Friday, April 26, 2024

Có ngày con gái tôi cũng sẽ mất chồng

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Chào cô, vợ chồng tôi tuổi nghỉ hưu, cũng mới định cư ở Mỹ vài năm. Lúc qua đây muốn làm hồ sơ bảo lãnh đứa con gái duy nhất, nhưng cháu không muốn đi, nại cớ chồng là con một, phải bên cạnh cha mẹ để phụng dưỡng. Thấy con nghĩ cũng phải nên chúng tôi không thúc ép, chỉ dặn con, bất cứ lúc nào muốn thì ba má cũng sẵn sàng bảo lãnh con.

Con gái tôi là cô giáo, chồng nó cũng vậy, hai đứa sống rất êm ấm và hạnh phúc bên đứa con trai 5 tuổi. Mới đây đứa cháu ngoại chúng tôi bị sốt xuất huyết, không biết hai vợ chồng nó chăm con thế nào mà đứa nhỏ vừa đến cửa nhà thương thì không còn thở nữa.

Tin cháu mất là do thằng rể báo, tuyệt nhiên con gái không nói tiếng nào. Vợ tôi suốt ngày dằn vặt, khóc than, phải chi mà bảo lãnh cho con sớm thì đứa cháu đã được cứu, chỉ là sốt xuất huyến mà cũng đành đoạn mất đứa nhỏ, rồi thì chửi chế độ cộng sản không chừa một từ nào. Tôi khổ vì chuyện con gái, còn khổ thêm về chuyện bà vợ. Mà ngang đây đã yên đâu.

Con gái không gọi, nhưng thằng rể thì gọi không ngừng. Nó báo rằng con gái tôi sau khi chôn cất con, đã không chịu về nhà, mà lấy mền mùng lên mộ con ngủ vì sợ con ngủ một mình nhớ mẹ. Rồi thì nó thuê thợ làm mái nhà trên mộ con vì sợ mưa nắng ảnh hưởng. Hằng ngày nó ngồi ăn cơm và chuyện trò với con như khi còn sống. Hôm tẩm liệm con, nó bỏ vào quan tài cơ man nào là áo quần, sách vở, đồ chơi… khi nhân viên nhà quàn khuyên đừng làm thế, vì có những thứ sẽ khó tiêu hủy, không tốt. Nhưng con gái tôi sừng sộ, quát mắng. Cuối cùng không ai dám lên tiếng cản. Tôi thương con tôi thắt lòng. Nó quàng xiêng rồi.

Mới đây nó gọi cho tôi, giọng tỉnh rụi, kể chuyện thằng cháu, chuyện học hành, chuyện phá phách trong nhà, chuyện nhớ ông bà ngoai, hỏi khi nào ông bà về… Tôi chỉ biết ầm ừ cho qua chuyện, mà nước mắt đoanh tròng. Tôi xa gần chuyện bảo lãnh thì nó bảo, thằng Tuấn (là con trai đã chết) dạo này sợ lạnh, tối nào cũng ôm mẹ, không chịu ở Mỹ đâu, ở Mỹ đầy tuyết làm sao nó chịu được. Rồi xin ông bà ngoại có thương cháu thì gửi cho cái mùng, để muỗi không đốt được, dạo này Việt Nam có dịch sốt xuất huyết. Nó còn hỏi xin mua mấy cục pin cho con nó chơi mấy thứ điện tử, vì pin Việt Nam rất mau hết. Theo cách nó nói thì như là không có chuyện gì xảy ra.

Chao ơi, Sao mà oan nghiệt vậy trời!

Tôi e rằng có ngày con gái tôi cũng sẽ mất chồng luôn, ai mà chịu sống bên người điên bao giờ! Đó là chưa kể chồng nó học cao hơn nhiều, lại là con nhà giàu và đẹp trai. Thưa cô làm sao tôi cứu con gái tôi trong hoàn cảnh này? Tôi nghe nói dạo này bảo lãnh người thân còn bị vướng vào luật lương bổng, gánh nặng xã hội gì gì đó nữa.

Ông bà Chí

*Góp ý của độc giả:

-NB

Xin được chia buồn cùng anh chị về sự ra đi quá sớm của cháu bé. Đây là nỗi buồn tất cả mọi người trong gia đình không ai muốn có, nhưng nó đã xảy ra và mình phải cam tâm chấp nhận. Hãy để cháu bé được thanh thản lên trời còn người ở lại phải cố gắng bình tâm sống tiếp phần đời của mình.

Việc cấp bách bây giờ là chính anh phải thật bình tĩnh làm đầu tàu giải quyết mọi việc. Hãy giải thích cho chị nhà hiểu bịnh sốt xuất huyết là một bịnh rất nguy hiểm, nó có thể gây chết người nếu phát hiện trễ. Việc cháu bé mất sớm không phải lỗi do ai mà chỉ vì do cháu vắn số thôi. Bản thân chị là mẹ phải mạnh mẽ lên mới mong có thể giúp sức cho con gái vượt qua được nỗi đau đứt ruột này.

Con gái anh chị có lẽ bản chất cũng yếu đuối, chỉ hạnh phúc khi sống cạnh chồng con. Cô ấy yêu con hết lòng nên làm sao có thể chịu đựng được khi con đột ngột mất đi. Cú shock quá mạnh này đánh gục người mẹ, cô đã bị rối loạn thần kinh, một dạng thần kinh hoang tưởng nên cô không thể kiểm soát được hành vi của mình. Căn bịnh này nguy hiểm nhưng vẫn có thể khống chế được. Người bịnh cần được chữa trị sớm với thuốc men đặc trị do bác sĩ chuyên khoa kê toa. Người bịnh cũng rất cần tình thương quan tâm gần gũi từ chồng, cha mẹ, anh em, bạn bè. Với thời gian nếu chữa trị đúng cách thần kinh người bịnh sẽ từ từ phục hồi trở lại

Theo tôi nghĩ tốt nhất là anh chị (nhất là chị) nên thu xếp về Việt Nam một thời gian. Tình thương gia đình của chồng, của cha mẹ, bạn bè sẽ nâng đỡ tinh thần cô ấy bình thường trở lại. Việc tính chuyện bảo lãnh con gái vào lúc này có lẽ không ổn lắm vì một bịnh nhân tâm thần sẽ rất khó được chấp nhận cho nhập cảnh vào Mỹ. Hãy ưu tiên tìm phương cách giúp con có được cuộc sống bình thường trở lại.

Chúc sức khỏe và may mắn đến với gia đình anh chị.

-Tran

Chồng thì nói con chết trong khi vợ nói con không sao, theo tôi nghĩ Ông Bà Chí nên về Việt Nam cho biết ngọn ngành vì không gì bằng mình được thấy tận mắt nghe tận tai, giả sử cô con gái có bị khùng điên thì khi gặp được bố mẹ mình con gái cũng mau hết bịnh vì không gì bằng tình thân thuộc trong gia đình. Tôi có bà chị cũng bị khùng điên đi lang thang trên Sài Gòn, rồi tới chợ Tân Định lan qua chợ Bà Chiểu, tối thì ngủ trong mấy cái sạp chợ, mọi người đều gọi là con mẹ điên, may mắn trong người chị tôi có số phone nhà và được 1 người đi đường tốt bụng gọi tới gia đình tôi. Gia đình tôi đón về, tôi rất biết ơn vị ân nhân đó. Tới nay bà chị tôi khi về nhà được săn sóc thuốc men nên đã trở lại bình thường. Trường hợp Ông Bà Chí, theo tôi nên về VN một chuyến, ở Mỹ mà tâm trạng Ông Bà rối rắm như thế thì có ích gì đâu.

-Chiến

Nghe ông bà kể chuyện thật là thương tâm, câu chuyện gần giống câu chuyện người dì tôi, con chết, sau đó ngày nào dì cũng lên mộ, khóc cười với con, không dám rời nơi chôn con, sợ con buồn và lo rằng con sẽ sợ… ma, mà không có ai bên cạnh. Dì tôi cứ sống như thế suốt một năm, về sau ông chồng dẫn mấy đứa con còn lại cũng lên theo. Cái khổ nhục kế của chồng dì đã thành công, vì trước mắt dì, những đứa con còn lại phải chịu nắng nôi, không có chỗ tắm rửa, không có đồ chơi hay sách vở để làm bài, không có bàn ghế, giường tủ… Không có gì hết, trống trơn chung quanh, mấy đứa nhỏ lại nheo nhóc khóc lóc. Cuối cùng dì phải về để chăm sóc những đứa còn lại và quên dần đứa con đã mất.

Tôi nghĩ, cách hay nhất là ông bà nên về thăm con, coi thử con đang sống như thế nào, cụ thể ra sao, rồi từ đó mình mới có cách giải quyết sáng suốt và thực tế hơn. Đó là chưa kể sự hiện diện của cha mẹ ruột cũng là một an ủi lớn trong lúc này. Cầu chúc an lành đến với gia đình ông bà Chí.

*Vấn đề mới:

Thưa cô, tôi rất hay theo dõi mục do cô phụ trách, cuộc sống thật muôn hình vạn trạng, mỗi người một vẻ, tôi nghĩ giá như cô gom lại tất cả những lá thư thành cuốn sách, thì biết đâu cũng giúp ích cho nhiều người tìm được mảng đời mình để mà học hỏi.

Thưa cô, tôi đang gặp một tình huống thật khó quyết định. Tôi thưa ra ở đây câu chuyện của mình, để mong nhận được những góp ý, biết đâu nhờ đó mà tôi có thể giải quyết một cách hợp lý, khi đang mù mờ nhân ảnh.

Tôi và anh là hai người yêu cũ của nhau. Tôi không lập gia đình, vì cơm áo chứ hoàn toàn không phải vì chung thủy với mối tình xưa. Anh thì đang chung sống êm đềm với vợ và 2 con. Vì cùng làm trong nghề nên thỉnh thoảng chúng tôi (tôi và anh) gặp nhau. Vợ anh là một người phụ nữ giỏi giang, tính tình rất cởi mở dễ mến. Chúng tôi trở thành bạn của nhau, rất chân tình trong tình bạn hai đứa. Chị cũng hay hỏi tôi về vấn đề gia đình, đôi khi cũng nhờ góp ý về vài chuyện liên quan đến anh, tính khí ngang bướng và gia trưởng… Cũng có khi hai chị em bàn kế hoạch để “trị” anh. Buồn cười là có nhiều hôm anh đưa chị đến chỗ tôi làm, rồi bỏ đó mà đi, tôi có hỏi thì anh nói: Gửi để cho bã có người nói xấu tui. Không chỉ gửi vợ, đôi khi anh chị còn gửi hai đứa nhỏ. Chiều tối hai vợ chồng mới đến đón con về. Tình bạn của ba chúng tôi rất trong sáng và thân tình, tôi không có gì phàn nàn, se sắc. Chúng tôi mỗi người, bình an trong khoảng trời riêng tư của mình.

Cách nay một tuần, chị hẹn tôi gặp riêng, tôi thật sự hoang mang, hỏi có chuyện gì, chị không nói mà chỉ muốn gặp riêng hai chị em. Cái tin chị báo, tôi không thể nào tin vào tai mình, bởi nếu một người nào mà căn bệnh cancer tránh xa, thì đó là chị. Chị bị breastcancer thời kỳ cuối, đã di căn vào xương. Chị giải thích tại chị ỷ y không đi check, vì tin mình sống rất healthy, từ ăn uống đến thể dục. Giọng chị trầm, đều đều, kể lại mọi diễn tiến, từ khi khám, chụp xray, biopsy… mọi thứ như của một ai khác, không hề là của chị.

Cuối cùng chị bắt tôi hứa một lời, là sẽ ở bên anh và hai đứa nhỏ, dù chỉ là bạn khi chị không còn.

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi chẳng biết viết gì thêm ở lá thư này.

Th. Ng.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT