Thursday, March 28, 2024

Liệu bầu cử xong, mẹ cháu có trở lại như xưa?

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, cả mấy tháng nay gia đình cháu điên cái đầu về chuyện chính trị! Lắm lúc cháu muốn bỏ nhà đi vì chịu không nổi những luận điệu tàm xàm của người thân.

Mẹ cháu vì qua trễ nên hiện đang làm cho một tiệm may, hằng ngày tiếp xúc với bạn đồng nghiệp. Không biết ở tiệm may phe phái thế nào mà mỗi lần về nhà, mẹ cháu hừng hực như cháy rừng. Hình như cơn cháy trong tiệm lan ra, về đến nhà lửa vẫn phừng phực cháy! Có lúc mẹ cháu điên lên và phân trần với cả nhà rằng những người làm trong tiệm là mù quáng, điên cuồng. Thậm chí mẹ còn dùng tử “thổ tả” mà bố cháu la hoài đừng dùng văn phong như vậy dù gì cũng là cô giáo.

Càng ngày mẹ cháu càng dùng những từ ngữ xa lạ với ngôn ngữ đời thường của gia đình. Mẹ cháu trước là cô giáo tiểu học, ăn nói cũng nhỏ nhẹ, chừng mực và biết điều. Thế mà không biết sao mấy tháng nay, mẹ cháu biến thành một người lạ lắm. Lúc lái xe đi làm cũng như lúc nấu ăn, tai cứ gắn headphone thường xuyên để nghe đài NV và cô BT. Mẹ cháu còn nghe trong lúc ngồi ăn cơm cùng gia đình và nghe cho đến khi thiếp vào giấc ngủ đến độ mỗi tối ba cháu phải gỡ headphone cho mẹ.

Cả nhà nói sao cũng không nghe, những tin tức mẹ cháu phát tán thật khủng khiếp, vô lý, ngược ngạo, có khi lỗ mãng. Ba cháu rầu vô kể, đến độ ông định bắt mẹ ở nhà không cho đi may nữa. Nhưng làm như mẹ cháu bị bùa vậy! Mẹ cháu toàn loan “fake news.” Và ai trong nhà nói động đến thần tượng của mẹ thì mẹ lồng lộn lên. Thật kỳ lạ, con người đằm thắm có học biến đâu mất, thay vào đó một người cuồng không biết để đâu cho hết! Nếu có giải thích thì mẹ nói một câu làm cả nhà ngơ ngác: “Tao không tin, tao chưa nghe cô Y loan tin đó.” Tức là mọi tin tức phải được đài cô Y loan ra thì mẹ mới tin.

Thật khủng khiếp, cháu không biết sao người ta có thể mê muội đến thế! Mẹ cháu và cái “cộng đồng” của mẹ cháu như ăn phải bùa ngải, không còn biết đâu là lẽ phải.

Cháu và gia đình bó tay trong việc lôi mẹ ra khỏi vũng bùn. Nhà cháu Công Giáo, mới đây Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ ý kiến của mình thì mẹ cháu nói một câu không ngờ: “Tao chỉ thích mấy Đức Giáo Hoàng trước đây!”

Thưa cô dù gì đó cũng là mẹ cháu, cháu yêu mẹ, muốn kéo mẹ ra khỏi vũng bùn. Cháu hỏi cô câu này: Liệu bầu cử xong, mẹ cháu có trở lại như xưa không? (J.)

*Góp ý của độc giả

-HoanNguyen
Gia đình tôi cũng cùng cảnh ngộ, tôi có người anh em cột chèo ngày xưa thì rất thân thiết với nhau nhưng từ khi có bệnh cuồng lãnh đạo, dù ai nói như thế nào cũng không tin, chỉ tin “fake news.” Thôi chờ qua bầu cử thì mọi chuyện đâu cũng sẽ vào đó, cùng lắm nếu hên thì chỉ thêm bốn năm nữa thôi, đời còn dài mà lo gì! Xin chia sẻ với người đồng cảnh ngộ!

-Zap
Tôi thì lại không thấy tương lai sáng sủa cho vấn đề của mẹ cháu sau ngày bầu cử. Nếu gia đình cháu muốn mẹ trở lại là người đàn bà trước kia, chỉ có cách duy nhất là không để bà làm ở nơi đó hay bất cứ nơi nào có bàn luận về chính trị nữa.

-HNN
Cháu lo cho mẹ cháu là rất đúng. Theo tôi, mẹ cháu đang chịu một thử thách quá khả năng. Mẹ cháu cần tránh bị gây sốc, cần được tịnh dưỡng để lấy lại an bình trước khi mọi việc quá trễ. Những gì đang gây khủng hoảng cho mẹ cháu đều cần được loại bỏ ngay, như nơi làm việc, những người ở nơi làm việc và các chương trình phát thanh truyền hình. Cháu và ba cháu cũng có thể giúp mẹ cháu tịnh dưỡng. Những tổn thương về tinh thần thường cần nhiều thời gian để vượt qua. Chúc gia đình cháu mọi sự an lành và cả nhà lại được hưởng những giây phút hạnh phúc, an bình và đầm ấm!

-Người của Little Sài Gòn
Bây giờ cả hai bên ai cũng như ăn phải bùa chứ không phải chỉ một bên. Bên nào cũng cho rằng bên kia là “fake news,” vì thực sự chúng ta ai cũng chỉ nghe tin từ báo đài, mà báo đài thì thực sự có bao nhiêu trung thực? Người Việt có câu: “Nhà báo nói láo ăn tiền.” Báo đài Mỹ đưa tin láo không kém đâu, và báo chí của người Việt thì cũng chỉ mua tin, hoặc lấy tin từ những nguồn họ thích. Đừng lo bạn à, sau ngày bầu cử, thì mọi sự sẽ yên thôi khi báo chí hết nhận được tiền từ các chiến dịch tranh cử, thì họ sẽ đưa tin trung thực và cân bằng hơn.

Vợ chồng cháu yêu nhau và kết hôn, dù rằng ngoài xã hội nhan nhản những cuộc hôn nhân có hình thức giống vợ chồng cháu nhưng đầy toan tính. (Hình minh họa: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)

*Vấn đề mới

Thưa cô, vợ chồng cháu yêu nhau và kết hôn, dù rằng ngoài xã hội nhan nhản những cuộc hôn nhân có hình thức giống vợ chồng cháu nhưng đầy toan tính, dối gạt và mưu đồ. Cháu ở Quảng Nam, ba mẹ cháu đều là giáo chức, các anh chị cũng trong ngành giáo dục. Nếu chậm lấy chồng thì cháu cũng sẽ trở thành một cô giáo cấp hai.

Năm cuối học sư phạm thì cháu gặp nhà cháu, anh ấy từ Mỹ về và là anh họ của người hàng xóm. Sau một năm quen nhau, tụi cháu kết hôn và cháu được anh bảo lãnh qua Mỹ. Anh ly dị vợ và có hai con đã lớn và các con ở với mẹ. Quả thật ban đầu cháu có ngập ngừng, e ngại, nhưng rồi làm như duyên số, bao lần từ chối, có khi giận hờn tưởng không nhìn mặt nhau nhưng rồi cứ cuốn vào nhau không dứt. Cháu qua được hơn ba năm, đi đâu chồng cháu cũng chở, cháu không dám lái xe, mặc dù chồng cháu dạy suốt nửa năm cháu vẫn không lái được, thấy xe vun vút là cháu co rúm người lại. Cháu lại không biết tiếng Anh, nên cháu chẳng dám ra ngoài, nhiều khi ra tưới cây, thấy hàng xóm Mỹ là cháu lỉnh vào nhà, sợ họ chào hỏi thì chết. Cũng may chồng cháu không muốn cháu đi làm, nên cháu chẳng phải đi làm chỉ ở nhà lo cơm nước.

Cháu thật vui khi sống với chồng. Cháu chỉ buồn nỗi gia đình mình. Từ ngày cháu lấy chồng, mấy đứa em, rồi cháu chắt cứ thư từ xin tiền suốt, cứ hết đứa cháu này đến đứa cháu khác phải lên Sài Gòn để học, mấy anh chị lại gọi qua xin cháu bớt chút tiêu pha để giúp gia đình. Mà cô ơi, cháu làm gì có tiền, cháu không đi làm, cũng không có tài khoản riêng cho mình. Cô biết không, cháu phải “ăn cắp” tiền chợ, dồn lại để gửi về cho gia đình mà cháu nhà quê, đâu biết lái xe, nên cứ bỏ tiền trong bì thư vài chục đồng rồi gửi qua bưu điện. Thư cũng đến nơi, nhưng có khi mất tiền ở trong. Những lần như vậy cháu vừa buồn vừa tức!

Gia đình cũng như cái bướu cháu phải mang trên lưng, bỏ không được mà mang thì nặng quá, mới đây các anh chị còn nói xa gần là cháu phải bảo lãnh ba mẹ qua, ba mẹ già rồi, lại bệnh nữa. Cháu chán quá! Nghĩ đến chuyện phải nói với chồng vì cháu biết bảo lãnh rất tốn tiền mà cháu thì chẳng có đồng nào làm của riêng.

Thưa cô cháu định bịa ra một lý do gì đó để từ chối bảo lãnh mà chưa nghĩ ra. Cháu cũng muốn nói thẳng là cháu không có một xu trong người nhưng lại sĩ diện không muốn nói điều ấy. Thưa cô và quý độc giả, người trong cuộc thường mờ tối nên cháu rất mong nhận được ý kiến của quí độc giả và cô giúp cháu. Cháu cám ơn! (Hiếu)

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi về: Biết Tỏ Cùng Ai, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hoặc email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT