Saturday, April 27, 2024

Truyền thông thân Moscow trả tiền biểu tình đốt Kinh Quran ở Thụy Điển

STOCKHOLM, Thụy Điển (NV) – Báo chí Thụy Điển cho rằng Moscow đứng sau cuộc biểu tình đốt Kinh Quran vừa qua, theo nhật báo The Guardian của Anh loan tin hôm Thứ Năm, 26 Tháng Giêng.

Ông Chang Frick, một nhà truyền thông người Thụy Điển, từng làm việc cho đài truyền hình Russia Today (RT) của Nga, đã trả tiền cho ông Rasmus Paludan, một chính trị gia cực hữu người Đan Mạch, để công khai đốt Kinh Quran gần tòa đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Stockhom, nhằm phá hoại nỗ lực vào NATO của Thụy Điển.

Ông Rasmus Paludan, chính trị gia cực hữu, giơ cuốn Kinh Quran đang bốc cháy trong cuộc biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô của Thụy Điển hôm 21 Tháng Giêng. (Hình: Jonas Gratzer/Getty Images)

Ông Frick hiện tại đang điều khiển Nyheter Idag, trang mạng cổ xúy quan điểm dân túy cực hữu, và giữ vai trò điều khiển chương trình trên SD Riks, một đài truyền hình được một đảng chính trị đề xướng chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Thụy Điển bảo trợ.

Cuộc biểu tình đốt Kinh Quran diễn ra hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Giêng, đã gây ra phản ứng dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và khiến tổng thống nước này, ông Recep Tayyip Erdogan, tuyên bố Thụy Điển không nên mong đợi sự ủng hộ của Ankara để trở thành thành viên NATO. 

Truyền thông Thụy Điển khám phá ra rằng ông Frick chính là người trả tiền xin giấy phép biểu tình tại thủ đô Stockholm cho ông Paludan, vốn có song tịch Đan Mạch-Thụy Điển, người dấy lên cuộc biểu tình mang tên “Hành Trình Đốt Kinh Quran.” 

Sau đó, chính ông Paludan xác nhận với báo chí rằng ý tưởng đốt Kinh Quran đến từ đề nghị của ông Frick.

Ngoài ra, nhà báo từng làm việc cho Moscow này khẳng định với ông Paludan rằng tất cả mọi thiệt hại trong cuộc biểu tình sẽ được ông Frick thanh toán.

Ông Frick lên tiếng phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với RT kể từ năm 2014, nhưng xác nhận đã trả tiền cho ông Paludan và tuyên bố ông không tin cuộc biểu tình gây nguy hiểm cho việc gia nhập khối NATO của Thụy Điển. 

Các báo cáo mới nhất cho biết nhà truyền thông cực hữu Frick trả tiền vé máy bay cho ông Paludan đến Thụy Điển, nhưng cả hai ông, Paludan và Frick, đều phủ nhận điều đó.

Dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối trước tòa đại sứ Thụy Điển tại thủ đô Ankara hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Giêng. (Hình: Adem Altan/AFP via Getty Images)

Hồi năm 2019, nhật báo New York Times từng đăng bài về việc Moscow gây ảnh hưởng trên những người mang quan điểm cực hữu như ông Frick nhằm ảnh hưởng cuộc bầu cử tại Thụy Điển.

Lúc đó, ông Frick đang có một mối quan hệ tình cảm với một phụ nữ người Nga và từng khoe rằng đã được gặp ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, khi sang Moscow tường thuật về bầu cử tại đó. 

Ông Frick biện hộ rằng đài truyền hình RT là “thân chủ trả tiền” chứ ông không phải là nhân viên đài này.

Tuy nhiên, truyền thông Thụy Điển moi ra hình ảnh trong một cuộc phỏng vấn cho thấy ông Frick móc trong túi ra một nắm đồng Ruble, tiền Nga, và nói rằng: “Đây chính là chủ nhân của tôi. Đây chính là Putin.” (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT