Thursday, March 28, 2024

Hãy yên nghỉ trên Đồi Hồng, Hảo nhé!




Bích Huyền viết về người bạn học cũ


 


 


Nhắc đến tên Hồng Hảo thì có lẽ không ai học cùng thời mà không biết.

Hồng Hảo là một người đẹp của Trưng Vương. Vóc dáng thanh thanh xinh xắn, gương mặt đẹp như thiên thần.


 










Hình bìa báo Xuân Kịch Ảnh 1960 với nét bút đề tặng chưa phai của Hảo



Giờ ra chơi, có một lần tôi đứng sau bờ tường hành lang, nhìn xuống sân trường giữa muôn cánh bướm trắng bay lượn, Hồng Hảo như rực sáng khiến ai cũng phải chiêm ngưỡng….

Tôi không học cùng lớp với Hồng Hảo nhưng chúng tôi vẫn thân nhau vì sinh hoạt văn nghệ trong trường, nào ngồi xe hoa của trường diễn hành trong ngày Phụ Nữ Việt Nam (Lễ Hai Bà Trưng), nào đi uỷ lạo chiến sĩ ngoài tiền tuyến, nào dự đại hội Văn nghệ Học sinh Sinh viên,  nhất là những buổi tập hát tam ca với nhau cùng với Tâm Đạt, bản Thanh Bình Ca của nhạc sĩ Nguyễn Hiền.



Yêu ca hát từ thuở học Tiểu học, cho nên tôi nguỡng mộ hình ảnh Hồng Hảo đứng một mình trước micro với ban hợp ca Hạc Thành trong khi chị Thể Tần và các anh Nhật Bằng, Nhật Phượng cùng đứng bên nhau phía xa xa phụ họa theo Hồng Hảo trong ca khúc Được Mùa, Sáng Rừng, Tiếng Sáo Thiên Thai…

Ban hợp ca Hạc Thành của nhạc sĩ Trần Nhật Bằng, ban tứ ca đầu tiên ở Hà Nội với bốn anh em Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo. Có thể nói Ban Thăng Long và Ban Hạc Thành là hai Ban hợp ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.










Từ trái: Bích Huyền, Tâm Đạt, Hồng Hảo


Hồng Hảo và ban hợp ca Hạc Thành  đã để lại những hình ảnh và giọng hát thư sinh rất đẹp trong lòng giới học sinh, sinh viên thời ấy. Nhìn và nghe ban Hạc Thành trình diễn, người ta cảm nhận được nét thanh xuân tươi tắn và không khí rất Hà Nội một thuở thanh bình…

Ban Hợp ca Hạc Thành thêm Hồng Hảo ra đi, ngày nay chỉ còn lại một mình anh Nhật Phượng.

Rời trường Trưng Vương, tôi và Hồng Hảo vẫn thân nhau. Bạn của anh Thế tôi là anh D rất yêu Hồng Hảo, thường nhờ tôi mang ô mai vào trường cho Hảo, nhưng rồi chuyện hai người cũng không thành.  Sau này, người yêu của Hảo (anh Đoàn Đình Nam, là người bạn đời của Hảo) và người yêu của tôi đều học Y khoa. Chúng tôi có những chuyến đi chơi rất vui, khi Biên Hòa, khi Thủ Đức, có cả Đức Hạnh, Kim Hoàng…

Thế rồi Hảo và Nam lập gia đình. Ngày cưới Hảo không thiếu một bạn thân. Anh Nam chuyển lên Đà Lạt, chúng tôi chỉ gặp nhau rất ngắn khi Hảo có dịp về chơi Sàigon.

Mối tình xưa của tôi với người cũ Y khoa có duyên mà không nợ nên đành đứt đoạn. Sang đây, nghe tin anh đau ốm nặng, tôi… “gặp lại” người yêu xưa qua phone, chỉ nghe tiếng anh khóc. Anh nhớ màu son tôi dùng, màu móng tay Pink Cloud tôi sơn…Và tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của anh “đám mây hồng ấy anh không còn nhìn thấy nữa trong đời”. Anh nhắc lại những ngày vui bên tôi cùng với nhóm bạn Trưng Vương, nhất là Hồng Hảo vì anh có chở tôi đến chơi nhiều lần. Và chính anh đã giữ và gửi lại tôi hình chụp hôm đám cưới Hồng Hảo đã vàng úa theo thời gian.









Vào đời, các bạn xưa mỗi đứa  một nơi, lo chuyện gia đình nhưng Hồng Thủy (khi đó ở Cam Ranh) và Hồng Hảo bao giờ cũng liên lạc với tôi. Tôi không thể nào quên những trái mận ròn tan Đà Lạt của Hảo và những con khô mực vùng Cam Ranh ngọt ngào của Hồng Thủy mang về Saigon cho tôi…

Khi tôi theo chồng lên Đà Lạt thì gia đình Hảo lại chuyển về Sài Gòn. Nhưng tình bạn chẳng hề phai cho dù biến nạn 1975. Các bạn tôi ra đi, hình như chỉ có tôi ở lại. Những lá thư, những gói quà vượt đại dương với bao nhiêu nỗi niềm chia sẻ mà tôi nhận được từ các bạn học Trưng Vương…

Năm 1990 tôi sang định cư tại quận Cam Nam Cali. Năm 1992 Hồng Thủy và một vài người bạn mua vé máy bay cho tôi và con gái tôi sang DC tham dự Đại Hội Trưng Vương Hoa Anh Đào.

Có lẽ đây là thời gian tôi sống gần Hồng Hảo lâu nhất.

Khi đó Hảo mới nhuốm bịnh. Năm 1997 đám cưới con gái tôi, Hồng Hảo không tham dự. Mỗi lần Hảo từ Wisconsin về, chỉ hẹn vài người bạn thân ra quán ngồi ăn quà với nhau. Rồi từ đó tôi chỉ nghe tin tức về sức khỏe của Hảo qua những nguồn tin rất xấu từ bạn bè đưa lại, nghe mà ngậm ngùi cho bạn một mình trong nursing home. Đức Hạnh, Hồng Thủy và tôi đã dự định đi Wisconsin thăm Hảo. Gần đây nhất tin tức rất xấu từ những người bạn Trưng Vương: Hảo đã bị cưa chân.

Nghe cứ lạnh cả người ! Và càng thôi thúc chúng tôi phải rủ nhau đi thăm Hảo.

May anh Nam di chuyển về San Diego. Thế là Đức Hạnh và tôi cùng Thảo, Sâm có dịp đến thăm.

Chuyến thăm Hảo thật tuyệt vời!

Những phút giây đầu tiên cả Đức Hạnh và tôi đều hồi hộp đến độ run sợ vì e rằng mình sẽ oà khóc, sẽ …lặng người đi khi nhìn thấy Hảo tang thương.

Cửa mở ra, Hảo ngồi dựa lưng trên ghế nệm salon, hai chân duỗi dài trên một chiếc ghế khác . Một phong cách rất thoải mái. Anh Nam nói rằng Hảo vẫn thường ngồi như thế để xem Paris By Night. Và thường khen giọng hát Bằng Kiều…




Da dẻ Hảo trắng trẻo, hồng hào. Gương mặt trẻ thơ, trong sáng. Nếu hàm răng còn đầy đủ , có lẽ Hảo trẻ hơn những người bạn đến thăm nhiều vì tóc Hảo không nhuộm mà vẫn màu đen. Hảo nhận ra từng người bạn thân thiết ngày xưa. Không tự hỏi chuyện ai nhưng Hảo trả lời những câu hỏi rất ngắn gọn, chính xác.

Đức Hạnh mua mít và trái vải cho Hảo. Hảo chọn trái vải, ăn từ tốn trông rất ngon lành. Khi Hạnh hỏi Hảo thích ăn gì để lần sau đến thăm nấu cho Hảo ăn thì Hảo chọn món bún thang.

Méo mó nghề nghiệp, tôi muốn nghe lại giọng hát của Hảo, của Ban Hạc Thành ngày trước. Anh Nam mở cho chúng tôi nghe. Khi Hảo hát, chúng tôi giả vờ hỏi có phải giọng chị Thể Tần thì Hảo trả lời ngay: Hảo hát đấy. Đến bài anh Nam hát, mọi người khen hay, Hảo nói rằng : Nam hát cũng được thôi!

Điều đó chứng tỏ Hảo rất khiêm tốn. Hảo còn thể hiện rõ hơn khi tôi nhắc lại cuối thập niên 1990 Hảo về Sài Gòn đến nhà thăm tôi. Mẹ tôi khi đó bệnh đã lâu mà vẫn còn nhớ “cô Hồng Hảo, người đẹp nhất Sài Gòn”.

Hảo nghe xong chỉ im lặng.

Khi tôi hỏi anh Nam “các con có ở gần đây?”, anh nói các cháu mỗi tuần đều về thăm mẹ và yêu mẹ lắm. Thế là Hảo tủi thân oà khóc. Tôi dỗ “Hảo đừng khóc nữa, hãy cười lên đi để Bích Huyền nhìn thấy đôi mắt đẹp và cái lúm đồng tiền của Hảo”. Rất trẻ thơ, Hảo cười trong nước mắt. Ai cũng cười theo. Tôi khen mắt Hảo còn đẹp lắm, má lúm đồng tiền dễ thương lắm. Hảo trả lời “Huyền cũng đẹp vậy!”

Hảo lại một lần khóc nữa khi chúng tôi từ giã ra về. Chúng tôi đành phải viện cớ về nhà lấy quần áo thì Hảo nói ngay “mặc quần áo của Hảo”…

Hơn hai giờ đồng hồ bên Hảo, chúng tôi cảm thấy thật vui.

Hảo vẫn là Hảo trong tình thương yêu của anh Nam, của các con cháu.

Anh Nam nói rằng “chỉ khi nào tôi vào nursing home thì Hảo mới vào”.

Tất cả những lời đồn đại về Hảo, về anh Nam đều hoàn toàn sai lạc.

Anh Nam vẫn yêu thương và săn sóc Hảo. Là bóng mát che chở Hảo mùa hè, là ấm áp ấp ủ Hảo khi trời đông. Thấy ánh mắt Hảo nhìn chồng là thấy hai người hoàn toàn hạnh phúc trong hoàn cảnh an nhiên tự tại.

Chúng tôi ra về, niềm vui hội ngộ còn giữ mãi…




Lòng tôi giao động khi sau này nghe anh Nam kể rằng, có đêm Hảo chợt hỏi anh Nam “Bích Huyền đâu? Đức Hạnh đâu?”

Tôi tự hứa sẽ đến thăm Hảo nhiều hơn.

Lời hứa sẽ không còn thực hiện được nữa rồi. Buổi sáng 3/3/2012 nghe Minh Trân báo tin, bệnh Hảo trở nặng buổi chiều đưa vào nhà thương ngay, nhưng Hảo đã trút hơi thở cuối cùng vào đêm hôm đó.

Hồng Hảo đã đi vào nơi miên viễn, bỏ lại những năm tháng dài trên giường bệnh là một giải thoát nhẹ nhàng, thế nhưng sự vắng mặt của Hồng Hảo trên cõi đời này đã để lại một khoảng trống vắng rộng lớn trong gia đình,  trong lòng bạn hữu bao nỗi tiếc thương.

Nước mắt nào đầy vơi, khóc sao cho đủ, Hảo ơi…

Hãy yên nghỉ trên Đồi Hồng, Hảo nhé!


Bích Huyền



 

[disqus_shortcode_codeable]