Thursday, April 18, 2024

‘Góc Tết’ mang Xuân về của người gốc Việt ở Bắc California

Đoan Trang/Người Việt

SAN JOSE, California (NV) – San Jose, những ngày cuối của năm cũ, thành phố vẫn nhộn nhịp xe cộ qua lại, đặc biệt tại các khu thương xá có đông người Việt sinh sống. Không khí Tết và sắc Xuân cũng đã xuất hiện ở vài nơi để phục vụ cho cộng đồng người Việt lớn thứ nhì tại Mỹ, chỉ sau khu Little Saigon ở miền Nam California.

Hàng hoa Tết trong thương xá Lion Plaza. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Nghe nói một số khu thương mại của người Việt đang dần “hồi sinh” sau khi bị đóng cửa khá lâu vì dịch bệnh COVID-19, chúng tôi lái xe từ miền Nam lên để “mục sở thị” tình hình bà con mình chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Tân Sửu ra sao trong lúc dịch bệnh vẫn là mối lo ngại hàng đầu.

Một “góc Tết” ở Grand Century Mall

Đã hơi thất vọng khi đảo một vòng quanh Vietnam Town mà… chẳng thấy gì, chúng tôi bước sang Grand Century Mall, nơi được xem là khu thương mại người Việt lớn nhất và vui nhất vào những dịp lễ Tết cổ truyền Việt Nam. Không khí cũng chưa hẳn… Xuân lắm, ngoại trừ chậu mai vàng khá lớn đặt ngay tiền sảnh.

Hầu hết các cửa tiệm trong khu thương xá này đang đóng cửa hoặc quán ăn cũng giới hạn người ngồi bằng cách dùng những dải giấy màu vàng quây bàn ghế lại.

Chợt thấy có một nhóm người ở xa xa đang cười nói, chúng tôi tiến gần lại. À, thì ra là quầy hàng Tết. Chỉ có Tết mới rôm rả thế thôi! Nhưng “góc Tết” này cũng khá… khiêm tốn. Chỉ ở hai gian hàng của tiệm Ô Mai và Đại Lộc Gift & Clothes.

Thật ra, cả cái khu thương xá lớn thế này, mà chỉ có hai gian bán hàng Tết thì thật là… “hẻo.” Nhưng không sao, miễn có là vui rồi!

“Ở đây cuối tuần đông lắm,” ông Henry Nguyễn, một khách hàng đang đứng lựa đồ trong gian hàng của tiệm Đại Lộc, nói. “Nhà tôi ở Sunnyvale, cách đây 20 phút lái xe, nhưng vợ chồng tôi thường hay ghé đây chơi và mua sắm. Từ khi ở đây mở lại, tụi tui tới mấy lần rồi.”

Quầy hàng Tết trong Grand Century Mall. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Ông Henry nói sẽ kiếm mua bao lì xì, để có màu “xanh xanh đỏ đỏ cho sắp nhỏ nó mừng” vào ngày đầu năm. Bà Nancy Hồ, vợ ông Henry, nhắc chồng: “Nhớ mua pháo nữa nhe,” rồi bà lại phân vân: “Ờ mà không biết năm nay có được đốt pháo không ta. Chứ Tết mà không có pháo là buồn lắm!”

Gian bán quần áo trong tiệm Đại Lộc thì rực rỡ sắc Xuân với hàng ngàn chiếc áo dài Việt Nam đủ kiểu, đủ kích cỡ cho phụ nữ, đàn ông và các cháu nhỏ.

Chị Hoa Nguyễn, người đứng quầy, đang sắp xếp lại cho gọn những chiếc áo dài xinh xinh của em bé, cho biết: “Năm nay dịch bệnh vậy mà thấy bán cũng được lắm nhe.”

“Được” ở đây, theo chị Hoa, có nghĩa là “lai rai,” là không đến nỗi ế ẩm, đìu hiu.

Chị Hoa Nguyễn và gian hàng áo dài trẻ em của shop Đại Lộc Gift & Clothes trong Grand Century Mall. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Tất nhiên là không bằng năm ngoái cái lúc mới bắt đầu dịch, và không thể như năm 2019, nhưng bà con người Việt mình vẫn đi mua sắm đông đúc, vui vẻ. Tôi thấy họ ‘rinh’ nào hoa mai, hoa đào, bánh mứt… Rất vui!,” chị Hoa nói, rồi bóc một bao ni lông, xổ ra chiếc áo dài màu hồng cánh sen, giới thiệu: “Cả bộ áo dài này của em bé có $20, nên được chuộng dữ lắm, vì áo dài là chiếc áo truyền thống của người Việt mình mà!”

Bên quán Ô Mai – cái tên nghe là muốn “nuốt nước miếng” – cô bán hàng trẻ trung tên Nhi Âu tất bật mời chào mọi người.

Mặt bằng chật hẹp, hoa phải đặt lên mui trước của chiếc xe để khách chọn. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Quán em mở bán hàng Tết từ đầu Tháng Giêng,” Nhi Âu kể. “Lúc mới mở còn vắng, chứ bắt đầu cuối tuần trước là thấy đông rồi. Vì vậy quán em mở sớm hơn và đóng trễ hơn mỗi ngày hai tiếng, sáng mở lúc 9 giờ, chiều tối thì 8 giờ mới đóng. Vậy mà nhiều khi tới giờ đóng cửa, vẫn có người tới mua hàng.”

Chỉ cần ghé quầy Tết của quán Ô Mai và Đại Lộc là không lo thiếu đồ Tết. Nào là bánh chưng, bánh tét, các loại bánh mứt, chả lụa, chả quế, hạt dưa, bao lì xì, hình những chú trâu xinh xắn để treo tường… Bánh tét có đủ loại, tét nhân thịt đậu, tét nhân chuối, tét chay, tét ba màu…

Chị Mai Trần sửa soạn lại gian hàng Tết trong thương xá Lion Plaza. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Không có thương nhân bán Tết, tìm Tết ở đâu?

Khác với khu thương xá Phước Lộc Thọ ở Westminster, Nam California, thương xá Lion Plaza chỉ có một tầng lầu, là những dãy cửa tiệm nối liền nhau. Những năm trước, đây cũng là khu chợ Tết sầm uất của người Việt.

Chỉ quầy hàng Tết gọn nhỏ trước cửa tiệm Euro Delights Bakery, chị Mai Trần, một nhân viên bán hàng, cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho khách, mỗi lần chỉ được năm người vô trong mà thôi, mà mấy ngày Tết nhu cầu mua bán sẽ tăng, tính tiền không kịp, khách hàng phải giữ khoảng cách, nên hàng Tết được bày thêm ra bên ngoài thế này, để ai muốn thì mua ngay cho tiện, không phải vào trong.”

Ông Hùng Nguyễn chủ quần bán hoa và hàng Tết ở thương xá Lion Plaza. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Biết chúng tôi từ miền Nam đến, chị Mai vui mừng kể chuyện huyên thuyên: “Năm nào ở đây cũng tiếp nhiều khách dưới miền Nam lắm. Mọi năm, các gian hàng bán Tết được bày kín bãi đậu xe, bà con đi mua sắm vui ơi là vui. Năm nay mọi người eo hẹp về tài chính vì đại dịch, nhưng tôi tin tuần sau, ai cũng sẽ phải ra mua ít đồ Tết, không ăn cũng trưng trong nhà cho có không khí ba ngày Xuân. Dù sống xa quê hương nhưng cũng không mất nguồn cội. Mà dù sao, đây cũng là quê hương thứ hai của mình.”

Ở một quầy Tết khác trước cửa tiệm CD Bakery, ông Hùng Nguyễn, chủ quầy, cặm cụi chăm chút những bó hoa lay-ơn cho khách. Ông Hùng bán mai, đào, cúc, sống đời… đủ cả. Gian hàng ngoài trời chật chội, khiến ông phải đặt cả những nhánh đào lên mui trước của xe cho khách lựa. Khi được hỏi chuyện buôn bán Tết nhất năm nay thế nào, ánh mắt ông buồn rười rượi, nhìn xa xăm, ông thốt lên: “Năm nay ư? Thua!”

Chị Minh Lê, người mới sang Mỹ định cư ở San Jose được vài năm, là khách mua hàng, nghe ông Hùng nói thì gật gù: “Ừ, thua là cái chắc, chứ dịch bệnh thế này, ít ai dám ra đường. Thật tội nghiệp cho các thương nhân. Không có những người bán hàng Tết Việt, trên đất khách quê người này, biết tìm Tết ở đâu!”

Tiệm Euro Delights Bakery chỉ cho năm khách vào một lần, và yêu cầu mang khẩu trang khi mua sắm. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Vietnam Town vắng như Chùa Bà Đanh

Quay trở lại Vietnam Town khi phố xá đã lên đèn. Lúc này, các quán ăn đã có khách. Nhiều quán phải đặt các lò sưởi đứng để phục vụ khách ngồi ăn ngoài trời lạnh lẽo.

Quán Phở 90, bánh cuốn Ông Tạ, bún riêu cua Tân Định đều có khách, nhưng rất thưa thớt.

Vietnam Town, một trong những khu sầm uất nhất của Thung Lũng Hoa Vàng, nhưng năm nay, khách khứa thưa thớt đến phát buồn. Buổi tối ở đây, nếu không “mắc dịch” rất đông vui. Nhờ vị trí thuận lợi là nằm sát các xa lộ lớn như 101, 280, và 680, cũng gần trường đại học San Jose State, Tòa Thị Chính, Walmart… nên Vietnam Town càng “hấp dẫn” mọi người.

Quán cháo vịt Thanh Đa trong Grand Century Mall chỉ bán “to go” (đem về).  (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Tết những năm trước, khu này luôn tấp nập xe cộ trong bãi đậu xe,” chị Thu Thủy, cư dân San Jose, cho biết.

“Người Việt mình từ các thành phố lân cận như Milpitas, Sunnyvale, Cupertino, Mountain View, Palo Alto, Freemont tràn về chơi Tết, mua sắm, ăn uống, xem múa lân, nghe pháo nổ… Đặc biệt vào dịp Tết, các khu thương mại của người Việt không còn chỗ đậu xe, nhiều người đậu bên bãi đậu xe của Waltmart, rồi đi bộ qua chợ Tết. Nhưng năm nay chắc chẳng ai bị giấy phạt của Walmart nữa, vì bãi đậu xe của Vietnam Town có rất nhiều chỗ trống. Tha hồ mà đậu nhé,” chị Thủy nói, có thể lòng kém vui, vì không ai muốn nhìn thấy cảnh một khu thương xá… vắng như Chùa Bà Đanh.

Nếu không có chậu mai vàng lớn đặt ở tiền sảnh Grand Century Mall, không ai biết Tết sắp đến, vì nhiều hàng quán đều phải đóng cửa do dịch bệnh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Lại nhớ lời chị Mai Trần, người bán hàng ở Lion Plaza, rất lạc quan nói với mọi người: “Thôi, ráng một năm nữa đi, rồi mọi chuyện sẽ qua mau, chúng ta sẽ lại được ăn Tết tưng bừng, khi đại dịch không còn nữa.” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT