Friday, April 26, 2024

Làm sao cha mẹ giúp con kiểm soát cơn nóng giận?

NEW YORK CITY, New York (NV) – Dạy trẻ vâng lời, ngoan ngoãn và tốt bụng, đặc biệt là việc kiểm soát cảm xúc của mình là điều không hề dễ dàng với những ai đang làm cha làm mẹ. Giận dữ thường là một cảm xúc đáng lo ngại vì chúng có thể tạo ra bầu không khí tiêu cực không chỉ cho chính con em chúng ta mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành sau này.

Vậy làm sao giúp trẻ kiểm soát cơn giận dữ của mình? Dưới đây là những mẹo đơn giản nhưng cực kỳ có ích giúp phụ huynh theo dõi tâm trạng của con mình và có cách hướng dẫn một cách khoa học nhất, theo trang mạng Brightside.

Dạy trẻ vâng lời, ngoan ngoãn và tốt bụng, đặc biệt là việc kiểm soát cảm xúc của mình là điều không hề dễ dàng. (Hình minh họa: Matt Cardy/Getty Images)

1. Sử dụng nhiệt kế đo cảm xúc

Thông thường trẻ em không biết cách thể hiện tốt cảm xúc của mình, vì vậy chúng thường phản ứng theo cách duy nhất mà chúng biết hoặc có thể phản ứng. “Nhiệt kế tức giận” là một công cụ tuyệt vời giúp trẻ mới biết đi xác định những dấu hiệu ban đầu của cơn giận trước khi nó leo thang thành cơn thịnh nộ toàn diện. Hãy vẽ một nhiệt kế lớn trên một tờ giấy, trong đó bao gồm ở dưới cùng, đặt số 0 và điền các số tăng dần lên đến 5. Sau đó, bạn sử dụng thang đo để liên kết cảm giác với mỗi giai đoạn.

Ví dụ số 1 có nghĩa là bình tĩnh; 2 có nghĩa là thấy phiền; 3 có thể là bực bội; 4 là giận, và cuối cùng số 5 là tức giận. Tương ứng với những số điểm đó là sự mô tả cảm xúc ngắn gọn trên thang điểm, từ giận dữ nhẹ cho đến khi giận dữ một cách tức tối. Bạn cũng có thể sử dụng màu sắc khác nhau để mô tả nhiệt kế này.

2. Tập cách xác định cảm xúc của con em

Nếu một đứa trẻ không thể xác định được rằng chúng đang tức giận, có thể cách tốt nhất là để chúng thể hiện sự thất vọng đó vào những đồ vật xung quanh. Vì vậy, việc làm giàu vốn từ vựng của trẻ nhỏ là rất quan trọng.

Việc dạy cho con những từ cơ bản về cảm xúc để con có thể sử dụng chúng để mô tả cảm xúc của mình rất hữu ích. Một số ví dụ về những từ này như là tức giận, buồn bã, hạnh phúc hoặc sợ hãi để bảo đảm rằng bạn có thể hiểu rõ tâm lý trẻ qua những gì bạn đang cảm thấy.

3. Cùng con cái cố gắng giải đáp tại sao lại nảy sinh những cảm xúc đó

Trả lời và đặt câu hỏi là một phần quan trọng của việc học. Vì vậy, bạn nên giải thích cho trẻ rằng đặt câu hỏi là cách để có thêm thông tin về điều gì đó mà trẻ đang thắc mắc. Ví dụ, “Tôi ngã vì tôi vấp phải một tảng đá” hoặc như “Tại sao con lại cảm thấy tức giận khi không thể ăn thêm cái bánh quy nào nữa.” Khi bạn tập con trả lời những câu hỏi, con sẽ có cơ hội hiểu rõ mình đang muốn gì và cảm thấy như thế nào.

4. Thực hành các kỹ thuật thư giãn

Có những kỹ thuật thư giãn, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, có thể cung cấp cho chúng sự bình tĩnh cần thiết. Những kỹ thuật này có thể cải thiện khả năng chú ý của trẻ bằng cách làm cho trẻ cảm thấy tốt hơn.

Khi một đứa trẻ trải qua những cảm xúc rất mãnh liệt, chúng có thể nhanh chóng trở nên sợ hãi. (Hình minh họa: Lisa Lake/Getty Images for Amtrak)

Đối với trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tuổi

Massage

Những động tác massage nhẹ nhàng và thư giãn sẽ giúp kích thích các bé sơ sinh có được giấc ngủ ngon.

Bình làm dịu cảm xúc

Bạn có thể chọn các chai nhựa hay bình thủy tinh rồi bỏ vào đó kim tuyến, sơn và nước nóng. Mỗi khi con cảm thấy khó chịu, hãy đưa cái bình đó cho con cầm hoặc cho con nhìn. Những chuyển động nhẹ nhàng của hỗn hợp sáng bóng của nước và ánh kim tuyến tạo cảm giác yên bình cho các bé.

Đối với trẻ mới biết đi từ 3 đến 7 tuổi

Thổi bóng

Kỹ thuật này yêu cầu trẻ hình dung mình như một quả bóng bay đang được thổi phồng và xì hơi. Mục đích của trò chơi là dạy cho trẻ hít vào, giữ bóng và sau đó thả ra giống như một bài tập thở, giúp con bình tĩnh lại khi cảm thấy khó chịu, bực mình và nóng giận.

Kỹ thuật con rùa

Trong trường hợp này, trẻ phải tưởng tượng rằng chúng là một con rùa. Cho con phải nằm úp mặt xuống đất và hình dung hình ảnh mặt trời sắp lặn. Con rùa phải đi ngủ, vì vậy nó dần dần thu chân và tay vào mai, mà trong trường hợp của đứa trẻ là lưng của nó. Bằng cách đó, trẻ sẽ cố gắng đưa chân và tay ra sau lưng. Sau đó, khi đã xong, chúng ta sẽ nói rằng lại là ban ngày và con rùa phải thức dậy bằng cách từ từ rút chân và tay ra khỏi mai một lần nữa. Đây là một cách tuyệt vời để dụ trẻ em thực hiện bài tập kéo căng cơ mà hầu như chúng không nhận ra.

Đối với trẻ em từ 7 đến 9 tuổi

Tập thiền

Ở giai đoạn từ 7 đến 9 tuổi, trẻ đã có thể bắt đầu học các kỹ thuật thiền cơ bản với bạn. Để làm điều này, bạn hãy cùng con ngồi trên sàn trong im lặng, dạy con cách tập thở đều đặn và hãy hướng dẫn con một cách kiên nhẫn. Tất nhiên, đối với trẻ con, việc ngồi yên một chỗ là điều rất khó, nhưng nếu bạn biết cách tập cho con ngồi yên lặng với mình từ ba đến năm phút mỗi ngày, bạn sẽ thấy sự thay đổi về cách con đối diện với cảm xúc của mình.

Tô màu

Tô màu là cách tuyệt vời để giảm mức độ căng thẳng và lo lắng, vì vậy tập cho trẻ tô màu sẽ là một bài tập tuyệt vời để giúp con tập trung và không nóng tính.

Đối với trẻ em từ 9 đến 12 tuổi

Nâng cao kỹ thuật thở

Ở độ tuổi này, trẻ đã phát triển nhận thức về nhịp thở của chính mình. Hãy dạy chúng những kỹ thuật sâu hơn và phức tạp hơn để con có những trải nghiệm trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại.

Bình thường hóa mọi cảm xúc, kể cả tức giận

Khi một đứa trẻ trải qua những cảm xúc rất mãnh liệt, chúng có thể nhanh chóng trở nên sợ hãi. Trong mọi trường hợp, bạn hãy dạy con bạn rằng tức giận là cách tự nhiên của cơ thể để cảnh báo chúng rằng điều gì đó không ổn sẽ có ích. Khi nói chuyện với con về cảm giác tức giận sẽ giúp con bạn nhận thức rõ hơn về cảm xúc, sau đó giúp con dễ dàng nhận ra và thay đổi cơn giận sang trạng thái nhẹ nhàng hơn. (K.D) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT