Thursday, April 25, 2024

Tiếng dương cầm

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Nhớ quá tiếng đàn của con gái. (Hình minh họa: Charles Parker/Pexels)

Chiều Chủ Nhật con gái út đến bên mẹ nũng nịu: “Mẹ ơi, con chưa có áo dài. Mẹ dắt con đi mua nhé.”

Hai mẹ con, một già, một trẻ dạo quanh các gian hàng đủ màu sắc, đủ kiểu hoa cả mắt.

Con gái bảo: “Mẹ ơi, con muốn bận áo dài có cổ nhe.”

Giúp con gái lựa màu, lựa kiểu và size vừa ý. Ngồi đợi con gái thử. Con bước ra mắc cỡ, khẽ gọi: “Mẹ ơi, được không mẹ?.” “Ôi chao, con gái của mẹ tha thướt, dịu dàng quá!”

Nhìn con tóc xõa ngang vai, e ấp trong tà áo dài màu xanh da trời, quần lụa trắng, chợt như thấy quê hương Việt Nam thật gần, đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đường Hai Bà Trưng thật gần, con lối nhỏ trong khu phố đêm 30 Tết đường Đinh Công Tráng thơm mùi hương trầm tỏa ngào ngạt, thật gần.

Dây pháo đỏ treo cao cao bên mái sân nhà. Mâm ngũ quả bày biện thật khéo, bánh chưng xanh, đèn cầy đỏ, lư hương bóng loáng.

Thấp thoáng bóng cha, mẹ đang thành khẩn lạy đất trời cầu xin an bình. Tiếng nhạc bài “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ nhà hàng xóm vang vang:

“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời…”

***

Tiếng cô bán hàng vang lên: “Chị trả tiền bên quầy này giùm.”

Con gái khuôn mặt ánh niềm vui khi chọn được hai chiếc áo dài đầu tiên trong đời.

Con đón túi hàng và cảm ơn cô bán hàng hai, ba lần. Bé An giống hai chị lúc nào cũng ăn nói thật lịch sự, lễ phép, ngây thơ.

Hai mẹ con dắt nhau ra xe. Không khí lành lạnh do cơn mưa bão kéo qua còn sót lại trong thành phố Garden Grove.

Mở điện thoại nhận tin nhắn con gái Susi viết bằng tiếng Việt: “Con nhớ mẹ quá!”

Giờ này bên Đức vào Đông, cành cây, ngọn cỏ phủ đầy tuyết trắng, trên mái nhà, khắp phố phường. Tuyết phủ đầy băng ghế bên công viên.

Bỗng nhớ bậc tam cấp trước cửa nhà, mẹ đi chợ về thường không mở cửa vội, dành vài phút để lắng nghe tiếng dương cầm thánh thót phát ra từ cửa sổ nhà. Con gái Susi đang dạo khúc nhạc classique hoặc khúc nhạc tình trên phím đàn piano.

Một gia đình Việt Nam trong trang phục áo dài truyền thống cầu nguyện tại chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Hà Nội, vào ngày 12 Tháng Hai, 2021, tức Mùng Một Tết Tân Sửu. (Hình minh họa: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Tết bên Đức chỉ là trong lòng, là dư âm thôi! Nơi gia đình ở, chỉ có một mình mẹ là người Việt Nam duy nhất. Cái Tết đầu tiên xa quê hương, mẹ đã nhìn từng cụm bông tuyết rơi mà tưởng tượng ra dây pháo nổ tí tách, xác pháo đỏ rơi đầy sân.

Để rồi những năm tiếp theo sau đó Tết trôi qua lặng lẽ nhưng mẹ không còn buồn hay nhớ quay quắt quê hương, ông bà. Bởi vì mẹ có bốn đứa con quây quần, ấm áp.

***

Giúp bé An ủi thẳng thóm hai chiếc áo dài treo lên, rồi tự nhủ trong lòng: “Tết đến rồi ư!”

Ôm đàn tìm một bài của nhạc sĩ Văn Phụng, thật lạ bởi mới nghe lần đầu, ngồi xuống tập nhanh tối nay.

Tựa bài nhạc làm nhớ đến cây dương cầm đặt kế bên khung cửa sổ nhìn ra quãng trời xanh bao la bên nhà ở Đức. Nhớ quá tiếng đàn của con gái Susi, giống mẹ yêu nhạc đàn, vẽ khi tâm hồn trầm lắng…

Tạm quên mọi lo lắng ngoài kia, nghe âm nhạc cho vui trong không khí Xuân, và thả hồn theo nốt nhạc, dạo vài hợp âm của bài “Tiếng Dương Cầm” của nhạc sĩ Văn Phụng.

Tết gõ cửa. Xuân bao la đất trời chứa chan thương yêu, hy vọng:

“Nhớ hôm nào mùa xuân mới sang
Muôn bầy chim ca hót vang
Tung cánh nhẹ bay la đà
Bướm khoe màu trên muôn sắc hoa
Chập chờn tung bay thướt tha
Đùa giỡn trong tia nắng vàng…”
[qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT