Friday, April 19, 2024

Đau và khổ

BS. Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Nạn lạm dụng thuốc giảm đau vì ngộ độc thuốc giảm đau có chất á phiện, gọi là opiod, ngày càng tăng cao. Tỉ số nghiện thuốc giảm đau hiện nay ngang ngửa với ma túy. Vô tình hay cố ý, rất nhiều người hành nghề y tế ở Mỹ phân phối và phát chẩn toa thuốc đến người nghiện.

Thuốc giảm đau opiod được chia làm hai nhóm: nhóm có nguồn gốc tự nhiên xuất phát từ thuốc phiện gồm có opium, morphin, codein, và nhóm được tổng hợp có cấu trúc tương tự như thuốc phiện gồm có hydrocodon, heroin, fentanyl, và tramadol.
Các thuốc opioid tổng hợp như heroin, fentanyl, tramadol là những loại thuốc có hoạt tính mạnh đang bị lạm dụng rất nhiều. Fentanyl có hoạt tính mạnh gấp 50 lần heroin (bạch phiến) và gấp 100 lần morphin. Khi uống vào cơ thể, thuốc opiod sẽ bám vào các receptors (thụ thể), theo cơ chế tương tự như chìa khóa và ổ khóa. Những receptors này tập trung nhiều ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại biên và đường tiêu hóa. Tác động giảm đau của thuốc opioid là làm giảm phản ứng đau của cơ thể do giảm truyền các tín hiệu đau đến não và tăng khả năng chịu đau của cơ thể.

Tương tự như ghiền ma túy, khi người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau opioid để thỏa mãn ảo giác khoái cảm sẽ dẫn đến nguy cơ nghiện thuốc. Người nghiện thuốc không cưỡng lại được sự thúc đẩy sử dụng thêm thuốc để thỏa mãn cơn thèm, bất chấp các tác hại do thuốc gây ra cuối cùng đi đến tình trạng lạm dụng thuốc quá liều và gây ra tử vong.

Sự thật vẫn thế, không ai thích chịu đau cả. Thế nhưng, đau là gì, tại sao lại đau? Ở đây, xin mở rộng ra về triết lý của cơn đau, cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Cảm nhận về đau được truyền vào não bộ qua nhiều cửa ngõ. Quá trình dẫn truyền đau thường bắt đầu từ các thụ thể cảm nhận đau, đi qua các sợi dây thần kinh truyền về tủy sống, truyền về hệ thần kinh trung ương. Những cơn đau của thể xác là phản ứng của cơ thể, do những kích động hay cảm nhận cho thấy những đe dọa và nguy hiểm có thể xảy ra. Sự đau đớn thật ra bao gồm ba chiều: đau về thể xác, đau vì cảm giác biết đau, và đau vì phần hồn của sự tư duy cao cấp phản ứng với cơn đau.

Ví dụ, ta bị đau lưng chẳng hạn. Khi đau như thế, ta khó ngồi đậy ra khỏi giường, chưa kể đến phải đi…kéo cày. Đó là phần đau về thể xác. Kế đến khi đau như thế, ta sẽ bị buồn, trầm cảm hay tuyệt vọng, có khi đâm ra bực tức, giận dữ. Ấy là phần đau về cảm xúc. Và cuối cùng, những tư duy kéo đến, suy nghĩ về chuyện đau, như “Tại sao đau, tại sao chỉ có mình đau”, đi kèm theo những chuyện dự tưởng không mấy vui sẽ xảy ra và đâm ra sợ hãi. Tất cả ba yếu tố ấy tạo ra stress của cơn đau, làm hao mòn đi niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống. Thế là, không ai thích đau cả.

Đau kéo theo khổ. Chúng ta đau khổ vì chúng ta luôn luôn cho rằng đau không phải là một phần của cuộc sống. Càng chống cự lại sự đau đớn, ta càng làm vững mạnh thêm cho niềm tin, đau là kẻ thù không đội trời chung. Sự chống chọi này chính là cội nguồn của sự khổ ải.

Thế thì làm sao để bớt đau, hay nói đúng ra, bớt “biết đau”?

Đau và khổ là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Chính những cơn đau ấy bảo vệ chúng ta, soi đường cho ta đi, và dạy cho ta những bài học đáng giá. Lý thuyết này không đồng nghĩa với việc ta phải thích đau hay cắn răng chịu đau, nhưng chỉ có nghĩa là hãy tiếp nhận và xác nhận sự hiện hữu của sự đau và khổ là một thật thể. Một khi chấp nhận như thế, ta sẽ không bị sự đau khổ trói buột, dễ dàng cho ta mổ xẻ những cơn đau ấy, bóc, và lột từng lớp cho đến tận cội nguồn của cơn đau.

Điểm chủ yếu ở đây là bạn hãy thay đổi quan hệ và quan niệm của mình về sự đau khổ, hãy mở vòng tay mà tiếp nhận nó. Tiếp nhận không có nghĩa là ta…ghiền đau, nhưng chấp nhận sự hiện hữu của nó là thật. Ta nên biết phân biệt giữa đau và khổ, đau là một điều khó tránh khỏi, nhưng khổ là điều ta có thể chọn lựa. Khi biết đau, nhưng không khổ vì đau, chúng ta tự giải thoát lấy chính mình.

Tới đây, xin tạm đóng ngoặc triết lý thiền về đau và khổ, vì thật ra tôi chưa đủ trình độ để đi sâu vào vấn đề này.

Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy không cần đến những loại thuốc giảm đau có chất á phiện mới công hiệu cho việc giảm đau. Tác dụng của chất á phiện là được sung sướng, được phê hơn là tránh đau. Thậm chí rất nhiều sự đau nhức không cần đến thuốc với men. Uống nước lạnh, uống trà nóng, tắm nước nóng, xoa bóp với nước ấm hay dầy gió, hay đi dạo một vòng là hết cơn đau. Kẹt lắm thì vài viên aspirin hay tylenol là đủ.

Nói chung, khi bị cơn đau hành hạ, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, đi từ những bước đơn giản nhất như thiền định, cho đến việc uống nước đầy đủ trước khi phải sử dụng thuốc. Phải xem sử dụng thuốc là giải pháp tạm thời, vì nếu cơn đau kéo dài, không dứt, những nguy cơ quan trọng khác có thể là nguyên nhân cần phải quan tâm.

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT