Friday, April 26, 2024

Hầu hết chuyên gia kinh tế ở Việt Nam không ủng hộ ‘tăng thuế’

HÀ NỘI (NV) – “Tại cuộc họp, phần lớn các chuyên gia không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, chỉ có duy nhất một chuyên gia ủng hộ hết mình.”

Tờ Dân Trí hôm 21 Tháng Tám 2017 dẫn lời một chuyên viên kinh tế không nêu tên, được mời tham dự cuộc họp vào ngày 19 Tháng Tám 2017 của Bộ Tài Chính CSVN về “đề xuất tăng thuế” có thể sẽ được áp dụng để giúp nhà cầm quyền Việt Nam đối phó với khiếm hụt ngân sách ngày một nặng hơn.

Cuộc họp có mục đích lấy ý kiến đóng góp của các chuyên viên trong lãnh vực kinh tế tài chính về dự án luật sửa đổi, bổ túc 5 luật thuế gồm thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên.

Thuế Giá Trị Gia Tăng (VAT – Value Added Tax) và thuế tiêu thụ đặc biệt là hay trong những thứ thuế bị nhắm nhiều nhất để giúp chế độ tăng thu ngân sách, nhưng cũng là những thứ bị chỉ trích nhiều nhất.

Cuối tháng trước, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập tổ tư vấn kinh tế gồm 14 tiến sĩ kinh tế trong và ngoài nước tư vấn cho chế độ Hà Nội về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm.

Những ngày gần đây, báo chí trong nước đưa tin Bộ Tài Chính CSVN đề xuất tăng một loạt nhiều loại thuế dù thuế tại Việt Nam đã được coi là rất nặng nề. Dù vậy, vẫn không đủ để nuôi guồng máy cai trị cồng kềnh nên ngân sách năm nào cũng thâm thủng, phải đi vay, phần lớn dưới hình thức bán công trái.

In thêm tiền để bù chi sẽ dẫn đến lạm phát tăng nhanh có thể đến một lúc không kiểm soát nổi, chế độ còn sụp nhnh nữa nên chế độ Hà Nội lâu nay vẫn đối phó thâm thủng ngân sách bằng vay nợ. Hệ quả, nợ công ngày càng tăng. Nay thì nghĩ ra chuyện tăng thuế.

Theo tờ Dân Trí, một trong những chuyên viên được mời họp, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Riêng tôi chưa ủng hộ được vì chưa thấy thuyết phục. Thứ nhất, Bộ Tài Chính chưa đưa ra được thống kê và luận chứng cụ thể nếu tăng VAT thì bổ sung ngân sách được bao nhiều và tác động thế nào tới đời sống người dân.”

Theo ông Hiếu, như ở Mỹ, thuế VAT chỉ đánh vào sản phẩm, hàng hóa ở giai đoạn cuối cùng khi người tiêu thụ bỏ tiền ra mua. Nhưng tại Việt Nam, thuế VAT bị đánh ở tất cả các giai đoạn trong chuỗi cung cấp nguyên vật liệu đến thành phẩm nên thuế sẽ tăng rất cao. Tuy đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên thành 12% mà trên thực tế, qua nhiều gia đoạn chịu thuế, thuế VAT không phải chỉ tăng 2% khi đến tay người tiêu thụ cuối cùng ở Việt Nam.

Theo kinh tế gia Huỳnh Thế Du, chi tiêu ngân sách của Việt Nam “đang rất khủng cho một nhà nước rất cồng kềnh và kém hiệu quả.”

“Người dân đang phải chịu gánh nặng thuế khóa rất nặng nề so với thu nhập của họ. Vấn đề không phải là tăng thuế mà là chi tiêu, chi cho hợp lý, hiệu quả, làm sao giảm được bộ phận biên chế ăn không ngồi rồi,” tờ Dân Trí dẫn lời ông Du nói.

Trên tờ Pháp Luật ở Sài Gòn, ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả của Bộ Tài Chính khuyến cáo tăng thuế có thể phản tác dụng. Theo ông, “Việc tăng thuế gián thu là một biện pháp khá phổ biến trong bối cảnh nợ công cao, ngân sách thiếu hụt nhưng đây không phải là biện pháp duy nhất. Trong bối cảnh Việt Nam, áp dụng biện pháp này thậm chí ngân sách không tăng do thông thường thuế giảm kích thích tăng trưởng tiêu dùng, thuế tăng người dân có thể hạn chế tiêu dùng, mục đích tăng ngân sách sẽ không đạt được.”

Còn theo TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Sài Gòn thì “…nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp trong khi tỉ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28%-29% GDP. Việc tăng VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách ‘vung tay quá trán’ hay các dự án ngàn tỉ ‘đắp chiếu’ và kém hiệu quả.”

Tuần lễ vừa qua, trên một số tờ báo ở trong nước, nhiều chuyên viên kinh tế cũng đã cảnh cáo biện pháp tăng thuế để bù thâm hụt ngân sách sẽ làm cho người nghèo càng khốn đốn hơn nữa. Cả các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng âu lo theo, vì họ sợ dân tiêu thụ buộc phải “thắt lưng buộc bụng” sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất.

Họ cũng đều cho rằng thay vì tăng thuế, chế độ Hà Nội cần phải giảm chi, làm cho guồng máy bớt cồng kềnh hơn, hiệu quả hơn. Năm nào cũng thấy có những phiên họp “tinh giản biên chế” nhưng guồng máy cai trị chỉ thấy một ngày một phình ra to hơn, tham nhũng tồi tệ hơn.

Theo tin tức, trong cái “đề xuất” tăng thuế, người ta thấy chế độ Hà Nội đưa cả trà, cà phê gói nhỏ uống liền là những thứ rẻ tiền vào danh mục phải chịu thuế “tiêu thụ đặc biệt” làm dư luận “bức xúc.”

Giữa tuần trước, người ta lại thấy ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đốc thúc Ngân Hàng Nhà Nước mau chóng “tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân” mà một số chuyên gia kinh tế cho rằng khó khả thi. (TN)

Trần Đại Quang “trên giường bệnh” vẫn ra lệnh “siết an ninh mạng”?

MỚI CẬP NHẬT