xa lạ nhưng họ đùm bọc em như một người thân.

Tuy được nhà chồng cưng chiều nhưng em không cảm thấy hạnh phúc khi mà gia đình em ở Việt Nam là một gánh trĩu nặng trên đôi vai. Vì con nhỏ nên em chỉ đi làm part time. Bao nhiêu tiền kiếm được em đều dồn cho cha mẹ mà những đồng tiền ky cóp đó có phải để nuôi ba mẹ em đâu. Người hưởng là ông anh trai thứ ba của em. Nhà cửa tiền bạc, ông anh cứ dụ mẹ em đưa trong mẹ em thì tham tiền lời hàng tháng nên đã bán nhà và đưa hết cho ông anh vay, hàng tháng nhận lại từ ông anh em vài triệu tiền lời. Thế là mẹ em lại thiếu hụt và than cực khổ.

Em cảm thấy thật bất công, em tích cóp từng đồng gửi về, mà mẹ đưa hết cho anh Ba vài trăm triệu. Như vậy chẳng khác nào công ơn báo hiếu của em là báo hiếu cho anh Ba và bà chị dâu? Em giờ cảm thấy không còn động lực gửi tiền về cho mẹ nữa.

Em có nên tiếp tục chu cấp mỗi tháng cho mẹ nữa không hay nên cắt? Nếu không gửi thì em thấy bất hiếu mà gửi thì rất tức do mẹ em không xài, chỉ có anh Ba và chị dâu hưởng trong khi em làm vất vả nơi xứ người. Nếu em không gửi nữa thì em có ích kỷ không? (Kim Hoa)

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi về: Biết Tỏ Cùng Ai, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hoặc email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT