Wednesday, April 24, 2024

Ở Little Saigon, muốn thiết kế sân khấu, phải tìm ông Thống!

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Ông Nguyễn Thành Thống vừa hoàn tất việc thiết kế sân khấu chương trình ca nhạc “Những Ngày Xưa Thân Ái” cho đài SBTN. Trước khi có dịch COVID-19 tại Mỹ, ông cũng thiết kế sân khấu chương trình “Những Người Lính Bị Bỏ Quên” cũng cho đài này.

Ông Nguyễn Thành Thống (thứ hai từ trái) và một góc sân khấu do ông thiết kế. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Khi hỏi trước nữa, ông làm chương trình gì, ông lắc đầu mà không cần suy nghĩ: “Trời. Mấy chục năm trời, làm hàng ngàn chương trình, hết ca nhạc tới hài kịch, tới bi kịch, tới cải lương, làm sao mà tôi nhớ nổi.”

Hồi còn ở Việt Nam, ông Thống làm việc luôn tay. “Từ năm 1980, gần như không có Tết nhất, lễ lộc nào mà tôi được ở nhà hết. Mấy dịp đó tôi càng bận rộn hơn ngày thường,” ông kể.

Tình cờ lạc bước vô nghề

Ông bắt đầu vô nghề từ hồi 1980. Trước đó, ông chỉ vẽ tranh sơn dầu thôi.

Rồi số phận đưa đẩy cho ông trở thành một họa sĩ thiết kế sân khấu một cách hết sức tình cờ. Lần đó, ông về quê ở Phan Rang thăm bạn bè, không ngờ cùng thời gian đoàn kịch Phan Rang đang chuẩn bị dự thi hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Người họa sĩ sân khấu của đoàn kịch bận chuyện khác nên họ phải khẩn cấp tìm  người thay thế.

“Ông giám đốc sở văn hóa Phan Rang biết tôi là họa sĩ ở Sài Gòn ra chơi nên hỏi tôi có thể giúp cho đoàn kịch, hai năm mới có dịp để dự thi,” ông Thống kể.

“Hồi đó tôi hoàn toàn không biết gì về thiết kế sân khấu, chưa từng biết ai làm nghề này mà cũng không biết công việc cụ thể của nghề này ra sao. Mới đầu, tôi chỉ nghĩ có lẽ cũng giống như vẽ sơn dầu, có khác chăng là ở chỗ kích thước lớn hơn tranh treo tường rất nhiều mà thôi,” ông thật thà nói. “Bởi vậy tôi nói ông cho tôi đọc kịch bản để nắm nội dung vở kịch.”

Sở dĩ ông Thống có sự tự tin này vì từ trước đến giờ, ông từng tự mày mò học hỏi trong lãnh vực hội họa.

“Tôi tự học vẽ vì chưa bao giờ được đến trường học môn này hết. Lâu lâu, nếu có dịp thì tôi nhờ các đàn anh như họa sĩ Đỗ Quang Em hay Nguyễn Lâm góp ý để mình chỉnh sửa về màu sắc hay bố cục chứ chưa được ai dạy dỗ hẳn hòi,” ông nói. “Họa sĩ Nguyễn Hữu Thành có dạy tôi vẽ lụa trong vài tháng mà thôi.”

Ông thêm: “Phải nói là tôi học vẽ ở ‘trường đời’ nhiều hơn. Tôi đi coi triển lãm tranh rất nhiều. Mỗi nơi, tôi học hỏi thêm một chút. Chỗ thì về bố cục, chỗ về chủ đề, cũng có chỗ về sự phối hợp màu sắc. Không có thầy, mình phải tự học thôi.”

Trở lại với việc thiết kế sân khấu ở Phan Rang, ban đầu ông tưởng công việc chính chỉ là vẽ trang trí sân khấu mà thôi.

Thiết kế chùa Một Cột của ông Nguyễn Thành Thống. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Vẽ cả nội tâm nhân vật

Rồi ông mới từ từ biết, vẽ trang trí sân khấu cũng mới chỉ là một phần rất nhỏ của nghề này.

Ông hồi tưởng: “Mới đầu, tôi tưởng vẽ là… vẽ thôi nên mớ dám vui vẻ nhận lời. Ai dè khi bắt tay vào việc mới hay rằng vẽ trang trí sân khấu thì dễ, mà vẽ cho nó có cái ‘hồn’ của một vở kịch, thể hiện được nội tâm nhân vật lại là một chuyện khác, khó khăn hơn nhiều.”

Vở kịch đầu tiên ông làm nói về một nhà văn với những suy tư, những khó khăn, thử thách của một nhà văn.

Cũng may, ông được đạo diễn Lê Văn Tĩnh ở Sài Gòn ra làm đạo diễn cho vở kịch giúp đỡ.

“Ông rất tốt nhưng không có thì giờ chỉ vẽ cho tôi một cách tường tận,” ông kể. “Ông Tĩnh chỉ nói một cách khái quát là, ‘Nhân vật chính là một nhà văn, thì càng ít nét vẽ càng tốt, phải lột tả được cái thần thái đó, nhưng chỉ nên gợi ý thôi. Chỉ ‘gợi ý’ thôi chứ nếu mô tả một cách cụ thể quá thì lại không có tính nghệ thuật.’”

Để có một tranh cỡ lớn treo trên sân khấu, ông Nguyễn Thành Thống vẽ bản thảo rất kỹ và chia ca rô thật cẩn thận rồi vẽ theo đó. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Mặc dù còn rất lúng túng với công việc quá mới mẻ đầy thử thách này, nhưng với tâm hồn nghệ sĩ sẵn có, ông Thống hăng hái sáng tạo trong việc thể hiện sân khấu để lột tả tính cách nhân vật văn sĩ của vở kịch.

“Chỗ ở của nhà văn thì ở đâu cũng phải có sách. Giường phải là sách, bàn cũng là sách, cửa ra vô cũng là sách,” ông nói. “Nhưng tôi không thể cụ thể hóa ý tưởng này mà phải lột tả bằng lối vẽ hết sức trừu tượng.”

Ông miên man hồi tưởng: “Tôi rất lo, vì nếu được vẽ một cách cụ thể thì dễ dàng quá. Nhưng công việc này đòi hỏi nghệ thuật. Thay vì vẽ mô tả cái bàn hay cái tủ sách, tôi phải giảm xuống còn ba hay bốn nét thôi.”

Ông nhớ lại: “Ông Tĩnh khuyên tôi rằng nghệ thuật phải rất tế nhị, càng ít nét vẽ càng tốt.”

May mắn đẩy đưa, vở kịch này đoạt huy chương vàng toàn quốc.

Cảm thấy thích thú với công việc này, ông Thống tiếp tục theo đuổi nghề thiết kế sân khấu.

Bức tranh hoàn chỉnh của ông Nguyễn Thành Thống được thiết kế trên sân khấu đài SBTN. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông nói: “Về Sài Gòn tôi tìm ông Tĩnh liền để nhờ ông giúp kiếm thêm việc và cũng để học hỏi thêm. Ông Tĩnh là một đạo diễn giỏi ở Sài Gòn thời đó, với các đạo diễn khác như Đoàn Bá, Huỳnh Nga, và một người nữa mà tôi quen miệng gọi là ‘thầy Phúc,’ đó là ông Nguyễn Văn Phúc. Ông là người đào tạo nhiều kịch sĩ nổi tiếng như Thành Lộc, Minh Nhí, Hồng Vân, Hồng Đào, Quốc Thảo, Ái Như, Mai Trần, Phước Sang…,” ông kể.

“Nhưng càng làm nhiều, tôi mới biết thiết kế sân khấu, vẽ tả chân hay vẽ trừu tượng cũng không thể giống như vẽ tranh. Vẽ tranh, mình thấy được tổng thể bức tranh. Thiết kế sân khấu, mình chỉ thấy từng phần nhỏ cho tới khi treo hết lên sân khấu,” ông so sánh.

Tranh sân khấu ở Việt Nam kích cỡ rất lớn, trung bình ở khoảng 20 mét x 30 mét.

Ông giải thích: “Một ngày trước khi diễn mình mới được trang trí sân khấu. Tất cả ‘phông màn’ mình phải vẽ ở nhà. Đồ cho sân khấu thì quá lớn nên không bao giờ mình thấy hết trước. Ở nhà, tôi chỉ nhìn thấy tranh mình vẽ từng phần ngắn, chừng 1 mét x 2 mét thôi rồi phải vắt qua hàng rào nhà kế bên, Bởi vậy tôi phải vẽ bản thảo rất kỹ và chia ca rô thật cẩn thận rồi vẽ theo đó.”

Ông cười: “Hồi đầu, có nhiều lần tôi thót tim khi treo tranh lên sân khấu cho mấy ông đạo diễn coi. Mình có được thấy trước hồi nào đâu.”

Ông Nguyễn Thành Thống xem lại bức tranh hoàn chỉnh của mình, bởi vì khi thiết kế sân khấu, ông chỉ thấy từng phần nhỏ cho tới khi treo hết lên sân khấu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Tay nghề lên cao

Ông phải tự mày mò mọi chuyện. Ngoài vẽ, ông phải tự học nghề mộc rồi cắt xén từng miếng xốp, dụng cụ để thiết kế. Bao nhiêu kỹ năng, kinh nghiệm đều dần dần đến với ông theo năm tháng.

Làm lâu, ông “nghiệm” cho mình một điều là mỗi bức tranh, bất kể là tranh sân khấu hay tranh treo tường phải có một nét riêng của người họa sĩ. “Bất cứ gì tôi vẽ phải có một ‘điểm nhấn.’ Có thể là một họa tiết, có thể là một sự sắp bố cục hay màu sắc. Phải có ‘điểm nhấn’ thì bức tranh sẽ nổi bật lên, người xem sẽ cảm nhận ngay được,” ông chia sẻ. “Không có ‘điểm nhấn’ thì tranh mình mới có nét đặc biệt.”

Không làm riêng cho nhà hát nào nên bất cứ nhà hát nào trên toàn quốc, ông đều đã đến. “Chỉ cần nói tới nhà hát nào, ở đâu, là tôi biết hết kích cỡ sân khấu liền. Làm ‘riết’ rồi tôi nhớ nằm lòng,” ông nói. “Chỉ có sân khấu ngoài trời là tôi phải tới tận nơi đo đạc kỹ lưỡng.”

Nghề dạy nghề, đến khoảng 2005, 2006, ông được giải thưởng toàn quốc về thiết kế sân khấu hai năm liền. “May mắn thôi chứ tôi nghĩ có người giỏi hơn tôi,” ông nói. “Một phần vì lúc đó, ở Sài Gòn có không tới năm người làm nghề này mà thôi.”

Đi nhiều nơi, ông cảm nhận một điều rất tinh tế là mỗi nơi trong nước, dòng sông có một màu hoàn toàn khác nhau.

Ông Nguyễn Thành Thống vẽ để chuẩn bị dựng cảnh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông phân biệt: “Màu nước ở Hà Nội luôn có màu xanh da trời nhẹ nhàng, trong lúc màu sông ở Huế lúc nào cũng màu xanh lá cây thơ mộng và màu sông nước ở miền Nam có màu vàng đục phù sa hiền hòa. Phải thấy được những sự khác biệt này thì mới vẽ được nét đặc thù của mỗi miền.”

Ông cũng từng đoạt hai giải thưởng quốc tế, một của Philip Morris International và một của Sodis Thụy Sĩ.

Ông Thống là người khiêm tốn nên dù được bao nhiêu giải thưởng, ông vẫn cho là do may mắn thôi. Ông nói: “Tôi không được học tới nơi, tới chốn nên còn thua nhiều người lắm. Chỉ tại mình mê vẽ nên phải vẽ, vậy thôi.”

Ông cho rằng đoạt những giải này là nhờ đề tài ông vẽ chứ không phải do họa pháp của mình.

Ông Nguyễn Thành Thống dựng cảnh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ham thích nghệ thuật, ngành gì ông cũng học, từ đàn guitar, đàn piano đến sáng tác nhạc, tất cả ông đều tự học. “Cái gì mình cũng biết mỗi thứ một chút thôi chứ không chuyên sâu như người có học,” ông phân trần.

Dù biết nhiều bộ môn khác nhau nhưng trong thâm tâm, ông vẫn coi mình là một họa sĩ là chính. Ông nói: “Thiết kế sân khấu là một cái nghề kiếm tiền mà lại còn được vẽ hằng ngày nên tôi thích. Nhưng khi có thời gian, tôi vẫn thích vẽ sáng tác hơn.”

Ngay từ hồi còn nhỏ ông đã mê vẽ rồi.

Hồi mới lên 11 tuổi, ông đã tự tìm tòi học hỏi vẽ tranh màu nước và cũng từng được giải khuyến khích của Mỹ. Về chuyện này, ông cũng cười và thật thà nói: “Thì cũng nhờ may mắn thôi chứ hồi đó còn nhỏ, tôi có biết gì đâu. Thích gì thì vẽ nấy thôi mà.”

Năm 2010, ông cùng gia đình định cư tại Mỹ. Hôn nhân đổ vỡ, ông để vợ con ở Texas, một mình lên đường “giang hồ hành hiệp.”

Ông từng được mời đi làm thiết kế sân khấu khắp nơi trên toàn quốc rồi sau đó qua Nhật.

Sau lưng ông Nguyễn Thành Thống là từng bức tranh rời rạc chỉ 1×2 mét đã thành hình khi ghép lại nhau. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Dừng bước “giang hồ”

“Nhưng rồi khi tới Orange County, tôi không muốn đi xa nữa, chắc tại mình già rồi. Tôi làm ‘phông màn’ cho SBTN trong thời gian mấy năm gần đây,” ông cho biết. “Công việc bên Mỹ không dồn dập như hồi ở Việt Nam, nhưng cũng nhờ vậy mà tôi có thời gian sáng tác nhạc hoặc vẽ cho riêng mình.”

Ông Thống có hàng trăm nhạc phẩm nhưng chỉ mới hoàn tất một CD tên “Em Còn Nhớ Mùa Thu.” Ông nói: “Ra CD tốn kém quá nên tôi không ra nhiều. Vẽ cũng tốn kém nhưng một phần vì tôi thích vẽ và một phần vì ít tốn kém hơn nên tôi vẽ nhiều hơn. Rảnh là tôi vẽ. Vẽ mà bị bí ý tưởng thì tôi chơi nhạc. Cứ vậy mà hết ngày.”

Thiết kế sân khấu là một nghề kiếm tiền nhưng ông Nguyễn Thành Thống vẫn thích vẽ sáng tác hơn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông quan niệm vẽ tranh là làm đẹp cho cuộc đời mà còn có thể để đời cho con cái nữa. “Tiền bạc thì khi có, khi không nhưng tranh ảnh thì lúc nào cũng còn đó,” ông nói.

Ông khuyên mỗi người nên chọn cho mình một đam mê và theo đuổi nó, hết lòng theo đuổi nó. Chỉ có đam mê mới làm cho đời sống có ý nghĩa mà thôi. “Tiền bạc hay danh tiếng rồi cũng hết. Với tôi, tôi chỉ còn mấy bức tranh này là tôi còn giữ được và sau này, còn để lại cho con cái được,” ông bày tỏ.

Nhưng nếu chọn nghệ thuật thì phải làm hết mình, theo ông.

Ông Nguyễn Thành Thống có hàng trăm nhạc phẩm nhưng chỉ mới hoàn tất một CD tên “Em Còn Nhớ Mùa Thu.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông nói: “Tôi luôn luôn cố gắng giữ ‘lửa’ trong lòng để sáng tác được mới mẻ.”

Đây là kinh nghiệm bản thân của ông Nguyễn Thành Thống. Đã có lúc, vì quá bận việc kiếm tiền mà ông quên vẽ một thời gian và khi quay lại, ông cảm thấy rất khó khăn để mà tìm lại hứng thú như xưa. [qd]

  • Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Tân Sửu 2021

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT