Friday, April 19, 2024

Myanmar thả thêm tù, Hoa Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao


YANGON, Myanmar (AP) –
Chính quyền Myanmar thả thêm một số tù nhân chính trị nổi tiếng ở quốc gia này hôm Thứ Sáu, và đáp lại động thái này, Hoa Kỳ cho biết sẽ tái lập toàn bộ quan hệ ngoại giao với Myanmar sau nhiều năm bị giáng cấp.

Một sinh viên tranh đấu trở về Yangon trong vòng tay bè bạn sau khi được thả khỏi tù hôm Thứ Sáu. Ðáp lại điều mà Tổng Thống Obama gọi là “một bước tiến đáng kể cho việc dân chủ hóa,” Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tái lập toàn bộ quan hệ ngoại giao với Myanmar. (Hình: AP Photo/Khin Maung Win)

Nhiều nhà tranh đấu nổi tiếng, lãnh tụ các cuộc nổi dậy đòi tự do dân chủ từng bị đàn áp thô bạo, một cựu thủ tướng, lãnh tụ các sắc dân thiểu số, nhà báo và thân nhân của nhà cựu lãnh đạo độc tài Ne Win ở trong số những người được thả lần này. Cơ quan truyền thông nhà nước Myanmar nói rằng việc thả 651 tù nhân này là để tạo cơ hội cho họ “góp phần xây dựng đất nước.”

Tổng Thống Barack Obama trong một văn bản gọi hành động ân xá của Myanmar là “một bước tiến đáng kể cho việc dân chủ hóa.”

Ðây là hành động mới nhất trong một loạt các biện pháp nhà nước Myanmar, trước đây gọi là Miến Ðiện, đưa ra để đáp ứng đòi hỏi của Tây phương, kể cả việc khởi sự thương thảo với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi cũng như việc ký kết ngưng bắn hôm Thứ Năm với thành phần phiến quân gốc thiểu số Karen.

Tại Washington, Ngoại Trưởng Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ tái thiết toàn bộ quan hệ ngoại giao trở lại mức đại sứ bình thường.

Từ hơn hai thập niên nay, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Myanmar chỉ có người phó đại sứ xử lý thường vụ, không có đại sứ. Hoa Kỳ giáng cấp quan hệ ngoại giao với Myanmar năm 1990 khi đảng của bà Aung San Suu Kyi đắc cử nhưng bị giới quân nhân ngăn chặn không cho cầm quyền.

Bà Clinton nói rõ là Washington đáp trả thiện chí của Yangon. Bà tuyên bố:

“Như tôi đã nói vào tháng 12, Hoa Kỳ sẽ đáp trả hàng động bằng hành động.”

“Dựa vào những bước tiến đã có,” bà nói, “bây giờ chúng ta bắt đầu.”

Bà Clinton khuyến cáo là việc bổ nhiệm đại sứ là một quá trình kéo dài vì người đại sứ cần được Thượng Viện phê chuẩn.

Myanmar có vẻ cho rằng đến lúc thế giới Tây phương phải có biện pháp đáp ứng thích hợp như tháo gỡ việc phong tỏa kinh tế.

Tuy nhiên Mỹ và đồng minh có thể chờ đợi để xem là thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Myanmar và các nhóm nổi dậy thiểu số có duy trì được hay không, cũng như cuộc thảo luận với bà Aung San Suy Kyi sẽ đi đến đâu và cuộc bầu cử dự trù diễn ra vào Tháng Tư có tự do và công bằng hay không.

“Tôi nghĩ chúng ta đến gần giai đoạn tháo gỡ các trừng phạt của thế giới Tây Phương,” theo lời Monique Skidmore, một chuyên gia về Myanmar tại đại học University of Canberra, Úc.

Tổ chức tranh đấu nhân quyền Human Rights Watch hôm Thứ Sáu đưa ra bản thông cáo cho hay có “bước tiến quan trọng” trong lãnh vực nhân quyền ở Myanmar nhưng nhấn mạnh rằng vẫn còn có tù nhân chính trị bị giam giữ.

Trong khi đó, văn phòng Nghị Sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ khối thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện Mỹ, hôm Thứ Năm cho hay ông sẽ lần đầu tiên viếng thăm Myanmar trong tuần tới.

Ông McConnell sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi và các giới chức chính quyền Myanmar để thảo luận vấn đề cải cách chính trị, quan hệ song phương và an ninh khu vực.

Ông McConnell dự trù đến Myanmar hôm Chủ Nhật và trở về Mỹ hôm Thứ Tư.

Từ năm 2003 đến nay, năm nào nghị sĩ cũng đưa ra đạo luật trừng phạt chính quyền Myanmar và sẽ là một tiếng nói đáng kể trong trường hợp chính phủ Mỹ tính chuyện tháo gỡ các biện pháp trừng phạt. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT