Tuesday, April 23, 2024

‘Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha’

Jeny Chau Tạ Thanh Phương

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Bố tôi đã mất gần 10 năm rồi, vậy mà mỗi khi có ai nhắc đến Bố hay khi tôi nhìn hình của Bố tôi luôn có cảm giác như Bố vẫn còn hiện hữu bên chúng tôi, ông đang dõi theo những thành công, khó khăn hay vui buồn của Mẹ, của các con, các cháu.

Bố tôi là người đàn ông mà tôi kính trọng và yêu thương nhất. Tôi thương Bố có những ngày tháng thăng trầm nhưng không vì thế mà chỉ tìm vui cho riêng mình, Bố vẫn lo cho gia đình thật đầy đủ. Từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, Bố đâu được thong dong ra đi mà phải chạy trốn Việt Minh, có đôi lúc tưởng chừng như đã bị bắt lại… Ra đi với hai bàn tay trắng nhưng khi vào Nam, Bố đã không hề nản chí, chăm lo học tập để lấy cho được mảnh bằng Y Tá Quốc Gia và rồi cùng Mẹ tôi đã gầy dựng nên một gia đình vô cùng vững chắc, tốt đẹp.

Bố tôi có đến 9 đứa con, vừa trai vừa gái – nhưng không vì thế mà Bố yêu thương đứa này nhiều hơn đứa kia. Bố đã chăm lo cho các chị em chúng tôi thật hoàn toàn đầy đủ. Tuy nhà tôi ở không gần trường Trưng Vương nơi chị Thúy Lan (chị lớn nhất của tôi) đi học nhưng Bố vẫn ngày ngày đưa đón chị cho đến khi chị đậu vào trường Dược. Kế đến là chị Kim Hoa và anh Tuấn, hai anh chị của tôi học khá giỏi nên Bố cũng cố gắng tìm trường thích hợp cho anh chị đi học và anh chị đã vào học trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Bố còn dự tính rất nhiều cho đàn con sau này…

Nhưng rồi năm 1975 đã thay đổi tất cả những tính toan của Bố.

Gia đình tôi ngày ấy cũng như bao gia đình khác đã cố gắng tìm đường ra đi hầu mong sẽ thoát khỏi cảnh sống cùng CS (cuộc sống kinh hoàng mà  Bố nói ông đã từng trải qua) nhưng… gia đình tôi vẫn chưa may mắn thoát. Bố không nản chí, cố gắng giúp chị Lan đi vượt biên trước với hy vọng chị có thể giúp đỡ cho các em sau này – sau đó anh Tuấn và hai đứa em trai khác của tôi (Nguyên, Khanh) cũng được Bố kiếm cách cho đi (khi ấy phong trào “nghĩa vụ quân sự” là một mối đe dọa lớn cho bất cứ gia đình nào mà đặc biệt là những gia đình có nhiều con trai… như gia đình của tôi). Ở nhà bấy giờ chỉ còn Bố Mẹ, chị Hoa, tôi, Chương (là đứa em trai kế tôi tuy là cũng ở vào lứa tuổi bị “dòm ngó” nhưng vì Chương bị té gãy chân nên tạm thời được hoãn) và hai đứa em út trai Hưng và bé út gái Mỹ Linh. Bố cũng bao lần toan tính tìm cách cho những đứa con còn lại đi vượt biên – rồi tệ nạn cướp biển nổi lên quá dữ nên Bố buộc lòng đợi chờ các anh, chị tôi làm giấy tờ bảo lãnh cho đi chính thức.

Trong buổi giao thời, tôi lớn lên và trở nên một đứa con gái ngang bướng, khó bảo… tôi không nghe lời Bố Mẹ làm một đứa con ngoan, tôi đã sống và làm bất cứ điều gì tôi muốn… Tôi biết tôi đã đem đến cho gia đình và cho Bố tôi rất nhiều phiền não, lo âu…

Nhưng không vì tôi là đứa con hư mà Bố bỏ rơi tôi. Ngày anh Tuấn làm giấy tờ bảo lãnh cho gia đình đi Mỹ, Bố đã tìm mọi biện pháp để có tên của tôi trong gia đình, để tôi được ra đi – Bố nói với tôi: “Làm sao Bố có thể an tâm khi để tôi lại một mình, cho dù Bố có để lại nhà cửa và tiền bạc cho tôi!”

Và thế là tôi được theo Bố đi qua Mỹ.

Bút tích Bố tôi. (Hình: Tác giả cung cấp)

Cả cuộc đời Bố luôn lo cho chúng tôi, các con của Bố.

Khi qua Mỹ, Bố Mẹ lại trông coi hai cháu (con của chị Lan) để chị có thêm thời gian học thi lấy lại bằng Dược (sau đó chị đã là dược sĩ làm ở VA Long Beach) – Bố đã khuyên nhủ anh Tuấn cố gắng học lên, đừng để mai một tài năng (ngày xưa anh Tuấn học rất là giỏi) – bây giờ anh Tuấn cũng là một dược sĩ làm ở Kaiser trên Fresno. Hai em Nguyên, Khanh cũng được Bố lo cho thành tài (Nguyên là bác sĩ làm bên bang North Carolina), Khanh cũng là dược sĩ làm việc trên Fresno. Riêng các chị em khác và tôi cùng đi sau theo Bố Mẹ nên có hơi chậm, tuy nhiên Bố cũng lo cho tất cả các con… vào quỹ đạo, chị Hoa thì học xong College đã theo chồng qua bang Texas lập nghiệp (ngày chị Hoa đi qua tiểu bang khác, Bố cũng buồn nhưng Bố nói tuy chị lấy chồng xa nhà nhưng dù sao cũng vẫn cùng trong một nước, chị không xa khỏi tầm mắt của Bố – không như ngày xưa nếu tôi còn ở lại VN, cách nhau cả một đại dương, làm sao Bố có thể cứu giúp kịp thời!).

Ôi! Con cảm ơn Bố đã suy nghĩ chu toàn cho con để con có được ngày nay sung sướng.

Chương cũng là dược sĩ ở bang Nevada, Út Hưng thì hơi lận đận nhưng nay cũng ổn định làm y tá ở nhà tù San Bernardino, bé Mỹ Linh làm dược sĩ ở VA Loma Linda

Còn tôi ư? Sau khi đã ổn định, tôi cũng ghi tên vào trường Rancho Santiago college (Santa Ana College) mong lấy được bằng AA degree với chuyên môn là Medical Assistant. Tôi học không giỏi (chắc tại ngày xưa “quậy“ quá) nên chỉ muốn học cho nhanh và dễ để sớm kiếm được một nghề có thể nuôi sống bản thân mình – vậy mà tôi cũng phải mất 4 năm (trong khi các anh, em tôi chỉ cần 2 năm là đã chuyển trường vào các UC). Bố tôi không hề chê bai tôi sao quá dốt chẳng bằng chị, bằng anh, bằng em.

Những năm tôi đi học college, vì không muốn làm một gánh nặng cho gia đình nên tôi vừa học vừa làm thêm cho một tiệm bánh Donut (tôi mong kiếm chút tiền trang trải cho những nhu cầu bản thân mà không phải xin tiền Bố hay các anh, các chị). Vì tôi đi làm sớm (để trưa ra thì vào trường học) nên ngày ngày Bố lại… dậy sớm theo tôi để đưa tôi đến chỗ làm cho dù là có những ngày sương mù dày đặc. Tôi xin Bố để tôi đi xe bus cũng được nhưng Bố cười bảo tôi rằng: “Bố dậy sớm quen rồi, Bố đưa con đi trước là Bố không muốn để mình con đứng đợi xe khi đường phố còn vắng tanh, sau là đến tiệm Bố có thể uống ly cafe, ăn cái bánh crossant cơ mà.”

Rồi tôi học xong. Sau đó tôi lập gia đình. Chồng tôi không phải là người cùng ngôn ngữ Việt, tuy nhiên Bố tôi đã không phiền hà hay ngăn cấm, Bố đã chuẩn bị cả một bảng viết bằng tiếng Anh để nói trong ngày đàng trai đến đón dâu, mặc dù tiếng Anh của Bố chỉ là có được khi Bố học trong các lớp ESL. Vẫn với nụ cười trên môi Bố nói với tôi: “Bố muốn nói để cho con rể hiểu mà yêu thương con gái Bố và họ hàng bên đàng trai họ không thể coi thường gia đình ta.”

Thật là thương Bố tôi quá!

Ngày nay khi các anh chị em tôi đều có nhà cao cửa rộng, xe đẹp, công ăn việc làm vững chắc, thì Bố tôi đã không còn để chúng tôi báo đáp công ơn. Bố đâu nhìn thấy ngày cháu nội đích tôn đội mũ ra trường với bằng Doctor of Pharmacy, cháu ngoại với bằng Doctor of Medicine và còn là bao nhiêu cháu nội, cháu ngoại đang sắp sửa ra trường làm vẻ vang cho dòng họ, làm hãnh diện cho ông. Bố đã ra đi quá sớm để không được hưởng những thành quả mà Bố đã cố công gầy dựng cho cho các con và các cháu, Bố đâu biết ngày đó khi Bố đề ra luật khi cháu nào học giỏi, khoe bằng khen thì sẽ được ông thưởng (tùy theo bằng khen càng có giá trị thì càng được thưởng nhiều hơn) theo đó mà các cháu đã cố gắng học hơn, vô hình dung đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho con đường học vấn của các cháu.

Bố tôi chẳng những là một người cha vô cùng đáng quý mà còn là một người ông thật tuyệt vời. Tôi ước sao Bố tôi vẫn còn để chúng tôi được báo hiếu, báo ơn những gì mà Bố đã làm cho chúng tôi suốt cả cuộc đời của Bố.

Một ngày con nhớ Bố vô cùng Bố ơi!

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT