Sunday, April 28, 2024

Về ngoại ăn đám giỗ

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Tuyết Anh

Ngày thơ ấu chị em tôi thường được theo má về quê ăn đám giỗ. Biết ngày mai được về quê là tối đó không ngủ được, cứ nôn nao mong trời sáng thay đồ mới. Ngây thơ điệu đàng thắt cho mình hai cái bính tóc có đính thêm hai chiếc nơ hồng tự may bằng vải vụn. Má bồng em nhỏ, còn tôi dắt em trai kế, lúp xúp theo má lên xe đò. Những lần ăn giỗ nhà ông cậu ở Cầu Xáng Hóc Môn thật vô cùng thích thú.

Đám giỗ thì đông bà con, ai cũng dắt con đi cùng. Đám con nít Sài Gòn bà con bạn dì cô cậu bọn tôi ngày đó chừng trên dưới mười tuổi, không màng đến những món ăn bữa giỗ, cứ rủ nhau ra sục sạo vườn nhà ông, tìm hái ăn những trái xoài trái cóc xanh non. Hai cây chôm chôm vàng đỏ chi chít trái trồng sát mé mương, sao không mê cho được. Nhưng bọn tôi mê nhất là rẫy mía vàng dày đặc rợp mát lối giữa giồng. Mỗi đứa chọn cho mình cây mía ưng ý và cứ thế ngồi bệt tại chỗ xước cả cây mía dài không cần chặt khúc. Ôi sao mềm ngọt biết bao!

Mỗi năm một lần, bọn trẻ chúng tôi lại gặp nhau và lớn dần lên, đứa đến tuổi tòng quân nhập ngũ, đứa vào giảng đường rồi cũng thất học khi bị “30/4.” Có dịp gặp lại khi đã trở thành ông nội bà ngoại, tôi vẫn “mày tao” với mấy thằng em con cậu và chị em hào hứng nhắc lại kỷ niệm thuở thanh bình thơ ấu.

Chút tản mạn về quê ngoại..

Má tôi có hai người cậu ruột thân thương tình máu mủ của đứa trẻ mồ côi năm xưa ấy. Khi tôi lên năm lên sáu má dạy tôi gọi là Ông Ngoại Bảy và Ông Ngoại Tám. Thuở thơ ngây không hiểu sao mình có tới hai ông bà ngoại, sau này mới hiểu má mồ côi sớm nên có cậu như có mẹ.

Nhà ông ngoại Tám ở Cầu Xáng Hóc Môn. Một ngôi nhà tranh vách đất như những ngôi nhà chung quanh thời đó, gần sát lộ đường xe chạy. Thuở ấy ít xe, xuống xe đò ở chợ Hóc Môn thì mấy mẹ con lội bộ vô Cầu Xáng, xa ơi là xa nhưng lòng háo hức về đám giỗ được gặp lại bà con họ hàng nên má vui không bỏ sót một kỳ giỗ nào.

Cứ men theo đường lộ đi hoài đi miết cũng tới nơi. Nhà ông ngoại Tám có trồng cây bông điệp đỏ vàng ngay sau bàn thiên, bông nở quanh năm để dành cắt vô bình cúng rằm Mùng Một. Trưa đến, khi người lớn còn nhâm nhi chung rượu đế bàn giữa thì đám con nít Sài Gòn tụi tôi, bà con cô cậu chú bác rủ nhau ra ruộng chơi theo sự dẫn dắt của Dì Mười con gái ông ngoại Tám, dì hơn tui ba tuổi.

(Hình minh họa: Patrick Pleul/Getty Images)

Đường ra ruộng hai bên bờ đất có nhiều cây ra bông đẹp mà hổng biết tên:

-Cây này có bông trắng đẹp mà thơm quá! Bông gì vậy Dì?

-À! Bông dành dành đó! Ở đây nhiều lắm!

Vậy là từ đó biết thêm cái tên bông trắng quê mùa mà thơm ngát.

Thấy thấp thoáng dưới ruộng có con gì đen đen đang lội:

-Dì ơi con cá gì mà hổng đầu hổng đuôi.

-Ý! Con đỉa trâu đó, nó dai lắm đeo dính bắp chân gở không ra..

Mèn ơi! Hồi giờ nghe má nói con đỉa mà giờ mới thấy, ghê quá!

Rồi thời gian qua đi, ông bà cũng lần lượt qua đời, các cậu đi lính đóng quân xa, dì có chồng lính theo chồng ra tuốt miền Trung. Ngôi nhà cùng thửa ruộng của ông bà không ai về coi giữ, đành phải bán đi. Từ đó tôi không còn được trở lại thăm nhà ông ngoại Tám!

Nhà ông ngoại Bảy ở Thành Ông Năm. Có con đường đất nhỏ sâu hun hút rợp mát hai hàng tre trúc đan kín bầu trời!

Thuở ấy quanh nhà ông ngoại Bảy là rừng âm u lắm! Bọn tôi hay rủ nhau ra ven rừng hái trái nhãn lồng nhỏ xíu, lột vỏ bỏ vô miệng nhâm nhi ngọt ngọt rồi nhả hột ra, ngon lành gì đâu mà sao hồi đó mê chi lạ.

Trước sân nhà là lối đi qua lại, có kê cái lu nước dưới tán cây lê ki ma rậm mát cùng cái gáo dừa máng lên cây cho khách bộ hành khát nước giữa đường.

Nhà ngoại Bảy vừa làm ruộng vừa trồng rẫy các loại rau củ hàng bông, có hàng cau và giàn trầu vàng để bà ngoại có ăn có cúng… quanh nhà trồng nhiều cây ăn trái, cây vú sữa trái nhiều nhánh quằn sà xuống chỉ cần thò tay hái, vài cây mít trái quanh năm, tôi mê món mít non hái xuống hầm chín hồng xé trộn gỏi với rau răm đậu phộng non nhà trồng thêm chút mỡ hành và chén nước mắm tỏi ớt, ngon lắm.

Ngoài ruộng thì cá nhiều vô kể, có thằng em con cậu tuổi độ mười hai, cả ngày đi chăn trâu bắt cá, nhà lúc nào cũng có cá ăn là nhờ nó! Nghe ba kể có lần hành quân ngang nhà ngoại Bảy, đói bụng ba tạt vô nhà ngoại, cả nhà ra ruộng hết, nhà ở quê cửa nẻo trống không. Ba vô bếp thấy ơ cá kho tiêu trên cái cà ràng, kế bên là nồi cơm trên bếp trấu, thế là ba vét sạch nồi. Ông bà đi ruộng về ngạc nhiên thắc mắc sao nhà không mất gì chỉ thấy sạch nồi cơm nguội và ơ cá kho. Sau ba kể lại, ông ngoại Bảy cười thương thằng cháu rể thiệt tình quá!

Mỗi lần nghỉ phép ba hay rủ lên nhà ngoại Bảy, ra ruộng tát đìa bắt cá nướng rơm cuốn bánh tráng với rau cải dún nhà trồng mới nhổ. Ôi sao mà ngon gì đâu! Thèm nhớ một trời thương…

Rồi ông bà cũng qua đời, để lại nhà cửa đất đai ruộng vườn cho hai đứa cháu nội. Mảnh đất vẫn còn đó nhưng mái nhà tranh vách đất năm xưa được thay bằng ngôi nhà lai tam cấp đồ sộ, bởi đất đai lên giá, hai cháu nội đã bán bớt đất, bớt ruộng lấy tiền tỷ xây nhà lai đổi đời!

Hai hàng tre trúc thơ mộng trong trí tôi trên đường vô nhà ngoại cũng bị đốn bỏ để mở rộng đường cho xe hơi chạy vô ngôi chùa nhỏ năm xưa nay bề thế nổi tiếng là chùa Hoằng Pháp!

Tôi vẫn thường trở lại con đường xưa dù đã mất hàng tre vì nơi đây tôi có cảm giác quay về khi các em các cháu ra mừng đón:

-Chị Ba mới về!

-Thưa Dì Ba… Cô Ba mới về!

Nghe thân thương làm sao, và trên tất cả tình thân thương đó là trên mảnh đất mộ phần của ông bà Ngoại Bảy còn có phần mộ của má tôi nằm kế bên đúng như lời trăn trối của má muốn về nằm trên đất quê hương Hóc Môn của má! (Tuyết Anh)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT