Thursday, April 25, 2024

Nuôi bào thai trong môi trường nhân tạo

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Nuôi bào thai trong môi trường nhân tạo! Ở đây, không chỉ nói về chuyện “cấy thai trong ống nghiệm” mà là nuôi luôn em bé cho đủ 9 tháng 10 ngày trong môi trường nhân tạo.

“Ectogenesis” là danh từ để miêu tả việc thai kỳ được tiến hành ngoài tử cung. Danh từ nầy đã được sử dụng từ những năm 1920’s, “ecto” có nghĩa là ngoài tử cung, “genesis” có nghĩa là tạo nên sự sống. Từ năm 1980’s, người ta đã bắt đầu thí nghiệm việc nuôi dưỡng bào thai ngoài tử cung trên chuột bọ và các loại dê, nhưng không có một đột phá nào đáng kể.

Chuyện em bé phát triển không cần đến tử cung của người mẹ, cho đến cách đây vài năm vẫn thuộc phạm trù khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, theo dự tính, trong vòng 10 năm kế tiếp, bào thai của con người có thể sẽ được cấy ghép và nuôi trong tử cung nhân tạo.

Gần đây, các bác sĩ thuộc Bệnh Viện Trẻ Em Children’s Hospital of Philadelphia đang xin phép cơ quan FDA để bắt đầu thử nghiệm nuôi bào thai con người trong tử cung nhân tạo, trong vòng hai năm kế tiếp. Nếu thử nghiệm này thành công, thì quan niệm về tiến trình thai nghén, sanh đẻ, và ngay cả việc tiến hóa của loài người, sẽ thay đổi lớn lao.

Nhóm bác sĩ nêu trên đã thành công trong việc nuôi dưỡng bào thai của con cừu trong một “túi plastic” gọi là “biobag” trong suốt 105 ngày cho đến khi bào thai trưởng thành. Khi “bé cừu” nầy được “sanh” ra từ túi biobag, nó có thể cử động, thở, bình thường như bất kỳ một con cừu nào khác. Ngoài “bé cừu” nầy, còn có 7 bé khác trong cùng một thí nghiệm đã thành công.

Bạn đọc có thể xem thêm video ở trên YouTube, tại địa chỉ: https://youtu.be/dxn6msihFjc

Như thế, không bao lâu, kỹ thuật nầy có thể sẽ được sử dụng cho bào thai con người. Bước đầu, tử cung nhân tạo có thể được dùng để nuôi dưỡng em bé sanh thiếu tháng. Hiện nay trên toàn thế giới, hằng năm có nhiều triệu em bé bị sanh thiếu tháng khi mà phổi và não bộ chưa phát triển đúng mức. Về lâu về dài, khi kỹ thuật hoàn hảo, có thể giúp giảm bớt nguy cơ tử vong vì mang thai và sanh đẻ tự nhiên, bằng cách thay thể tử cung người mẹ từ lúc trứng được thụ tinh cho đến khi em bé “chào đời.”

Năm ngoái, một nghiên cứu được tường trình tại hội nghị của các bác sĩ trong ngành thụ tinh nhân tạo, ASRM, cho biết, phôi thai có thể phát triển trong ống thủy tinh trên hai tuần sau khi được thụ tinh. Lý do thí nghiệm phải ngưng ở 13 ngày, vì hiện nay luật pháp không cho phép nuôi dưỡng bào thai con người trong môi trường nhân tạo, quá 14 ngày.

Cùng chơi đùa. (Hình minh họa: Mandy Cheng/AFP/Getty Images)

Thêm vào đó, các nghiên cứu đang tiến hành cho biết có thể tạo ra “tinh trùng” và “trứng” từ các tế bào bình thường khác trong cơ thể. Như thế, trong tương lai rất gần, em bé sẽ được cấy ghép từ những tế bào da chẳng hạn. Vì có rất nhiều phôi được thành hình, các phôi nầy sẽ được lựa chọn với các thử nghiệm và gene, và nếu cần được chỉnh sửa để loại trừ bệnh tật. Sau đó, em bé sẽ được nuôi trong tử cung nhân tạo cho đến lúc chào đời.

Không những thế, toàn bộ quy trình sẽ được giúp đỡ bởi “Trí Thông Minh Nhân Tạo,” “AI – Artificial Intelligence”!

Một số câu hỏi được đặt ra về lợi và hại của phát minh không thể tránh khỏi nầy là:

Hiện nay, mỗi năm trên toàn thế giới có gần một triệu sản phụ chết vì việc sanh đẻ. Mỗi ngày có khoảng 830 sản phụ chết vì các chứng bệnh liên hệ đến thai nghén. Đa số tử vong xảy ra ở các tầng lớp nghèo hay ở các nước chậm tiến.

Riêng đối với người có tiền, không ít bà mẹ nhờ người khác mang thai dùm, thí dụ như việc Kim Kardashian đang chọn người mang thai cho đứa con thứ ba và thứ tư của cô ta. Thế thì có khác gì về chuyện nhờ người khác mang thai hộ và nhờ đến một bộ máy mang thai trong môi trường nhân tạo?

Lợi điểm của nuôi em bé trong môi trường nhân tạo là việc kiểm soát tình trạng mà em bé được nuôi dưỡng sẽ chặt chẽ hơn là tử cung của người mang thai dùm, trong đó sức khoẻ và vấn đề dinh dưỡng của người mẹ nuôi không được bảo đảm.

Cho dù mẹ ruột mang thai đi nữa, sức khỏe của người mẹ có thể bị ảnh hưởng và ảnh hưởng luôn đến em bé. Sức khỏe của em bé cũng như sự an toàn của em bé tùy thuộc vào sự an nguy của người mẹ, chế độ dinh dưỡng, bệnh hoạn ốm đau, và nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau.

Tuy nhiên, một nhược điểm của việc em bé lớn lên trong môi trường nhân tạo là, kích thước cơ  thể, nhất là não bộ có thể thay đổi vì không bị hạn chế bởi kích thước của xương chậu người mẹ. Không biết là loài người sẽ tiến hóa ra sao?

Câu hỏi kế tiếp là, nếu không có việc “mang nặng đẻ đau,” mà chỉ theo dõi em bé phát triển trong “bịch nước ối” thì liệu tình mẫu tử có thay đổi hay không? Rất có thể, tình mẫu tử sẽ thay đổi khi bà mẹ được nhìn thấy con mình phát triển từng phút từng giây… trên điện thoại cầm tay hay ti vi ở nhà?

Lại nữa, quan hệ giữa đàn ông và đàn bà sẽ ra sao nếu không cần đến tinh trùng hay trứng để tạo ra em bé?

Dù thế nào đi nữa, kỹ thuật này sẽ được hoàn chỉnh trong vòng từ 10 đến 20 năm. Hai mươi năm trước, chuyện nuôi dưỡng bào thai trong tử cung nhân tạo là chuyện không tưởng tượng được. Hai mươi năm kế tiếp có thể là rất dài, nhưng lại rất ngắn trong tiến hóa văn minh của loài người. Kỹ thuật nuôi dưỡng thai ngoài tử cung khi ấy cũng không khác gì chuyện thụ tinh nhân tạo của ngày hôm nay. (BS Hồ Ngọc Minh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT