Friday, April 19, 2024

Giã biệt Quỳnh Giao – Nữ Ca/ Nhạc/ Văn sĩ đa tài (1946 – 2014)

 

Trần Củng Sơn 

Mấy tháng trước trong giới bằng hữu ca nhạc có tin là Quỳnh Giao bệnh nặng nhưng không rõ là bệnh gì và bây giờ thì tin tức báo chí đã đăng là người nữ nghệ sĩ đa tài đã ra đi vào sáng sớm Thứ Tư 23 Tháng Bảy, 2014 tại Quận Cam, hưởng thọ 68 tuổi.

Nữ Danh Ca Quỳnh Giao. (Hình: FB Xuân Nguyễn)

Quỳnh Giao tên thật là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang sinh năm 1946 tại thôn Vĩ Dạ, Huế, con của học giả Ưng Quả và nữ danh ca Minh Trang. Cũng xin giải thích thêm rằng thân phụ của bà là dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, theo cách đặt tên của vua Minh Mạng thì con trai các đời kế tiếp lấy họ là Ưng, Hồng, Miên , Bửu, Vĩnh… và con gái lấy họ là Tôn Nữ.

Quỳnh Giao mất cha lúc mới 5 tuổi và cha kế là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Với gia thế đầy chất ca nhạc cho nên đã sớm gia nhập sinh hoạt văn nghệ từ lúc bảy tuổi với tên Đoan Trang và từ năm 15 tuổi dưới nghệ danh Quỳnh Giao, là một trong những giọng hát chủ yếu của nhiều ban nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tiếng Nói Tự Do, và Đài Truyền Hình Việt Nam của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Quỳnh Giao tốt nghiệp Thủ Khoa hai môn dương cầm và nhạc pháp tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn vào năm 1963 và dạy dương cầm từ năm 1968. Di tản sang Mỹ tháng 4 năm 1975, định cư tại Virginia và dời sang Quận Cam từ đầu thập niên 90 cho đến cuối đời.

Quỳnh Giao cùng Mai Hương và Kim Tước thành lập nhóm Tiếng Tơ Đồng, trình diễn nhiều nơi ở hải ngoại và thu âm một số ca khúc vào băng đĩa. Ngoài công việc dạy đàn, trình diễn, Quỳnh Giao còn phụ trách tiết mục Câu Chuyện Âm Nhạc cho báo chí trong nhiều năm. Năm 2011, cuốn Quỳnh Giao Tạp Ghi ra đời gồm nhiều bài viết về ca nhạc tạo thêm tên tuổi văn chương cho người nữ ca sĩ, nhạc sĩ tài hoa này.

Các băng đĩa với tiếng hát Quỳnh Giao đã thực hiện gồm:

01. Quỳnh Giao – Hát Cho Kỷ Niệm I – 1986
02. Quỳnh Giao – Hát Cho Kỷ Niệm II – 1988
03. Khúc Nguyệt Quỳnh – 1992
04. Tiếng Chuông Chiều Thu – 1996
05. Chiều Về Trên Sông – 1997
06. Ngàn Thu Áo Tím – 1998
07. Hành Trình Phạm Duy -1999
08. Hình Ảnh Một Buổi Chiều – 2000
09.Văn Phụng& Hoàng Trọng -2001
10.Thơ Tình Phổ Nhạc -2002
11. Hoa Xuân – 2003
12. Xuân Tha Hương -2005
13. Tình Ca Phạm Duy – 2005

Các Trung Tâm thực hiện:

01. Đêm Tàn Bến Ngự- Tình Khúc Dương Thiệu Tước: Quỳnh Giao- Kim Tước, Mai Ngọc Khánh thực hiện            1995.
02. Tình khúc Văn Cao – Quỳnh Giao- Mai Hương, Mai Ngọc Khánh thực hiện 1985
03. Tìm Nhau Bốn Mùa- Quỳnh Giao- Kim Tước- Mai Hương- Duy Trác; Mai Ngọc Khánh thực hiện 1985

Ca sĩ Jo Marcel dù đang ở Long Beach, nhưng sức khỏe kém và không biết tin Quỳnh Giao qua đời cho đến khi tôi gọi điện thoại phỏng vấn ông. Ông đã từng có phòng trà và trung tâm băng nhạc ở Sài Gòn trước năm 1975 và đã mời ca sĩ Quỳnh Giao thu âm một số ca khúc giá trị với phần hát bè bốn giọng của bốn chị em Quỳnh Giao mà ông đặt tên là ban hợp ca Bốn Phương. Ông bàng hoàng trước tin buồn này và cảm nhận về người nữ ca sĩ có tiếng nói nhỏ nhẹ dễ thương và giỏi về nhạc lý.

Nữ ca sĩ Kim Tước cũng bày tỏ nỗi buồn khi mất đi một người bạn văn nghệ thân thiết, một nhân sự trong ban tam ca Tiếng Tơ Đồng: Kim Tước – Quỳnh Giao- Mai Hương gắn bó mười mấy năm trên nhiều sân khấu hải ngoại. Bà kết giao với nữ ca sĩ Minh Trang cho nên là vai dì và cho rằng Quỳnh Giao tài hoa, thẳng thắn mà cũng dịu dàng.

Nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn Khánh Hồng từng mời Quỳnh Giao hát trong các buổi nhạc hòa tấu thính phòng do anh tổ chức ở Quận Cam với một số ca khúc của Dương Thiệu Tước (Áng Mây Chiều, Ngọc Lan), Cung Tiến (Hoàng Hạc Lâu), nhận xét về giọng ca trong trẻo pha lê (crystal) và cao độ chính xác cùng cách phân câu nhuần nhuyễn và diễn tả điêu luyện cũng như khả năng âm nhạc giỏi của Quỳnh Giao giúp cho sự tập dợt với ban nhạc dễ dàng và sự ăn ý khi trình diễn trên sân khấu.

Nhạc sĩ Phan Anh Dũng ở Virginia, phụ trách trang mạng văn nghệ Cỏ Thơm đã sưu tập nhiều bài viết và tư liệu về Quỳnh Giao và đã đưa ra lời nhận xét : “Quỳnh Giao là một người có thực tài về nhiều khía cạnh nghệ thuật, được nuôi dưỡng trong một môi trường âm nhạc lý tưởng (Mẹ là danh ca Minh Trang, dượng là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước), có chiều dày kinh nghiệm từ ban Tuổi Xanh, ban Tây Hồ, Tiếng Tơ Đồng và từ Quốc Gia Âm Nhạc ngành dương cầm. Quỳnh Giao có giọng ca Soprano, mỏng và có kỹ thuật cao về đơn ca và hát bè.

Quỳnh Giao viết tạp ghi văn nghệ về ca nhạc sĩ Việt và ngoại quốc dễ đọc, dí dỏm, dựa trên kinh nghiệm riêng cộng thêm khảo cứu. Quỳnh Giao nói chuyện lưu loát nên không có vấn đề khi giữ mục “Câu Chuyện Văn Nghệ với Quỳnh Giao” ở Người Việt TV.

Nhà biên khảo âm nhạc Phạm Văn Kỳ Thanh đã có mấy dòng: “Đây là một giọng ca vàng son, quí phái.” Vàng son của một dòng giống quí phái thuộc triều đại nhà Nguyễn, một triều đại vương giả cuối cùng của Việt Nam. Một giọng ca thành danh trẻ nhất so với Thái Thanh, Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước, Mai Hương…từ cái nôi của âm nhạc củaViệt Nam Cộng Hòa là Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Ngoài giọng hát, đôi tay Quỳnh Giao cũng tài hoa không kém vì có một thời là một trong những đệ nhất dương cầm thủ của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Trên đỉnh “vàng son” đó Quỳnh Giao đã chất chứa những kỷ niệm hiếm quí để viết nhiều tạp ghi giá trị về nền âm nhạc miền Nam.

Bây giờ Quỳnh Giao đã là một “quá khứ vàng son”, nhưng quá khứ này không bao giờ mất vì giọng ca, tiếng đàn mãi mãi thanh xuân ghi lại trong băng từ, compact disc. Văn chương của Quỳnh Giao vẫn đọng lại những kỷ niệm âm nhạc quí giá trên trang giấy hoặc e-book. Đó là những gì Quỳnh Giao gửi lại gia đình, bạn bè, người hâm mộ để đi về Cõi Vô Cùng.”

Nhạc sĩ Ngọc Trọng kể lại kỷ niệm đã rất thích thú với những bản tứ ca Mây Bốn Phương trong băng nhạc của trung tâm Jo Marcel thời Sài Gòn trước năm 1975 và nói rằng Quỳnh Giao là một trong ít ca sĩ có khả năng xướng âm và đọc nhạc.

Đã có một số bài viết trước đây về Quỳnh Giao như Tiếng Ca Mở Nẻo Lam Kiều của nhà văn Hồ Trường An “Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ. Cô cũng dùng nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để nữ tính cô được bộc lộ một phần nào. Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong ngần và trắng lóa lóa như pha lê.” Nhà báo Nguyễn Long gọi là “Nàng Công Chúa Của Nền Tân Nhạc Việt Nam.” Nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã viết: “Người ta càng thấy rõ cái vẻ mỏng manh của giọng hát Quỳnh Giao vừa là khuyết điểm vừa là ưu điểm. Nó không chuyên chở được những đam mê bốc cháy, nhưng lại làm cho người ta thấu hiểu được cái đẹp, cái mong manh của đời sống.”

Mấy năm trước Lê Huy có tổ chức đêm nhạc chủ đề Văn Phụng Phạm Đình Chương tại San Jose và mời ban tam ca Mai Hương Kim Tước Quỳnh Giao trình diễn. Lúc tiễn đưa ba người ra phi trường, tôi có dịp củng ngồi ăn phở chung nhưng không hiểu sao tôi lại không có một câu trò chuyện với Quỳnh Giao mặc dù đôi khi đóng vai nhà báo vẫn thích hỏi han mọi điều. Đó là lần duy nhất diện kiến.

Chiều nay ghé nhà sách Tự Lực mua cuốn Tạp Ghi Quỳnh Giao. Đã có đọc phơn phớt từ nhà một người bạn nhưng bây giờ những dòng chữ trở nên đặc biệt hơn vì người viết vừa mới vĩnh viễn ra đi. Mở cuốn sách tình cờ ngay bài Vang Vang Trời Vào Xuân nói về thơ Thanh Tâm Tuyền, có mấy chữ “Mà Phạm Đình Chương không còn nữa, ông mất quá sớm khi vừa qua lục tuần.”  Lòng tôi chợt nghĩ Quỳnh Giao mất ở tuổi sáu mươi tám như vậy có sớm không. Là ca sĩ hát năm chục năm, là cao thủ dương cầm và những năm cuối đời nói chuyện phê bình ca nhạc cùng viết sách để trở thành văn sĩ, Quỳnh Giao quả thật là nữ nghệ sĩ đa tài và đóng góp nhiều vào sinh hoạt âm nhạc của Việt Nam. Giã biệt Quỳnh Giao với lòng mến phục và luyến tiếc.

Trần Củng Sơn

 

[disqus_shortcode_codeable]