Tuesday, April 23, 2024

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Từ áo thụng Luật Khoa đến áo gấm đỏ điền viên

Lê Đình Thông

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc vừa thiên thu vĩnh biệt! Sau ngót trăm năm trồng người, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc (1920-2021) vừa trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Foch tại Suresnes, lúc 6 giờ 5 phút sáng ngày 22 Tháng Mười Một (tức ngày 18 Tháng Mười Tân Sửu).
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc. (Hình: Cáo phó của gia đình)

Giáo Sư Thúc mất đi để lại sự thương tiếc cho nhiều thế hệ luật gia xuất thân từ Đại Học Luât Khoa Hà Nội (1953-1954), Sài Gòn (1954-1975) và các chuyên viên từng theo học với Giáo Sư Thúc tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (Sài Gòn) và Viện Đại Học Đà Lạt.

Trong tác phẩm “Thời Đại Của Tôi” do Người Việt xuất bản năm 2010, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc thuật lại “Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến.” Tác giả sử dụng thuật từ ‘‘thời biến’’ (時 變) là muốn nói đến những biến động lớn của thế kỷ, minh họa 100 năm: Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên (廻狂瀾而障百川). “Thời biến” mà Giáo Sư Thúc nói đến là ‘‘cuồng lan’’ (sóng dữ) và ‘‘bách xuyên’’ (trăm giòng sông cách trở) mà cụ Nguyễn Công Trứ nói đến trong bài hát nói ‘‘Kẻ Sĩ.” Giáo Sư Thúc là hiện thân của Kẻ Sĩ. Các câu thơ trong bài hát nói của Ngộ Trai tương ứng với mỗi thời kỳ trong sự nghiệp của GS Thúc.

1.Phù thế giáo (扶世教) có nghĩa là giúp vào việc giáo dục người đời

Giáo Sư Thúc là phó khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Hà Nội (1951-1954) và sau đó là khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Từ 1951, Giáo Sư Thúc giảng dạy môn Kinh Tế Học tại Đại Học Luật Khoa Hà Nội (1951-1954), Saigon (1954-1975), Paris (1978-1988). Trong hơn một phần tư thế kỷ, nhiều thế hệ luật gia và kinh tế gia Việt Nam là môn sinh của Giáo Sư Thúc. 

Bìa cuốn “Thời Đại Của Tôi” in lại một ý kiến như sau: ‘‘Tác giả từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, nhưng chức vụ đầu tiên và cuối cùng đều là Giáo sư Đại học. Yếu tố này khiến tập hồi ký mang một sắc thái riêng. Tác giả là hiện thân kẻ sĩ: Uy vũ bất năng khuất (威武不能屈).” (LĐT)

2. Sở tồn-sở dụng (所存 – 所用): đem hết tài năng mà cống hiến cho quốc gia dân tộc 

Tháng Mười, 1953, Giáo Sư Thúc lần lượt đảm nhận chức vụ bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên trong nội các Bửu Lộc (Tháng Mười, 1953); thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia (1955-1956); cố vấn Phủ Tổng Thống (1955), đồng tác giả “Phúc Trình Staley – Vũ Quốc Thúc,” trưởng nhóm Nghiên Cứu Kế Hoạch Hậu Chiến (1963), quốc vụ khanh trong nội các Trần Văn Hương (1968), quốc vụ khanh đặc trách Tái Thiết và Phát Triển trong nội các Trần Thiện Khiêm (1971).

Trong suốt thời gian đảm nhiệm công vụ, Giáo Sư Thúc cầm chính đo để tịch tà cự bí (辟邪拒詖): trừ những điều gian tà, ngăn những điều bất chính.

Giáo Sư Thúc đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên lúc 33 tuổi. Chính phủ Bửu Lộc là nội các thứ sáu tính từ năm 1948. Giáo Sư Thúc có công trong việc chuyển đổi việc giảng dạy từ Pháp ngữ sang tiếng Việt.

3. Khí hạo nhiên (氣浩然) bao trùm lên tất cả trời đất

Hành trình thiêng liêng ‘‘khí hạo nhiên’’ của Giáo Sư Thúc khởi đi từ trung tâm Fatima Bình Triệu. Sau ngày miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, ngày 13 Tháng Tám, 1976, Giáo Sư Thúc đạp xe đạp đến Fatima Bình Triệu dự thánh lễ 11 giờ do Linh Mục Nguyễn Văn Lập cử hành.

Theo lời Giáo Sư Thúc, bữa đó trời mưa mây mù. Bỗng dưng bức tượng Đức Mẹ rực sáng. Giáo Sư cảm thấy rợn người như có sự hiện diện vô hình. Ông cầu xin Đức Mẹ cho gia đình sớm thoát khỏi cảnh “cá chậu chim lồng.” Ngay tối hôm đó, đài BBC loan tin người bạn đồng khoa là Giáo Sư Raymond Barre được bổ nhiệm làm thủ tướng. Giáo Sư Thúc cảm thấy Đức Mẹ đã nhận lời. Nhờ sự can thiệp của thủ tướng Raymond Barre, gia đình Giáo Sư Thúc đã được sang Pháp.

Ngày 12 Tháng Mười, 1997, Giáo Sư Thúc hành hương ở Fatima (Bồ Đào Nha). Ông xin Đức Mẹ cho trưởng nam là ông Vũ Quốc Lưu có con nối dõi tông đường và thứ nữ là bác sĩ nha khoa Vũ Thái Vân có tin mừng. Lạ lùng thay, chín tháng mười ngày sau, Giáo Sư có cháu nội là Guillaume Vũ Quốc San và cháu ngoại là Vivian Đào Vũ Kim Anh.

Tên Kim Anh là do Giáo Sư Thúc đặt cho: Kim: vàng (金); Anh: ngọc (瑛) là muốn nói người cháu yêu quý như vàng ngọc. Cả hai đều sinh trong Tháng Tám có ngày lễ Đức Mẹ (15 Tháng Tám), chỉ cách nhau một tuần.

Ngày 8 Tháng Hai, 2012, vị giáo sư khả kính đã giữ trọn lời hứa với Đức Mẹ. Ông lãnh phép thánh tẩy tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Người đỡ đầu là một học trò cũ (LĐT).

Ngày nay, nhà thờ Fatima Bình Triệu (xây năm 1966) đã bị phá hủy để xây các cơ sở của Đại Học Luật Khoa. Tuy nhiên, người ta không có cách nào triệt hạ tháp chuông và bàn thánh. 

4. Này này sĩ mới hoàn danh (还名)

Trăm năm của Giáo Sư Thúc là hiện thân kẻ sĩ. Cả cuộc đời có thể tóm lại giống như bố cục một bài hát nói, với lá đầu, xuyên thưa là những ngày còn ở Nam Định. Tiếp theo là câu thơ nhập thế ở Hà Nội, xuyên mau trong năm tháng dài dạy học, rồi là dồn, là xếp. Sau cùng là những ngày nghỉ hưu tại tư gia. Nơi đây có tấm bình phong cổ nói lên tâm nguyện của Giáo Sư Thúc ấp ủ từ quê nhà, vừa là lượng (Thiên 千 ; Vạn 萬) của một kinh tế gia ; lại vừa là phẩm (Tuế 嵗 ; Xương 昌) của một giáo chức đại học, cầu mong tương lai ớc/nhà, cả hai đều được tươi sáng, chẳng khác gì bài đại cáo của cụ Nguyễn Trãi (1380-1442):

Càn khôn ký bĩ nhi phục thái

Nhật nguyệt ký hối nhi phục minh.

Tấm bình phong của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc viết nguyên văn như sau:

Mai Lan Cúc Trúc Thiên Niên Tuế

Phú Quý Vinh Hoa Vạn Thế Xương.  

Có thể coi câu đối này là những lời vàng ngọc mà Giáo Sư Thúc muốn nhắn gửi con cháu và đồng bào ruột thịt vậy.

Tang lễ Giáo Sư Vũ Quốc Thúc sẽ được cử hành lúc 11 giờ sáng thứ năm 25 Tháng Mười Một, 2021 tại Giáo xứ Việt Nam, 2 Villa des Épinettes – 75017 Paris (Métro : Porte de Saint-Ouen). 

***

Thư và bài liên quan trang Tưởng Nhớ, xin gửi về: [email protected]

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm

Ông Trương Văn Liêu