Thursday, April 25, 2024

Những nốt nhạc đầu đời

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Đang rảo bước vội, hướng đến tiệm cà phê Le Pain Quotidien, một điệu nhạc thật thân quen cất lên từ tiệm đồng hồ bên phải, tôi dừng chân đứng nép vào hẳn một góc ngẩn ngơ nghe “If (Bread)” của thuở 18 tuổi biết nghe nhạc và mê bản này.

Âm thanh dịu dàng quá, nắng buổi sáng đang nhởn nhơ, êm ả lung linh trên những lá cây xanh đậm trồng dọc theo lối đi. Nhạc Bread níu chân. Tôi đã quên mất mình trễ vài phút đến gặp bạn. Ngắm biển xanh đang tung tăng phía xa xa sau dãy hàng dừa có tên gọi “palm trees” ở miền Nam California. Đây là hàng cây mà tôi mê ngắm lắm!

Từng hàng cây vươn cao đều nhau, lá cọ xanh từng bẹ rũ xuống tròn đều thật đẹp cạnh sát nhau một dãy.

Lá cờ Mỹ bay bay trong gió. Không gian yên tịnh buổi sáng. Nắng trong veo.

Hình như một góc trời cho riêng tôi – nơi đây – tạm quên những biến động tranh chấp mâu thuẫn đến cực độ trong xã hội, chính trị, kinh tế trì trệ, những tai ương bệnh dịch quá đỗi sức tưởng tượng và thử thách sức chịu đựng của con người.

Điệu nhạc, biển xanh, gió vờn nhẹ, nắng chao nghiêng lên mắt. Hơi thở bị giới hạn qua chiếc khẩu trang che nửa mặt.

Tôi thả hồn mơ về tuổi thơ ngây, về Sài Gòn của mình.

Bác Châu – giáo sư Hội Việt Mỹ – sống đối diện trước nhà tôi ở khu Tân Định thường chở thằng con trai tên Tí Chuột, 10 tuổi, đến học nhạc tại tư gia nhà nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Những lúc Tí tập đàn tôi mon men chạy qua ngồi nghe say mê.

Ba Tí bảo: “Thế Ngọc có thích học đàn không? Ông Dương Thiệu Tước là bạn của bác. Sau năm 1975 ông đã lui về sống ẩn dật. Nhưng bác sẽ xin cho Ngọc đến học chung với Tí nhé.”

Thế là tôi khăn gói lên đường, đạp xe theo bố con Tí sang nhà thầy ở khu Gia Định. Nhà có khu vườn rộng, trồng nhiều cây xanh lắm. Hai tháng đúng theo học, thầy tập cho trò những bài vỡ lòng guitar classique trong quyển Carulli.

Bài số 14 đến giờ tôi vẫn còn nhớ, dẫu mấy chục năm trôi qua, bởi khoảnh khắc êm đềm trò đánh, thầy đệm một cách thật khác, thật hay theo bài số 14.

Bên khung cửa sổ hai cánh cửa gỗ xanh mở toang, lá khóm trúc đong đưa nhè nhẹ. Chất thơ lúc ấy đã ghi sâu đậm trong tâm hồn con bé tuổi 13.

Nguyên Sa đã viết “Tuổi Mười Ba” và được Ngô Thụy Miên phổ nhạc:

“Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba…”

Vâng, tuổi 13 ăn chưa no, lo chưa tới, ấy vậy mà tôi đã nôn nao mỗi tháng ngửa tay xin tiền mẹ đóng học đàn, bởi một lẽ sau năm 1975 ai cũng khổ, cơm ăn độn bo bo, đời sống chật vật, ngại ngùng không dám xin mẹ tiền, vốn đã nhiều lo toan.

Tuổi 13 còn non nớt để trân trọng lời khen của thầy cho con bé rằng: “Ráng học nhé, có triển vọng lắm!”

Để sau hai tháng học, trò trốn vì lý do kinh tế, nên thường qua học lén từ em Tí – vẫn theo thầy học đều đặn.

Nghe nói Tí giờ sống ở San Francisco, miền Bắc California, nhưng tôi không liên lạc bởi vẫn muốn giữ nguyên vẹn mớ kỷ niệm hình ảnh thằng Tí 10 tuổi và con Ngọc 13 tuổi cùng thầy Dương Thiệu Tước với khu vườn xanh ngát, khung cửa sổ và tiếng hai cây guitar hai thầy trò hòa chung du dương bài số 14 trong quyển Carulli.

Có lẽ nhờ những dấu ấn đầu đời thật thơ mộng qua âm nhạc, lúc 6 tuổi mỗi tối tôi ngồi nép nơi bậc thang gỗ nâu bóng loáng trên căn gác lửng vào phòng của anh trai lớn, anh chơi đàn guitar hay, hát nhạc “Vũng Lầy Của Chúng Ta” của Lê Uyên Phương:

“Theo em xuống phố trưa nay, đang còn chất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chắt hết thơ ngây, trên cánh môi say
Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn.”

Những lúc Tí tập đàn tôi mon men chạy qua ngồi nghe say mê. (Hình minh họa: Cottonbro/Pexels)

Hoặc có những khuya nghe anh ngồi thổi sáo bên khung cửa cho đến khi ánh trăng lẩn khuất dần vào trời đêm.

Để nhiều năm theo sau đó, ánh trăng năm nao đôi lần ghé qua thăm song cửa, rọi vào hồn con bé Ngọc, nó mơ thấy anh mình hiện về – chàng sinh viên áo trắng. Ánh trăng ru nó nhớ những giai điệu trầm bổng của tiếng sáo trúc ngân nga. Tiếng guitar réo rắt và quyển vở còn in dấu trung học Petrus Ký, cùng những bài thơ chép tay của anh Nguyễn Ngọc Đông. Chinh chiến ác độc đã đem anh của nó – chàng sinh viên nhiều mộng ước về trời ở tuổi 22.

Hai người, thầy Dương Thiệu Tước và anh, đã gieo lòng yêu âm nhạc cho con bé đều bay về trời.

Để đến giờ con bé ấy là tôi tóc đã điểm bạc vẫn giữ gìn những nốt nhạc trắng đen đầu đời ấy. Vào những chiều yên ắng hay đêm khuya vẫn ôm đàn hát vỗ về mình mỗi khi nhớ về mớ kỷ niệm êm đềm ngày xưa ấy.

Nhớ đến bản “If (Bread),” bài nhạc hay, giai điệu thật êm và lời nhạc nên thơ quá, xin trích một đoạn:

“And when my love for life is running dry,
You come and pour yourself on me.
If a man could be two places at one time,
I’d be with you.
Tomorrow and today, beside you all the way.
If the world should stop revolving spinning slowly down to die,
I’d spend the end with you.”
[qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT