Wednesday, April 24, 2024

Đề nghị giao công trình phi trường Long Thành cho Trung Quốc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Geleximco, một tập đoàn tư nhân ở Việt Nam, vừa đề nghị thủ tướng giao công trình phi trường Long Thành cho tập đoàn này vì có “quan hệ chặt chẽ với một số đối tác Trung Quốc.”

Theo báo Thanh Niên, ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, tổng giám đốc công ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Tổng Hợp Hà Nội (Geleximco), cho biết tập đoàn này có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Tập Đoàn Năng Lượng Mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng như một số quỹ đầu tư lớn như Tập Đoàn Quản Lý Tài Sản Hoa Dung Trung Quốc – một công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên $250 tỷ, có năng lực và kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực quản trị tài sản và đầu tư; công ty Cổ Phần Đầu Tư Dân Sinh (Trung Quốc); tập đoàn đầu tư lớn tại Hồng Kông như IDG…

Vì vậy, theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, Geleximco đề nghị chính quyền Việt Nam cho phép thực hiện công trình phi trường Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).

PPP là một hình thức cả chính quyền lẫn nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện công trình. Vốn mà chính quyền góp thường được dùng vào việc bồi thường thu hồi đất, giải tỏa nhà để có mặt bằng xây dựng công trình, tổ chức tái định cư, xây dựng các công trình có tính hỗ trợ để giảm một phần chi phí đầu tư, bảo đảm cho nhà đầu tư có lời. Nhà đầu tư sẽ góp phần còn lại để xây dựng, khai thác công trình và chuyển giao quyền điều hành công trình vào thời điểm mà hai bên thỏa thuận. Với PPP, chính quyền có thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn hoặc có thể chỉ định nhà đầu tư.

Trước sự kiện vừa kể, báo điện tử Biz Live cho biết, ông Lê Đình Thọ, thứ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải, nói rằng đó chỉ là đề nghị của Geleximco và doanh nghiệp nào cũng có thể đưa ra đề nghị, còn việc chọn nhà đầu tư thì sẽ phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục đấu thầu sẽ được thực hiện công khai, minh bạch.

Dẫu Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN từng xác định, công trình phi trường Long Thành là “một trong bốn vấn đề quan trọng của giới lãnh đạo đảng CSVN” nhưng từ Tháng Năm, 2015, đến nay, chuyên gia của nhiều giới vẫn tiếp tục khuyến cáo, không nên thực hiện công trình này, bởi vì nó sẽ khiến Việt Nam phải gánh thêm khoản nợ hàng chục tỷ đô la (lúc đầu, tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình được dự trù là $18.7 tỷ, sau đó do thu hẹp quy mô, tổng vốn đầu tư được ước đoán khoảng $15.8 tỷ) trong khi mức độ thiết thực thấp và chẳng có gì bảo đảm công trình sẽ sinh lợi.

Song giống như nhiều dự án khác, không ai có thể ngăn cản việc thực hiện công trình phi trường Long Thành bởi vì đó là “chủ trương lớn của đảng CSVN.”

Tin mới nhất liên quan đến việc thực hiện công trình phi trường Long Thành là Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Đồng Nai mới cho biết, riêng chi phí cho bồi thường thu hồi đất, giải tỏa nhà đã tăng thêm 2,900 tỷ đồng (khoảng $127.6 triệu). Lúc đầu, tổng chi phí dành cho bồi thường được dự trù là 12,000 tỷ đồng, sau đó tăng lên thành 18,000 tỷ đồng, giờ là 25,400 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ có thể chi 5,000 tỷ đồng.

Với một công trình đã được xác định là “chủ trương lớn của đảng CSVN,” trong bối cảnh thiếu trước hụt sau như thế thì đề nghị thực hiện công trình phi trường Long Thành theo hình thức PPP rõ ràng là hấp dẫn. Hình thức này có thể giúp giới lãnh đạo đảng CSVN thực hiện “chủ trương lớn” của mình, nhà đầu tư là ai, nhà thầu từ đâu đến có thể không quan trọng lắm.

Nhắc đến nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc, dứt khoát phải đề cập tới công trình metro Cát Linh-Hà Đông. Đây là tuyến metro đầu tiên trong số tám tuyến metro của mạng metro ở Hà Nội. Theo dự trù thì tuyến metro Cát Linh-Hà Đông phải hoàn tất vào năm 2013 nhưng đến nay nó vẫn còn dở dang. Sau nhiều lần điều chỉnh, giới hữu trách Việt Nam… hy vọng là đến giữa năm 2018 sẽ có thể đưa tuyến metro Cát Linh-Hà Đông vào khai thác thương mại!

Đến giờ, tuyến metro Cát Linh-Hà Đông đã được xác định là điển hình cho hợp tác Việt-Trung về vốn, nhà thầu, công nghệ nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Việc xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Đông giãn dần từ 2013 đến 2018 là vì giới hữu trách Việt Nam không khiển được nhà thầu Trung Quốc.

Ngoài chuyện kéo hoạt động xây dựng như kéo dây thun, nhà thầu Trung Quốc đã đòi nâng vốn đầu tư từ $553 triệu lên $892 triệu. Tuy yêu sách này phi lý, song bất chấp sự can gián của chuyên gia nhiều giới, hồi Tháng Năm vừa qua, chính quyền Việt Nam đã chính thức vay thêm của Trung Quốc $250 triệu để nhà thầu Trung Quốc hoàn tất công trình này. (G.Đ)

FBI bắt công dân Trung Quốc tội tin tặc cơ quan OPM

MỚI CẬP NHẬT