Saturday, April 27, 2024

3 khoa học gia đoạt giải Nobel Vật Lý 2020 do tìm ra ‘hố đen’

STOCKHOLM, Thụy Điển (AP) – Ba khoa học gia được chọn trao giải Nobel Vật Lý 2020 hôm Thứ Ba, 6 Tháng Mười, vì đã giúp tăng thêm sự hiểu biết về các “hố đen,” nơi không có vật gì có thể thoát ra trong những khu vực tối tăm nhất của vũ trụ.

Bản thông cáo của Ủy Ban Nobel nói khoa học gia người Anh Roger Penrose, tại đại học University of Oxford, được nhận một nửa số tiền thưởng của giải năm nay, do chứng minh bằng toán học rằng sự hình thành của hố đen là điều rất có thể xảy ra theo như Thuyết Tương Đối của khoa học gia Albert Einstein từng đưa ra nhiều năm trước đó.

Ba khoa học gia được trao giải Nobel Vật Lý 2020, từ trái, Reinhard Genzel, Andrea Ghez, và Roger Penrose. (Hình: Matthias Balk/dpa, Elena Zhukova/UCLA, Danny Lawson/PA via AP)

Hai khoa học gia khác, ông Reihnard Genzel, ở Max Planck Institute, người Đức; và bà Andrea Ghez, ở đại học UCLA, người Mỹ, chia nhau nửa phần kia của giải thưởng “do sự khám phá về vật thể vô cùng lớn lao được nén chặt ở trung tâm dải ngân hà của chúng ta.”

Khoa học gia Ghez vào sáng Thứ Ba nói với hãng thông tấn AP rằng: “Các hố đen thu hút được nhiều sự chú ý vì sự hiểu biết về chúng vẫn còn mù mờ.”

Ông Penrose qua toán học, căn cứ theo Thuyết Tương Đối của ông Albert Einstein, đã chứng minh là việc hình thành các hố đen là điều có thể xảy ra.

Ủy ban Nobel nói rằng: “Cá nhân ông Einstein không tin rằng hố đen, con quái vật khổng lồ nuốt trọn mọi thứ tiến vào nó, và không có gì có thể thoát ra, ngay cả ánh sáng, là điều thực sự hiện hữu.”

Ông Penrose đưa ra chi tiết cuộc nghiên cứu của ông vào năm 1965. Nhưng mãi đến thập niên 1990, khi ông Reinhard Genzel và bà Andrea Ghez, mỗi người hướng dẫn một nhóm các nhà thiên văn khác nhau, bắt đầu nghiên cứu một khu vực tại trung tâm của giải ngân hà, gọi là Sagittarius A, và thấy có điều lạ lùng đang xảy ra.

Cả hai nhóm này thấy rằng: “Có một vật thể cực kỳ lớn, vô hình, đang kéo các ngôi sao khác khiến chúng chạy vòng quanh với tốc độ rất lớn.”

Đó là một hố đen. Và không chỉ là một hố đen thường, nhưng là một hố đen đại khổng lồ, lớn gấp 4 triệu lần mặt trời.

Ngày nay, các khoa học gia biết được rằng tất cả mọi dải ngân hà đều có các hố đen đại khổng lồ này.

Ủy Ban Nobel nói rằng hố đen “vẫn còn đặt ra nhiều câu hỏi, chưa có được câu trả lời và khuyến khích có thêm có thêm các cuộc nghiên cứu.”

Giải thưởng Nobel Vật Lý năm nay, ngoài các huy chương vàng, cũng có số tiền mặt là 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng hơn $1.1 triệu), chia cho những người được trao giải theo quyết định của ủy ban. (V.Giang) [qd]

MỚI CẬP NHẬT