Thursday, March 28, 2024

Hoa Kỳ gửi thêm hàng loạt thông điệp Biển Đông cho Trung Quốc

WASHINGTON, DC (NV) – Đô Đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, loan báo năm nay số ngày hoạt động trên biển của hải quân tăng thêm 1/3 là vì thực hiện các chiến dịch ở Thái Bình Dương.

Theo ông Swift, số ngày hoạt động trên biển của hải quân trung bình chỉ 700/năm nhưng năm nay tăng thành 900. Tuy nhiên theo ông, việc gia tăng hoạt động trên biển chỉ là tạm thời.

Những thông tin vừa kể được tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương công bố trong một cuộc họp báo diễn ra tại Trung Quốc, nhân dịp khu trục hạm USS Sterett ghé thăm Trạm Giang – một hải cảng ở tỉnh Quảng Đông.

Theo Reuters thì sở dĩ năm nay, số ngày hoạt động trên biển của Hải Quân Hoa Kỳ gia tăng là vì các hoạt động tại Biển Đông.

Trang web của Bộ Chỉ Huy Khu Vực Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ cho biết, từ 2015 đến nay chiến hạm của Hoa Kỳ mới quay lại thăm Trung Quốc.

Cứ theo những thông tin trên trang web này thì USS Sterett được điều động đến thăm Trung Quốc không đơn thuần là “hữu nghị.”

USS Sterett là một trong hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn có thể điều hướng thuộc một hải đội tác chiến trên mặt biển của Hải Đoàn 31. Khu trục hạm còn lại là USS Dewey.

Hải Đoàn 31 thuộc Hạm Đội 3 nhưng vùng hoạt động của Hải Đoàn 31 giờ là Biển Đông vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của Hạm Đội 7. Nói cách khác, sự hiện diện của Hải Đoàn 31 tại Biển Đông là bằng chứng rất rõ ràng về việc Hoa Kỳ đã điều động thêm cả nhân lực lẫn phương tiện để gia tăng khả năng bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Đông.

Hải Đoàn 31 hoạt động tại Biển Đông với sự yểm trợ của phi đoàn trực thăng 49 – chuyên hỗ trợ hải chiến. Phi Đoàn 49 luôn đồng hành với Hải Đội Sterett-Dewey SAG (Surface Action Group).

Hải Đội Sterett-Dewey SAG hiện là nỗ lực chính trong kế hoạch tuần tra thường xuyên để duy trì an ninh hàng hải và thực hiện các kế hoạch nhằm bảo vệ sự ổn định ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Hai mươi ngày trước khi USS Sterett cập cảng Trạm Giang thăm Trung Quốc (12 Tháng Sáu), hôm 24 Tháng Năm, USS Dewey từng tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa để tuần tra.

Vành Khăn là một trong bảy bãi đá vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo rồi biến đảo nhân tạo này thành một căn cứ quân sự. Theo luật pháp quốc tế, phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo là vùng biển bất khả xâm phạm vì thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu những đảo đó.

Tuy nhiên các chiến hạm của Hoa Kỳ vẫn tiến vào, tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo cả nhân tạo lẫn tự nhiên mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa (Ngày 27 Tháng Mười, 2015, USS Lassen của Hoa Kỳ tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi Subi ở quần đảo Trường Sa. Ngày 30 Tháng Giêng, 2016, USS Curtis Wilbur tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý quanh Tri Tôn – một đảo tự nhiên ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 10 Tháng Năm, 2016, tới lượt USS William P. Lawrence tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa).

Những đợt tuần tra mà Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo tại Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm giữ được xem là sự phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.

Khác với những cuộc tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc xác lập chủ quyền tại Biển Đông, cuộc tuần tra của USS Dewey không chỉ thuần túy là “băng ngang” mà còn “thực hành một số bài tập” – hành động mà các chiến hạm chỉ có thể thực hiện tại các vùng biển quốc tế.

Cần nhắc lại, Hải Đội Sterett-Dewey SAG từng là nỗ lực chính trong cuộc tập trận mang tên Valiant Shield 2014. Đây là cuộc tập trận trong nội bộ quân đội Hoa Kỳ, nhằm thực hành kế hoạch phối hợp giữa hải quân-thủy quân lục chiến, không quân, lục quân để gia tăng khả năng bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ cũng như của các đồng minh, đối tác trong khu vực Thái Bình Dương.

Mới đây, ngày 14 Tháng Sáu, khi điều trần trước Quốc Hội, ông James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, nhấn mạnh các cuộc tuần tra tại Biển Đông là nhằm minh định nỗ lực bảo vệ quyền tự do lưu thông tại khu vực này sẽ không bị tạm ngưng chỉ vì Trung Quốc gia tăng mức độ phản đối. Ông Rex Tillerson, ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhận định các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra bất ổn tại khu vực Thái Bình Dương và vì vậy, có thể kéo Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột.

Trong khi ông Tillerson nhấn mạnh là phải chỉ ra cho Trung Quốc thấy rằng, không thể dùng kinh tế, thương mại làm phương tiện để kéo các đồng minh của Hoa Kỳ ngả về phía Trung Quốc, nhằm tìm hậu thuẫn cho việc giải quyết những bất đồng như vấn đề Biển Đông thì ông Mattis tiết lộ, ông đã thảo luận với ngoại trưởng Hoa Kỳ về hoạt động tuần tra tại Biển Đông.

Cả hai cùng thấy cần tiếp tục hoạt động tuần tra tại Biển Đông bởi vì hoạt động đó minh họa cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trở thành rõ ràng hơn. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT