Cao Đắc Vinh



Để tiếc thương Cao Thị Minh Nghĩa, người em gái duy nhất của tôi.






Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, theo thứ tự là người con thứ tư trong số bảy anh chị em. Sau tôi ba năm là cô em gái nên chúng tôi lớn lên cùng thời… Năm tháng cũ bên nhau, hai đứa sống chung nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong đời.



Vì ở giữa hai thanh nữ, trên có chị, dưới có em do đó đời sống tình cảm của tôi rất phong phú từ thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành. Mẹ tôi cứ ba năm hạ sanh một đứa vì thế bà chị hơn tôi ba tuổi, cô em cũng lại kém từng đó năm. Ảnh hưởng của chị lớn đối với em trai thường khiêm nhường hơn em gái nên tuổi tác sai biệt của em và tôi là động lực môi giới lý tưởng cho những mối tình chớm nở từ hai phía. 



Thời gian tôi vào Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An thì em là nữ sinh Trưng Vương vì vậy ở tuổi dậy thì, mối tình lãng mạn giữa tôi với một người bạn của em nảy nở như bông hoa tím học trò ép giữa trang sách. Trưởng thành lên Đại học là lúc tôi phải xa nhà, xa em và xa cả chuyện tình ngây thơ trong sáng ấy. Tuy xa nhau nửa vòng trái đất nhưng thư tình và thư em đến từ Saigon đã như nắng mùa đông Paris sưởi ấm lòng hoài hương… chờ đợi một ngày về! Dạo đó, hôm nào người đưa thư dừng trước nhà, nếu may mắn có thư “người ấy” hay thư em là tâm hồn tôi vui như mở hội nên dù bận rộn thi cử, tôi cũng gấp sách lại để mở lá thư xanh có mùi hương xưa, hoa lạ ấp ủ từ quê nhà.



Thư em viết chân tình giống như trò chuyện… chữ nghĩa bình dị kể lể đời sống gia đình, tin tức bạn bè ở trường rồi sinh hoạt của các cô cùng lối xóm thật vui nhộn đã là món quà tinh thần quý hiếm cho kẻ xa nhà. Biết anh trai thích nghe chuyện em gái nên mỗi dòng tâm sự của em đều đầy đủ tình tiết dí dỏm. Tôi say mê đọc đi đọc lại nhiều lần, có khi bật cười hay bật khóc bởi tin vui hoặc tin buồn em thông báo. Tuy thư viết có lúc ngắn lúc dài nhưng mười lần như một, khi đọc đến dòng cuối: “xin phép anh ngừng bút và hẹn ông anh yêu quý của em thư sau”, tôi lại thấy hụt hẫng, bàng hoàng trách em sao không viết dài hơn thế nữa! 



Em chào đời sau thế chiến thứ II, khởi đi từ chinh chiến mùa thu, Việt Minh liên kết mọi thành phần chính trị để dành độc lập từ thực dân Pháp. Bố mẹ đắc chí đặt ngay hoài bão ấy vào tên em như muốn chuyển lời hiệu triệu của phong trào Việt Minh lên cao. Phải chăng là điềm gở vì phận gái giữa thời loạn, lại trót mang cái danh nghĩa chính trị bề ngoài lý tưởng mà bề trong giả dối nhằm thủ tiêu, giết hại thành phần Quốc gia chân chính nên đời em cũng thăng trầm như vận nước nổi trôi?



Sinh nhật em mùng 5 tháng 1, ngày cưới Thứ Bảy 1 tháng 5, 1976 và lạ lùng thay Chủ Nhật ngày 1 tháng 5, 2016 cũng là ngày em về nước Chúa… Ba thời điểm quan trọng của đời người bị đảo ngược vì trùng hợp! Lẽ ra tôi nên gọi là Chúa Nhật cho linh thiêng tỷ như em đã hẹn về đúng “ngày của Chúa”! Em vừa nằm xuống sau hơn sáu thập niên đã đến cõi trần… tiếng khóc o eo chào đời hòa cùng tiếng súng Việt Minh khởi nghĩa lúc vận nước đang hồi ngả nghiêng. Giã từ “cõi tạm”, đời em tuy đã yên nghỉ nhưng vận nước vẫn còn đó nỗi buồn! Chết “linh” xin em hãy phù hộ nước Việt mình sống “hiển”, qua cơn bỉ cực một lần giống như em là điều 90 triệu đồng bào đang mong chờ. 



Sáng nay nhìn trời đổ mưa, lòng tôi chùng xuống vì nhớ em nên muốn viết lại quãng đời “lịch sử” ví như duyên kiếp mà chính tôi là nhịp cầu đã dắt em qua… Kỷ niệm thuở ban đầu bao giờ cũng đẹp, sau tình yêu còn có tình anh em cùng chung bọc mẹ sinh ra… một thời gặp gỡ, yêu thương, giận hờn rồi vĩnh biệt. 



Trong “Chuyện Kể Đôi Mắt Người Sơn Tây” viết tặng em, tôi đã trình bày cuộc đời hai đứa với nỗi nhọc nhằn ở quê Sơn Tây lúc còn tấm bé trong vòng tay che chở của mẹ khi lính Lê Dương về làng hãm hiếp: “Tín lập gia đình với Cam, người cùng phố Hậu An và có được 5 người con. Đứa con gái út vừa ra đời vào dịp Tết Kỷ Sửu cách đây vài tháng, vợ chồng đặt tên là Minh Nghĩa để kỷ niệm ngày Việt Minh khởi nghĩa. Hôm nay, Cam cũng ngồi thổi cơm giúp mọi người mặc dù không ra đồng canh tác vì thể lực còn yếu sau khi sanh nở. Một tay ẵm đứa bé gái ghì sát vào ngực, một tay dắt thằng con trai tên Vinh vừa tròn ba tuổi, Cam đưa mắt nhìn chồng e ngại, cứ nhìn lên rồi lại cúi xuống xem chừng hai con nhỏ như đoán trước hiểm nguy sắp ập đến với gia đình mà tấm thân nhỏ bé của nàng đành an phận buông xuôi và cam chịu như tên gọi của mình..”



http://binhtrung.org/author/post/3752/1/cao-dac-vinh-vietbao-com 



Năm 54, hiệp định Genève ký kết, gia đình di cư, tuổi thơ cùng lớn lên ở miền Nam. Em ngây thơ xinh đẹp nên mấy đứa bạn tôi hay lui tới nhà, có khi chỉ đậu xe trước cửa trò chuyện dăm ba câu rồi lại đi! Mục đích là thăm tôi nhưng thật ra cũng để nhìn trộm và tìm cơ hội quen em. Ngây ngô tôi chẳng để ý khi bạn mình hay đảo mắt nhìn vào phía trong nơi có em qua lại… Thế rồi mọi điều vỡ lẽ khi tôi đi du học vì em thấy các anh ấy vẫn thường trở lại, lấy cớ muốn biết tin tôi ở xa nhưng thực tâm là để thăm em ở gần. Về lâu về dài chẳng còn úp mở, thỉnh thoảng tôi nhận thư họ tâm sự… muốn yêu thương, chăm sóc em trong lúc tôi vắng nhà như một cô em gái “nuôi” dễ mến. Tuổi thiếu nữ trăng tròn mà mấy anh trai vồn vã tình nguyện dạy em học, dắt đi phố vào những dịp Saigon nhộn nhịp lễ Tết hẳn cũng làm em vui cho dù tình yêu thuở đó vẫn còn trừu tượng chưa định nghĩa.



Ai biết trước được dòng đời sẽ trôi về đâu? Vài năm sau, em lên đường sang Mỹ du học nên đành bỏ lại tất cả tình xưa nghĩa cũ. Từ Paris tôi sang New York gặp em năm 72, ngẫu nhiên được tham dự Đại hội Hè do sinh viên Việt Nam tổ chức vì em là một thành viên. Em bấy giờ khôn lớn, xinh tươi như đóa hoa xuân vừa nở nụ, tỏa hương thơm ngát làm đàn ong, cánh bướm dập dìu xung quanh không biết mỏi! Tôi hoa mắt, hãnh diện về cô em gái bao nhiêu thì yêu thương em bấy nhiêu…



Năm em ra trường, tôi nhận được lời nhắn: “Trước khi xin việc đi làm, anh cho em thăm nước Pháp rồi sau này chết cũng hả lòng! Từ lâu, em mơ đến Paris mà chỉ biết qua âm nhạc và sách vở… Tháp Eiffel, sông Seine với những cuộc tình em từng nghe nhưng chưa bao giờ thấy…”. Không chờ đợi, tôi mua ngay vé khứ hồi New York – Paris qua hãng Air France để em đi Pháp. Thời gian đó, tôi đang làm việc ở tỉnh nên đến Paris đón em tại phi trường Charles De Gaulle. Tôi nhớ mãi hôm ấy là 11 giờ sáng Thứ Bảy, ngồi uống cà phê tại một quán nhỏ có hai hàng ghế xếp dọc trên hè phố St Michel gần vườn Luxembourg để đợi giờ máy bay hạ cánh vào lúc xế trưa.



Người Paris có cái thú tiêu khiển là ngồi vỉa hè, uống tách cà phê expresso… để hồn bâng quơ nhìn khách bộ hành. Tôi lấy một bàn, thảnh thơi ngắm người đẹp qua lại với niềm vui sắp đón cô em gái đáng yêu. Bất ngờ, ngẫu nhiên chẳng hẹn mà gặp, tôi vừa thấy bóng dáng người bạn cũ cùng trường năm xưa ở Pháp bước ngang qua. Mừng quá tôi gọi với anh ta lại rồi hai đứa ngồi cà phê tâm tình cả giờ không hết chuyện… Được biết tôi sắp ra phi trường đón cô em gái, anh đề nghị lái xe cùng đi để tiếp tục hàn huyên vì lâu năm mất liên lạc và cuối tuần rảnh rỗi.



Phi trường Charles De Gaulle tấp nập với những chuyến bay quốc tế. Em tôi xong thủ tục, bước ra ngoài… Anh em ôm nhau mừng tủi rồi chuyện vui nổ ra như pháo nên quên bẵng giới thiệu với em người bạn đang đứng bên cạnh mỉm cười, mắt nhìn chăm chú, chờ đợi bắt tay chào hỏi làm quen.



Lấy hành lý xong, chúng tôi xuống chỗ đậu xe, bỗng nghe tiếng em vừa la hốt hoảng vừa hí hửng hét lên khi nhận ra chiếc mini Cady năm xưa đang đậu ở lề đường. Cử chỉ thơ ngây ấy đã làm tôi và anh bạn ngạc nhiên, thích chí bật cười… Đây là kỷ niệm ngộ nghĩnh nhất chúng tôi ghi nhận lúc em vừa đặt chân đến Paris. Lý do có thể hiểu vì xa nhà đã lâu, sống ở thành phố xô bồ như New York, chưa lần nào em gặp lại cái kỷ vật xa xưa ấy. Bất ngờ thấy chiếc Cady giữa Paris đã làm khung trời Trưng Vương thời nữ sinh của em trở về… màu áo trắng trinh nguyên, tình bạn bè thân thiết, có tiếng cười ròn tan và tuyệt vời có cả cái nét thơ ngây thuở nào.



Giây phút em bộc lộ kỷ niệm một cách tự nhiên qua chiếc Cady không ngờ đã chinh phục trái tim Don Juan của anh bạn tôi ngay tức thì… Cái cảm xúc tự phát ấy nghe kể thì rất thông thường nhưng thực tế hình như có “ma lực” chuyển được cả lòng người! Nhiều lần tôi tự hỏi khi nhớ đến kỷ niệm khó quên này: “đồng ý đời con gái huy hoàng nhất chỉ vỏn vẹn vài năm sau tuổi dậy thì và nhan sắc em tôi xem như tuyệt đỉnh ở thời điểm đó nhưng một người đàn ông đào hoa và từng trải như anh bạn tôi lại có thể yêu đột nhiên như sét đánh là điều dễ mà cũng khó hiểu?”. 



Bạn tôi bề ngoài trẻ trung chẳng có gì đáng phê phán. Nhân cách anh là một “gentleman” lịch thiệp có duyên ngầm, tính tình hào phóng, con nhà giầu và nhất là học giỏi xuất thân từ một Grandes Ecoles ở Paris. Đi tìm câu trả lời, tôi chỉ có thể thầm nghĩ: “đàn ông nói riêng và con người nói chung thích chinh phục những vật lạ trên thế gian. Thời sinh viên ở Pháp, những cô Đầm là đối tượng thu hút niềm khao khát không thể phủ nhận nhưng sau nhiều năm sinh hoạt thì sự hấp dẫn đó từ mới đã thành cũ! Một lần ra đi, trong tiềm thức kẻ xa nhà luôn ấp ủ tình quê hương non nước và hình ảnh đẹp nhất vẫn là nét ngây thơ độc đáo rất dân tộc qua chân dung người con gái Việt… Cái thơ ngây dụi dàng này người ta còn gọi là duyên khác hẳn với nét mạnh bạo trực tiếp ở người đẹp phương Tây”.



Chuyện khó tin mà có thật! Nghe tôi kể cứ tưởng cái xe Cady chỉ là hư cấu giống chiếc giầy trong sự tích “Cinderella” nhưng đây chính là kỷ niệm một lần giữa chúng tôi… Trưa hôm ấy, xem như định mệnh đã an bài vì sau những ngày hè tại Pháp, em tôi về New York, ngậm ngùi dứt tình với vị bác sĩ đang theo đuổi. Ở bên này do tình yêu thôi thúc, bạn tôi nhanh chóng lấy chuyến bay sang gặp nàng bên New York. Một người bỏ con tim ở Paris, một người gởi trái tim bên New York… Cuối cùng, họ mướn Câu Lạc Bộ đối diện khu vườn Luxembourg làm đám cưới ngày cuối tuần mùng 1 tháng 5, 1976 có sự hiện diện của mẹ tôi và đông đủ bạn bè vào giữa thập niên 70. 



Sau vài năm cùng tôi “ngao du sơn thủy”, “tha phương cầu thực” ở Casablanca miền Bắc Phi, họ lập nhiệp tại tiểu bang Cali, sống an vui hạnh phúc với những thành quả đáng kể như đa số các gia đình trung lưu. Họ có ba người con tốt nghiệp Đại học, hiện làm việc trong ngành Y & Dược khoa. Tưởng rằng với hoàn cảnh thuận lợi sẵn có, hai người sẽ sống già bên nhau… Ai ngờ họ đã chia tay khi em tôi trở thành tín đồ đạo Tin Lành ở giáo phận nam Cali. Ban đầu thì một mình, một đạo, một niềm tin nhưng thời gian sau, em tìm mọi cách thuyết phục chồng con, anh em và cả bố mẹ theo con đường em đi… đến khi thất bại thì giọt nước đã tràn ly! Sau đó, em từ từ xa lánh gia đình và chỉ thân thiết với những người đồng đạo cùng nhà thờ.



Thiết nghĩ đạo nào cũng giúp chúng ta sống ngay thẳng. Hẳn không có đạo xấu mà chỉ có người xấu! Lợi dụng lòng tin tuyệt đối cộng với lời dụ dỗ ngon ngọt, môn đệ dễ trở thành những kẻ cuồng tín đặt hết tương lai vào một viễn ảnh huy hoàng mang tính vĩnh cửu mai sau. Em tôi đã theo đạo như những “con cừu của Panurge” mất hẳn tư duy, chỉ biết nghe và làm theo người khác một cách vô ý thức đến tận cuối đời vẫn còn u mê. 



Nguyên nhân từ đâu chẳng rõ nhưng dưới mắt tôi, em chính là nhân chứng sống cho mối quan hệ bất hảo giữa đạo và đời… Em với tôi cùng tin có đấng Tạo Hóa nhưng khác biệt ở chỗ em học hỏi, đặt niềm tin sắt đá vào một Người, còn tôi thì vẫn đi “tìm” Thượng Đế nên không thể đứng chung cùng hàng ngũ. Ngược lại, tôi “thấy” Phật và xem ngài như một người Thầy đắc đạo, ngài ở trong tôi và giúp tu thân, khai mở tâm trí cho đúng với đạo từ bi, bác ái, hạnh phúc của con người chứ tuyệt đối không thấy phép lạ huyền diệu bao quanh.



Trường hợp của em tôi không hiếm trong xã hội hiện nay. Đôi khi thấy những chùa chiền, nhà thờ ngạo nghễ ở khắp nơi, một người em trai cho tôi ý kiến “chắc phải sửa lại câu Tứ Đổ Tường ngày xưa thành Ngũ Đổ Tường ngày nay”. Bốn tệ nạn xã hội người đời thường châm biếm gồm có “bài bạc, rượu chè, trai gái, hút sách” bây giờ thêm cái “sư cha” vào là đúng với cái cảnh thời đại!



 Đạo là tâm linh, đời là cuộc sống, cả hai đều “vô thường”… Tâm linh cần trong sáng và cuộc sống cần thực tế. Đạo bên đạo, đời bên đời nương nhau mà hành đạo giúp đời… Không nên kết nối hai làm một nếu ta chưa quyết tâm trở thành tu sĩ. Niềm tin luôn luôn là một sự chọn lựa cá nhân. “Cộng” niềm tin đồng nghĩa với Cộng sản sẽ kéo theo tranh chấp, đổ vỡ và đương nhiên thất bại.



Những năm tháng sau cùng, em dị nghị coi tôi như người ngoại đạo “ngoan cố” nên tình anh em mất đi nhiều cảm thông. Kỷ niệm dĩ nhiên cũng nhạt nhòa từ đó! Sáng nay đi dự lễ hỏa táng, tôi thấy vài người khóc nức nở, không sao cầm được nước mắt làm tôi nhớ đến bài thơ của Marie Elizabeth Frye mà một bà giáo sư Anh văn ở trường Nguyễn Trãi năm xưa đã gởi tặng khi nghe tin buồn. Bài thơ “Do Not Stand at My Grave and Weep” viết năm 1932 quả tình rất hay và có ý nghĩa. Marie Elizabeth Frye (1905-2004) là thi sĩ nổi tiếng khắp thế giới với một bài thơ! Nếu ai hỏi “giờ này em ở đâu?”, tôi sẽ không thể nói “em tôi đang ở thiên đàng…” nhưng Marie Elizabeth Frye có câu trả lời bằng những vần thơ:



Do not stand at my grave and weep.

I am not there I do not sleep.

I am a thousand winds that blow.

I am the diamond glints on snow.

I am the sunlight on ripened grain.

I am the gentle autumn rain.

When you awaken in the morning’s hush

I am the swift uplifting rush.

Of quiet birds in circled flight.

I am the soft star that shines at night.

Do not stand at my grave and cry.

I am not there I did not die.



Lời cuối, xin chúc em hưởng mọi phúc lành bên cạnh Chúa như em hằng mong đợi. Thân em một nắm tro tàn rồi đây sẽ tan ở biển Thái Bình như cát bụi trở về hư không nhưng rối ren và hệ lụy còn ở lại cõi trần. Cơn mưa vừa tạnh… Vĩnh biệt em, cô em gái duy nhất với những kỷ niệm một thời đáng yêu! 



05/10/2016