Friday, April 19, 2024

Di sản quê hương

Trùng Dương

 

Chị ra đi vào một ngày cuối tháng Tư lúc cộng đồng tị nạn người Việt đang chuẩn bị tưởng niệm 44 năm ngày mất Miền Nam, trong khi các bạn chị ai nấy lòng ngổn ngang phiền muộn. Họ xót cho mình phải bỏ nước ra đi có lẽ cũng đã nguôi ngoai nhiều, song xót cho những người nằm xuống vì tự do, và hơn tất cả là xót cho cả một dân tộc vẫn lam lũ thiếu quyền làm người tối thiểu, và một đất nước đang bị cầy nát, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng vì lòng tham của người tư bản đỏ.
Cháu Y Sa điện thư cho các bạn mẹ gửi lời chia buồn, viết: “Mẹ cháu ra đi hôm nay, bình an và thanh thản, mọi việc mẹ cháu sắp xếp hết rồi. Mẹ cháu có nói là để bố cháu chờ tới 20 năm – ‘lâu quá’!” Nghe cũng cảm thấy đươc sự bình an và thanh thản của chị, một người vốn kín đáo, thầm lặng và hiền dịu.

Tôi được “thừa hưởng” tình bạn với chị từ phu quân của chị, Anh Lê Đình Điểu (1939-1999), một người bạn văn nghệ rất say mê báo chí. Khi còn sinh tiền, anh đã tiếp tay đắc lực trong việc xây dựng tờ báo nhiều tuổi nhất ở hải ngoại, nhật báo Người Việt. Tiếc anh mất quá sớm, lúc mới 60 tuổi.

Liên lạc với chị không dễ vì chị có một đặc tính, đó là rất bình thản dửng dưng đối với kỹ thuật hiện đại: không dùng computer, không có e-mail và không cả điện thoại lưu động. Chỉ có thể liên lạc với chị qua điện thoại dây, và chị dặn đừng gọi chị sau 9 giờ tối đấy nhé.

Tôi may mắn có dịp đến chơi và nghỉ lại một đêm và hàn huyên với chị (cũng chỉ đến 9 giờ tối thôi) trong một chuyến nam du giữa thu năm ngoái tại căn nhà ở một thị trấn nhỏ trong Quận Los Angeles, ít người Việt, mà anh chị mua và ở từ ngày sang Mỹ định cư đã mấy chục năm. Cũng dịp này tôi có cơ hội nhìn thấy một bức ảnh rất đặc biệt của chị do các con chị chụp lại từ một trang báo của National Geographic lồng khung tặng chị treo trên tường. Tôi xin chị số báo, rồi vào lục trong văn khố của Nat Geo, và in nguyên bài báo có hình chị gửi cho cháu Y Sa nhờ chuyển cho mẹ.

Đó là số báo Nat Geo tháng 10, 1961, có bài tường thuật dài 45 trang về Việt Nam, tựa đề “South Viet Nam Fights the Red Tide” (Nam Việt Nam Chiến Đấu Chống Làn Sóng Đỏ) của Peter T. White và hình ảnh của W.E. Garrett. Trong phần hình ảnh, nơi trang 458, có một bức hình chiếm nguyên chiều dài của trang báo chụp một thiếu nữ mặc áo dài có vẻ là lụa, mầu cam, quần trắng, dép hay guốc quai Nhật cùng mầu, đầu đội nón lá có quai cùng mầu, thong dong phóng xe Velosolex trên một đường phố Saigon rợp bóng lá cây, tà áo sau có mép cột vào yên sau lộng gió phất phới. Chị hoàn toàn không biết nhiếp ảnh gia Garrett đang nhắm ống kính chụp chị. Cho tới khi một bà giáo người Mỹ (chị du học tại Mỹ sau đó) thấy hình, nhận ra chị, cắt cho chị trang báo đó.

Chị Dung, trái, trên một con đường ở Saigon, không biết là nhiếp ảnh gia W.E. Garrett đã chụp hình chị và in trên số báo National Geographic tháng 10 năm 1961, đi kèm với bài “Nam Việt Nam Chiến Đấu chống Làn Sóng Đỏ” của Peter T. White. (Screenshot TD)

Cũng bài báo đó tôi mở ra xem sau khi nghe tin chị đã mất. Dừng lại ở trang báo có hình chị, tôi lặng nhìn, ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì không còn có thể bốc điện thoại chuyện trò với chị – một cảm giác hụt hẫng của một người vừa mất đi một người thân mà tôi đã từng trải qua.
Và nhất là vì cái không khí cận ngày 30 tháng 4 đã khiến tôi không thể không nghĩ nhiều tới thân phận quê hương Việt Nam long đong đã trên nửa thế kỷ từ sau ngày lấy lại được độc lập từ tay Pháp, mà lẽ ra phải là xây dựng và vươn lên với thế giới loài người mới phải. Thêm vào đó là hoài niệm về những gì đã diễn ra xung quanh cái thời điểm có thể nói là mấu chốt trong đó bức hình của chị mà Nat Geo đã ghi lại.

Tháng 10 năm 1961 khi tấm hình chị đang vô tư phóng xe Velosolex – cái xe mơ ước của những cô thiếu nữ thời đó – trên một con đường rợp bóng cây ở Sài Gòn được phổ biến là lúc quốc gia non trẻ Việt Nam Cộng Hòa đang được hưởng một thời kỳ thái bình nhất kể từ sau cuộc di cư 1954 của trên một triệu người Bắc, trước khi bị đẩy vào một cuộc chiến tàn khốc do Cộng sản Bắc Việt phát động qua các đặc công và tay sai nằm vùng.

Những năm sau đó cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, mặc dù chiến tranh khốc liệt và khủng bố không ngừng của Việt cộng, chỉ trong một khoảng thời gian vỏn vẹn có 20 năm, VNCH đã thực hiện được nhiều thành quả đáng kể ở nhiều lãnh vực, từ chính trị, luật pháp, kinh tế, nông nghiệp, xã hội, giáo dục, văn học nghệ thuật và, đặc biệt quân sự do chỗ phải tự bảo vệ trong khi xây dựng đất nước. Được như vậy là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Hoa Kỳ, bên cạnh sự tiếp tay của các nước trong khối Tự do, và dưới sự lãnh đạo của những nhân vật còn nhiều lý tưởng và một nước Mỹ hùng mạnh sau chiến thắng Thế chiến thứ hai, lại là quốc gia đã giúp lục địa Âu châu xây dưng lại trên những đổ nát, kể cả hai nước đã thua trận là Đức và Nhật.

Những thành quả VNCH không phải là những cao ốc, khu đô thị, trung tâm nghỉ mát hào nhoáng mầu mè xây dựng trên sự phá sản lầm than của người dân bị cưỡng chế đất đai, mà là những di sản tinh thần bất biến của dân tộc, tồn tại cách này hay cách khác để chờ ngày đất nước được phục hưng và bình thường hóa, mặc dù những nỗ lực xóa bỏ, hủy diệt của người cộng sản từ sau khi chiếm được Miền Nam.
Nổi bật nhất phải kể là nền giáo dục của VNCH, một nền giáo dục dựa trên ba nền tảng chỉ đạo: Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng. Dạo ấy VNCH đã nhận những trợ giúp tích cực của chính phủ Hoa Kỳ qua các chương trình hợp tác của các trường đại học Mỹ. Trong số đó có Đại học Tiểu bang Michigan giúp VNCH tái tổ chức và điều hành các hệ thống công lập; Đại học Nam Tiểu bang Illinois giúp huấn luyện các giáo viên tiểu học; Đại học Ohio trong việc thiết lập hệ thống Trung học Tổng hợp; và Đại học Wisconsin/Stevens Points tiếp tay khai triển hệ thống giáo dục cao cấp.(*)

Kết quả là Nam Việt Nam đã, sau 20 năm, thiết lập và phát triển được nhiều cơ sở giáo dục như các trường trung học tổng hợp, hệ thống đại học cộng đồng, hệ thống trắc nghiệm và thẩm định, các đại học huấn luyện giáo chức. Trừ các trường do tư nhân đứng ra thiết lập, còn tất cả các trường công, từ tiểu học tới đại học, hoàn toàn miễn phí.

Gần dây trên Internet, tôi thấy xuất hiện những bài viết nói lên niềm tiếc nuối đối với hệ thống giáo dục của Miền Nam. Điển hình là bài khá dài và chi tiết, tựa là “Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến,” về hệ thống giáo dục của Miền Nam.(**) Nhiều người trẻ trong nước cũng đã bầy tỏ niềm nuối tiếc đã không được lớn lên trong môi trường đó.

Nhờ giáo dục phổ biến và phần lớn miễn phí, số học sinh, sinh viên gia tăng, nhu cầu sách vở cũng nhờ vậy mà tăng trưởng, tiếp tay đẩy mạnh các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có các ngành thuộc văn học nghệ thuật.

Lại nói về văn học nghệ thuật, có thể nói chưa có thời kỳ nào trong văn học sử nước ta mà văn học nghệ thuật lại phát triển như dưới thời VNCH. Trong vòng có hai thập niên mà Miền Nam cho ra đời trên 200 nhà văn, nhà thơ thì vô số kể, sách vở đủ lọai, sáng tác, tham khảo, dịch thuật, kể cả sách của ông tổ Mác-xít Karl Marx, in ấn nhiều không kể siết khiến khi người cộng sản khi phát động chiến dịch đốt sách Miền Nam sau 1975 thì chỉ có thể đốt vài đống tượng trưng. Số còn lại đã được tẩu tán, cất giấu bởi nhiều người, trong đó một số không nhỏ là từ Bắc vào. Thay vì giải phóng Miền Nam, chính họ mới thấy là mình được giải phóng.

Những người làm văn học Miền Nam không những phát triển mà còn mang theo, nuôi dưỡng mảng văn học nghệ thuật tiền chiến bên cạnh những tác phẩm văn chương cổ điển khác của cha ông đã bị cộng sản khước từ, bức tử khi họ chiếm lãnh miền Bắc vào năm 1954. Và giáo dục Miền Nam cũng lại đã tiếp tay đưa những tác phẩm này vào chương trình giáo dục để các thế hệ trẻ có dịp thấm nhuần các tư tưởng hay, đẹp, cao kiến của tiền nhân.

Đấy là chưa kể di sản ca nhạc phong phú của VNCH mà nhiều người trẻ trong nước hiện cũng đang hát. Tôi thực không hình dung nổi một đời sống của chúng ta từ trên 40 năm nay ở hải ngoại mà không có những bản tình ca của các nhạc sĩ một thời Cộng hòa. Tôi xin ghi ơn các anh chị ca nhạc sĩ.

Ngày 30 tháng 4 năm nay tôi xin thắp một nén hương cho những người đã nằm xuống vì tự do, trên các chiến địa, trong các trại tù “cải tạo,” trên đường vượt biên vượt biển.

Nhưng tôi không coi mình là người mất quê hương vì những di sản dân tộc vẫn còn đó.

***

Từ tưởng nhớ về chị qua tấm hình trên Nat Geo mà tôi cảm hứng viết bài này. Từ đây chị sẽ sống mãi trong tôi qua hình ảnh của cô gái hồn nhiên trên chiếc Velosolex, biểu tượng của một Sài Gòn hào hứng xây dựng tân quốc gia VNCH trên nền tảng dân chủ thực sự lần đầu ta có được.

Xin chị hãy an giấc ngàn thu.

[TD, 2019-04]

Chú thích:
(*) Đọc thêm về các nỗ lực xây dựng Miền Nam: UC Berkeley nhìn lại 20 năm VNCH xây dựng quốc gia trong thời chiến, https://damau.org/44777/uc-berkeley-nhin-lai-20-nam-vnch-xay-dung-quoc-gia-trong-thoi-chien-ky-12
(**) “Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến,” https://tuxtini.com/2013/12/01/nhin-lai-nen-giao-duc-vnch-su-tiec-nuoi-vo-bo-ben/.

[disqus_shortcode_codeable]