Thursday, March 28, 2024

Chính quyền Hồng Kông lùi một bước, rút lại dự luật dẫn độ

HỒNG KÔNG (AP) – Đặc Khu Trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam, hôm Thứ Tư, 4 Tháng Chín, loan báo chính quyền nơi này sẽ chính thức rút lại dự luật dẫn độ từng khiến gây ra các cuộc biểu tình phản đối trong mấy tháng liền, chấp nhận một trong năm đòi hỏi chính của phía biểu tình, với hy vọng là sẽ chấm dứt được phong trào phản kháng đang ngày càng trở nên bạo động hơn.

Ngoài việc đòi rút lại dự luật, phía biểu tình cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông thành lập ủy ban điều tra việc cảnh sát đàn áp biểu tình, đại xá cho những người chống đối, không gọi các hành động phản kháng là nổi loạn, và tái khởi động tiến trình cải cách chính trị đã bị chặn lại ở nơi này.

Một số nhà lập pháp ở Hồng Kông cảnh cáo rằng nếu chỉ rút lại dự luật dẫn độ thì sẽ không đủ để chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay, vốn ngày càng chú trọng nhiều hơn tới các cáo buộc về hành vi tàn bạo của cảnh sát và đòi cải cách dân chủ.

Bà Lam nói chính quyền sẽ không chấp nhận các đòi hỏi còn lại. Thay vào đó, bà đưa thêm hai thành viên mới vào ủy ban thanh tra cảnh sát để xem xét cách hành xử của nhân viên công lực Hồng Kông.

Người dân Hồng Kông đặt hoa ngoài trạm xe điện Prince Edward, tỏ lòng thương mến những người biểu tình bị cảnh sát đánh trọng thương. (Hình: AP Photo/Jae C. Hong)

Trong đoạn video phổ biến trên truyền hình, bà Lam thông báo “Chính phủ sẽ chính thức rút lại dự thảo để hoàn toàn giải tỏa lo ngại của dân chúng.”

Bà Lam cũng nói rằng ưu tiên hàng đầu của chính quyền Hồng Kông lúc này là “chấm dứt bạo động, duy trì luật pháp và tái lập trật tự xã hội,” nhưng bà cũng đe dọa là sẽ “triệt để áp dụng luật lệ chống mọi hành vi bạo động và bất hợp pháp.”

Học sinh trung học Hồng Kông phân phát truyền đơn kêu gọi bãi khóa trước cổng trường hôm Thứ Tư. (Hình: AP Photo/Kin Cheung)

Theo bà Lam, nay thì ai cũng thấy sự giận dữ của công chúng không chỉ nhắm vào dự luật  và chính phủ của bà sẽ tìm cách có các cuộc thảo luận với những nhóm liên hệ để “giải quyết các bất mãn trong xã hội và tìm giải pháp cho vấn đề.”

Bà Lam hứa là sẽ mời các nhà lãnh đạo cộng đồng, chuyên gia và học giả để tìm hiểu những vấn đề đã có từ lâu trong xã hội Hồng Kông và cố vấn cho chính quyền về phương cách giải quyết.

Sinh viên đại học Chinese University of Hong Kong ở Sha Tin, Hồng Kông, thực tập cách dùng dù tự vệ khi đi biểu tình. (Hình: AP Photo/Kin Cheung)

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp, đã họp với bà Lam trước khi bà đưa ra thông báo này, nói rằng hành động của bà sẽ không đủ làm thay đổi thái độ của dân chúng, nếu không có thêm các nhượng bộ khác.

“Đây là điều đưa ra hơi trễ. Vấn đề nay coi như thay đổi hoàn toàn. Nhiều người dân nay không còn nhớ về dự luật kia, nhưng quan tâm nhiều hơn về tình trạng bạo động gia tăng, và các cáo buộc về thái độ hung hăng của cảnh sát,” theo lời dân biểu Hồng Kông Michael Tien.

Ông Tien nói bà Lam bác bỏ đề nghị của ông trong cuộc họp là có một ủy ban độc lập để điều tra, vốn có quyền gọi các nhân chứng. Bà Lam lấy lý do là ủy ban này sẽ trùng lặp với ủy ban thanh tra cảnh sát hiện nay.

Nữ dân biểu Claudia Mo nói phía biểu tình đòi hỏi tất cả yêu cầu của họ phải được đáp ứng, kể cả việc phải có phổ thông đầu phiếu. Bà nói rằng bà Lam “chắc đã say ngủ trong ba tháng qua” nên không hiểu là phía phản kháng muốn gì.

Đối với dân biểu Mo, “các vết thương này vẫn còn rỉ máu và bà Lam nghĩ rằng có thể dùng vòi nước tưới vườn để dập ngọn lửa đang bùng cháy trên sườn đồi. Đây là điều không thể chấp nhận.” (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT