Thursday, March 28, 2024

Trịnh Xuân Thanh đầu thú, biến Bộ trưởng công an thành hề

HÀ NỘI (NV) – Một ngày trước, Bộ trưởng Công an Việt Nam khẳng định, chưa có thông tin nào về chuyện Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đầu thú thì ngay ngày hôm sau, báo giới đồng loạt loan báo, ông Thanh trình diện công an.

Trong tất cả những tờ báo loan tin ông Thanh ra trình diện công an có cả các tờ báo của ngành công an. Ví dụ tờ Công an TP.HCM khẳng định, ông Thanh đã đến trình diện bộ phận Trực Ban hình sự của Cơ quan An ninh Điều tra, hôm 31 tháng 7, 2017.

Tuần trước, chuyện Trịnh Xuân Thanh quay về Việt Nam “đầu thú”, có nguồn bảo là bị áp giải từ ngoại quốc về Việt Nam đã râm ran trên Internet. Ngày 30 tháng 7, tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết đã hỏi thẳng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam về tin đồn này. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam tuyên bố, ông ta chưa có thông tin nào về chuyện này.

Đó là lý do công chúng bán tin, bán nghi và ngày 31 tháng 7, ông Thanh chính thức “đầu thú”.

Tin ông Thanh đầu thú rất ngắn. Báo giới Việt Nam không cho biết ông Thanh – người đang bị “truy nã toàn cầu” – đã vào Việt Nam bằng đường nào mà giới hữu trách Việt Nam không hề hay biết để rồi ngày 31 tháng 7 ra “đầu thú”.

Người ta cũng không rõ ông Thanh “xâm nhập” Việt Nam vào thời điểm nào. Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, “đầu thú” là một tình tiết để áp dụng sự “khoan hồng”, rất khác với “bị bắt theo lệnh truy nã rồi áp giải về Việt Nam”.

Ông Thanh, 51 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, con một viên chức từng là Phó Ban Dân vận của BCH Trung ương Đảng CSVN. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1990 thì sang Đông Âu “làm ăn”. Năm 1995 quay về Việt Nam và từ đó liên tục được bổ nhiệm làm lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp nhà nước. Năm 2007, ông Thanh trở thành lãnh đạo Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), doanh nghiệp là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trong hai năm 2009 và 2010, PVC liên tục được tặng Huân chương lao động. Năm 2011 được tặng thêm danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Giữa năm 2013, người ta phát giác PVC thua lỗ 3,200 tỉ đồng! Ông Thanh lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của PVC đột nhiên được rút khỏi PVC để về làm Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung. Vài tháng sau, vào đầu năm 2014, Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo điều tra – xử lý các sai phạm khiến PVC thua lỗ nghiêm trọng, nhiều thuộc cấp của ông Thanh bị tống giam, còn ông Thanh thì từ miền Trung quay về Hà Nội làm… Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương.

Năm 2015, ông Thanh được “luân chuyển” về tỉnh Hậu Giang. “Luân chuyển” là bước khởi đầu của tiến trình chuẩn bị cho việc bổ nhiệm các viên chức đã được lựa chọn trước để đảm nhận những chức vụ cao hơn. Trung tuần tháng 6 2016, từ việc ông Thanh đi xe riêng nhưng lại mang biển số dành cho công xa, Tổng Bí thư Đảng CSVN yêu cầu phải điều tra về những vấn đề có liên quan đến ông Thanh.

Ủy ban Kiểm tra của BCH Trung ương Đảng CSVN, thừa nhận, ông Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính về việc PVC thua lỗ và trong khi nhiều thuộc cấp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông Thanh được thuyên chuyển, được qui hoạch vào các chức vụ cao hơn là “vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ”.

Ông Thanh đột nhiên biến mất trước khi bị tước bỏ tư cách đại biểu Quốc hội Việt Nam, bị miễn nhiệm vai trò Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bị xác định là đối tượng cần phải xử lý. Không có ông Thanh, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ Trưởng Bộ Công Thương bị tước hàm Bộ trưởng đã từng mang trước đó. Một số Thứ trưởng các Bộ Nội vụ, Công Thương và viên chức hệ thống chính quyền tỉnh Hậu Giang bị kỷ luật từ… khiển trách tới cảnh cáo vì có đầy đủ dấu hiệu cho thấy đã dính líu tới quá trình thăng tiến hết sức bất thường của ông Thanh.

Đỉnh điểm của sự kiện Trịnh Xuân Thanh là ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN phải ra khỏi Bộ Chính trị và thôi làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Trách nhiệm của ông Đinh La Thăng đối với hàng loạt dự án đầu tư khiến PVN mất vài chục ngàn tỉ đồng coi như đã được “xử lý” xong. Sau khi bị “kỷ luật”, ông Thăng ở lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN làm Ủy viên và bỏ Sài Gòn về Thanh Hóa làm đại diện cho dân chúng tỉnh này tại Quốc hội Việt Nam.

Nay ông Thanh – nhận vật từng được qui hoạch là Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam quay về “đầu thú”.

Có thể sắp tới, noi gương ông Thanh, ông Vũ Đình Duy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PvTex), cũng thuộc PVN – nhân vật sau khi vứt 7,000 tỉ đồng qua cửa sổ thì được chọn, bổ nhiệm làm Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp của Bộ Công Thương Việt Nam, rồi đào tẩu trước khi bị khởi tố, cũng sẽ tìm về Việt Nam “đầu thú” như ông Thanh.

Một số người được xem là am tường chính trường Việt Nam từng nhận định, ông Thanh, ông Duy, ông Thăng là những mắt xích nối với ông Hoàng, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam – mắt xích cuối cùng dẫn tới ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thủ tướng Việt Nam – “trùm của các ông trùm”. Nhận định này chỉ có giá trị tham khảo, không thể kiểm chứng. Lúc này, không thể bỏ qua những đồn đoán trên Internet vì trong nhiều trường hợp, chúng khả tín hơn tuyên bố của Bộ trưởng Công an và chuyện “đầu thú” của ông Thanh là một ví dụ. (G.Đ)


MỚI CẬP NHẬT