Sunday, April 28, 2024

Làm sao kéo chồng ra khỏi ‘cái dù’ của mẹ

LTS:Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

 

Vợ chồng tôi mới kết hôn, chúng tôi chưa có điều kiện để ra riêng, nên chúng tôi hiện đang sống chung với gia đình chồng. Cụ thể là đang sống chung với cha mẹ chồng, và một em gái vừa ra trường. Cha mẹ chồng tôi cũng chưa già lắm, đều còn đi làm.

Thời gian gần đây, ảnh hưởng Covid 19 len lỏi vào từng gia đình, càng ngày càng sâu đậm, gia đình tôi cũng không thoát khỏi ảnh hưởng chung đó: Hoảng sợ, lo âu, nghi kỵ… ích kỷ vơ vét. Tôi thấy, cơn dịch như một “thuốc thử” để biết nhân cách, lòng tự trọng của con người.

Từ hôm mới bắt đầu xảy cơn dịch. Mẹ chồng tôi là người rất bén nhạy, việc đầu tiên là bà đi tất cả các chợ mua trữ thức ăn và đồ dùng cần thiết. Bà đi mỗi ngày và có khi, ngày đi mấy lần. Đồ mua về nhiều vô kể, nhiều đến độ, nhà có một phòng dành cho con chúng tôi, thì Mẹ yêu cầu cháu ngủ chung với chúng tôi để bà trưng dụng phòng đựng đồ, giấy, thuốc rửa tay, gạo, dầu ăn, nước mắm… nhiều nhất là gạo, bao từng bao chất chồng…

Thấy Mẹ hì hục suốt ngày tích trữ, tôi có khuyên can Mẹ: “Thôi đừng mua thêm không sao đâu,” thì Mẹ mắng tí tát, rằng là: “Con chưa trải qua những ngày đói kém, con chưa từng là nạn nhận của Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, Tháng Tư, 1975… Mẹ đây trải qua nhiều rồi, Mẹ hiểu, Mẹ cần lo cho gia đình mình đầy đủ, rồi con sẽ thấy Mẹ đúng…”

Tôi không nói nữa, mặc cho Mẹ muốn làm gì thì làm. Nhưng rồi, bao nhiêu lời than phiền, phê phán trên báo chí, các đài… rằng cơn dịch đã biến nhiều người tham lam, sống ích kỷ, tạo nên khan hiếm thị trường, người thì chất đống, người thì thiếu hụt. Tôi thật mắc cỡ khi nhà mình tràn trề, ngập ngụa mọi thứ.

Sau vài tuần tích trữ, thấy không khí đã bắt đầu dịu xuống, và nhất là tin Costco không cho trả lại một số mặt hàng. Mẹ tôi bắt đầu hoảng hốt, nhưng với tính lanh lợi Mẹ nghĩ ra một chiến dịch khác. Mẹ gọi điện thoại cho một số người quen: “Chị ơi, tôi đang ở chợ, gạo ngon mới về, có muốn mua không, tiện thể tôi mua dùm cho.” Và cứ kiểu thế, Mẹ bắt đầu bán lại với thêm chút tiền xăng, tiền công. Hàng trong nhà vơi đi và Mẹ hí hửng có thêm chút tiền còm, trả công tích trữ bấy nay.

Thôi chuyện Mẹ thì thôi, tôi cũng lơ đi, nhưng thái độ của chồng tôi mới làm tôi đau lòng. Khi tôi than vãn việc làm của Mẹ, thì anh ấy dày xéo: “Thế những đồng tiền lời Mẹ kiếm được, nó không thêm vào bữa ăn hằng ngày của em sao? Nó không trả tiền nhà, điện, nước… mà em xài sao? Mẹ như thế nên mới có tiền nuôi anh ăn học, và ngày nay, anh mới có tiền lo cho em và con, đừng phê phán Mẹ!”

Thật khủng khiếp! Từ lâu tôi cũng có nghe nhiều người nói, giáo dục gia đình đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách của mỗi người, và nay điều này đã chứng thực. Từ khi chồng nói câu đó, tôi nhìn anh bằng cái nhìn khác trước nhiều lắm. Anh cũng là người có ăn học đàng hoàng, tôi rất muốn “kéo” anh ra khỏi ảnh hưởng của Mẹ anh, nhưng anh lại là người có hiếu và tôn thờ Mẹ triệt để, không ai bằng Mẹ. Mẹ là thần tượng của anh.

Thưa cô Nguyệt Nga và độc giả, tôi muốn chồng tôi thay đổi, thoát khỏi cái “dù” của Mẹ, tôi muốn tha thiết điều ấy, thưa cô.

Hiền Lê

*Góp ý của độc giả:

-TT

Đọc thư của cô, tôi đoán cô còn trẻ, vì cô phạm vào một cái lỗi chung của đa số phụ nữ trẻ, là muốn “thay đổi” ông chồng của mình.

Lời thật mất lòng, quá ngây thơ mới đòi thay đổi người đàn ông. Người chồng cũng như người vợ, cả hai đều được dạy dỗ theo cách của gia đình họ. Như cô chẳng hạn, cô đã được giáo dục theo cách của gia đình cô từ thuở còn thơ, nên đâu dễ gì thay đổi lối suy nghĩ hay thói quen của cô. Mỗi gia đình có cách giáo dục riêng, không gia đình nào giống gia đình nào, và không gia đình nào hay hơn gia đình nào cả, chỉ là sự khác biệt trong lối suy nghĩ mà thôi. Hãy nghĩ như vậy cho chồng cô, anh đã có lối suy nghĩ và thói quen nào đó vì giáo dục của gia đình anh, đừng nghĩ là sự giáo dục của mình hay hơn của người kia, mà mình đòi thay đổi họ theo lối của mình.

Để giữ hạnh phúc hãy tập chấp nhận sự suy nghĩ của người chồng, nếu suy nghĩ đó không hại đến ai về thể chất hay tinh thần, nhất là không hại gì đến cô hay con của hai người. Nếu hay hơn nữa, thì bằng cách nào đó làm cho chồng nghĩ rằng, sáng kiến nào đó là của anh, mà thực ra đó là của cô, chỉ vì cô đã khôn khéo làm cho anh tưởng như vậy. Nhưng đừng cho anh biết, rồi từ từ cứ như thế mà tiếp tục, thì tới một ngày nào đó mọi chuyện mà cô muốn, cô đều đạt được nhờ vào sự khôn khéo của mình, mà đồng thời không làm cho người chồng khó chịu.

Ráng để dành tiền rồi dọn ra ngoài mướn nhà hay appartment, khi ở riêng cô sẽ bớt đi được phần khó chịu với cách sống của mẹ chồng. Nhưng cô vẫn sẽ không tránh được sự suy nghĩ khác biệt của ông chồng cô đâu. Hãy sống hòa hợp với người khác, thay vì đòi thay đổi họ, hoặc hãy thay đổi chính mình. Vì còn đang sống trong nhà bố mẹ chồng, hãy để yên cho chồng cô nghe lời mẹ, nếu điều đó không hại đến thể chất hay tinh thần của cô và con nhỏ. Nếu cô hiểu câu, “mind your own business” của người Mỹ, cô sẽ không khó chịu và không đòi thay đổi ai hết. Mong cô suy nghĩ để mang hạnh phúc lại cho mọi người trong nhà và cho chính cô.

-Tính Ng.

Khó mà thay đổi, nhất là khi người đó lớn tuổi. Bao năm cách suy nghĩ, cách sống của họ quen như thế, nó nằm trong máu, chưa kể những người mẹ ấy, như mẹ chồng cô, họ đã trải qua bao đời khốn khó, đói khổ, cho nên để sống còn, họ bằng mọi phương tiện để đạt mục đích. Có lẽ cô còn nhỏ, nên không biết đến những ngày thiếu thốn, cùng cực như mẹ cô kể. Đất nước mình nằm trong chiến tranh triền miên. Đến sau năm 75, tuy chiến tranh không còn, nhưng tràn đầy những áp bức, bất công… tất cả đã khiến những người sống qua thời kỳ đó luôn luôn đề phòng, thủ thế. Hãy thông cảm cho mẹ, khi mẹ là người phải dang cánh bảo bọc đàn con. Ngay giờ này khi con trai bà đã lớn, đã trưởng thành (là chồng cô đó,) vẫn còn ở trong nhà mẹ, chưa giúp được mẹ ngày nào. Nay thêm vợ con, cô có chắc rằng không nhờ vào bà nội bất cứ điều gì không? Cô có chắc mình không cần có mẹ chồng trong việc chăm sóc con nhỏ không?

Thôi, hãy nghĩ đến những điều tốt về Mẹ, như thế, cô là người đầu tiên thấy mình nhẹ lòng. Không thay đổi được mẹ đâu, hãy sống “mềm” để dễ chịu đôi bên, cô nhé!

-Mary

Chắc cô phải nói thế nào nên chồng cô mới nóng lên như vậy. Một điều cô nên nhớ là đừng bao giờ phê bình mẹ người ta, dù mẹ người ta có xấu xa bao nhiêu, cụ thể là phê bình mẹ chồng trong lúc đang ăn nhờ ở đậu. Cứ căn cứ vào bản thân mình, mẹ mình có xấu bao nhiêu, nhưng chỉ mình mới có quyền chê, còn người ngoài động vào là không được đó. Cho nên, không bao giờ chê mẹ chồng với chồng. Nếu thấy mẹ chồng quá lố thì chỉ nên nói rất nhẹ, lựa lời, lựa lúc… không phải cứ tự do nói ào ào. Cô phải luôn luôn nhớ rằng, hoàn cảnh của mình là đang ở chung, khi nào cô có điều kiện ra riêng thì hãy hay, mà lúc ra riêng cũng phải giữ cái mồm, khi động đến mẹ của người khác, nghe cô.

*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, gia đình tôi mới có một buổi họp không vui. Lý do là ông chồng tôi vào online nhà bank của riêng mình và khám phá ra không cách nào vào được. Ông ấy điên lên, đánh password bao nhiêu lần cũng bị đẩy ra. Sau đó online nhà bank không cho ổng vào nữa. Ông nói chỉ có tôi mới là người gây ra điều ấy, dù rằng tôi đã nói tôi không biết gì cả. Ổng nóng lên và bắt phone gọi người anh lớn của tôi, mời anh đến nhà, nói là cần có mặt anh cho một chuyện quan trọng của gia đình. Mặc dù thời Covid-19, hạn chế gặp mặt, nhưng chồng tôi bắt anh tôi phải đến để giải quyết.

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi có thể nói mà không ngượng miệng rằng, ông chồng của tôi quá may mắn khi lấy đươc một người vợ như tôi.

Năm nay ổng 62 tuổi, hơn tôi năm tuổi, chúng tôi có với nhau hai con, đều thành đạt và đã ở riêng. Cả hai vợ chồng tôi còn đi làm, nhà cửa cũng gần xong. Hiện tại chúng tôi đi làm để cố trả hết phần nợ còn lại của căn nhà. Nói chung cuộc sống của chúng tôi cũng nhẹ. Do vậy, tôi rất thoải mái với chồng, ảnh có “ta bà” chút đỉnh tôi cũng không thèm để ý, mè nheo chi cho khổ đời, thậm chí tôi còn nới rộng một “biên giới” rất lý tưởng cho anh: Bây giờ con cái trưởng thành, vợ chồng cũng già rồi, bao nhiêu năm cày cấy, giờ rủng rỉnh chút đỉnh, cho anh rong chơi, bồ bịch. Nhưng, tuyệt đối: 1. Không để có con rơi, 2. Không đi lại với mấy phụ nữ có chồng, 3. Không được lấy tiền trong account chung. Tôi cho ổng mở một nhà bank riêng, mỗi tháng đưa cho tôi 3/4 lương, phần còn lại bỏ nhà bank của ông, xài riêng.

Từ ngày ra “thông báo,” ổng chấp hành khá nghiêm chỉnh, quen ai cũng về kể, nhiều khi hai vợ chồng cười vì chồng vừa bị “tình phụ,” một cô đá cho lăn quay. Nhưng lo gì, ổng có tiền và rộng rãi, nên cô khác lại nhào vào. Cứ thế vợ chồng rất yên ổn, vui khỏe mà sống qua tuổi già và qua Covid 19.

Nhưng ở đời, ông Nguyễn Công Trứ đã nói: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe. Trần có vui sao chẳng cười khì.” Chúng tôi hòa bình như vậy cũng khá lâu, thì ông chồng dở chứng, cặp với một cô có chồng! Dĩ nhiên là tôi không để yên, tôi quậy, và hủy luôn lệnh cho đi ta bà. Ổng giận lắm, rồi một hôm ổng vào nhà bank rút tiền thì bị như phần đầu tôi nói trong thư.

Ổng gọi anh tôi đến để tuyên bố từ nay ổng coi tôi như người share phòng, tiền trong nhà bank chung chia đôi, phần ai nấy giữ, lương ai nấy xài… ổng kết án tôi chơi trò bẩn, không lương tri, không mã thượng… Anh tôi nghe xong đứng dậy đi về, trước khi bỏ về chỉ nói một câu: – Chuyện này cô chú tự lo, đừng phiền đến anh.

Chúng tôi “share” phòng đã hai tuần. Tôi khó chịu quá, mà cứng đầu không thèm lên tiếng trước, vì quả tình tôi không có tội gì cả. Thêm nữa tôi bực cái chuyện ổng gọi anh tôi đến, già rồi làm chi cái trò méc phụ huynh. Cái nhà bank mắc dịch của ổng sao vậy không biết, mà bây giờ là vì Covid, đóng cửa hết, tôi không làm sao hỏi, tức chết đi được.

Cô Vi

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT