Thursday, March 28, 2024

Làm sao cho bớt stress?

BS Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Trong cuộc sống, stress, áp lực, là điều không thể tránh khỏi. Cũng vì stress, rất nhiều bệnh tật âm thầm kéo đến. Từ những lo âu, phiền muộn đến tình trạng trầm cảm, kinh sợ thường xuyên, từ những cơn nhức đầu đến tình trạng nhức mỏi kinh niên, từ chứng ợ chua khó tiêu cho đến bệnh đau bao tử hay ung thư đường ruột, và, nhiều nhất là béo phì với hội chứng “mỡ, đường, máu.” Gần như 75 đến 90% bệnh tật có thể nói vì stress mà ra.

Stress xảy ra khi ta cảm nhận và phản ứng theo những áp lực từ bên ngoài của môi trường, nhất là khi những áp lực đó vượt quá khả năng chịu đựng thì stress càng tác hại. Stress là một phản ứng tự nhiên, tiến hóa theo sự phát triển của con người, nhằm bảo vệ khả năng sinh tồn của loài người. Những mối nguy hiểm thời tiền sử, ví dụ như vì bị một con cọp rượt đuổi, bây giờ sẽ là bị boss, sếp lớn lởn vởn đi ngang qua bàn làm việc chẳng hạn!

Stress có thể là về tâm thần mà cũng có thể là về thân xác. Nguồn stress về tâm thần mới là cái đáng sợ nhất. Ngoài những tác động đến từ công ăn việc làm, stress có thể đến từ những nguồn mà ta không để ý đến. Thí dụ, mỗi ngày đọc “tin” là thấy “tức” ngay về những chuyện lẩm cẩm đâu đâu. Chẳng hạn như vì chuyện Tổng Thống Trump, phe hữu và phe tả cãi cọ nhau chí chóe về bất cứ những gì ông Trump phát ngôn trên Twitter và hành xử. Bạn không cho là stress ư? Này nhé, cho dù bạn thuộc cánh tả hay hữu hoặc trung dung, khi theo dõi nhưng chuyện về ông Trump gần đây với chiến tranh mậu dịch, bắt tay thân ái với ông Putin, không cần biết hậu quả ra sao, chỉ cần đọc tin là đủ stress!

Từ khi chào đời, em bé đã được thiết kế một hệ thống phản xạ như mạng lưới mạch điện chạy về trung tâm não để sẵn sàng đáp ứng theo stress. Có những phản xạ rất cơ bản, bẩm sinh, ở trung tâm não thấp hơn, không khác gì ở những loài vật cấp thấp, như phản xạ của loài bò sát, gọi là reptilian reaction. Riêng con người, khi trưởng thành, hệ thống phản xạ chống stress đó được tập tành, huấn luyện thêm, đạt mức độ cao hơn, kiểm soát bởi lớp chất xám trên cùng của não bộ. Có những phản xạ chống stress rất hữu hiệu, và cũng có những phản xạ rất vô lý, vô duyên cớ. Tất cả đều được hình thành khi bộ não đáp ứng bằng những thao tác chống stress. Theo năm tháng có những phản xạ trở thành hằn sâu trong tâm thức, cho dù nó rất cực kỳ vô duyên, vô tích sự.

Như thế, ngoại trừ một số phản xạ chống stress có tính cách bản năng, đa số các phản xạ khác là do học tập mà ra. Do đó, chúng ta có thể tích cực “cải tạo” những phản xạ chống stress nầy.

1. Tránh đừng để bị stress

Trước nhất là đừng để lâm vào tình huống bị stress. Thí dụ như đừng để trì trệ công việc, nước đến trôn mới nhảy. Hoặc, như thí dụ về “tin” và “tức” trên đây, nên hạn chế bớt những nguồn stress vô lý không cần thiết.

2. Không nên quá stress vì stress

Nếu tránh không được thì hãy chấp nhận lấy stress, đừng phớt lờ. Một trong những cách chống stress hữu hiệu nhất là, chấp nhận lấy nó. Ta nên xem stress là một cơ hội, một điều may mắn xảy đến cho ta. Tích cực tránh stress, sanh ra thêm lo âu vì stress chỉ vì sợ stress.

Hơn thế nữa, với một chút stress, bộ não của chúng ta thường hoạt động tích cực hơn, nhiều sáng tạo được nảy sinh ra từ tiềm thức bị ức chế, khi mà các đường dây thần kinh bị khuấy động lên.

3. Tìm hiểu mức độ phản ứng và hành xử của mình khi bị stress

Hãy thử tự cho điểm lấy mình khi đối phó với các vấn đề sinh ra stress. Có những phản ứng có tính cách bản năng, thí dụ như khi bị phỏng lửa thì nhảy, nhưng có những phản xạ cao cấp hơn đi kèm với tư duy và tự kiềm chế được. Một sự cân bằng hài hòa khi đối phó với stress có ích lợi nhiều nhất.

4. Hạn chế bớt những kỳ vọng

Có những mục tiêu hay mục đích sẽ vượt khỏi tầm với của mình, và sẽ không bao giờ đạt được. Phải chấp nhận sự hạn chế thì mới bớt stress. Khi những kỳ vọng đi đến thất vọng cứ lập đi lập lại sẽ tạo ra một phản xạ, khiến chúng ta lúc nào cũng tự ti vì sợ thất bại và bị stress khi phải đối phó với vấn đề dù nhỏ nhặt đến đâu vì cho rằng mình không có đủ nghị lực. Chỉ cần nghĩ đến sự thất bại là đủ nảy sinh thêm stress.

Ngoài ra, những kỳ vọng nếu có cần phải đặt cho đúng chỗ để đáp ứng đúng. Thí dụ, khi bị thất tình, ta không nên phản ứng bằng cách đi uống rượu. Giải quyết stress như vậy chỉ làm tình huống thêm tệ mạt mà thôi. Trong trường hợp này, người ta bỏ mình thì… thôi vậy, hãy cho là điều may mắn, hãy đi tìm gặp người khác tốt hơn, đẹp hơn.

5. Biết người, biết ta, và biết bao dung với vị tha

Đại khái như khi lái xe, ta cần biết đến những người lái xe khác chung quanh để bảo đảm an toàn. Thí dụ khi sang lane, có khi chỉ cần hiểu nhau với một ánh mắt của người lái xe bên cạnh là tránh khỏi bị đụng xe, gây ra tai nạn. Cụ thể, ta cần biết tâm tính của người chung quanh, của đối tượng trong liên hệ công việc và tình cảm. Vấn đề đụng chạm xảy ra, và bùng nổ khi cả hai bên đều bị stress. Nên tránh những phản ứng có tính cách bản năng của loài động vật cấp thấp khi có sự va chạm xảy ra. Thay vì nhảy ngay vào trận để đấm đá, cào xé, hay chửi rủa, thì xin hãy đơn giản, tránh qua một bên.

Đối với người thân yêu, nên hiểu khi họ bị stress, và tha thứ với sự bao dung. Thí dụ, với người phối ngẫu, khi chuyện bất đồng xảy ra thì nên nhường nhịn với sự cảm thông để cho cơn bão đi qua và trời lại sáng.

Tóm lại, nguyên tắc uyển chuyển và mềm dẻo khi đối diện với stress là điều có thể tập tành được. Theo thời gian, các mạch điện đáp ứng với stress sẽ chuyển hướng từ mức độ phản ứng của loài bò sát đến trung tâm tri thức cao hơn. Trong những cơn giông tố của đời sống, nên tự hiểu cuộc đời không có gì là hoàn hảo, mà hãy nhận ra những điểm tốt, cụ thể, stress không phải là chuyện xấu hòa toàn. Hiểu như thế sẽ giúp ta đối phó với stress một cách tinh tế hơn. Và, từ đó sẽ thấy rằng cuộc sống rất thú vị, đáng sống nhờ có stress!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT