Sunday, April 28, 2024

Căng thẳng ‘thông thường’ giúp trí óc dễ thích nghi với khó khăn về sau

ATLANTA, Georgia (NV) – Các đợt căng thẳng từ thấp đến trung bình, thường gặp hằng ngày, có thể giúp trí óc hoạt động tốt hơn trong những trường hợp khó khăn, nhiều hỗn loạn hơn, cũng giống như việc chích vaccine giúp cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm, theo UPI trích dẫn một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychiatry Research.

Bác Sĩ Assaf Oshri, phó giáo sư tại đại học University of Georgia, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Một số mức độ căng thẳng nhất định sẽ giúp tăng cường chức năng và hoạt động nhận thức. Đây là những thứ có liên quan đến việc giảm các phản ứng thái quá về cảm xúc và hành vi chống đối xã hội.”

Căng thẳng cũng giúp chuẩn bị trí óc hoạt động tốt hơn. (Hình minh họa: Arun Sankar/AFP via Getty Images)

Đối với nghiên cứu này, ông Oshri và đồng nghiệp tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 1,200 người trẻ tuổi thuộc dự án Human Connectiome Project. Đây là dự án được  Viện Y Tế Quốc Gia Mỹ tài trợ nhằm cung cấp cái nhìn sâu hơn về cách thức bộ não con người hoạt động.

Những người tham gia được yêu cầu báo cáo mức độ căng thẳng nhận thức của họ, chẳng hạn sự lo lắng, chú ý, tức giận, các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Đồng thời họ cũng thực hiện các bài kiểm tra chức năng não. Sau đó các nhà nghiên cứu so sánh hai nguồn dữ liệu này. Họ phát hiện ra mô hình dữ liệu mang hình dáng chữ U, tức là khi căng thẳng ở mức thấp hoặc thậm chí trung bình, thì lại có lợi về mặt tâm lý.

Theo ông Oshri, về cơ bản những tác nhân gây căng thẳng hằng ngày có thể giúp một người trở nên ngăn nắp và làm việc hiệu quả hơn, cũng như chuẩn bị cho tương lai tốt hơn. Ông đưa ra ví dụ trường hợp mất điện có thể khiến người ta căng thẳng, nhưng giúp họ biết nên mua pin dự trữ và chuẩn bị cho các sự việc tương tự trong tương lai.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng khả năng chịu đựng căng thẳng và nghịch cảnh khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, di truyền, hoặc vòng bạn bè, người thân.

Khi vượt qua một điểm nhất định trên đường cong hình chữ U, căng thẳng sẽ trở thành yếu tố độc hại và không còn có lợi cho trạng thái tinh thần của một người.

Một số dấu hiệu cho thấy căng thẳng chuyển sang trạng thái độc hại là mất ngủ hoặc làm việc kém hiệu quả.

Bà Lynn Bufka, một giới chức ở Hiệp Hội Tâm Lý Mỹ (APA), cho biết mức độ căng thẳng độc hại thường đến từ những tình huống khó khắc phục như nghèo đói hoặc bị lạm dụng liên tục. Trong những tình huống như vậy, người ta không thể đối đầu với căng thẳng. Những loại căng thẳng “tốt” mà nghiên cứu trên đề cập là loại nghịch cảnh mà môi trường có thể thay đổi để cá nhân con người cảm thấy ổn.

Theo bà, nghiên cứu này rất phù hợp với những gì APA nhận định trước đó, rằng không phải căng thẳng nào cũng xấu, điều quan trọng là biết cách đối phó với căng thẳng, vì con người không thể tránh khỏi căng thẳng suốt đời. Căng thẳng giúp con người học tốt hơn. Căng thẳng cũng có thể đến, khi con người chờ đợi một sự kiện thú vị như đi du lịch. Do đó sự căng thẳng tự nó không xấu, điều khiến chúng trở thành vấn đề là mức độ quá lớn, hoặc căng thẳng kéo dài, liên tục.

Bước tiếp theo trong nghiên cứu của ông Oshri là chụp hình não của người tham gia để tìm hiểu xem những gì xảy ra bên trong não bộ khi căng thẳng đem đến một số lợi ích về trí óc. (V.Giang) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT