Friday, May 3, 2024

Nước dừa ngon, bổ, cần thiết cho cơ thể

NEWPORT BEACH, California (NV) – Được biết đến với hương vị hấp dẫn và sảng khoái, nước dừa là thức uống giải khát không chỉ phổ biến ở vùng nhiệt đới mà còn trên toàn thế giới.

Ngoài mùi vị thơm ngon, nước dừa còn có một số lợi ích dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là đối với ai đang tìm kiếm chất điện giải sau khi đổ mồ hôi.

Nước dừa có hàm lượng chất điện giải như magnesium và calcium cao hơn, giúp duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể. (Hình minh họa: Saeed Khan/AFP via Getty Images)

Do đó, nước dừa nên có mặt trong tủ lạnh nhà bạn, cho dù bạn không thể mua dừa tươi để uống thì nước dừa đóng chai cũng là sự lựa chọn thay thế tuyệt vời, theo trang mạng Mind Body Green vừa qua.

NƯỚC DỪA GIÀU CHẤT ĐIỆN GIẢI 

Nước dừa là một chất lỏng trong suốt có trong trái dừa. Nước dừa tươi thường được tiêu thụ rất nhiều ở các nước nhiệt đới, trong đó nhiều nhất là ở Indonesia và Philippines.

Để làm nước dừa đóng chai, người ta sẽ thu hoạch dừa tươi rồi để ráo nước. Nước ở trái dừa sẽ được tiệt trùng để tiêu diệt vi khuẩn và kéo dài thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng, nước dừa sẽ khác với các sản phẩm làm từ dừa khác như nước cốt dừa, thường sẽ có độ đặc hơn, hay dầu dừa, là một loại dầu ăn được làm bằng cách ép cùi dừa tươi hoặc dừa khô.

Ngoài vai trò là một loại nước giải khát thay thế cho nước lọc, nước dừa còn rất giàu chất điện giải, giúp bù nước, đặc biệt là sau khi tập thể dục hoặc bất cứ khi nào cơ thể cảm thấy khó chịu.

THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG CỦA NƯỚC DỪA 

Nước dừa có rất nhiều chất dinh dưỡng, nhiều nhất là vitamin C và potassium. So với các loại đồ uống thể thao phổ biến khác, nước dừa có hàm lượng calories và carbohydrate thấp hơn rất nhiều.

Trong một ly nước dừa sẽ có các thành phần dinh dưỡng như sau:

-44 gram calories

-0 gram chất béo

-0 gram chất xơ

-0 milligram cholesterol

-64 milligram sodium

-9.6 gram đường

-404 milligram potassium

-17.2 milligram calcium

-24.3 milligram vitamin C

-0.5 gram protein

-10.4 gram carbohydrate

Chuyên gia dinh dưỡng Hame Chaudhry, giám đốc trung tâm dinh dưỡng A Dose of Nutrition ở Chicago, Illinois, cho biết, nước dừa là một thức uống giải khát có chứa chất chống oxy hóa, vitamin B và các chất điện giải dưỡng ẩm như calcium, potassium, magnesium và sodium nhiều hơn một quả chuối trung bình. Trong đó, thành phần potassium rất quan trọng trong việc điều chỉnh các cơn co cơ, hỗ trợ thận làm việc và dẫn truyền thần kinh.

Trong khi đó, chuyên gia dinh dưỡng Desiree Nielsen, tác giả cuốn sách “Good for Your Gut,” chia sẻ, so với các nước thông thường khác, nước dừa cũng có hàm lượng chất điện giải như magnesium và calcium cao hơn, giúp duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Điều này làm cho nước dừa trở thành một sự lựa chọn thay thế phổ biến cho đồ uống thể thao có đường để tiếp thêm năng lượng sau những buổi tập thể dục đổ mồ hôi dữ dội.

Nước dừa có rất nhiều chất dinh dưỡng, nhiều nhất là vitamin C và potassium. (Hình: Frazer Harrison/Getty Images)

LỢI ÍCH CỦA NƯỚC DỪA ĐỐI VỚI CƠ THỂ CON NGƯỜI

1. Giảm huyết áp

Nước dừa cung cấp một số chất dinh dưỡng quan trọng liên quan đến việc điều chỉnh mức huyết áp, bao gồm cả potassium.

Một cuộc nghiên cứu cho thấy việc cung cấp đủ potassium sẽ giúp giảm huyết áp hiệu quả. Nước dừa có thể ức chế hệ thống hormone điều hòa huyết áp, hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên để tăng lượng nước tiểu, cân bằng mọi chất trong cơ thể.

2. Ổn định lượng đường trong máu

Uống nước dừa có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ví dụ, một cuộc nghiên cứu cho thấy nước dừa làm giảm lượng đường trong máu và giảm tổn thương võng mạc do bệnh tiểu đường gây ra, đồng thời còn giảm stress oxy hóa.

3. Giàu chất chống oxy hóa

Nước dừa giàu chất chống oxy hóa, là những hợp chất giảm viêm và trung hòa các hóa chất độc hại được gọi là các gốc tự do. Chất chống oxy hóa bảo vệ chống lại stress oxy hóa, góp phần gây ra các bệnh như ung thư, bệnh về tim mạch và tiểu đường.

4. Chống sỏi thận

Nước dừa có thể có lợi cho việc chống lại sỏi thận, các loại sỏi nhỏ, cứng và hình thành trong thận, gây ra các triệu chứng như đau và buồn nôn. Nước dừa còn làm nguy cơ phát triển sỏi thận khi nó có thể làm tăng bài tiết potassium, chloride và citrate qua nước tiểu.

5. Thúc đẩy quá trình hydrat hóa

Nếu uống nước lọc có vẻ không ngon miệng với bạn thì bạn có thể thay thế bằng nước dừa. Một số người cảm thấy dễ dàng hơn khi uống đồ uống có một chút hương vị, và vì vậy họ có thể thích uống nước dừa.

Sau khi mở nắp chai, tốt nhất là bạn chỉ nên thưởng thức nước dừa trong ngày. (Hình: Andrew Toth/Getty Images for Vita Coco)

MẸO CHỌN NƯỚC DỪA NGON

Mặc dù nước dừa có hàm lượng đường thấp tự nhiên nhưng một số nhãn hàng có thể cho thêm đường hoặc các chất làm ngọt khác nhằm tăng thêm hương vị. Chính vì vậy, đối với các sản phẩm nước dừa đóng chai, bạn chỉ nên chọn loại hữu cơ chỉ chứa một thành phần duy nhất trên nhãn là nước dừa.

Ngoài ra, bạn hãy nhớ rằng, nước dừa có thời hạn sử dụng ngắn hơn các loại nước khác và cần được bảo quản ở nơi thích hợp để tránh bị hỏng. Sau khi mở nắp chai, tốt nhất là bạn chỉ nên thưởng thức trong ngày hoặc đóng kín nó và bảo quản tối đa từ năm đến bảy ngày trong tủ lạnh. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT