Thursday, April 25, 2024

Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima và những vấn đề trọng tâm

TOKYO, Nhật (NV) — Lãnh đạo bảy nền kinh tế và dân chủ quyền lực nhất thế giới sẽ tụ họp trong tuần này tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, thảo luận về nhiều vấn đề, từ các quốc gia đang phát triển, các lo ngại về an ninh, bao gồm hành động leo thang căng thẳng từ Trung Quốc, Bắc Hàn và Nga, theo AP tóm lược hôm Thứ Năm, 18 Tháng Năm.

Ông Fumio Kishida (phải), thủ tướng Nhật, đón tiếp Tổng Thống Joe Biden (trái) đến dự hội nghị G7. (Hình: Kiyoshi Ota/AFP via Getty Images)

Nhóm G7 là gì?

Nhóm G7 (Group of Seven) tập hợp bảy quốc gia kỹ nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Năm nay Nhật Bản đăng cai hội nghị thượng đỉnh. Ngoài thành viên bảy nước, hai đại diện của Liên Minh Châu Âu cũng tham gia.

Theo thông lệ trong những năm gần đây, các lãnh đạo của những nước không thuộc khối G7 và các tổ chức quốc tế cũng được tham gia một số phiên họp.

Các bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu, năng lượng và giới tính.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức năm 1975 tại Pháp. Khi đó G7 vẫn còn là G6. Một năm sau Canada gia nhập. Đến năm 1998, Nga gia nhập, tổ chức biến thành G8. Nhưng đến năm 2014, Nga bị trục xuất vì thâu tóm Crimea của Ukraine.

Những quốc gia nào khác sẽ tham dự G7 Hiroshima?

Năm nay, các nhà lãnh đạo của Úc, Brazil, Coromos, Cook Islands, Ấn Độ, Indonesia, Nam Hàn và Việt Nam được mời tham dự, vì Thủ Tướng Fumio Kishida của Nhật Bản muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các nước đang phát triển ở Nam Bán Cầu, cũng như các đối tác và đồng minh của Mỹ.

Tổng Thống Joe Biden (trái) và Thủ Tướng Fumio Kishida (phải) trên bàn họp song phương bên lề Hội Nghị G7. (Hình: Kiyoshi Ota/AFP via Getty Images)

Thị phần các nước G7 trong hoạt động kinh tế toàn cầu giảm xuống còn khoảng 30% so với 50% bốn thập niên trước. Các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đạt được những thành tựu to lớn, làm dấy lên câu hỏi về tầm quan trọng của G7 và vai trò của họ trong việc dẫn dắt nền kinh tế thế giới.

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế, Tổ Chức Tiền Tệ Quốc Tế, Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế, Ngân Hàng Thế Giới, Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Tổ Chức Thương Mại cũng được mời.

Tại sao lại chọn Hiroshima?

Hiroshima là quê hương của ông Kishida. Lựa chọn này nhấn mạnh quyết tâm ưu tiên giải trừ vũ khí nguyên tử và không phổ biến vũ khí nguyên tử trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Con đường giải trừ vũ khí nguyên tử dường như sẽ khó khăn hơn khi gần đây Nga hay đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử tại Ukraine, hoặc các hoạt động phát triển nguyên tử và hỏa tiễn của Trung Quốc và Bắc Hàn. 

Một nhóm người biểu tình chống Hội Nghị G7. (Hình: Yuichi Yamazaki/AFP via Getty Images)

Những vấn đề nào sẽ được thảo luận?

Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Tổng Thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine sẽ tham gia phiên họp qua internet.

Đồng thời G7 cũng thảo luận về các mối đe dọa ngày càng leo thang của Bắc Kinh đối với Đài Loan, cũng như cách giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. 

Để giải quyết sự trỗi dậy của các nước Nam Bán Cầu, bao gồm nhiều thuộc địa cũ của các nước Phương Tây và có ràng buộc lợi ích với Nga và Trung Quốc, G7 sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia này về vấn đề y tế, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng.

Trong một sự kiện bên lề hội nghị, Thủ Tướng Nhật Kishida sẽ có cuộc gặp với Tổng Thống Mỹ Joe Biden và Tổng Thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol nhằm thảo luận về hợp tác an ninh sâu rộng, bao gồm năng lực răn đe nguyên tử mạnh hơn.  (MPL) [kn]

MỚI CẬP NHẬT