Thursday, April 25, 2024

Sống là cho đi và không cần nhận lại

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Rất nhiều năm sau đó bước vào tiệm phở nào tôi vẫn không tìm được hương vị ngạt ngào của hai tô phở còn nóng, ấm cả lòng bàn tay, hớn hở bưng về cho cha mẹ năm xưa. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Rời văn phòng, tôi bấm vào GPS địa chỉ đi lấy bánh chưng. Tôi đặt 10 cái biếu bà cụ và chị em trong nhà ăn Tết.

Tôi vẫn để GPS dẫn đường trên điện thoại bằng tiếng Đức. Chạy xe trên xa lộ Mỹ. Nghe bài nhạc Việt mừng Xuân. Đa văn hóa hòa quyện vào nhau.

Mùi phở gà thơm ngào ngạt trong xe, tôi ghé tiệm phở vào giờ nghỉ văn phòng trưa nay, mua cho bà cụ và bé An ăn tối.

Hai hôm trước tôi nằm co ro trong chăn, lưng đau nhức, cơ thể nóng rồi qua lạnh do tác dụng của mũi thuốc chích lần hai chống COVID-19.

Tối vào giường sớm, mơ màng nghe tiếng bé An ghé tai mẹ hỏi nhỏ: “Mẹ ơi, mẹ okay không mẹ? Con làm trà cho mẹ nhe.”

Con bé làm tôi nhớ lúc ra trường năm 1987 đi dạy học vào thời kỳ đất nước còn nghèo. Giáo viên chờ đồng lương mỏi mòn. Cầm những tờ giấy bạc cũ màu, ít ỏi của nửa tháng lương đầu tiên cẩn thận cất vào túi.

Ngày kế dậy sớm xách tô đi bộ từ nhà ra đường Pasteur mua hai tô phở bưng về cho cha mẹ ăn sáng với niềm vui khó tả.

Đi đường cứ hít hà mùi thơm của nước lèo. Cọng hành xanh xanh, chao nghiêng qua một góc theo mỗi bước chân sáo vui.

Về đến nhà mời cha mẹ ra ăn và biết nói láo khi cha mẹ hỏi: “Con ăn sáng chưa?,” “Dạ, con ăn ngoài tiệm rồi.”

Thật ra tiền lương tạm ứng của trường chỉ mua vừa đủ cho hai tô phở vào thời ấy mà thôi.

Để rất nhiều năm sau đó bước vào tiệm phở nào tôi vẫn không tìm được hương vị ngạt ngào của hai tô phở còn nóng, ấm cả lòng bàn tay, hớn hở bưng về cho cha mẹ năm xưa.

Cái tuần hoàn của con tạo vẫn mãi luân lưu từ đời này sang đời khác. Từ đời cha mẹ, đến mình rồi con mình. Dòng máu huyết thống yêu thương dạt dào trong tim. Những bài học tạo thành nhân cách cho mỗi con người từ gia đình đó là: Cho đi và không cần nhận lại.

Cha mẹ nuôi con mà mong chờ con mai này báo đáp, phụng dưỡng, đó chưa phải là tình mẫu tử thiêng liêng. Bởi yêu con là không mong đợi con cái có bổn phận phải trả hiếu, phải trả lại cha mẹ những năm tháng vất vả lo cho con. Niềm mong muốn sâu xa nhất của cha mẹ là mong con mình sống đời sống mạnh khỏe, vui vẻ và bản lĩnh vượt qua mọi chông gai. Mẹ con cùng trò chuyện.

Có những khi tôi cũng học nhiều điều hay từ con trẻ. Lối suy nghĩ của các con, thế hệ trẻ, logic, bình đẳng và thoáng hơn thế hệ của ông, bà, cha, mẹ. Từ đó tôi học cách thay đổi suy nghĩ đôi khi thiển cận của mình để phù hợp với thời đại. Để mình hiểu và gần gũi với con mình hơn.

Cho đi và không cần nhận lại.

Tôi đã học được sâu sắc từ cha mẹ, chị, em sự chia sẻ, giúp đỡ lúc tôi năm tháng chao đao một mình lo bốn đứa nhỏ. Tình thương của gia đình, lời động viên tinh thần của mẹ, cha: “Cố lên con, mọi việc rồi sẽ ổn thôi.”

Và rồi chính tôi đã dùng lời của cha để nói với từng đứa con của mình.

Tài năng hay bằng cấp giúp con tìm việc làm tốt, dễ thăng quan tiến chức. Nhưng dạy cho con cái tâm sống biết chia sẻ với xã hội mình đang sống; hiếu đạo với ông bà, bác, cậu; trái tim tình cảm, suy nghĩ cặn kẽ việc mình làm có để lại kết quả tốt là điều không dễ.

Cho đi có nghĩa không cần nhận lại.

Dòng người xếp hàng dài rồng rắn chờ chích ngừa COVID-19. Những tình nguyện viên áo xanh, những cô y tá, bác sĩ túc trực để chích ngừa cho mọi người. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

Đó là chân giá trị hạnh phúc trong cuộc sống cho những ai biết chia sẻ, đem niềm an vui cho người khác, cho bạn bè mà không mưu cầu tính toán lợi lộc cho bản thân.

Như hôm qua tôi lái xe chở bà cụ và con gái đi chích ngừa. Dòng người xếp hàng dài rồng rắn. Những tình nguyện viên áo xanh, những lính cứu hỏa, những cô y tá, bác sĩ túc trực để chích ngừa cho mọi người.

Họ đủ mọi sắc dân, Mỹ, Mễ, Á Châu, Âu Châu. Da đen, da vàng, da trắng.

Nơi đây, không có ý nghĩa về màu da, về sắc tộc mà chỉ có tình nhân loại cùng giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn đại dịch.

Những lời chào hỏi.

Những nụ cười thân thiện đoán qua ánh mắt.

Những lời cảm ơn đầy xúc động.

Việc làm của những tình nguyện viên trong khuôn viên rộng lớn của khu Disneyland đang giúp nhân gian với trái tim nồng nàn.

Cho đi mà không cần nhận lại.

Thật là một nghĩa cử thiêng liêng, đem giá trị tinh thần và ý nghĩa to tát cho mọi người trong một xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa mà năm vừa qua có biết bao biến động.

Sáng sớm tinh sương nơi đây, bình mình ửng hồng đem một ngày mới rạng rỡ, tràn đầy hy vọng cho tôi, cho bạn, cho mẹ già, cho anh, cho muôn người…

Bầu trời xanh lơ, mây trắng trong. Ánh mặt trời rọi sáng trên cao, rọi xuống ấm áp lòng mình vì cảm nhận tình người trân quý trong từng nhịp đập con tim, trong từng hơi thở còn yêu quá cuộc đời này của đoàn người xếp hàng dài đến cuối đường, chờ được chích ngừa chống COVID-19.

Xin gởi những bông hoa Xuân tươi thắm nhất đến những người làm việc thầm lặng mong muốn góp phần nhỏ bé đem bình an trở lại cho nhân loại.

Màu xanh – áo của tình nguyện viên giúp ngừa tiêm chủng, của khung trời xanh bao la trong công viên, của hàng cây cao vời vợi bao quanh khu Disneyland.

Màu xanh – màu của hy vọng đem yêu thương lan tỏa. Hãy vững tin vào ngày mai. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT