Friday, April 19, 2024

Đền thờ cổ 400 năm ở Nhật dùng nhà sư người máy thuyết giảng

KYOTO, Nhật (NV) – Một đền thờ cổ 400 năm ở Nhật nay tìm cách tạo sự chú ý của giới trẻ đến Phật Giáo bằng cách dùng một nhà sư người máy để thuyết giảng. Vị sư trụ trì ngôi đền này tin rằng việc dùng “rô bô” sẽ thay đổi bộ mặt Phật Giáo, dù rằng có nhiều người gọi đây là “quái vật Frankenstein.”

Nhà sư người máy này, có tên Mindar, có các buổi thuyết giảng tại đền thờ Kodaiji tại Kyoto, và các nhà sư người thật trong đền này tiên đoán rằng với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), người máy này rồi sẽ có được sự hiểu biết vô hạn, theo bản tin hãng thông tấn AFP hôm Thứ Tư, 14 Tháng Tám.

“Người máy không bao giờ chết, mà sẽ luôn được cập nhật và chuyển hóa,” theo lời nhà sư Tensho Goto nói với AFP.

“Đó là cái hay của người máy. Người máy lưu trữ được mãi mãi và vô giới hạn sự hiểu biết,” theo nhà sư này.

Nhà sư Goto nói thêm: “Với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi hy vọng rằng nhà sư người máy này sẽ phát triển được trí thông minh để giúp con người vượt qua những nỗi khó khăn lớn nhất. Đây là điều rồi sẽ thay đổi Phật Giáo,” theo nhà sư.

Nhà sư rô bô bắt đầu xuất hiện trước các tín đồ vào đầu năm nay, và có thể di chuyển phần ngực, hai tay và đầu.

Tuy nhiên, chỉ có hai tay, mặt và hai vai của người  máy là được phủ bằng chất silicone để cho giống da người.

Trong lúc người máy chắp hai tay lại và có buổi thuyết pháp với giọng nói nhẹ nhàng, người nghe vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng các bộ máy móc của nhà sư rô bô này.

Người máy này là kết quả của sự hợp tác giữa đền thờ Kodaiji và Giáo Sư Hiroshi Ishiguro tại đại học Osaka University, người nổi danh thế giới về lãnh vực robotics, với phí tổn vào khoảng $1 triệu.

Nhà sư Tensho Goto và nhà sư người máy tại đền Kodaiji ở Kyoto. (Hình: AFP)

Trong hoàn cảnh mà tôn giáo nay không còn có được ảnh hưởng gì quan trọng trong đời sống người dân Nhật, nhà sư Goto hy vọng nhà sư người máy ở đền Kodaiji sẽ thu hút được các thế hệ trẻ qua những phương cách mà những nhà sư truyền thống không làm được.

“Người trẻ có lẽ thường nghĩ rằng đền thờ là nơi để làm đám cưới hay đám tang,” theo lời nhà sư Goto, khi nói về sự xa cách giữa giới trẻ và tôn giáo.

“Người máy là một phương cách thích thú để lấp vào khoảng trống đó. Chúng tôi muốn họ nhìn vào người máy và nghĩ tới những điều là sự tinh túy, cốt lõi của Phật Giáo,” nhà sư nói thêm.

Nhà sư Goto cũng khẳng định rằng Mindar không phải là hình thức để câu tiền từ giới du khách.

Việc sử dụng nhà sư người máy để thuyết giảng cũng gặp chỉ trích từ một số người đến thăm ngôi đền này, cho rằng đền đùa nghịch với sự linh thiêng của tôn giáo.

“Người Tây phương là giới có vẻ không hài lòng nhất khi thấy nhà sư người máy,” nhà sư Goto nói và cho biết thêm là về phía khách người Nhật thì phần lớn có phản ứng tích cực. “Người Nhật thường không có thành kiến gì với người máy. Chúng tôi lớn lên với những trang hình hoạt họa với người máy là bạn. Người Tây phương thì nghĩ khác.”

Nhà sư Goto cũng bác bỏ các cáo buộc là đền Kodaiji, nơi được Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron viếng thăm gần đây, có hành vi báng bổ tôn giáo khi dùng nhà sư người máy để thuyết giảng.

“Dĩ nhiên là người máy không có linh hồn. Nhưng đạo Phật không đòi người ta tin vào Thượng Đế, mà là đi theo con đường Đức Phật đã vạch ra. Do vậy, sự hóa thân của Đức Phật để chỉ cho người ta con đường, cho dù là người máy, đống sắt vụn hay một cái cây cũng đều không quan trọng,” theo nhà sư Goto. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT